(GD&TĐ) - Những cuốn từ điển Anh – Việt, Việt – Anh, từ điển Tiếng Việt đã quá quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Tuy nhiên, dạo gần đây trên các trang mạng, blog, diễn đàn xuất hiện một vài cuốn từ điển mới lạ mang tên Từ điển Phương Ngữ.
Mạch nguồn tâm hồn
Tình yêu với miền Trung |
Đã không ít lần tôi nghe thấy sinh viên, học sinh tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị than phiền về việc trao đổi thông tin qua kênh ngôn ngữ. Bạn Nguyễn Thị Dung, quê ở Nghệ An ra Hà Nội học được 2 năm, khi nhớ lại thời gian “chân ướt chân ráo” lên Hà Nội, Dung ngậm ngùi: “Bạn trong lớp thì chưa nói đến, khổ cái là các bạn ở phòng trọ cũng không hiểu mình nói gì. Có hôm mình bảo cho mình xin ly “nác” mà ai cũng ngơ ngác nhìn mình”. Sau một thời gian giao tiếp và quen dần với giọng điệu cũng như ngôn ngữ người Nghệ, bạn học của Dung cũng như bạn quanh phòng trọ đã thông thạo kiểu ngôn ngữ đậm chất dân dã này.
Khi mới bắt đầu nghe thì người nghe không hiểu, tuy nhiên sau một thời gian quen dần không ít người lại có nguyện vọng được học, hiểu hết kiểu ngôn ngữ độc đáo này. Vũ Như Hảo, sinh viên Trường Đại học Điện lực chia sẻ: “Mình chưa thấy ngôn ngữ nơi nào thú vị như ngôn ngữ của các tỉnh miền Trung, còn gì ngạc nhiên hơn cái đầu gối còn được gọi là trốôc gúi, mày gọi là mi, sao lại gọi là răng. Học tiếng xong về nhà nói chuyện với em út ở nhà chúng nó vỗ tay cười ha hả. Bắt mình dạy lại để chúng ra trường khoe với bạn bè”.
Qua khảo sát ban đầu, hiện tại có từ điển tiếng địa phương của những tỉnh thành như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế...Vì vị trí các tỉnh ở gần nhau nên ngôn ngữ địa phương cũng na ná nhau. Chẳng hạn cái chạc cùng nghĩa với cái dây, cại chắc tương đương với cãi vã, bứt cùng gọi là hái, ceng là một tên gọi khác của canh, có chi mô nờ đồng nghĩa với có gì đâu nào, hay cha mệ cháu đi mần rọng dịch ra là cha mẹ cháu đi làm ruộng rồi.
Hà Linh, Admin của ThanhHoaFC nói rằng: “Mình khoái nói giọng quê mình, ăn sâu vào tâm hồn rồi. Ra đi học thi cũng thay đổi một số từ ngữ cho tiện việc giao tiếp chứ về nhà hay đi chơi cứ xài tiếng mình cho đã. Thực tế không ít bạn trẻ đang bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống thành thị, thay đổi từ thể chất tới tinh thần. Mình thấy chẳng cần thay đổi gì cả, nói tiếng mình cho thân mật dễ nghe”.
Đậm chất địa phương
Giới trẻ háo hức với Từ điển Nghệ |
Xuất phát từ mục đích thực tế giúp cho bà con, anh em đang sống và làm việc trên mọi miền đất nước dễ dàng trong giao tiếp cũng như tạo điều kiện phần nào đó cho một số nàng dâu, chàng rể ăn được điểm trong mắt ba mẹ chồng tương lai. Bạn Trần Anh Tuấn sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên nói rằng: “Mình đang yêu một bạn ở Huế, Lúc đầu giao tiếp nói chuyện rất khó khăn vì âm ngữ của người Huế không giống nhau. Rồi một lần lang thang trên mạng mình tìm được Từ điển phương ngữ Huế, tất nhiên không được đầy đủ nhưng giờ đây 2 đứa mình nói chuyện dễ dàng hơn nhiều rồi”.
Đa số từ điển địa phương đều của các tỉnh miền Trung Tây Nguyên như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...Cũng thật bất ngờ tác giả của đa số những cuốn từ điển này không phải ai khác mà chính là người dân sinh sống tại tỉnh đó. Bạn Hà Nguyên hiện đang làm việc tại Sài Gòn, tuy nhiên xuất thân từ tỉnh Quảng Bình có tham gia bổ sung cho Từ điển phương ngữ Quảng Bình cho hay: “Mỗi vùng miền đều có những từ rất dễ thương, khi nói lên người ngoài phải há hốc miệng chẳng hiểu mô, tê, răng, rứa.. Cho nên tôi quyết định làm thông dịch viên cho bạn bè khắp đất nước có thể hiểu được tiếng quê mình”.
Được biết quá trình tìm hiểu và biên soạn thành từ điển không dễ dàng. Mặc dù một số từ đơn giản dễ dàng nhận thấy, tuy nhiên có không ít từ đã phôi phai dần theo thời gian, cũng có thể do ngày một nhiều con em đi ra thành phố học quên mất từ địa phương quê mình, buộc người sưu tầm phải đi cất công hỏi các cụ già trong thôn, trong xóm.
Cụ Đinh Thị Mận, sống tại xóm 7A xã Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An được mọi người kính trọng về vốn từ và vốn ca dao tục ngữ của cụ. Khi được hỏi cụ Mận nói rằng: “Vốn từ thuần dân ở cấy đất Nghệ ni nhiều mần răng kể cho hết. Chừ mà nói thì đến sáng mai chưa xong, chơ mà chộ con cháu lâu ni hấn đi mần ăn, họoc hành xa về nói giọng chi chi, mô phải giọng đất Nghệ mình nựa”. Qua chia sẻ của cụ tôi chợt nhận ra, có những người đang cố gắng gột rửa gốc rễ nơi mình sinh ra để hóa thân thành người khác, để rồi khi được hỏi quê đâu chỉ ậm ừ cho qua.
Lại có những người cố gắng giữ gìn lấy bản sắc ngôn ngữ của quê hương mình. Lúc chào cụ Mận ra về, cụ có nói với theo rằng: “Con mần răng mà giự cho được đặc trưng tiếng nói quê ta con hây”. Tôi thì thầm trong bụng: Mình con làm không nổi đâu cụ, con cần sự vào cuộc của toàn xã hội cụ ạ.
Thu Hiền