Tự giác và làm chủ bản thân

GD&TĐ - Giúp con tự giác, có khả năng tự chấp hành kỷ luật, là đích mà chúng ta muốn đạt được khi chúng ta áp dụng các phương pháp kỷ luật tích cực. 

Tự giác và làm chủ bản thân

Tự giác sẽ giúp trẻ biết suy nghĩ về những việc trẻ làm và đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Nhà tâm lý cho rằng giúp con tự giác là một nghệ thuật, cha mẹ cần áp dụng sớm, ngay từ khi trẻ vào lớp một.

Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, nếu các em không được tập cho tính tự giác, thì thiếu khả năng tự giác sẽ đưa đến sự thiếu tự tin, khi đã không tin vào mình thì không thể có Khả năng tự chủ trong công việc, từ chuyện học cho đến chuyện làm. Và khi đã không có sự tự chủ thì chắc khó mà có thể có Tinh thần tự lập cho cuộc đời của mình.

Vì thế việc tập cho trẻ có những hành động tự giác ngay từ nhỏ, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, chính là biện pháp tốt nhất để gieo vào tâm hồn các em ý thức tự chủ trong mọi hành vi ứng xử sau này.

Khi nào?

Chúng ta đều biết rằng, ý thức về bản thân được hình thành từ khi trẻ đi những bước chập chững để từng bước khám phá thế giới chung quanh lúc trên 1 tuổi.

Nhưng sự nhận thức về cái tôi – phân biệt được bản thân, biết rõ về sơ đồ cơ thể thì chỉ khi đến 3 tuổi, trẻ mới có được sự nhận biết rõ rệt nhất, trẻ mới biết nói không, thậm chí còn hơi bị… nhiều khi cái gì cũng… không, dù sau đó nếu mẹ cất đi không cho thì lại…khóc!

Vì vậy, để có sự tiếp nhận tốt nhất những hướng dẫn nhằm giúp trẻ hành động và ý thức về tính tự giác, thì các bậc cha mẹ nên bắt đầu trong giai đoạn xung quanh 3 tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ đã bớt dần tính ái kỷ, là tính chỉ biết có mình và suy nghĩ "cái gì trong tay ta là của ta".

Trẻ bắt đầu mở rộng mối quan hệ với những trẻ khác, biết quan tâm đến những người và sự kiện xung quanh mình, biết chơi chung với bạn bè. Vì vậy việc cho trẻ đi học là cần thiết. Đây cũng là thời điểm thích hợp để giúp trẻ có được những ý thức về tự giác và bắt đầu có sự phát triển về trí tuệ cảm xúc cũng như về tư duy logic.

Bài học từ sai lầm

Tất cả mọi người, từ già lẫn trẻ, đều học hỏi qua những sai lầm. Bạn không nên từ bỏ cơ hội học hỏi này của con. Nếu bé đưa ra một quyết định sai, thay vì bạn giải quyết vấn đề cho bé, bạn hãy thảo luận với con những việc mà bé cần làm để lần sau bé có thể quyết định đúng hơn.

Ví dụ, nếu trẻ giành đồ chơi của bạn bè, bạn không nên lặp lại hành vi như vậy bằng cách giành lại đồ chơi của bé. Thay vì vậy, bạn có thể giải thích với bé rằng giành đồ chơi của người khác là hành vi không chấp nhận được, và bạn có thể hỏi bé lần sau bé sẽ làm gì để mượn đồ chơi của bạn. Bé sẽ học hỏi được bài học đáng giá.

Cảm thông

Buồn, giận hoặc thất vọng là những cảm xúc thường gặp khi chúng ta lựa chọn không đúng. Bạn có thể cho bé biết rằng bạn cũng có những cảm xúc đó khi quyết định sai.

Bạn có thể tham khảo những gợi ý trên và tuỳ từng trường hợp, tuỳ từng cá tính của mỗi trẻ mà có những cách vận dụng linh hoạt.

Dạy trẻ tính tự giác và làm chủ bản thân như thế nào?

Giúp trẻ hình thành ý thức tự giác đòi hỏi một số những nguyên tắc. Trước hết, chúng ta nên để cho trẻ quyền chọn lựa, không phải là chọn lựa giữa cái không và cái có mà là chọn lựa giữa việc thực hiện như thế này, hay thực hiện như thế kia.

Sau đó trong giai đoạn đầu, chúng ta cũng cần biết cách “tập huấn” cho trẻ theo từng bước, hướng dẫn cho trẻ làm những động tác cơ bản nhất.

Khi trẻ đã làm được thì có hai điều mà phụ huynh cần lưu ý: Hãy để cho trẻ tự làm, thậm chí có thể có những sai sót vì có như thế, trẻ mới biết rút kinh nghiệm và cho dù thời gian có dài gấp đôi nhưng chúng ta cũng nhất quyết là không nên can thiệp vào.

Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc dạy trẻ thất bại, vì cha mẹ thường không chịu nổi sự chậm chạp và vụng về của trẻ, để rồi “ra tay” hoàn tất công việc trong tích tắc, thay vì phải chứng kiến sự rề rà của trẻ.

Một yếu tố cần thiết nữa, đó là tính nhất quán. Trẻ không thể hình thành sự tự giác, nếu các hoạt động thường xuyên thay đổi về thời gian và cách thức. Vì vậy, hãy có thời khóa biểu sinh hoạt trong ngày cho trẻ, và cả nhà phải tôn trọng và tuân thủ thời khóa biểu này cùng với trẻ.

Một trong những biện pháp nâng cao “kỹ năng” là cho trẻ từng bước tham gia vào các hoạt động trong gia đình, như trong việc dọn dẹp, làm bếp, lau nhà, giặt quần áo... Cha mẹ có thể nhờ bé làm một số việc lặt vặt, vừa làm vừa hướng dẫn thêm cho bé.

Theo Family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ