Tù nhân trúng tuyển trường luật hàng đầu Mỹ

GD&TĐ - Benard McKinley, 39 tuổi, trúng tuyển chương trình thạc sĩ tại Trường Luật Northwestern Pritzker, thành phố Chicago (Illinois, Mỹ) ngay sau khi ra tù.

McKinley phát biểu trong một buổi lễ của NPEP tại trung tâm cải huấn Stateville, Illinois, Mỹ hồi tháng 11/2023.
McKinley phát biểu trong một buổi lễ của NPEP tại trung tâm cải huấn Stateville, Illinois, Mỹ hồi tháng 11/2023.

Câu chuyện của anh truyền cảm hứng cho nhiều người có hoàn cảnh tương tự.

Từ khi ra tù vào tháng 12/2023, Benard McKinley đã bận rộn chuẩn bị cho năm học đầu tiên tại Trường Luật Northwestern Pritzker, thuộc Đại học Northwestern. Theo bảng xếp hạng của US News, Đại học Northwestern nằm trong tốp 10 trường đào tạo tốt nhất nước Mỹ.

Trước đó, McKinley lấy bằng cử nhân thông qua Chương trình giáo dục Nhà tù (NPEP) của Đại học Northwestern. Anh là học viên đầu tiên của NPEP được nhận vào một trường luật tại Mỹ. “Chỉ vài tháng trước, tôi vẫn còn ngồi tù và không biết chính xác tương lai sẽ ra sao. Vì vậy, được về nhà và biết mình sắp học trường luật là cảm giác thật tuyệt vời”, McKinley nói.

McKinley ngồi tù năm 19 tuổi với bản án 100 năm vì tội giết người liên quan đến băng đảng. Anh luôn muốn học đại học nhưng sự nghiệp học hành phải dừng lại vì McKinley lĩnh án khi còn là thiếu niên.

Trong thời gian ngồi tù, anh bắt đầu nghiên cứu luật với mục đích giúp bản thân kháng cáo cũng như hỗ trợ những bạn tù khác giải quyết các vấn đề pháp lý. Anh lấy bằng giáo dục tổng hợp (GED), tương đương bằng tốt nghiệp THPT và một chứng chỉ về luật.

Mong muốn tiếp tục được học, McKinley nộp hồ sơ và được nhận vào Chương trình giáo dục Nhà tù (NPEP), một cơ hội để lấy bằng cử nhân trong nhà tù. Chương trình này vốn có độ cạnh tranh cao. Năm 2023, trong hơn 400 người ứng tuyển, chỉ 40 người được nhận.

Yêu cầu học tập của Đại học Northwestern rất nghiêm ngặt. McKinley đã học tập rất chăm chỉ, tham gia các khoá học về khoa học chính trị, nhiệt động lực học... giống như hàng triệu sinh viên đại học khác. Anh cũng phải nỗ lực học tập hơn bao giờ hết trong giai đoạn dịch Covid-19.

McKinley nhận thấy thời gian học tập tốt nhất là vào đêm khuya hoặc 5, 6 giờ sáng. Dù vậy, học tập trong nhà tù là rất khó khăn vì tù nhân có thể bị mất tập trung. Theo McKinley, trải nghiệm học NPEP đã giúp anh thay đổi.

“Nó cho phép tôi suy ngẫm về việc tôi là ai, tôi muốn trở thành ai và tôi nhận ra tôi là người tiên phong. Các lớp học đã giúp tôi nhìn ra cách thức hoạt động của các tệ nạn xã hội, như phân biệt chủng tộc có hệ thống”, McKinley cho hay.

McKinley đã tốt nghiệp NPEP và nộp đơn vào trường luật năm 2023. Đại học Northwestern tuyên bố lớp của McKinley là những sinh viên trong tù đầu tiên nhận bằng đại học từ một trường tốp 10 nước Mỹ.

Để nộp đơn vào trường luật, McKinley đã tham gia kỳ thi LSAT (kỳ thi chuẩn hóa để nộp đơn vào các trường luật Mỹ), xin thư giới thiệu và viết bài luận. Anh làm tất cả điều này trong khi bị giam tại trại cải tạo Stateville ở phía Bắc Illinois.

Trong bài luận, McKinley kể chi tiết quá trình từ khi trở thành tù nhân ở tuổi 19 đến khi lấy được bằng cử nhân của một trường đại học danh tiếng. Những bài luận này được McKinley viết bằng tay, sau đó được các gia sư NPEP đánh máy, gửi cho ban tuyển sinh Trường Luật Northwestern Pritzker.

Trong thời gian chờ kết quả từ trường luật, McKinley được giảm án tù và thả tự do vào cuối năm 2023. Một trong những việc đầu tiên anh làm là đi bộ dưới mái vòm của trường, một truyền thống của sinh viên Northwestern để kỷ niệm nhận bằng. Đến đầu năm 2024, McKinley nhận tin trúng tuyển trường luật.

Là người đầu tiên trong gia đình học đại học, McKinley hy vọng trở thành luật sư về quyền công dân và mở công ty tư vấn dành cho những cộng đồng yếu thế.

GS Sheila Bedi - Trường Luật Northwestern Prizker, cho biết: “McKinley là sinh viên xuất sắc, kỷ luật, ham học hỏi và đam mê phát triển bản thân. Tôi hy vọng mô hình NPEP sẽ được mở rộng vì có rất nhiều người như McKinley có thể đóng góp tích cực cho cộng đồng nhưng họ không được trao cơ hội”.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.