Từ đề thi ĐH, giáo viên lên tâm thế đổi mới dạy - học

GD&TĐ - Đề thi Ngữ văn khối C và khối D theo hướng mở năm nay được nhiều giáo viên tán dương và không tiếc lời khen: Đề thi nhiều cảm xúc, học sinh dễ cảm thụ và gắn liền với thời đại.

Từ đề thi ĐH, giáo viên lên tâm thế đổi mới dạy - học

Cô Triệu Thị Huệ - Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Lê Hồng Phong (TP HCM):Đề thi có góc nhìn mới mẻ, sâu sắc

Đề thi Ngữ văn ĐH năm nay rất hay. Cấu trúc và bố cục đề thi phù hợp với năng lực và kiến thức HS cần phải có khi thi môn Văn ở bậc ĐH. 

Câu 1 đề đưa ra một đoạn thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Một tác phẩm quen thuộc với HS, cho phép các em được vận dụng những kiến thức hành văn cơ bản của mình. 

Nhưng với 3 yêu cầu nhỏ (xác định các dạng phép điệp, ý nghĩa tu từ của từ rì rầm) trong một đơn vị câu hỏi, nó cũng đòi hỏi HS những yêu cầu về vốn ngữ pháp, kỹ năng phân tích và vốn kiến thức xã hội. 

Câu này là một câu hay khi nó khơi gợi được tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nơi các em trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động

Câu 2 của đề thi tôi đánh giá là một câu hỏi rất thiết thực. Bởi nó giúp HS có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, nhận rõ và ý thức hơn các giá trị nhân sinh, đạo đức - Các giá trị cơ bản cần thiết chuẩn mực nhất của cuộc sống để từ đó hướng mình đến những giá trị và cách sống tốt đẹp. 

Câu hỏi không dễ nhưng nó khiến HS và GV như chúng tôi thích thú bởi lẽ nó đã gợi mở được những điều rất thực trong cuộc sống hiện nay.

Câu 3 là một dạng hành văn quen thuộc, với bố cục, trích lược và yêu cầu trên tổng thể của tác phẩm “ Đàn ghi ta của Lor-ca” tương đối dễ chịu. Tuy nhiên theo tôi đây là câu hỏi khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng, kỹ thức hành văn cần thiết HS phải có như kỹ năng tư duy, kỹ năng bình luận, phân tích. 

Đề năm nay ra dưới một góc nhìn khá mới mẻ, sâu sắc nên đòi hỏi một chuẩn mực cần thiết nơi HS trong việc phân tích, trình bày văn bản. (Anh Tú ghi)

Cô Nguyễn Thị Thuỳ Trang - Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Phạm Văn Sáng (Hóc Môn): Đề thi để lại trong tôi những cảm xúc tự hào

Đề thi năm nay rất hay, thể hiện sự mới mẻ và hơi thở cuộc sống. 

Câu 1, với trích đọan trong đoạn thơ của tác phẩm Đò Lèn - (Nguyễn Duy) cùng 3 yêu cầu nhỏ trong câu - không chỉ đòi hỏi HS phải có được kiến thức nền vững chắc, khả năng lĩnh hội các kỹ năng tổng hợp, tư duy mà còn phải thể hiện được quan điểm, lập luận của chính bản thân mình. Với câu hỏi này, tôi nghĩ, chỉ cần HS có ôn tập, nắm vững những khối lượng kiến thức, khả năng trình bày văn bản trên lớp các em sẽ làm được.

Câu 2 của đề mới là điểm sáng nhất của đề văn khối C kỳ thi ĐH năm nay. Đề tuy chỉ trích dẫn một đoạn rất ngắn trong tác phẩm Đời thừa của Nhà văn Nam Cao. Nhưng sự gợi mở, tính biểu tượng hình ảnh rất cao. Điều này cho phép HS có thể khai thác, thể hiện quan điểm, sự tư duy của mình về vấn đề rất thực của cuộc sống. 

Câu hỏi này, theo tôi rất gần với những điều đã và đang thu hút sự chú ý của các em HS. Điều đó, giúp cho các em có thể liên hệ, kết nối nhiều vấn đề thời sự hiện nay.

Câu 3 không đòi hỏi nhiều ở thí sinh bởi đây là một dạng đề thi quen thuộc. Tuy nhiên, với sự lồng ghép trong dạng thức hỏi, trong yêu cầu…để hoàn thành hoàn chỉnh đề thi Văn khối C không phải dễ. 

Tôi đánh giá đề thi năm nay đã có những thay đổi tích cực, không chỉ đòi hỏi HS có kiến thức vốn sống, mà đề thi còn mang tính gợi mở rất cao. Đề thi khối C, D thực sự rất sâu sắc, gây cho tôi những cảm xúc hết sức mãnh liệt. (Anh Tú ghi)

Niềm vui làm được bài thi
 Niềm vui làm được bài thi

Thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội): Đề thi định hướng học sinh đến những lối sống cao đẹp

Vì đã trải qua kì thi tốt nghiệp THPT, nên các thí sinh không bỡ ngỡ với cấu trúc và cách ra đề mới của Bộ GD&ĐT.

Về nội dung đề thi, các câu nghị luận xã hội, bên cạnh việc định hướng học sinh đến những lối sống cao đẹp, lành mạnh, vì cộng đồng. Đồng thời cũng mở rộng, nâng cao đề cập đến những vấn đề mang tính chất thời sự - cách hành xử của các quốc gia để thể hiện sức mạnh chân chính của mình.

Câu đọc hiểu văn bản là đoạn thơ trích từ sách giáo khoa Ngữ văn 12 (phần đọc thêm), kiểm tra được những kĩ năng đọc - hiểu văn bản của học sinh: Nhận diện các phương thức biểu đạt, kĩ năng xác định các biện pháp nghệ thuật, phân tích giá trị biểu cảm của các từ ngữ, phân tích cảm xúc của nhân vật trữ tình, xác định nội dung của văn bản ...

Câu nghị luận văn học (câu 3) là câu hỏi quen thuộc cả về nội dung và hình thức hỏi nên những học sinh nắm chắc nội dung tác phẩm sẽ làm tốt câu hỏi này.

Từ trước đến nay, nhiều học sinh lo đề thi văn khối C sẽ "nặng" hơn đề thi khối D nhưng ở đề thi năm nay, sự khác biệt trong yêu cầu về dung lượng kiến thức, kĩ năng không nhiều. Thậm chí, nhiều học sinh cho rằng đề thi khối D năm nay còn có phần khó hơn vì có câu hỏi về một tác phẩm rất khó trong chương trình học.

Học sinh nắm chắc các tác phẩm, có những kĩ năng đọc hiểu, phân tích văn bản nghệ thuật và có kiến thức xã hội tốt có thể hi vọng ở điểm khá từ 6 - 7 điểm.

Đề thi Văn khối D có cấu trúc tương tự. Ở câu nghị luận văn học đề ra vào một tác phẩm khó nhưng rất hay, bài thơ Đàn ghi ta của Lorca. Đây sẽ là câu hỏi phân loại năng lực của các thí sinh. Học sinh sẽ thích thú với câu hỏi này.

Các câu nghị luận xã hội trong đề thi đều hướng học sinh đến những lối sống cao đẹp, lành mạnh, vì cộng đồng. Đồng thời cũng mở rộng, nâng cao khi đề cập đến những vấn đề mang tính chất thời sự (cách hành xử của các quốc gia để thể hiện sức mạnh chân chính của mình). 

Qua đây, các thí sinh có cơ hội được bày tỏ suy nghĩ, sự hiểu biết và tự nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm của mình đối với các vấn đề lớn của dân tộc.

Câu đọc hiểu văn bản đều là những đoạn thơ trích từ sách giáo khoa Ngữ văn 12 nhưng kiểm tra được những kĩ năng đọc - hiểu văn bản của học sinh: kĩ năng xác định các biện pháp nghệ thuật, các phương thức biểu đạt, phân tích giá trị biểu cảm của các từ ngữ...

Học sinh nắm chắc các tác phẩm, có những kĩ năng đọc hiểu, phân tích văn bản nghệ thuật có thể hi vọng ở điểu số từ 5 - 7 điểm. (Hiếu Nguyễn ghi)

Thầy Nguyễn Văn Dũng – GV Trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hoá): Không còn ranh giới giữa Văn và đời

Tôi cho rằng đi thi môn Ngữ văn ở cả hai khối thi C và D năm nay rất hay, thú vị và không xa rời thực tiễn. Tuy nhiên đề thi cũng không gây bất ngờ và đánh đố thí sinh bởi trước đó các em đã được tập dượt với dạng đề thi mở như thế này ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ví dụ như ở câu hỏi số 2 của đề thi dưới dạng nghị luận xã hội, thí sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, chính kiến của mình trước một vấn đề, một sự kiện mang tính thời đại. Đây cũng là câu gỡ điểm cho các thí sinh.Tôi cho rằng, với đề thi này sẽ có nhiều bài viết hay, xúc động của các em thí sinh.

Có thể nói, với các ra của Bộ GD&ĐT như năm nay đã đổi mới hoàn toàn. Nó không còn là những bài lý thuyết sách vở, xa rời thực tiễn mà đã có sự kết hợp hài hoà giữa những bài học trong sách giáo khoa với thực tiễn sinh động của cuộc sống.

Thông qua đề thi Văn năm nay để thấy rằng không còn có những ranh giới giữa Văn và đời. Đây cũng là dịp để những giáo viên như chúng tôi rút kinh nghiệm và có thêm được những kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. (Sỹ Điền ghi)

Sau khi kết thúc môn thi, thí sinh vẫn hào hứng trao đổi về đề thi môn Văn
Sau khi kết thúc môn thi, thí sinh vẫn hào hứng trao đổi về đề thi môn Văn 

Cô Nguyễn Thu Thuỷ - GV Trường THPT Phạm Văn Đồng (Đắk Nông): Học sinh khá, giỏi có thể đạt từ 7 điểm trở lên

Cảm nhận chung của giáo viên chúng tôi đó là cách ra đề thi của Bộ GD&ĐT đã hoàn toàn đổi mới và theo hướng mở. Nhìn một cách tổng thể, đề thi vừa sức với học sinh và bám sát chương trình đã học.

Với đề thi này, học sinh trung bình cũng có thể đạt được điểm 5, học sinh khá giỏi có thể đạt điểm 7, 8 thậm chí là cao hơn.

Đặc biệt, với câu số 2 của cả đề thi khối C và khối D đều là những đề văn nghị luận xã hội mang đậm hơi thở cuộc sống. Đây chính là câu đòi hỏi thí sinh cần có kiến thức sâu rộng và am hiểu xã hội. Thế nhưng câu này thí sinh cũng rất dễ “ăn” điểm và sẽ có những bài viết hay phong phú, giàu cảm xúc.

Đề thi khối C, ở câu 1 có liên quan đến bài thơ “Đò lèn” của tác giả Nguyễn Duy – một bài thơ trong phần đọc thêm của sách giáo khoa lớp 12; hay như ở câu 1 của khối D là một đoan trích trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình thi cũng nằm trong phần đọc thêm của sách giáo khoa Văn học lớp 12.

Điều đó cho thấy, đề thi đã rải đều kiến thức trong sách giáo khoa và nội dung nào cũng quan trọng. Do vậy, thí sinh không chỉ nắm vững kiến thức về tác giả, tác phẩm ở những bài chính khoá mà những bài đọc thêm cũng không được chủ quan lơ là.

Qua đây, giáo viên chúng tôi đều nhận thấy, hơn lúc nào hết phải không ngừng đổi mới phương pháp dạy. Đó không chỉ là những bài học lý thuyết, những kiến thức sách vở mà đòi hỏi giáo viên phải không ngừng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức xã hội và trang bị cho mình một phông kiến thức sâu rộng để không bị lạc hậu, lối mòn trong cách dạy. (Minh Phong ghi)

Cô Trần Thị Hồng Hải - GV Đakrông (Quảng Trị):              

Đề thi môn Ngữ văn cả 2 khối C và D đều hay và vừa sức. Mặc dù cấu trúc đề thi không thay đổi nhưng có sự thay đổi trong câu hỏi 2 điểm, cả hai đề đều ra câu 1 liên quan tới hai bài đọc thêm trong chương trình lớp 12. Nhiều HS chủ quan có thể không học bài đọc thêm thì dễ dàng mất điểm câu 1 câu 2 vẫn là nghị luận xã hội 3đ. 

Cả hai đề đều đề cập đến quan điểm sống của người hiện đại, hướng học sinh tới những vấn đề đúng đắn. Câu 3 đều ra hai nhận định về một tác phẩm và yêu cầu học sinh phân tích hai nhận định.

Câu 3 được ra theo dạng đề năm ngoái, là một kiểu đề tổng hợp so sánh trực tiếp trong một tác phẩm cụ thể.  (Thúy Hồng ghi)       

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ