Mỗi em bé là một cá thể hoàn toàn khác biệt nhau. Có bé sinh ra đã tự ngủ sâu giấc, không cần bế ẵm nhiều, nhưng lại có những em bé gắt ngủ, khóc quấy rất nhiều. Bé Kẹo, 6 tháng tuổi, con của chị Nguyễn Thảo (35 tuổi, hiện đang sống ở Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong số những em bé sinh ra đã gắt ngủ ghê gớm. "Khi gắt ngủ, con có thể khóc đến 1 tiếng, có khi lặng cả người đi mặc dù mẹ hoặc bà vẫn bế dỗ trên tay. Không những thế, con lại ngủ không sâu giấc, có khi dỗ mới 30 phút mới ngủ cho, đặt xuống rồi đi ra được 3 - 5 phút lại dậy khóc không dỗ được".
Từ lúc mới sinh, bé Kẹo đã không thể tự ngủ và cũng không biết tự chuyển giấc. Vì thế, để sửa tật catnap bẩm sinh (bé không biết tự chuyển giấc), chị Thảo cố gắng đặt con lên người mẹ để ngủ. "Suốt 2 tháng mình đặt con lên người để ngủ. Khi ngủ trên người mẹ, con nghe tiếng tim mẹ đập và cảm nhận hơi mẹ nên ngủ sâu hơn nhiều và không bị catnap nữa. Chỉ có mỗi cái mông mẹ là ê ẩm, nhưng vì muốn con có những giấc sâu nên mẹ vẫn cố gắng chấp nhận. Đến ông xã còn thấy phiền quá, bảo mình đừng nên cho con ngủ trên người nữa".
Bé Kẹo hiện tại đã 6 tháng tuổi, được mẹ luyện ngủ từ khi mới 2 tháng.
Từ khi trong nhà có một em bé sơ sinh khó ngủ như thế, mọi sinh hoạt, công việc của vợ chồng chị Thảo đều bị đảo lộn. Và chị Thảo đã quyết tâm phải bắt tay vào luyện con tự ngủ kể từ khi bé Kẹo mới được 2 tháng tuổi. Điều ngạc nhiên là chỉ sau khoảng 7 ngày, em bé đã có nếp ngủ rất tốt, không còn gắt ngủ nữa, ngủ xuyên đêm từ 6h30 tối đến 6h sáng hôm sau, đêm dậy ti mẹ trực tiếp 2-3 lần rồi lại ngủ ngoan. Giấc ban ngày cũng rất sâu, đến giờ lim dim, chỉ cần đặt xuống giường là có thể tự ngủ được trong 1-2 tiếng tùy mỗi giấc.
Khi bắt tay vào luyện ngủ, chị Thảo quyết định sẽ không áp dụng phương pháp Cry It Out (CIO) vì chị không muốn để con nằm khóc một mình. "Mình đọc và cảm nhận được rằng phương pháp CIO sẽ khiến con cảm thấy cực kỳ bất an, sợ hãi và đơn độc. Điều này cũng sẽ tạo ra hoóc môn cortisol gây ức chế thần kinh. Và những đứa trẻ bị CIO nhiều, sau này có tính cách hung hăng hơn nhiều. Vì vậy, mình chọn cách luyện ngủ nhưng dỗ dành, vỗ về con theo bản năng và linh tính của một người mẹ".
Chị Thảo cho con ngủ trên người mẹ trong suốt 2 tháng để sửa tật catnap bẩm sinh cho con.
Mỗi giấc ngủ của bé Kẹo đều được chị Thảo tuân thủ theo trình tự gồm 5 bước:
1. Nhận biết dấu hiệu buồn ngủ (khóc e e hoặc lấy tay dụi mắt) và quấn bé lại.
2. Kéo rèm xuống, tắt điện, bật điều hòa, bật nhạc nhẹ. Chị không dùng tiếng ồn trắng hay kêu khẽ sh sh sh vì quan điểm cá nhân không thuận tiện.
3. Bế dựng con và vỗ, đung đưa cho tới khi con lim dim, không khóc, không quẫy đạp nữa.
4. Đặt con nằm cũi khi đã buồn ngủ nhưng chưa ngủ.
5. Mẹ đi ra cho con tự ngủ/Vỗ nhẹ vai con đến khi con ngủ/Một tay vỗ nhẹ vai, một tay vuốt nhẹ từ trên trán xuống giữa hai lông mày giúp con ngủ nhanh hơn.
Trình tự đi ngủ bắt đầu khi em bé khóc e e hay ngáp ngủ.
Sau 5 bước trên, nếu con khóc, mẹ sẽ bế lên lặp lại quy trình từ đầu, thấy con lim dim lại đặt xuống, nếu con khóc lại bế và dỗ... Sau khoảng 3 ngày lặp đi lặp lại trình tự này, bé Kẹo gần như hiểu được quy trình của việc đi ngủ, nên có khi chỉ cần quấn lại, đặt vào cũi là đã có thể nằm im rồi tự ngủ.
"Có hôm quấn xong, mẹ đặt ở giường rồi chạy đi vệ sinh, vào đã thấy bạn ấy ngủ rồi. Nhưng 3 ngày ấy cũng rất mệt mỏi, cứ đặt xuống rồi bế lên đặt xuống rồi bế lên liên tục cho đến khi con mệt và ngủ. Thú thật là có 2 lần mệt quá, stress quá, mình cũng kệ con khóc vì nếu lúc đó bế con lên cũng chỉ truyền năng lượng tiêu cực cho con thôi. Sau khoảng 1 tuần kể từ khi mẹ bắt đầu áp dụng quy trình luyện ngủ, con đã có thể tự ngủ ngon lành được rồi. Những ngày đó, mẹ thấy bao nhiêu công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng khi có thời gian làm được rất nhiều việc".
Em bé được quấn chặt sau khi buồn ngủ.
Khi bé lớn hơn, không thích quấn nữa, chị Thảo tháo quấn cho con.
Chị Thảo cũng chia sẻ, việc tìm hiểu những kiến thức về luyện ngủ, tâm lý trẻ khiến chị chăm con nhẹ nhàng, đỡ cực hơn. Ngay cả khi bé Kẹo vào nếp sinh hoạt rất tốt và bỗng dưng chuyển sang những thời điểm wonder week (tuần khủng hoảng) rồi khóc, quấy thì chị cũng đã có sẵn kinh nghiệm và kiến thức để luyện ngủ lại cho con.
Chia sẻ lại câu chuyện của mình, chị Thảo muốn tiếp thêm động lực đến các bà mẹ khác: "Mình mong các mẹ cũng có thể luyện cho con ngủ được để đỡ vất vả. Dù mình biết mỗi đứa trẻ là một thực thể khác nhau, cách áp dụng không thể máy móc giống nhau. Nhưng chỉ cần mẹ tin tưởng bản thân và tin vào con, nhất định sẽ làm được".