Ước mơ nghề giáo của thủ khoa kép

GD&TĐ - Nguyễn Hoàng Gia Khánh, tân cử nhân ngành Sư phạm Hóa học là thủ khoa tốt nghiệp năm 2023 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Nguyễn Hoàng Gia Khánh (trái) nhận bằng tốt nghiệp từ tay GS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: Mạnh Tùng
Nguyễn Hoàng Gia Khánh (trái) nhận bằng tốt nghiệp từ tay GS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: Mạnh Tùng

Nguyễn Hoàng Gia Khánh, tân cử nhân ngành Sư phạm Hóa học là thủ khoa tốt nghiệp năm 2023 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Đặc biệt hơn, 4 năm trước, Khánh cũng là thủ khoa đầu vào của trường.

Chọn lại nghề giáo sau 3 năm học y

Gia Khánh tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TPHCM với điểm trung bình học tập (GPA) đạt 3,94/4, đạt chứng chỉ tiếng Anh TOEIC 970. “8 năm học đại học, 4 năm với màu áo blouse trắng của sinh viên Y khoa, 4 năm với màu áo xanh Sư phạm. Năm 2019 trở thành thủ khoa đầu vào của trường, năm 2023 vinh dự là thủ khoa tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa học và cũng là thủ khoa tốt nghiệp khóa 45 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Hành trình nhiều quả ngọt nhưng cũng đầy chông gai khiến em hiểu rằng sự dũng cảm và niềm đam mê là nguồn động lực không bao giờ vơi cạn, thúc đẩy chúng ta trên con đường tìm kiếm giá trị, định vị bản thân” - phần mở đầu bài phát biểu ấn tượng của Gia Khánh tại lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ năm 2023 Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Tại lễ tốt nghiệp 2023, GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho biết: Xin trân quý từng bó rau, gói mì hay cả những lời giảng có cả nước mắt, cả những vết hằn lo âu chống dịch và dạy học. Xin trân quý và tự hào về cố gắng của tất cả người học tuyệt vời. Xin chia sẻ, xin 1 phút tưởng nhớ tất cả người thân, những người lao động, những ai đã chia tay với chúng ta mãi trong bối cảnh đã qua với biết bao khó khăn và thách thức. Lòng biết ơn đáng quý đến nhường nào, nhất là giờ phút này.

Gia Khánh là cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TPHCM), tham dự Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015.

Cậu từng là cái tên được chú ý ở thời điểm này khi là một trong 2 thí sinh có tổng điểm 6 môn thi cao nhất cả nước với 53,75/60 điểm. Chỉ xét riêng tổ hợp khối B00 (Toán, Hóa, Sinh), Khánh đạt 28,5 điểm. Số điểm này giúp Khánh trúng tuyển ngành Y khoa, Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Việc học tập để trở thành một bác sĩ tương lai vẫn được Khánh thực hiện đúng theo tiến độ với kết quả tốt. Điểm trung bình học tập ở năm thứ nhất, năm thứ hai đều trên 8. Đến học kỳ I năm thứ ba, Khánh vẫn đạt điểm trung bình 7,8. Tuy nhiên, khi bước vào đợt thực tập lâm sàng tại bệnh viện, cậu cảm nhận mình không phù hợp với ngành học này. Cảm giác này càng rõ rệt khi Khánh càng hiểu rõ hơn công việc của một bác sĩ. Một thời gian khá dài, Khánh cảm thấy stress, mông lung về tương lai.

Có mẹ và ông bà ngoại là giáo viên nên từ nhỏ, Khánh đã ý thức, nếu lớn lên theo nghề này, mình sẽ làm những gì. Và càng lúc, mong ước muốn theo nghề giáo trong cậu càng trỗi dậy. “Em luôn muốn đi dạy học, kể cả khi ngồi ở giảng đường trường Y, em vẫn mơ mộng mình sẽ là giảng viên để đi dạy. Em cảm thấy bản thân mình không phù hợp để đi tiếp”, Khánh nhớ lại.

Hết năm thứ ba ở Trường Đại học Y Dược TPHCM, Khánh xin bảo lưu rồi xét học bạ THPT để vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Điểm chuẩn năm đó là 29,45, Khánh thiếu 0,05 điểm nên rớt. Do đó, nam sinh dành một năm để ôn thi.

May mắn là, năm học lớp 12, Khánh soạn tài liệu ôn tập khá kỹ. Cậu đã từng soạn một bộ tài liệu ôn thi THPT quốc gia 2015 với 3 môn Toán, Hóa, Sinh dày gần 400 trang khổ A4. Do đó, việc lấy lại kiến thức với Khánh không quá khó khăn.

Ngoài ra, cậu còn có một người bạn cùng ôn thi lại nên cả hai hỗ trợ lẫn nhau. Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019, Khánh đỗ thủ khoa vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM với 28,05 điểm (Toán 9,6 điểm; Hóa học 9,25 và Tiếng Anh 9,2). Sau khi đứng trên bục phát biểu với vai trò là tân thủ khoa, Khánh mới chính thức nộp đơn xin thôi học tại Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Nguyễn Hoàng Gia Khánh (ngoài cùng, bên phải) trong dự án cuối kỳ của học phần “Sử dụng thí nghiệm trong dạy học Hóa học”. Ảnh: NVCC

Nguyễn Hoàng Gia Khánh (ngoài cùng, bên phải) trong dự án cuối kỳ của học phần “Sử dụng thí nghiệm trong dạy học Hóa học”. Ảnh: NVCC

Không cảm thấy hối tiếc

“Điều em luôn cảm thấy đối với các thành tích của mình đó là sự may mắn. Mọi thứ đến với em rất tự nhiên và trùng hợp, như được sắp đặt sẵn, do đó hoàn toàn em không đặt mục tiêu là phải thủ khoa thế này, thế kia”, Gia Khánh nói về những thành tích thủ khoa cậu giành được.

Khánh nói, bản thân rất thích học, muốn hiểu biết hơn về nhiều thứ, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên. Do đó, ở giảng đường y khoa, khi được tìm hiểu rõ về cơ thể người và các bệnh lý, nam sinh cảm thấy khá hứng thú. Nhưng khi cảm giác hoang mang ập tới, Khánh nhận ra việc chọn ngành Y ban đầu của mình khá vội vàng do không tìm hiểu kỹ lưỡng. Khi chọn thi lại đại học và học ngành Sư phạm Hóa học, Khánh nhận được không ít những bình luận không hay từ mạng xã hội và những người xung quanh. Họ cho rằng, đó là quyết định nông nổi, phung phí thời gian, tiền bạc.

“Tuy nhiên, em chưa từng tiếc nuối sau 3 năm học y bởi em đã trưởng thành, học được nhiều điều. Kiến thức y khoa vẫn giúp em xây dựng bài dạy môn Hóa học kết nối với thực tiễn, giúp học sinh hiểu sâu hơn và cảm thấy môn học ý nghĩa”, Khánh nói. Theo Khánh, xã hội thay đổi, con người cũng cần những kỹ năng mới để thích nghi với thời cuộc.

Cậu không tự hào và cổ xúy cho việc ngưng học giữa chừng rồi chọn lại ngành. Chỉ là, cậu thấy đó là quyết định đúng đắn và phù hợp với bản thân. Câu chuyện của bản thân được Khánh xem là một bài học đáng nhớ trong vấn đề hướng nghiệp và tự nhủ, bản thân sẽ lưu ý nhắc nhở học sinh khi đi dạy sau này.

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Gia Khánh đã có tình yêu với môn Hóa. Năm học lớp 8, cậu đã thích thực hành các thí nghiệm của môn này với các chất tự chế như giấm, vôi. Lớp 9, cậu giành danh hiệu thủ khoa môn Hóa Kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố.

Khi vào ngôi Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, niềm đam mê này càng lớn hơn. Đặc biệt, khi cậu gặp được thầy chủ nhiệm, đồng thời là giáo viên môn Hóa học - người truyền cảm hứng và động lực lớn để nam sinh học giỏi và yêu thích Hóa hơn nữa. Lớp 12, Khánh là á khoa Kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Niềm đam mê Hóa theo cậu từ đó cho đến tận hôm nay, khi Khánh đã trở thành một giáo viên Hóa học.

Nguyễn Hoàng Gia Khánh (hàng sau, ngoài cùng bên phải) tham gia chương trình trao đổi Sakura về khoa học (Sakura Science Exchange Program) năm 2022 tại Đại học Mie, Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Nguyễn Hoàng Gia Khánh (hàng sau, ngoài cùng bên phải) tham gia chương trình trao đổi Sakura về khoa học (Sakura Science Exchange Program) năm 2022 tại Đại học Mie, Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Bài học về nghề “gieo hạt”

Trên giảng đường sư phạm, ngoài nền tảng kiến thức tốt, Khánh luôn cố gắng giữ được động lực học tập. Ở các học phần, giảng viên luôn kết nối môn học với thực tiễn dạy học, kiến thức phổ thông. Do đó, Khánh hiểu vì sao mình cần học các môn này và cần rèn luyện kỹ năng gì.

“Em cố gắng hiểu được lý do vì sao phải học môn này, tạo động lực nội tại, gắn môn học với nghề nghiệp tương lai. Khi đó, em không cảm thấy việc học xa rời thực tiễn”, Khánh nói khi được hỏi về bí quyết học ở bậc đại học. Chẳng hạn, khi học Sư phạm Hóa học, cậu sẽ lấy học sinh làm trung tâm, luôn cố gắng giúp học sinh hiểu được cái hay và sự hữu ích của môn Hóa.

Những người thầy đầy chuyên môn và tâm huyết ở Trường Đại học Sư phạm TPHCM giúp tân thủ khoa có thêm động lực, thêm tình yêu và sự vững tin với con đường mình chọn. Khánh nhớ lại, có những lúc cậu hỏi bài, thầy cô trả lời nhiệt tình. Có thầy, cô còn soạn tin nhắn rất dài để học trò hiểu. Hoặc những khi cậu xin tài liệu học tập, thầy cô gửi ngay những tài liệu “cực” hữu ích.

Có những môn học mà thầy, cô trao đổi, chỉ dạy cho từng bạn trong lớp biết những điểm mạnh, điểm cần cải thiện. Chứng kiến sự nhiệt huyết của những người thầy, cậu tự nhủ không biết bản thân mình có đủ độ “siêng”, sức lực để làm được như vậy hay không. Và trong hành trình trên giảng đường Sư phạm, Khánh nhớ mãi lời căn dặn của một cô giáo:

Nghề giáo là nghề “gieo hạt”, cô gieo hạt để em trưởng thành, em tiếp tục gieo hạt cho sự trưởng thành của học sinh. Lúc này, danh hiệu thủ khoa mới làm cậu áp lực, bởi cậu cảm thấy, bản thân chưa giỏi như những gì mình tìm thấy ở thầy cô trong trường.

Lòng biết ơn thầy cô và nghề giáo đã được cậu giãi bày trong buổi lễ tốt nghiệp, khi đại diện cho hơn 2.000 tân cử nhân phát biểu cảm nghĩ. “Quý thầy cô đã cho chúng em cảm nhận được ý nghĩa của mỗi học phần, mỗi hành động, mỗi suy nghĩ của bản thân trong hành trình chinh phục ước mơ nghề nghiệp.

Quý thầy cô đã tận tâm hướng dẫn chúng em thu nhặt những mảnh ghép rời rạc trong mình, ghép lại thành bức tranh hoàn chỉnh về tương lai nghề nghiệp, về lẽ sống trong đời. Sự trưởng thành của các tân cử nhân có mặt trong buổi lễ tốt nghiệp ngày hôm nay chính là nhờ có sự định hướng, động viên tận tình của thầy cô. Chúng em xin khắc ghi trong tim mình tình yêu thương, sự bao dung mà thầy cô đã gửi gắm suốt chặng đường 4 năm đại học”, Khánh nói.

Suốt 4 năm học ở Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Khánh và các bạn cùng khóa trải qua hơn 2 năm bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19. Song, chàng thủ khoa vẫn cảm thấy may mắn, bởi gia đình ở TPHCM, không vất vả như nhiều bạn cùng lớp ở các tỉnh xa. Trong những lúc khó khăn nhất, Khánh hỗ trợ, chia sẻ về tinh thần, tài chính với một số bạn. Cũng trong 4 năm đó, cậu sinh viên Sư phạm Hóa học đã hỗ trợ cho nhiều học sinh ôn thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học.

Từ những trải nghiệm sau 8 năm với 2 ngôi trường đại học, Khánh tâm niệm: Chỉ cần đủ đam mê, bạn sẽ đủ can đảm để băng qua mọi khó khăn, trở ngại. Chỉ cần đủ dũng cảm “vượt rào”, bạn sẽ chạm đến niềm đam mê khao khát cháy bỏng trong tim. Đó cũng là kinh nghiệm mà cậu muốn gửi gắm đến sinh viên các thế hệ sau ở trường.

Sắp tới, chàng thủ khoa dự định theo học Thạc sĩ ngành Lý luận và phương pháp dạy học tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, đồng thời đi dạy theo đúng định hướng của mình.

Gần 2.500 tân khoa, trong đó có hơn 2.000 cử nhân, 188 thạc sĩ, 17 tiến sĩ được trao bằng tại lễ tốt nghiệp năm 2023 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, kéo dài từ ngày 8 đến 12/7. Khác với mọi năm, lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Sư phạm TPHCM để lại nhiều ấn tượng bởi sự thiêng liêng vốn có của sự kiện, những khoảnh khắc tri ân đặc biệt của các tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ dành cho cha mẹ, thầy cô. Lễ tốt nghiệp cũng trở nên đặc biệt khi những tân khoa khóa này đã trải qua nhiều khó khăn trong 2 năm dịch bệnh Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.

Hiểu rõ gen z là gì