Dịp tết, nhu cầu giặt giũ, vệ sinh nhà cửa cao, nhiều người đã tự mua nguyên liệu về làm chất tẩy rửa “hữu cơ” với mong muốn vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách làm này chưa chắc đã an toàn.
Tại công ty E.L trên đường A17, khu dân cư Tân Thuận Nam, Q.7, TP.HCM, chúng tôi bị “mê hoặc” trước những cục xà phòng có hình các con thú, bông hoa trông như kẹo ngọt. Những bánh xà phòng hữu cơ dùng để rửa mặt, tắm cũng chính là nguyên liệu chế tạo ra bột giặt hữu cơ.
“Công ty em không bán bột giặt hữu cơ nhưng có công thức làm” - nhân viên công ty này nói. Công thức làm xà phòng hữu cơ mà nhân viên này hướng dẫn gồm: hai chén vụn xà bông (xà bông cục hữu cơ bào ra), một chén baking soda (thuốc muối), một chén bột muối natri, một chén washing soda. Đem tất cả trộn với nhau rồi cho vào lọ thủy tinh có nắp đậy, dùng dần. Nếu gia đình có trẻ nhỏ thì càng phải sử dụng bột giặt hữu cơ vì phù hợp với tất cả làn da nhạy cảm, kể cả da mắc bệnh chàm(?).
San phẩm tẩy rửa hữu cơ tự làm trên thị trường hiện đều không có nhãn mác, còn công thức pha chế thì mỗi nơi một kiểu (ảnh chụp tại công ty E.L).
Cửa hàng mỹ phẩm 3C. (đường Vườn Chuối, Q.3, TP.HCM) rất đông khách đến tham quan, học hỏi cách tự làm mỹ phẩm hữu cơ, vì có hàng trăm nguyên liệu để làm như: các loại bột thiên nhiên, vitamin, tinh dầu, màu, chất chống lão hóa, hương, hoạt chất, chất bảo quản, chất tạo gel…
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn làm xà phòng tẩy rửa, nhân viên rất nhiệt tình hướng dẫn công thức, cách kết hợp nguyên liệu: “Trên thị trường mới xuất hiện xà phòng tẩy vết bẩn của Mỹ giá 6 USD, tạo nên từ sự kết hợp của xà phòng thực vật, hàn the và các loại tinh dầu; ngoài loại bỏ các vết bẩn khó giặt, còn dùng để rửa tay. Có thể tự làm tại nhà với số lượng nhiều hơn, giá rẻ hơn”.
Để pha chế loại xà phòng này, phải thực hiện phương pháp không dùng nhiệt, sử dụng cân điện tử để cân nguyên liệu. Thành phần gồm: 306,2g dầu dừa tan chảy ở 240 C; 510,3g dầu cọ; 204,1g dầu đậu nành; 147,4g dung dịch kiềm (natri hydroxit); 308g nước cất. Sau khi khuấy dung dịch đạt đến điểm đông đặc nhẹ, khuấy thêm 21,3g hàn the và 11,3g tinh dầu vỏ chanh, trộn đều hỗn hộp vào khuôn, để trong vòng 24 giờ.
Hoặc cách làm thứ hai: mài mịn 351,5g xà phòng thực vật rồi cho vào chảo, đặt lên bếp; cân 21,3g hàn the rồi hòa tan trong 504ml nước cất, sau đó đổ vào nồi xà phòng đang đun; cân 56,7g tinh dầu tự chọn và khuấy vào hỗn hợp cho đến khi đồng nhất; cuối cùng đổ hỗn hợp vào khuôn và dùng dần.
“Nhiều người thắc mắc washing soda và borax cũng là hóa chất thì sao có thể an toàn? Thật ra washing soda là sodium carbonate, chính là hỗn hợp của muối với vôi, không gây độc hại. Còn borax là hàn the, nó chỉ độc hại khi chế biến thực phẩm chứ với da tay và quần áo thì hoàn toàn vô hại” - nhân viên tại đây khẳng định.
Còn tại cửa hàng mỹ phẩm và nguyên liệu Handmade trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM, người bán cho biết có thể tự chế bột giặt an toàn cho trẻ sơ sinh và da nhạy cảm. Công thức gồm: 250g bột hàn the, 250g bột tẩy rửa soda, 250ml xà bông thực vật dạng lỏng, 10-15 giọt tinh dầu, 4,25 lít nước. Với nước xả vải, nếu dạng khô, chỉ cần trộn ba nguyên liệu muối epsom, baking soda và ít tinh dầu; dạng nước thì chỉ cần pha tinh dầu và giấm trắng.
Có cửa hàng lại hướng dẫn làm bột giặt với công thức: xà phòng bánh nạo thành sợi, trộn với hai muỗng muối epsom, ba muỗng nước ôxy già, 1/4 muỗng giấm trắng, tinh dầu thơm… Công thức làm mỗi nơi một kiểu, nhưng người bán đều khẳng định được lấy từ các trang web nước ngoài nổi tiếng, đang được các bà nội trợ nước ngoài áp dụng.
Theo tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy, giảng viên khoa Kỹ thuật hóa học, Trường đại học Bách khoa TP.HCM, các sản phẩm tẩy rửa tự làm thường có các thành phần như: các hóa chất làm mềm nước: borax (hàn the), sodium carbonate, sodium bicarbonate (bột nở, thuốc muối); xà phòng hữu cơ: được làm bằng cách trộn các chất béo hoặc dầu với dung dịch xút (NaOH) để thực hiện phản ứng xà phòng hóa; các chất xúc tác, chất phụ gia: hương liệu, chất làm đặc, chất ổn định (thí dụ như tinh dầu, giấm).
Các công thức phổ biến này thường được gắn nhãn “tự nhiên”, “xanh”, “không độc hại” so với các sản phẩm tẩy rửa thương mại hoặc công nghiệp. Tuy nhiên, các công thức và các thuật ngữ này lại ít được kiểm soát bởi các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, việc tự mua hóa chất mà không biết rõ nguồn gốc hoặc cách sử dụng (do không có chuyên môn về hóa học) cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Các hóa chất có thành phần tạp chất rất khác nhau tùy thuộc vào công nghệ sản xuất ra chúng. Ngay cả các nhà chuyên môn cũng rất khó phân biệt một hóa chất “xanh” hay “tự nhiên” nếu chỉ với mắt thường và tai nghe (quảng cáo từ người bán).
Trong khi đó, borax là chất độc, có thể gây ung thư. Các tạp chất có trong hóa chất (ví dụ như kim loại nặng, các dung môi, các hợp chất đa vòng...) có thể gây dị ứng, rối loạn nội tiết, ung thư... Nói chung, các chất tẩy rửa thương mại hay tự chế đều có thành phần là hóa chất, vẫn có thể gây hại.
Vì vậy, một sản phẩm có đăng ký chất lượng chắc chắn an toàn hơn một sản phẩm được tạo thành bởi các công thức truyền miệng, không qua kiểm định chất lượng. Ngoài ra, việc không có kiến thức về hóa chất còn dẫn đến khả năng dùng sai, dễ làm phát sinh các phản ứng phụ, ví dụ cho giấm vào bột nở sẽ sinh ra khí, nếu ở trong môi trường kín có thể gây ngạt, đựng trong chai lọ kín có thể gây nổ, rất nguy hiểm. “Nếu muốn tự làm nước tẩy rửa hữu cơ, tốt nhất nên chọn các sản phẩm từ thiên nhiên như sả, bưởi, chanh, bồ kết, bồ hòn”, tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy khuyên.