Trọn vẹn ý nghĩa ngày tri ân

GD&TĐ - Tôn sư trọng đạo là truyền thống lâu đời. Do đó, mỗi dịp 20/11 hầu hết nhà trường đều tổ chức hoạt động hưởng ứng.

Học sinh Trường Tiểu học Thái Phiên, xã Tam Đại (Phù Ninh, Quảng Nam) làm thiệp chúc mừng thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Tiểu học Thái Phiên, xã Tam Đại (Phù Ninh, Quảng Nam) làm thiệp chúc mừng thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: NTCC

Song đằng sau giá trị tích cực không ít “sạn” khiến ý nghĩa của sự tri ân không trọn vẹn và để lại dư âm chưa tốt trong xã hội.

Không để thầy, trò “căng mình” vì Ngày Nhà giáo

Với hầu hết các trường ở nông thôn, vùng khó khăn, việc hưởng ứng ngày 20/11 diễn ra có phần nhẹ nhàng, giản dị hơn. Thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang), cho biết: Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, dấu mốc quan trọng nên ngành Giáo dục đã tổ chức một số hoạt động chung cho các nhà trường trong địa bàn như thi đấu bóng chuyền nam và nữ trong 2 ngày. Nhà trường sẽ tổ chức tọa đàm ngày 19/11 để tất cả thầy cô ở trường chính và 18 điểm lẻ có cơ hội gặp mặt, chia sẻ và chúc mừng nhau. Nhà trường có một phần quà nhỏ để động viên mỗi thầy cô (trích từ nguồn chi khác).

“Hơn 20 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, tôi và nhiều đồng nghiệp hiếm khi nhận được hoa hay món quà từ phụ huynh, học sinh. Chúng tôi không xem đó là điều để tủi thân đáng suy nghĩ bởi phụ huynh nghèo, đời sống khó khăn. Để tạo niềm vui, động viên các thầy cô dịp lễ tết chỉ cần hoạt động như tọa đàm, liên hoan nhẹ. Niềm vui của chúng tôi là học sinh không bỏ học, tiến bộ trong học tập từng ngày…”, thầy Đông chia sẻ.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng tổ chức tọa đàm cho giáo viên cả ba cấp học mầm non, tiểu học, THCS. Cùng đó triển khai một số hoạt động thể thao để thầy cô giao lưu, giải tỏa áp lực công việc; tăng cường sức khỏe, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm...

“20/11 đối với giáo viên vùng khó mang tính chất tinh thần. Trong điều kiện có thể, nhà trường tổ chức giản dị mà ấm áp. Dù chỉ gặp mặt, cất lời ca tiếng hát, đọc thơ… nhưng đó là sự động viên, tôn vinh cần thiết để tất cả cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn phía trước, tiếp tục bám trường lớp, hết lòng vì học trò”, thầy Thương chia sẻ.

Theo thầy Quách Văn Thương, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Cốc Pàng, (Bảo Lạc, Cao Bằng), ngoài tham gia hoạt động chung, nhà trường không có kinh phí nên chỉ dừng lại ở tổ chức tọa đàm để thầy cô ôn lại kỷ niệm, chúc mừng nhau. Còn với học trò vùng cao, đã có nhận thức hơn về ngày này nên trên đường tới trường thường ngắt những bông hoa rừng mang tới lớp tặng thầy cô kèm những lời chúc sức khỏe, hứa học tốt để không phụ công sức thầy cô…

Tại Trường Tiểu học Yên Mỹ (Lạng Giang, Bắc Giang), cô Ngô Thị Thoan, Hiệu trưởng, cho biết các hoạt động chào mừng được nhà trường lên kế hoạch đảm bảo ý nghĩa, trang trọng, đặc biệt không tốn kém. Cụ thể ngoài lễ mít tinh kỷ niệm với các tiết mục do học sinh biểu diễn, trường còn tổ chức cho học sinh các lớp vẽ tranh với đề tài trường lớp, thầy cô kèm theo lời chúc; Phát động phong trào thi đua học tốt tích hoa chăm ngoan; Trang trí lớp học, viết cảm nhận về thầy cô, mái trường…

“Hoạt động tri ân thầy cô đều đặt ra với mục tiêu không cầu kỳ, tốn kém, giáo viên không tăng việc, phụ huynh không đóng góp bất kỳ khoản nào nhưng vẫn có không khí vui tươi phấn khởi, giáo dục truyền thống... Ban giám hiệu cũng yêu cầu Ban phụ huynh không trích tiền quỹ lớp để làm quà mừng cho giáo viên. Quỹ lớp tuyệt đối chỉ để chi hoạt động của học sinh trong quá trình học tập...”, cô Thoan cho biết.

Có thể thấy, hầu hết trường học tổ chức thi biểu diễn văn nghệ, trang trí lớp, làm thiệp chúc mừng, thi đua học tốt, dạy tốt… Các hoạt động mang tính giáo dục cao, cả thầy lẫn trò đều vui vẻ hưởng ứng. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số trường thành phố, nơi có điều kiện kinh tế vẫn có tình trạng hoạt động chào mừng gắn với thành tích thi đua. Do đó, các hoạt động bị đẩy lên thành phong trào bề nổi, đòi hỏi đầu tư hoành tráng, công phu để đạt thành tích cao. Kéo theo giáo viên, phụ huynh và học sinh phải căng mình tham gia luyện múa hát biểu diễn, trích kinh phí thuê trang phục.

Đặc biệt, có Ban phụ huynh mang tính “ăn thua” trích tiền quỹ lớp đầu tư mời biên đạo dàn dựng tiết mục, giáo viên hướng dẫn hát múa, làm nhạc, quay video, chụp ảnh lưu niệm. Cùng đó bồi dưỡng ăn uống cho học sinh mỗi buổi tập múa hát; thưởng “nóng” tiết mục đoạt giải… Số tiền hưởng ứng phong trào dịp này lên tới cả chục triệu đồng. Việc luyện tập tổ chức trước cả tháng và sau khi kết thúc khiến giáo viên, thậm chí học sinh, phụ huynh đều mệt nhoài và tốn kém.

Chúc mừng thầy cô dịp 20/11. Ảnh: NTCC - IT

Chúc mừng thầy cô dịp 20/11. Ảnh: NTCC - IT

Để tri ân trọn vẹn ý nghĩa

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng (Học viện Quản lý Giáo dục) bày tỏ: Tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam để giáo dục truyền thống cho học trò các thế hệ, cũng là dịp tri ân những người làm công tác giáo dục, xã hội tôn vinh người thầy… là việc cần thiết và nên làm. Song hình thức tổ chức tri ân ra sao để trọn vẹn ý nghĩa, tránh lãng phí, tiêu cực… lại cần bàn và có hướng triển khai phù hợp.

Theo quan điểm của PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, các nhà trường không phải cứ tổ chức rầm rộ, “đổ” vào hoạt động nhiều kinh phí thì đó là tri ân, giáo dục truyền thống. Thậm chí, nếu không cẩn thận sẽ phản tác dụng giáo dục. Tri ân nhà giáo phải là dịp để nhắc nhớ, ôn lại kỷ niệm chứ không để khoa trương, giải ngân.

Quà về vật chất chỉ là một phần ý nghĩa rất nhỏ, tinh thần mới quan trọng đối với đội ngũ nhà giáo. Nhà trường, phụ huynh, học sinh có thể chỉ tặng người thầy lẵng hoa nhỏ kèm lời chúc mừng… cũng đủ để nhà giáo cảm nhận hạnh phúc nghề nghiệp, thêm ý nghĩa về nghề cao quý mình đã và đang làm, thấy được sự tôn vinh của xã hội…

Chính vì vậy, hình thức tổ chức tri ân cần đa dạng. Bên cạnh mít tinh, thông tin về ngày nhà giáo trên các trang website… cần nhân rộng các điển hình tiên tiến, tấm gương nhà giáo qua nhiều thế hệ để học trò cùng biết đến, trân trọng và biết ơn. Mặt khác, giúp cho đội ngũ giáo viên trẻ - thế hệ đi sau, kế cận học hỏi và noi theo những tấm gương, thế hệ đi trước.

Đối với các bậc phụ huynh, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng cho rằng, nếu đến với người thầy bằng những món quà xa xỉ, nặng về vật chất trong ngày tri ân chính là làm “khó”, thậm chí “hư” người thầy. Các bậc phụ huynh cần hướng tới đội ngũ nhà giáo nói chung bằng sự thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông hoặc giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, đúng lúc, đúng chỗ, đúng người. Phụ huynh không nên quan niệm quà nặng đồng nghĩa tình cảm nặng. Và chỉ cần thể hiện sự biết ơn, tri ân với người thầy mỗi dịp 20/11 vì sự phấn đấu, hy sinh lâu dài của họ với nghề nghiệp, học trò.

“Tri ân làm sao để các thế hệ học trò, giáo viên trẻ thêm biết ơn những người thầy; tạo uy tín hình ảnh tốt đẹp của người thầy; trao truyền kinh nghiệm của người đi trước đến thế hệ sau… mới là thành công”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ