Triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" đã gây xôn xao dư luận với nghi án hàng loạt tranh ở đây được cho là “hàng nhái’. Nổi bật nhất là vụ bức tranh có tên Trừu tượng được cho là nhà sưu tầm gắn tên Tạ Tỵ vẽ năm 1952. Vụ việc bị phát giác khi chính họa sĩ Thành Chương phát hiện đó là tranh của mình.
Xác nhận với Báo điện tử Một Thế Giới, bà Ngô Hương, trợ lý đặc biệt, đồng thời là vợ của họa sĩ Thành Chương cho biết: “Sau 2 ngày nỗ lực tìm kiếm trong kho dữ liệu của gia đình với hàng trăm phác thảo, anh ấy đã tìm ra được bản phác thảo bức tranh vẽ chân dung bà Kim Anh mà anh vẽ vào khoảng năm 1970 – 1975 theo trường phái tranh lập thể”.
Sau khi bức tranh hoàn chỉnh, họa sĩ Thành Chương đem bán cho một người mà ông không còn nhớ tên vì thời gian đã trôi qua gần nửa thế kỷ.
Họa sĩ Thành Chương cùng phác thảo bức Trừu tượng - Ảnh: Ngô Hương.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ ông đã từng thấy bức tranh này một lần trước đó. “Tranh giai đoạn này của Thành Chương màu hơi buồn... Nó không như ngày nay, giai đoạn sau Chương vẽ màu tươi tắn hơn. Ở nhà Thành Chương tôi đã xem trong một đêm trắng 2 va li phác thảo, có cả các bức phác thảo giai đoạn này, không biết bạn còn giữ không? Tôi cũng xin xác nhận đây là bức tranh của họa sĩ Thành Chương”, ông Thọ xác nhận.
Bức tranh Trừu tượng được nhà sưu tập Vũ Xuân Chung mua lại từ ông Jean-François Hubert dưới tên gọi là Trừu tượng được ký tên Tạ Tỵ vẽ vào năm 1952. Trừu tượng được triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 10.7, đến ngày 14.7 thì bức tranh này thì bị phát hiện là giả. Nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đã vắng mặt trong buổi đối chất đước tổ chức sáng 15.7. Đến ngày 16.7, phía ông Hubert đã gửi cho giới truyền thông Việt Nam một bức ảnh chụp 4 nhân vật tại Hà Nội trong một căn phòng có bức tranh được cho là Trừu tượng có chữ ký của họa sĩ Tạ Ty. Tuy nhiên bức ảnh này ngay lập tức được các chuyên gia bác bỏ vì cho rằng đây là ảnh ghép, ngụy tạo một cách vụng về. Chuỗi sự kiện nối tiếp đã tăng thêm mối nghi ngờ về độ chân thật của bức tranh mà ông Vũ Xuân Chung đang sở hữu.
Ảnh 1 là ảnh nguyên gốc do gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái cung cấp. Ảnh 2 do ông Jean-François Hubert cung cấp có thêm chi tiết bức tranh "Trừu tượng" và chữ ký của cố họa sĩ Tạ Tỵ.
Để khẳng định tranh mình bị mạo danh, họa sĩ Thành Chương đã gửi một lá thư cho báo chí và giới phê bình mỹ thuật thế giới thông tin về vụ việc này (báo Một Thế Giới đã thông tin). Được biết, có thể ngày 19.7 tới, ông Thành Chương và vợ sẽ đưa bản phác thảo nói trên ra để trình và đối chất với hội đồng thẩm định.