Cứ lướt mạng xã hội hay ngồi tán gẫu với “chị em bạn dì”, thể nào cũng nghe mọi người “bán than” Người làm lương hơn chục triệu đồng mỗi tháng vẫn rên rỉ “khổ quá, không đủ sống”. Người có chồng giỏi, con ngoan, cũng chẳng hài lòng “chồng người ta đi làm về phụ vợ mắc ham, chồng tôi về hết xem ti vi thì chọc ghẹo con, chứ chẳng chịu dạy dỗ nghiêm túc”… Nói chung, ai cũng thấy mình khốn khổ trăm bề.
Tôi rất sợ gặp chị mình, bởi tôi ngại sự lây lan năng lượng tiêu cực từ chị. |
Tôi đã tranh cãi với bà chị ruột, vì chị lúc nào cũng có câu cửa miệng “sao số tôi khổ thế”. Dù cái khổ của chị là mơ ước của bao người.
Chồng chị là trưởng phòng nhân sự một công ty nước ngoài, thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng. Còn chị vốn là biên tập viên của nhà xuất bản, rồi lên chức phó chi nhánh phía Nam. Nhưng chị lúc nào cũng than: “Công việc ngập đầu, lương chỉ ba cọc ba đồng. Được khen thì cả chi nhánh hưởng, còn bị chê thì đè cổ mình ra”. Vậy là chị xin nghỉ việc.
Lúc đó, anh rể tôi ngăn vì sợ chị quanh quẩn ở nhà sẽ buồn. Nhưng chị lại suy diễn: “Anh sợ phải nuôi em chớ gì, chồng gì mà thấy vợ làm cực khổ, bị ức hiếp, không chia sẻ. Như chồng người ta sẽ kêu vợ nghỉ ở nhà đi, chồng nuôi”. Biết tính vợ, nên anh rể chỉ nói “em muốn nghỉ thì nghỉ, sau này ở nhà buồn không đổ thừa anh nghen”.
Ở nhà vài tháng đầu, chị thấy cuộc đời thật đẹp. Sáng vợ chồng không phải tất tả chia hai hướng đưa hai con đến trường, rồi đi làm. Hay chiều về sớm đón con rồi đi chợ nấu ăn. Mà chị thong dong đi gội đầu, đi siêu thị, cà phê với bạn bè sau khi đưa con đi học.
Nhưng chưa hết một năm, chị thấy mình giống như ô-sin và anh rể tôi là người hứng chịu mọi sự cuồng nộ. Hôm nào anh về muộn thì y như rằng chị mặc sức chì chiết: “Tôi là ô-sin của anh hả? Anh có biết cả ngày tôi cắm mặt con cái, cơm nước, còn anh rửng mỡ đi chơi tennis”.
Anh rể tôi nổi tiếng là người hiền lành, nhưng cũng vặn lại: “ngày xưa anh đã nói với em đừng nghỉ việc rồi mà”. Nghe vậy, chị tôi làm tới: “Số tôi sao khổ thế này. Bây giờ anh kiếm việc cho tôi đi, chứ tôi không ở nhà hầu hạ ba cha con nữa”. Cứ thế, ngày nào chị cũng than khổ - dù kinh tế khá giả, chồng hết mực yêu thương, con cái ngoan và học giỏi.
Tôi nhớ đến câu chuyện của mẹ con Hạnh - mà tôi gặp trưa 12/10 trước cổng Bệnh viện Nhi Đồng thành phố. Trời nắng chói chang, tôi lướt qua một phụ nữ dẫn hai đứa trẻ khoảng ba tuổi và năm tuổi đi bộ trên lề đường. Tự dưng tôi nhớ đến hai bé con của mình và vòng xe lại, hỏi “em về đâu, chị cho quá giang”. Bà mẹ mừng rỡ: “Dạ, có. Chị cho em quá giang đến trạm xe buýt ở ngã tư trên với”.
Lên xe, bà mẹ cho biết hai con bị bệnh viêm tai giữa nên vài ngày là đến bệnh viện tái khám. Tôi hỏi “sao không đi xe ôm về cho nhanh”, thì Hạnh nói “em không có tiền chị ơi. Sáng em quá giang chị hàng xóm đi làm gần đây, rồi trưa chịu khó đi bộ khoảng 15 phút là tới trạm xe buýt”.
Hạnh kể, cô phụ bán bánh mì ở bến xe miền Tây, mỗi ngày được 200.000 đồng. Nhưng cậu con nhỏ ba tuổi hay bệnh nên cô làm bữa đực bữa cái. Còn chồng thì phụ hồ. “Nghe nói đâu một ngày cũng được 350.000-450.000 đồng, nhưng em có bao giờ được cầm tiền của ổng. Có bao nhiêu ổng chơi cá độ với số đề hết” - Hạnh nói.
Trò chuyện một hồi, chúng tôi lan man đến chuyện học hành của con cái. Hạnh kể: hai đứa con chưa được làm giấy khai sinh vì ba chúng đem hộ khẩu “cắm” ở tiệm cầm đồ suốt. Tôi chưa kịp bày tỏ sự cảm thương hay bất bình thì Hạnh tặc lưỡi: “Thôi kệ chị ơi, nhờ có ổng em mới có hai đứa nhỏ. Ổng tự lo cho ổng, không báo em là được rồi. Em chỉ cần tụi nhỏ khỏe để em đi làm là lo được cho ba mẹ con”. Giọng Hạnh vẫn nhẹ nhàng - xem như là phần đời, cuộc sống tất yếu của mình.
Tôi nghĩ, so với chị tôi hay nhiều phụ nữ khác, Hạnh mới là người khổ ải. Nhưng cô không than van, không oán trách số phận. Còn hai đứa trẻ, có lẽ dù sống trong cảnh thiếu thốn vật chất, nhưng lại có được sự bình an trong tâm hồn từ cái an nhiên của người mẹ. Vì vậy, chúng vui vẻ, hồn nhiên như bao đứa trẻ no đủ khác. Tuy phải đội nắng, cùng mất một buổi trưa và phải nghe một câu chuyện buồn, nhưng tôi lại thấy dễ chịu và cảm nhận cuộc sống đa sắc hơn.
Còn với chị mình, tôi lại sợ gặp, bởi tôi ngại sự lây lan năng lượng tiêu cực từ chị. Dù lần nào gặp cũng được chị chiêu đãi món ngon, ở quán đẹp, nhưng tôi chẳng thấy ngon hay phấn chấn.
Tôi mong chị và những người hay than vãn hãy ra ngoài kia, để nhìn thấy bao mảnh đời lay lắt nhưng họ vẫn sống và trong những căn phòng trọ, mái nhà trống trước, thủng sau, vẫn có những tiếng cười. Bởi như Hạnh - họ biết, sự đau buồn, oán trách số phận không giúp họ khỏe lên, hay chén cơm họ đầy hơn. Nhưng nếu họ cười được, họ sẽ thấy ánh sáng ở cuối con đường và có sức mạnh để bước tiếp.