Tự hào và trách nhiệm

GD&TĐ - Mùa tri ân 20/11, liên tiếp tin vui đến với những người làm nghề sư phạm.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Quốc hội đã thống nhất nâng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng cho công chức, viên chức từ 1/7/2023. Ngành Giáo dục chiếm tới hơn 70% số công chức, viên chức trong cả nước, quyết định của Quốc hội cũng đồng nghĩa với việc giáo viên trong ngành theo đó được hưởng thêm quyền lợi.

Và không chỉ dừng ở việc tăng lương cơ sở, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng, cố gắng tại thời điểm 1/7/2023 khi tăng mức lương cơ sở sẽ điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên. Theo đó, Bộ đề xuất giáo viên mầm non đang làm việc tại xã khu vực III, thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới được hưởng 100%, nơi còn lại là 70%, gấp đôi mức 50% và 35% như trước đây.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, dành nhiều ưu đãi về chế độ chính sách cho nhà giáo. Nhờ đó, đội ngũ nhà giáo nước ta đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý.

Tuy vậy, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, đầu tư cho giáo dục chưa tương xứng với kỳ vọng, đời sống nhiều thầy cô vẫn còn vất vả, gian nan. Con số hơn 16.000 người/1,6 triệu giáo viên trên cả nước bỏ việc năm 2022 là một khoảng lặng đáng suy ngẫm. Trong những nguyên nhân khiến nhà giáo chưa toàn tâm toàn ý với nghề, có vấn đề về thu nhập tiền lương...

Những nỗ lực để cải thiện chế độ chính sách tiền lương cho nhà giáo trước thềm 20/11 năm nay của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT có tính động viên rất lớn, để nhà giáo có thể yên tâm công tác, chăm lo cho giáo dục, bởi “có thực mới vực được đạo”.

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những ngày này, các doanh nghiệp, tổ chức, phụ huynh, học sinh cả nước cũng đã và đang dành nhiều tình cảm và hành động thiết thực để tri ân, tôn vinh thầy cô. Sự tôn trọng, tin yêu, quan tâm, vun đắp chia sẻ của cộng đồng là nguồn động lực quý báu để người thầy giữ lửa nghề và vững bước trên hành trình trao truyền tri thức.

Tự hào, cảm kích trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, tôn vinh ghi nhận của xã hội, với mỗi thầy, cô giáo, đồng thời đó cũng là trách nhiệm nghề nghiệp lớn lao. “Trước hết, để có được sự chia sẻ, tôn vinh từ phía xã hội, chính chúng ta phải làm thật tốt các công việc của mình. Đó là điều kiện tiên quyết để chúng ta khẳng định giá trị bền vững của nghề nghiệp, sự tốt đẹp của nghề giáo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với báo chí nhân dịp 20/11.

Mùa tri ân, với nhà giáo cũng là dịp để mỗi thầy cô tự nhắc nhở mình và nhắc nhở nhau về sứ mệnh đảm trách. Chia sẻ của nhà giáo Nguyễn Thị Liễu Hoàn (Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình) tại buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình thật đáng suy ngẫm:

“Nếu coi nghề giáo chỉ là công việc mưu sinh, là ‘thợ dạy’ liệu chúng ta có thể làm tròn sứ mệnh cao cả của giáo dục, có xứng đáng được tôn vinh, kính trọng? Rõ ràng, nghề giáo cần ở chúng ta nhiều hơn thế. Nghề giáo cần ở chúng ta không chỉ tri thức, mà còn trái tim ấm nóng cảm xúc và tràn đầy nhiệt huyết. Đó là lý do khiến những robot có bộ vi xử lý hiện đại nhất cũng không thể thay thế được chúng ta. Đó cũng là một trong những lý do khiến học sinh khao khát được đến trường và thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.