Tự hào nghề nhiếp ảnh

Tự hào nghề nhiếp ảnh

(GD&TĐ) - Trong suốt cuộc đời cầm máy, nghệ  sĩ nhiếp ảnh Mai Nam đã chụp rất nhiều bức ảnh về đề tài thanh niên và chiến tranh. Những bức như “Cảnh giác”, “Chạy đâu cho thoát”, “Đi trực chiến” đã nổi tiếng khắp năm châu được bạn bè quốc tế biết đến như một minh chứng lịch sử về cuộc chiến tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam. 

Học nghề ảnh trên rừng 

Đến thăm ông tại nhà riêng số 104 Tô Hiến Thành, Hà Nội, chúng tôi đã thấy ông ngồi chờ sẵn nơi phòng khách. Ông bảo: “Thói quen trong công việc cả rồi nên dù bận đến mấy cũng không bao giờ sai hẹn. Dù đã ở tuổi bát thập nhưng trông ông vẫn nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào và đầu óc vẫn còn rất minh mẫn. 

Ông kể, quê ông là một trong những làng hát Quan họ nổi tiếng vùng Kinh Bắc xưa. Mười bốn tuổi ông tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1949, ông  theo chân những người lính của Trung đoàn Thủ Đô lên chiến khu Việt Bắc làm việc trong Ban Tuyên huấn TƯ Đoàn Thanh niên Cứu quốc và chính tại đây ông đã được làm quen với nhiếp ảnh và cuộc đời của ông cũng gắn liền với chiếc máy ảnh từ đó. Ông nhớ lại: Lên chiến khu một thời gian thì Báo Tiền Phong ra đời, tôi được chuyển sang đó làm. Gọi là làm báo nhưng thực ra ngày ngày tôi chỉ ở toà soạn viết li-tô (viết chữ ngược bằng mực tím lên mặt đá nhẵn để in báo) và sửa morasse. Ngày đó cả tòa soạn mới có một chiếc máy ảnh Fed của Liên Xô cũ mà sau này bạn bè ông thường đùa là “đồ chơi” cao cấp. Nhưng ông lại bị thứ “đồ chơi” đó cuốn hút ngay từ phút đầu tiên trông thấy nó. Thấy cậu lính trẻ tỏ ra thích thú, người được giao giữ chiếc máy ảnh đã ngỏ ý nếu muốn học ông sẽ dạy cho. Vậy là hằng ngày sau giờ làm, cậu đến phòng của ông học chụp ảnh. Phải mất cả tháng trời, Mai Nam mới làm quen được với việc lấy nét bằng tay sao cho chuẩn, vì điều kiện không có sẵn phim nên hầu như ông chỉ được học trên những bức ảnh đã chụp. Mỗi lần được báo là sẽ đi tác nghiệp ở đâu đó là ông lại mất ngủ vì hồi hộp, nghĩ đến chuyện chỉ sáng mai thôi sẽ được cầm vào cái máy ảnh và thể hiện những hiểu biết của mình trong cả tuần học lý thuyết.  Ông bảo kỹ thuật chụp thì nghe lý thuyết rồi thực hành nhiều là sẽ quen tay nhưng cũng không phải dễ vì không giống như máy kỹ thuật số bây giờ, cứ chụp rồi sai đâu sửa đó. Máy ảnh thời đó là máy phim, chụp xong phải về tráng, rửa ảnh mới có thể biết mình sai ở đâu. Mất công như vậy nhưng chủ yếu là học trên các bức ảnh rồi chạy ra, chạy vào dùng mắt thường để đo rồi ghi chép lại chứ chụp thì ông chỉ được chụp vài cái. Ở An toàn khu một năm, báo Tiền Phong nơi ông làm việc chuyển về Hà Nội. Ông lại khăn gói về theo, trong ba lô có cả những quyển sổ ghi chép về kỹ thuật chụp ảnh. Về Hà Nội, ông được phân công phụ trách trang ảnh. Với kiến thức còn dở dang, được học chủ yếu bằng truyền nghề, ông phải đi tìm mua các sách về nhiếp ảnh của Pháp còn sót lại sau giải phóng, tiếp tục vừa làm nghề, vừa học hỏi thêm. Ông nhớ lại lần đầu tiên được Ban Biên tập giao nhiệm vụ chụp ảnh, viết tin cho báo về hoạt động của cấp trên tại Thái Nguyên, ông đạp xe cả chục cây số từ nơi nghỉ đến chợ Thái Nguyên, tìm mua cho kỳ được một cuộn phim Kodak 6x9, rồi vội vã quay về cho kịp giờ. Tới điểm tập kết, ông mới biết được tháp tùng đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư Đảng Lao Động Việt Nam. Chụp hôm đó rồi nhưng mãi cả tháng sau trên đường về tiếp quản Thủ đô, qua thị xã Sơn Tây mới tráng được phim. Mới vào nghề, cộng thêm chiếc máy ảnh từ thời ở chiến khu nên nghệ sĩ Mai Nam rất hồi hộp không biết kết quả ra sao. May mắn có một bức đẹp nhất được chọn in trên trang nhất Báo Tiền Phong. Đây là bức ảnh đầu tiên đánh dấu sự nghiệp của ông và cũng từ đây ông lấy bút danh Mai Nam. 

Những bức ảnh làm nên tên tuổi 
Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, phóng viên ảnh Mai Nam tận mắt chứng kiến và ghi lại một cách chân thực về cuộc sống, những giây phút hào hùng của nhân dân cả nước. Năm 1968, ông xung phong vào mặt trận Vĩnh Linh, Quảng Trị lúc đó đang là chảo lửa của miền Trung. Ông kể: “Trên đường hành quân vào Quảng Trị, tôi nghe đài đã biết chiến trường trong đó rất ác liệt, càng vào gần đến nơi tôi càng háo hức, càng mong đi thật nhanh đến vùng chiến sự”. Suốt 8 tháng, ông sát cánh cùng nhân dân Vĩnh Linh vừa chiến đấu bảo vệ từng mét đất, vừa tác nghiệp. Ông kể: “Có lần mải chạy theo chụp ảnh máy bay địch bị trúng pháo kích của quân ta, tôi chạy vào giữa trận địa mà không biết đến khi nghe tiếng đạn veo véo bên tai mới sực tỉnh tìm chỗ nấp".
Trở ra Bắc, Mai Nam cùng chiếc máy ảnh rong ruổi khắp các miền quê ghi lại những hình ảnh của nhân dân đang nỗ lực xây dựng quê hương sau chiến tranh và tiếp viện cho miền Nam ruột thịt.
Trong những ngày tháng đó, ông vinh dự được nhiều lần chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không như các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, Vũ Đình Hồng, là những người được phân công ở Phủ Chủ tịch chuyên chụp ảnh Bác Hồ, với tư cách là phóng viên ảnh báo Tiền Phong, ông chỉ được chụp Người trong những kỳ họp Quốc hội, hội nghị hay các cuộc mít tinh, kỷ niệm lớn… Đến bây giờ, gia tài của ông ngoài những bức ảnh quý giá còn có gần 200 bức ảnh chụp về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông bùi ngùi nhớ lại: “Mỗi người có cách riêng để tiếp cận và chụp ảnh lãnh tụ. Tôi thường cố gắng chọn góc độ tốt và chọn lúc Bác vui vẻ, hồ hởi nhất và đẹp nhất để chụp. Trong những bức ảnh của tôi, phần lớn là Bác tươi cười và rất sinh động. Tôi nghĩ chụp ảnh Bác Hồ phải làm thế nào toát được vẻ sinh động của một vị lãnh tụ rất gần gũi, thương yêu mọi người”.
 Cô dân quân
Cô dân quân
15 năm cầm máy chụp Bác trong rất nhiều sự kiện, nhưng duy nhất chỉ có một lần nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam được chụp chung với Người. Đó là lần Người tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ 3 năm 1961. Ông tâm sự: “Khi đó Bác đang đi vào phòng họp, tôi mạnh dạn thưa với Bác: Xin Bác cho anh em nhiếp ảnh được chụp chung với Bác một bức ảnh. Bác nhìn tôi một lúc, không nói gì cả, và đi vào. Đến lúc Đại hội nghỉ, Bác thấy tôi liền bảo: Anh em nhiếp ảnh vào chụp chung với Bác. Mọi người đều mừng rỡ. Anh em bảo: Mai Nam có sáng kiến chụp chung với Bác nên ưu tiên cho đứng gần Bác”.
Mỗi lần chụp xong, ông trở về cơ quan cất những cuộn phim quý giá đó trong những chiếc hộp gỗ gần như cắm đèn quanh năm. Nhờ được bảo quản tốt nên hiện nay nghệ sĩ Mai Nam còn lưu giữ được rất nhiều những bức ảnh quý chụp như bộ ảnh chụp Hồ Chủ tịch, bộ Hà Nội những ngày đầu giải phóng….Và cũng chính qua những lần tiếp xúc với Người, ông hết sức cảm phục và học được rất nhiều ở Bác từ tác phong giản dị, gần gũi quần chúng và rất chính xác trong công việc.
Sau hơn 40 năm làm báo gắn bó với nhiếp ảnh, ông về hưu năm 1995. Những tưởng sau bao năm bận rộn ông sẽ dành cho mình những năm tháng tuổi già thảnh thơi vui vầy bên con cháu. Thế nhưng nhiếp ảnh với Mai Nam như tay chân, khối óc không thể rời xa được dù chỉ một ngày. Nhớ nghề, ông tham gia công tác đào tạo, giảng dạy cho các lớp nhiếp ảnh hậu sinh. Vài năm trở lại đây do sức khỏe, ông không còn tham gia ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hà Nội nữa. Những khi thời tiết tốt, có sức khỏe nhớ nghề ông lại cùng bạn bè, những người yêu nhiếp ảnh tổ chức nhiều chuyến đi dài ngày để thỏa mãn niềm đam mê bấm máy.
Cho đến nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, tước hiệu Nhà Nhiếp ảnh Danh dự, nhà nhiếp ảnh Xuất sắc… Nhưng với ông, phần thưởng quý giá nhất là kho tư liệu ảnh chụp trong các thời kỳ, đặc biệt gần 200 bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông luôn bảo: “Được chụp ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm tự hào và hạnh phúc trong đời cầm máy của mình”.  

Hiếu Mi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ