Tự hào về rể nghèo

GD&TĐ - Vợ chồng tôi đang sống tại một căn hộ dành cho người thu nhập thấp. Chồng tôi làm việc trong một công ty nhỏ, thu nhập không cao nhưng ổn định. 

Tự hào về rể nghèo

Tôi mở dịch vụ trang trí nhà cửa online, thu nhập không đều nhưng cũng khá, túc tắc vài năm nữa sẽ gom đủ trả tiền nhà. Thỉnh thoảng, chồng tôi lại nói vui: “Anh nhớ cái thời ở rể quá...!”

Tình yêu của chúng tôi từng bị gia đình phản đối. Càng khó khăn, chúng tôi càng yêu nhau hơn. Cả hai đều tin rằng, khi ở bên nhau, chuyện gì chúng tôi cũng có thể vượt qua. Tốt nghiệp đại học chưa đầy một tuần, anh đưa tôi về ra mắt. 

Bố mẹ anh “soi” tôi từ đầu đến chân rồi buông một câu: “Không được!”. Vì còn quá trẻ nên tôi không giấu được những giọt nước mắt tủi thân, sự thật là họ không hề chào đón tôi. Anh nắm chặt tay tôi, thủ thỉ: “Đừng buồn em ạ, hôn nhân là chuyện của hai chúng ta”.

Chúng tôi về chung một nhà mà không có lấy một khái niệm ổn định nào. Ra trường đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp nào cũng thắt chặt đầu vào. Vợ chồng tôi đều làm công việc tự do, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, không có việc thì không có tiền. 

Vì làm trái ý bố mẹ nên vợ chồng tôi không nhận được sự trợ giúp nào từ họ, thực tế thì ông bà cũng không hề dư dả. Chưa một lần được mặc váy cô dâu, nhưng tôi không hề tủi thân, mỗi khi nhìn vào tờ giấy đăng ký kết hôn, tôi thấy mình có thêm nhiều động lực để phấn đấu.

Chồng tôi tìm được một căn hộ cấp 4 nhỏ như mắt muỗi, nhưng với thu nhập bấp bênh của chúng tôi thì chi phí thuê nhà cũng là nỗi ám ảnh trong những ngày cuối tháng, đấy là chưa kể tiền điện nước, tiền ăn uống và hàng tỉ thứ phải chi tiêu hàng ngày. 

Trông ngóng những bản hợp đồng từ trên trời rơi xuống khiến chúng tôi mòn mỏi. “Không thể tiếp tục duy trì tình trạng này nữa, chúng mình không thể sống mà không có thu nhập. Em muốn anh tìm một công việc ổn định, nhưng trước hết vợ chồng mình nên chuyển về nhà bố mẹ em ở tạm để bớt chi phí thuê nhà” – Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thẳng thắn đề nghị anh một việc trọng đại như vậy. 

Xưa nay, bố mẹ tôi luôn đánh giá cao những người đàn ông chất phác, giản dị nhưng phải thực tế, biết kiếm tiền, làm chỗ dựa vững chắc cho tôi chứ không hề chào đón một chàng rể lãng tử như anh. Nhưng sau này bố mẹ tôi không trách móc, mà thương chúng tôi nhiều hơn. 

Nhiều lần tôi giấu anh, lén về nhà khóc lóc với mẹ. Chính bà là người gợi ý vợ chồng tôi chuyển về nhà ở tạm một thời gian. Nhưng làm sao xua tan được mặc cảm của chồng tôi, làm thế nào để anh đổi ý. 

Với cái tôi quá lớn của anh thì lời đề nghị của tôi chẳng khác gì trò đùa, anh cười nhạt: “Trông anh tội nghiệp lắm hả? Bố mẹ em sẽ vui vẻ đón chào một thằng đi ở rể như anh à? Còn bố mẹ anh nữa, họ sẽ hả hê như thế nào nếu biết chuyện. Em còn không biết à, trong mắt họ, anh chỉ là thằng nghệ sĩ nửa mùa”.

“Bây giờ, việc người khác nghĩ gì quan trọng hơn hay cuộc sống của chúng ta quan trọng hơn? Em chỉ muốn anh tham khảo ý kiến này thôi chứ không bắt anh quyết định ngay”, thấy thái độ gay gắt của anh, tôi đành “lùi một bước để tiến hai bước”, hy vọng mưa dầm thấm lâu.

Hôm sau tôi gọi điện cho mẹ, nhờ bà mở lời với chồng tôi, hy vọng “chiêu” này có tác dụng. 

Cuộc trò chuyện giữa mẹ vợ và con rể thành công ngoài mong đợi. Tôi ngẫm ra một điều, mình lấy chồng nghèo đâu có hèn, đâu có khổ như người ta nói. Chỉ cần người đàn ông ấy có chí tiến thủ, biết vươn lên, có trách nhiệm với gia đình thì đó là người đàn ông tuyệt vời. 

Tôi tự thấy mình còn sướng hơn khối cô bạn lấy chồng nhà giàu, đám cưới được tổ chức hoành tráng, cô dâu được khoác lên người bộ váy đẹp như công chúa, thế mà hàng ngày chỉ biết ăn bám và phá phách. Bố mẹ tôi bây giờ rất tự hào về con gái và con rể. Đi đâu họ cũng khen con rể ngoan, chịu khó. Họ yên tâm hoàn toàn khi anh là chỗ dựa vững chắc suốt đời cho cô con gái rượu của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.