Truyền thống "Tôn sư trọng đạo"
Khi còn khoẻ, GS.TSKH Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục vẫn đến thăm và chúc Tết các thầy, cô giáo đã dạy hoặc có ảnh hưởng lớn đến học tập và sự nghiệp của mình. Những năm gần đây, sức khỏe không được tốt, nên GS thường gửi thiệp chúc mừng hoặc gọi điện thoại chúc Tết thầy giáo của mình.
“Trong những ngày Tết, tôi cũng nhận được rất nhiều lời chúc của học sinh cũ gửi đến, điều đó làm tôi vui và tự hào” – GS Phạm Minh Hạc nói, đồng thời bày tỏ: Cuộc sống có nhiều thay đổi nên cách bày tỏ tình cảm của học trò đối với người thầy ít nhiều cũng khác so với ngày xưa.
Do điều kiện, hoàn cảnh nên thay vì trực tiếp đến nhà chúc Tết thầy cô giáo của mình, nhiều người đã gửi tin nhắn chúc Tết qua điện thoại hoặc qua Facebook, Zalo...
Dù bằng hình thức nào thì cũng rất đáng trân quý, bởi đó là tình cảm chân thành của học trò đối với thầy giáo của mình. Đa số học trò đến “Tết thầy” bằng lòng biết ơn, trân trọng và mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với thầy, cô của mình.
Khẳng định Tết thầy là nét đẹp truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, GS.TSKH Phạm Minh Hạc - bộc bạch: Những ngày Tết đến xuân về, bên cạnh niềm vui đón chào năm mới, những học trò cũ thường đến nhà thầy cô giáo để chúc Tết và bày tỏ lòng biết ơn, tri ân.
Quà biếu thầy, cô không nặng về vật chất mà coi trọng tình cảm, nghĩa thầy – trò. Do đó, “mùng 3 Tết thầy” luôn là bầu không khí đầm ấm và đã trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân đất Việt.
Cần được bồi đắp và lưu truyền
Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục nhấn mạnh: "mùng 3 Tết thầy" là nhắc nhớ truyền thống tôn sư trọng đạo với ý nghĩa "Bán tự vi sư, nhất tự vi sư" (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy:). Tôn vinh người thầy đã truyền chữ, dạy nghề... cho học trò để thành danh, thành tài, thành người.
“Mùng 3 Tết thầy” vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất trong ngày đầu xuân năm mới. “Thầy ở đây cũng không bó hẹp trong phạm vi thầy giáo dạy chữ mà cả những người thầy dạy nghề...” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
Bà Tăng Thị Ngọc Mai – đại biểu Quốc hội khoá XIV - trăn trở, đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế xã hội ngày càng phát triển. Vì thế, những truyền thống tốt đẹp ít nhiều bị cơ chế thị trường chi phối.
Bà Mai cho rằng, đời sống ngày càng tốt hơn, thì con người nên sống với nhau tình cảm hơn. Lẽ tất nhiên, truyền thống tôn sư trọng đạo càng cần được củng cố, bồi đắp, lưu truyền và khẳng định là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tiếp nối truyền thống Tết Thầy, đơn giản chỉ là đến thăm nhà thầy và gửi những lời chúc mừng đầu xuân năm mới, có thể kèm theo phong bao chúc lì xì; thể hiện tấm lòng biết ơn chân thành với công lao của thầy cô giáo đối với mình.