Từ người chuyển tải thông tin thành người đồng hành cùng giáo dục vùng cao

GD&TĐ - Hai năm liên tiếp, nhà báo Bùi Tấn Sỹ, Đài PT-TH Quảng Nam đều có tác phẩm đạt giải Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục”.

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ cùng tham gia Lễ khai giảng đặc biệt của thầy và trò điểm trường ông Bình (Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam).
Nhà báo Bùi Tấn Sỹ cùng tham gia Lễ khai giảng đặc biệt của thầy và trò điểm trường ông Bình (Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam).

Từ một người chuyển tải thông tin, lan tỏa những câu chuyện đẹp về những cá nhân đang nỗ lực thay đổi diện mạo của giáo dục vùng cao, Bùi Tấn Sỹ trở thành người đồng hành, cùng tham gia vào những dự án thiện nguyện này.

Chuyện về những người kết nối đặc biệt

Năm 2022, phóng sự Chuyện “Vỹ khùng” của nhà báo Bùi Tấn Sỹ, Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam đạt giải Nhì ở thể loại truyền hình. Phóng sự kể về hành trình kết nối nguồn lực của thầy Nguyễn Trần Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (Nam Trà My, Quảng Nam). Suốt 22 năm, thầy Nguyễn Trần Vỹ đã rong ruổi khắp núi rừng để cùng xây trường, dựng lớp, kết nối yêu thương, sẻ chia khó khăn với bà con vùng cao.

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ - Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam đang chọn cảnh quay để thực hiện phóng sự Đi học trên núi. (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ - Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam đang chọn cảnh quay để thực hiện phóng sự Đi học trên núi. (Ảnh: NVCC)

Năm 2023, anh Bùi Tấn Sỹ tiếp tục gửi tác phẩm dự thi Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục” với phóng sự "Đi học trên núi". Đây là phóng sự về dự án cộng đồng của Câu lạc bộ Bạn thương nhau (Đà Nẵng) chủ trì, hỗ trợ cho những học sinh mồ côi, có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn tại vùng núi cao ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Anh Nguyễn Bình Nam, kỹ sư điện đang công tác tại Điện lực miền Trung là chủ nhiệm Câu lạc bộ Bạn thương nhau

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ kể: “Tôi quen biết anh Nguyễn Bình Nam gần 5 năm nay. Theo dõi trang cá nhân trên mạng xã hội của anh Nguyễn Bình Nam, tôi cũng tìm hiểu thêm nhiều câu chuyện liên quan đến miền núi, giáo dục miền núi trong các hoạt động của CLB Bạn thương nhau.

Trong đó, ấn tượng nhất là hành trình "xây trường trên núi" mà anh Bình Nam triển khai trong 10 năm qua ở Nam Trà My (Quảng Nam). Tuy nhiên, báo chí viết quá nhiều về tấm gương xây trường của anh. Bản thân tôi muốn khai thác ở một góc cạnh khác”.

Năm học 2022-2023 có lẽ sẽ là năm học đáng nhớ nhất của các em học sinh nghèo, khó, mồ côi cha mẹ ở một số trường học vùng núi cao. CLB Bạn thương nhau triển khai chương trình "Đi học trên núi". Đây là một dự án mang tính nhân văn rất cao...

Dự án “Đi học trên núi” hoạt động theo phương châm "Mỗi gia đình/cá nhân ở phố nhận nuôi một em trên núi" với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng. Dự án sẽ hỗ trợ các em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn đến khi các em học xong lớp 12. Nếu các em có nguyện vọng học lên cao hơn, dự án sẽ tiếp tục đồng hành để giúp các em hoàn thành ước mơ.

Danh sách học sinh các trường tham gia dự án phải có sự giới thiệu bằng văn bản của trường với thông tin cụ thể về hoàn cảnh từng em. Đối tượng thụ hưởng là các em đang đi học. Sau quá trình trực tiếp đi khảo sát, tìm hiểu, kết nối cùng mạng lưới tình nguyện viên do CLB tiến hành, các thầy cô giáo sẽ là người đồng hành, theo sát học sinh hưởng thụ dự án để nắm bắt tình hình của các con.

Dự án hoạt động nhờ sự tâm huyết, trách nhiệm và tấm lòng yêu thương con người của anh Nguyễn Bình Nam cùng CLB Bạn thương nhau và nhiều thầy cô giáo tại các điểm trường. Hằng tháng, các thầy cô nhận tiền từ dự án để mua sắm quần áo, sách vở, vật dụng cần thiết, nhu yếu phẩm trợ lực cho các em và gia đình.

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ (áo đen) thực hiện một cảnh quay về những chia sẻ của anh Nguyễn Bình Nam - chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau khi thực hiện dự án Đi học trên núi. (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ (áo đen) thực hiện một cảnh quay về những chia sẻ của anh Nguyễn Bình Nam - chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau khi thực hiện dự án Đi học trên núi. (Ảnh: NVCC)

Từ tháng 9/2022 đến nay, dự án “Đi học trên núi” đã có 335 em nhỏ được hỗ trợ. Với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng mỗi năm, dự án đã và đang nâng đỡ cho ước mơ đến trường học con chữ của các em nhỏ ở các thôn bản hẻo lánh nơi núi cao.

“Từ chi tiết đắt giá này, tôi đã theo anh Nguyễn Bình Nam ngược núi, tìm hiểu, khai thác, quay phim, dựng phim và viết lời bình hoàn chỉnh. Chúng tôi mất 3 tháng để cùng đi, cảm nhận và hoàn thiện các khâu cho phóng sự này. Khi chúng tôi đang trong quá trình thực hiện phóng sự Đi học trên núi thì tháng 9.2023, dự án “Đi dạy trên núi”, do anh Bình Nam chủ trì chính thức được khởi động” – nhà báo Bùi Tấn Sỹ thông tin.

Thầy Nguyễn Văn Nhân ở điểm trường ông Bình, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My là một trong 17 thầy cô giáo được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/1 tháng từ dự án “Đi dạy trên núi”. Không những thế, thầy Nhân còn được anh Nam kêu gọi hỗ trợ cho 1 chiếc xe máy để đi dạy thuận tiện hơn. "Đi dạy trên núi" vì vậy, bao gồm cả việc chăm lo học sinh, hỗ trợ thầy cô giáo vùng cao cắm bản.

Những chuyến đi của sẻ chia

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ cho biết: “Anh Nguyễn Bình Nam và nhóm bạn thường đi khảo sát, đánh giá các dự án thiện nguyện vùng cao vào những ngày cuối tuần. Để “bám càng” nhằm có những hình ảnh thực tế sinh động, tôi phải thu xếp công việc, cơ quan, gia đình để theo nhân vật. Trong đó có những chuyến đi bộ từ 2h-3h đồng hồ theo nhân vật Bình Nam đến điểm trường lẻ xa xôi”.

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ (bìa phải) và anh Nguyễn Bình Nam - nhân vật trong phóng sự Đi học trên núi trong một chuyến đi khảo sát thực tế.

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ (bìa phải) và anh Nguyễn Bình Nam - nhân vật trong phóng sự Đi học trên núi trong một chuyến đi khảo sát thực tế.

Anh Tấn Sỹ chia sẻ rằng, điều đọng lại lớn nhất trong tác phẩm Đi học trên núi là bản thân mình đã “thấm” được cách yêu thương, chia sẻ với người nghèo khó, học sinh khó khăn, thầy cô giáo vùng cao của anh Bình Nam.

“Khi gắn bó với thầy Nguyễn Trần Vỹ và kỹ sư Nguyễn Bình Nam, tôi trở thành người gắn bó hơn với giáo dục vùng cao. Trong quá trình thực hiện phóng sự, tôi đã nhận đỡ đầu 2 em học sinh, trong đó có 1 em đang hưởng thụ dự án “Đi học trên núi" với mức hỗ trợ 500.000đ/1 em/1 tháng”.

Với nhà báo Bùi Tấn Sỹ, câu chuyện phóng sự đưa lên sóng là mới chỉ mở đầu một chuỗi hành trình. “Câu chuyện giáo dục là một câu chuyện dài, tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mỗi một cá nhân đều có thể hướng về giáo dục miền núi với nhiều cách thức khác nhau để đồng hành, ủng hộ, sẻ chia cho cả học sinh và giáo viên.

Để đường đến trường của các em ở thôn bản xa xôi, heo hút bớt đi sự gập ghềnh. Để những thầy cô giáo dạy học ở vùng sâu, vùng xa với những chăm chút tỉ mỉ cho học sinh của mình thấy rằng, họ không hề đơn độc mà luôn có sự hỗ trợ của cộng đồng, góp phần cùng cải thiện điều kiện dạy học” – anh Sỹ bày tỏ.

"Vì là phóng viên phụ trách địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, nên công việc của tôi luôn gắn liền với giáo dục vùng cao. Trong trong năm đến, tôi cũng sẽ tiếp tục ngược núi, để tìm hiểu những cách làm hay, kinh nghiệm quý trong duy trì số lượng, nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số... tìm ra những bài học quý để tiếp tục lan tỏa trong sự nghiệp giáo dục vùng cao" - nhà báo Bùi Tấn Sỹ cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ