Sau 4 năm theo đuổi 2 ngành học, với điểm số trung bình 9,12 ở ngành Kinh doanh quốc tế (chương trình Cử nhân tài năng) và 9,02 ngành Thương mại điện tử, Lê Thanh Hải trở thành thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp song ngành của Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.
Quản lý tốt thời gian
Lê Thanh Hải từng đạt giải Nhì trong Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn. Với thành tích này, Hải được tuyển thẳng vào Trường Đại học Kinh tế - Luật và theo học chuyên ngành Kinh doanh quốc tế trong mùa tuyển sinh năm 2019. Cũng trong năm này, với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Hải đủ điểm trúng tuyển Trường Đại học Ngoại thương.
Do đặt mục tiêu tốt nghiệp sau 3 năm, Hải đăng ký nhiều tín chỉ hơn bạn bè và có tốc độ học vượt nhanh. Khi thấy có thể tốt nghiệp sớm, Hải có cảm giác hành trình sinh viên hơi ngắn, không trọn vẹn. Do đó, cậu quyết định đăng ký thêm ngành thứ hai là Thương mại điện tử vào đầu năm 2. Việc này cũng giúp Hải có thể tích lũy thêm kiến thức và trau dồi nhiều kỹ năng hơn.
Với Hải, yếu tố quan trọng nhất mà một sinh viên song bằng nên có đó là khả năng lên kế hoạch, quản lý thời gian và tinh thần chịu đựng áp lực lớn. Việc lên kế hoạch sẽ được thể hiện ở việc phân bổ các môn học của cả hai chuyên ngành trong từng học kỳ. Số lượng môn và thứ tự học phải hợp lý để vừa lĩnh hội được đầy đủ kiến thức, vừa giảm xác suất bị trùng lịch học của hai ngành.
Thông thường, mỗi học kỳ, Hải học từ 8 - 12 môn học để đảm bảo tiến độ cho cả hai ngành. Do đó, nam sinh gần như kín lịch học trong tuần. Trung bình một tuần, Hải học 5 ngày, mỗi ngày 2 - 3 ca. Việc quản lý tốt thời gian đã giúp nam sinh viên phân bổ thời gian học tập hợp lý và vẫn có thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi và rèn luyện thêm các kỹ năng khác. Hải không “cúp” học bất cứ môn nào, luôn đi học đầy đủ và đúng giờ.
Nam sinh chia sẻ bí quyết học tốt: “Em cố gắng nắm kiến thức bài giảng ngay từ khi học trên lớp, tiết kiệm thời gian học lại khi về nhà. Những môn học nào có thể liên kết kiến thức và ý tưởng với nhau, em đều sẽ cố gắng kết nối chúng lại để nâng cao hiệu suất học tập và giảm các công việc có thao tác giống nhau”. Đặc biệt, tinh thần chịu đựng áp lực lớn đã là động lực giúp Hải không dễ dàng nản chí trong suốt những học kỳ đầy thử thách với nhiều môn học đan xen và khối lượng công việc không nhỏ.
Dù tham gia nhiều vai trò, hoạt động từ học thuật đến ngoại khóa, chàng thủ khoa luôn biết cách ưu tiên thực hiện từng công việc và hoạt động của bản thân theo thứ tự từ “quan trọng và cấp bách” đến “quan trọng nhưng không cấp bách”.
“Các công việc không quan trọng nhưng cấp bách mình sẽ suy xét và dựa vào từng trường hợp để quyết định có nên làm hay không. Và cuối cùng, mình thường sẽ giảm tải các công việc vừa không cấp bách, vừa không quan trọng. Do đó, trong từng thời điểm, mình đều biết bản thân sẽ phải làm gì và nên hạn chế điều gì để đạt được mục tiêu mà mình mong muốn”, Hải cho hay.
Lê Thanh Hải, tân thủ khoa tốt nghiệp toàn trường khóa 19, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM. Ảnh: NVCC |
Thoát khỏi vùng an toàn
Một trong những điều đặc biệt mà nam sinh đã thực hiện trong kỳ tốt nghiệp của mình là quyết định chuyển toàn bài luận từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Đồng thời, Hải bảo vệ luận án, thuyết trình và trả lời câu hỏi phản biện của hội đồng thẩm định cũng bằng tiếng Anh dù ngoại ngữ này không phải là thế mạnh của Hải.
Lấy nỗi sợ “bỏ lỡ” để vượt qua những nỗi sợ “thất bại”, tân thủ khoa đã đánh liều với những quyết định cuối cùng trong thời sinh viên. “Tất cả những gì mình đang thực hiện, rất có thể sẽ là lần cuối cùng” - đây chính là động lực đã thôi thúc nam thủ khoa bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Hải trải lòng: “Dẫu có thất bại đi chăng nữa, ít nhất mình cũng đã dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và đã không bỏ lỡ cơ hội được thử”.
Một lần thoát ra khỏi vùng an toàn khác của tân thủ khoa song bằng là chuyến trải nghiệm tại tỉnh Phetchaburi, Thái Lan trong 2 tháng, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7/2023. Hải tham gia dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 tại một trường phổ thông theo chương trình trao đổi của AIESEC.
Chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn và sự nỗ lực vươn lên của học sinh bản địa, Hải cảm thấy mình cần cố gắng hơn nữa để giúp trẻ đến trường và đi học. Từ đây, cậu càng củng cố tình yêu với nghề giáo của mình, vốn đã được nung nấu từ nhỏ. “Em muốn làm giảng viên đại học và làm bán thời gian về ngành truyền thông. Có vẻ em sẽ không phù hợp với môi trường công sở”, Hải chia sẻ.
Tân thủ khoa Trường Đại học Kinh tế - Luật cũng là người dấn thân trong việc học ngoại ngữ, khi theo đuổi cùng lúc 3 ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh là Nhật, Thái, Trung. Trong thời gian rảnh, Hải dùng 2 - 3 giờ mỗi ngày xem YouTube, TikTok để tự học từ vựng, giao tiếp. Hiện, cậu có thể giao tiếp khá tốt bằng tiếng Nhật và Thái, tiếng Trung đang ở mức sơ cấp.
Trải qua 4 năm đại học đầy “sóng gió” với hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Hải nghiệm ra rằng, khó khăn lớn nhất mình phải đối mặt trên hành trình chinh phục thành công chính là thuyết phục chính bản thân tin rằng, mình có thể làm được.
“Chỉ cần vượt qua được nỗi sợ và nỗi do dự ấy, thì dù tình huống có khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn sẽ luôn tìm ra được một hướng giải quyết”, tân thủ khoa bày tỏ. Theo Hải, cơ hội ở phía trước luôn là một ẩn số. Nếu chúng ta cho bản thân cơ hội được thử, thì xác suất thành công có thể sẽ cao hoặc thấp, nhưng nếu như không thử, cơ hội thành công sẽ là 0%.
Về kế hoạch sắp tới, Lê Thanh Hải cho biết sẽ tiếp tục trau dồi vốn kiến thức và mong muốn có một công việc phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Tân thủ khoa muốn học tiếp sau đại học, trau dồi thêm nhiều ngoại ngữ để nuôi dưỡng ước mơ của mình.
Lê Thanh Hải từng giành được nhiều thành tích xuất sắc trong các cuộc thi lớn, như giải Nhì trong Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn năm 2018, Quán quân cuộc thi hùng biện Power Of Speech 2020; Quán quân cuộc thi Marketing Marship Connector 2021, Giải Talent Marketer cuộc thi Digital Marketing Case Challenge 2021, Top 20 cuộc thi Marketing Arena 2021, Á quân cuộc thi Infina Marketing Talent 2022. Hải cũng là tình nguyện viên quốc tế chương trình Sawasdee.