Nữ sinh người Thái đỗ thủ khoa trường Quân đội

GD&TĐ - Vi Thị Thu (Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa) đạt được 27,85 điểm ở 3 môn khối A (gồm cả điểm ưu tiên).

Vi Thị Thu có dáng người cao ráo, nổi bật trong sắc phục của người đồng bào dân tộc Thái.
Vi Thị Thu có dáng người cao ráo, nổi bật trong sắc phục của người đồng bào dân tộc Thái.

Ngày nhận tin vui, Vi Thị Thu vừa kết thúc thời gian làm thời vụ cho một công ty điện tử ở Hà Nam. Lần đầu tiên trong đời, nữ sinh dân tộc Thái hạnh phúc đến vậy, ước mơ thi đỗ trường Quân đội đã thành hiện thực.

Niềm vui của cả bản

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Vi Thị Thu (Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa) đạt được 27,85 điểm ở 3 môn khối A (gồm cả điểm ưu tiên). Với mức điểm này, nữ sinh dân tộc Thái của huyện vùng núi Thanh Hóa có điểm trúng tuyển cao nhất trong số các thí sinh nữ xét tuyển vào Học viện Hậu cần.

Thu có dáng người cao ráo, nước da trắng bóc cùng nụ cười tỏa sáng. Đến giờ, nữ sinh xứ Thanh vẫn chưa vơi niềm vui. Giọng hồ hởi, Thu chia sẻ: “Em chỉ mong mình đậu, chứ chưa từng dám nghĩ sẽ trở thành thủ khoa. Vì vậy, khi thầy cô gọi điện báo tin, em vô cùng bất ngờ. Bà con thôn bản hay tin cũng phấn khởi vào nhà chúc mừng, chung vui”.

Thu là chị cả trong gia đình có 3 chị em ở thôn Phụ Vân, xã Cát Tân (huyện Như Xuân). Dưới Thu còn có em trai đã nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn và cậu em út mới vào lớp 1. Bố mẹ nữ sinh làm ruộng ở địa phương, thời gian rảnh bố Thu nhận đi phụ hồ, còn mẹ đi bóc keo thuê để trang trải cuộc sống.

Thu kể, hơn một năm trước gia đình em có nuôi đàn lợn thịt khoảng chục con. Cả nhà dự tính lúc xuất chuồng sẽ để ra một khoản tiết kiệm lo học phí cho Thu và các em. Thế nhưng, tính toán chưa bao lâu thì đàn lợn bỗng lăn ra chết vì dịch bệnh. “Đầu năm nay, bố em không may bị dao cứa đứt 2 đốt ngón tay. Kể từ đó, bố phải xin nghỉ việc phụ hồ còn mẹ trở thành trụ cột lo cuộc sống cho cả nhà. Hàng ngày, mẹ nhận đi bóc keo thuê với mức thù lao 180.000 đồng/ngày”, nữ sinh bộc bạch.

Thấy bố mẹ vất vả nên những lúc rảnh rỗi hay vào dịp hè, Thu tranh thủ cùng mẹ đi bóc keo thuê. Nữ sinh kể, việc bóc keo không đòi hỏi kinh nghiệm nhưng thường xuyên phải leo đồi. Nhiều hôm chân bầm tím, tê cứng vì phải làm việc cả ngày.

Thu và cô giáo chủ nhiệm Tạ Thị Thúy Chinh.

Thu và cô giáo chủ nhiệm Tạ Thị Thúy Chinh.

Để giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ, ngay sau khi học hết cấp 1 trường làng, Thu nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Như Xuân. “Học trường nội trú, em được hỗ trợ học phí và tiền ăn ở, bố mẹ cũng đỡ vất vả hơn. Đây cũng là lý do khiến em đăng ký dự thi vào Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh cũng như quyết tâm xét tuyển vào trường Quân đội”, Thu trải lòng.

Không chỉ biết suy nghĩ cho gia đình, Vi Thị Thu còn rất ý thức trong việc học. Suốt 12 năm “đèn sách”, Thu liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Đặc biệt, những năm cấp 1, nữ sinh xứ Thanh còn nhiều lần giành học bổng với phần thưởng là những chiếc xe đạp. Nhờ vậy, quãng đường đi học từ nhà đến trường hơn 4km với Thu đã gần hơn rất nhiều.

Lên cấp 2, Thu còn xuất sắc đạt giải Nhì môn Hóa, kỳ thi giao lưu học sinh giỏi cấp huyện lớp 8. Một năm sau, nữ sinh còn cải thiện thành tích khi mang về cho mình và nhà trường giải Nhất, cũng ở môn học sở trường. Lớp 12, Thu tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải Khuyến khích môn Hóa.

Trong thời gian ôn thi tốt nghiệp, Thu luôn phân bổ thời khóa biểu hợp lý cho các môn học. Đồng thời, tập trung luyện đề “chạy” nước rút thật chu đáo. Nhiều hôm, nữ sinh miệt mài ôn tập đến 1 - 2 giờ sáng ở khu nội trú.

Khi quyết định đăng ký xét tuyển vào Học viện Hậu cần, Thu không hề do dự hay tỏ ra dao động dù chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường vỏn vẹn có 4 suất dành cho nữ. “Em đã đặt mục tiêu và quyết tâm từ nhiều năm trước nên không hề dao động với quyết định của mình”, nữ sinh nói với giọng quả quyết.

Biết tin con gái đỗ thủ khoa trường Quân đội, chị Lê Thị Xuân (mẹ của Thu) không giấu được niềm xúc động. Chị Xuân tâm sự, gia đình mong con đỗ vào trường Quân đội thôi, chứ chưa bao giờ dám mơ con gái sẽ đỗ thủ khoa.

“Từ bữa con báo tin vui, gia đình tôi phấn khởi vô cùng. Bà con chòm xóm rồi người thân cũng đến nhà chúc mừng. Ít hôm trước, gia đình đã làm thịt con lợn duy nhất trong chuồng để mời người thân, họ hàng và bà con đến chung vui”, người mẹ xúc động nói.

Thu và cậu em út trong ngôi nhà của mình ở huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa.

Thu và cậu em út trong ngôi nhà của mình ở huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa.

Thi xong xin làm công nhân thời vụ

Bốn ngày sau khi hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Thu xin làm công việc bưng bê cho một nhà hàng tại khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Thù lao mỗi ngày nữ sinh này nhận được là 170.000 đồng.

Dịp hè cũng là cao điểm mùa du lịch biển nên Thu thường xuyên phải làm việc tới 11 giờ khuya mới nghỉ ngơi. Sau gần một tháng nỗ lực làm việc, nữ sinh xin nghỉ và được chủ nhà hàng trả công gần 3,5 triệu đồng. Lần đầu tiên cầm khoản tiền lớn do chính công sức mình làm ra, cô nữ sinh dân tộc Thái rất phấn khởi. “Đây có lẽ là khoản tiền lớn nhất trong đời em có được từ sức lao động của mình. Sau khi dành ra một khoản đưa cho mẹ, em mua thêm một ít đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chuẩn bị cho hành trang đại học sắp tới”, Thu bộc bạch.

Một tuần sau khi nghỉ việc ở nhà hàng, Thu cùng cô bạn thân bắt xe ra tỉnh Hà Nam xin làm thời vụ cho một công ty về linh kiện điện tử. Để thuận tiện cho việc đi lại, Thu và bạn thuê phòng trọ cách công ty khoảng 1km. Một ngày làm việc của cô công nhân bất đắc dĩ kéo dài từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối, hôm nào tăng ca, thời gian làm việc sẽ kéo dài tới 10 giờ đêm.

Thời gian đầu, do chưa quen việc nên Thu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, cơ thể đau nhức, đặc biệt là phần vai gáy do phải cúi nhiều. “Những ngày đầu, cứ về đến phòng là em nằm bẹp vì phần cổ đau nhức. Sau khoảng 4 - 5 ngày, em bắt đầu quen với công việc bất đắc dĩ này”, nữ sinh chia sẻ.

Hôm nhận tin đậu đại học, Thu còn đang mải miết tăng ca ở công ty. “Lúc nghe cô bạn báo tin vui, sống mũi của em bỗng thấy cay cay như sắp khóc. Lúc đó, em vui lắm nhưng vẫn phải kiềm chế cảm xúc vì đang trong giờ làm việc”, Thu xúc động nói.

Hơn 2 tuần “hóa thân” thành cô công nhân bất đắc dĩ, Thu phải xin nghỉ làm để về khám mắt và bắt xe xuống trường hoàn thiện thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng. Nữ sinh chia sẻ, khoản tiền hơn 4 triệu đồng có được trong thời gian làm thời vụ ở Hà Nam sẽ đưa mẹ mua sách vở và nộp học phí cho em út vừa vào lớp 1.

Hiện tại, trường đại học chưa thông báo lịch nhập học nên Thu tranh thủ ở nhà phụ giúp bố mẹ, dạy bảo em học. Đồng thời, chuẩn bị thêm một số đồ dùng cá nhân, sách vở cho hành trình đại học sắp tới.

Nói về học trò của mình, cô Tạ Thị Thúy Chinh, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa, nhận xét: Thu là học sinh chăm ngoan, sống hòa đồng và là cán bộ Đoàn gương mẫu của lớp 12A. Trong thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT, em còn tranh thủ thời gian hỗ trợ những bạn có lực học yếu. Thu là học sinh giàu nghị lực và khá đặc biệt của lớp 12A. Ngay sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, Thu đã xin làm thời vụ lấy lộ phí làm hành trang cho chặng đường đại học phía trước.

“Trong kỳ xét tuyển đại học năm nay, lớp 12A có 27 em trong tổng số 29 học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1. Đặc biệt, cả 4/4 học sinh đăng ký vào khối trường Quân đội và Công an đều trúng tuyển. Học viện Hậu cần năm nay chỉ lấy 4 chỉ tiêu là nữ. Khi Thu quyết định đăng ký xét tuyển, tôi khá lo lắng và áp lực dù điểm số của em khá cao. Khi biết tin, Thu là thí sinh nữ có điểm trúng tuyển cao nhất, cả cô và trò đều vỡ òa cảm xúc. Em cũng là học trò xuất sắc được kết nạp Đảng tại trường dịp tháng 5 vừa qua”, cô Chinh chia sẻ.

Thầy Phạm Anh Toàn - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa - cho biết: Năm 2023, nhà trường có tỷ lệ học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 đạt 98%, trong đó có nhiều trường tốp đầu cả nước.

Đặc biệt, có khoảng 20 em trong tổng số 182 học sinh đăng ký vào khối trường Công an, Quân đội đều trúng tuyển, với một thủ khoa và 2 á khoa khối trường Quân đội. Em Vi Thị Thu là thủ khoa Học viện Hậu cần (với nữ), cũng là thí sinh có mức điểm cao thứ 5 trong tổng số thí sinh xét tuyển vào ngôi trường này.

Vi Thị Thu cho biết: Em nghĩ rằng, học vấn là vô cùng quan trọng, đặc biệt là với học sinh ở vùng núi như chúng em. Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ em không được đi học nên luôn động viên các con học hành để thoát nghèo. Với bản thân mình, em luôn đặt mục tiêu rõ ràng và nỗ lực phấn đấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.