Quảng Nam: Thí sinh bất ngờ độ khó của đề thi
Trong khi các thí sinh khối B tận dụng tối đa 90 phút để làm bài thi môn Hóa thì các thí sinh khối C, D lại ra khỏi trường thi sớm vì đề thi Văn khá bất ngờ nên không tận dụng được hết thời gian để làm bài.
Bước ra khỏi phòng thi, thí sinh Đỗ Thị Thanh Tuyền nhận xét về đề thi Hóa: “Các câu hỏi vừa khó vừa dài. Em chủ yếu gỡ điểm ở phần lý thuyết, phần bài tập rất khó. Nếu các bạn ôn kỹ thì làm bài được khoảng 6, 7 điểm”.
Là một trong những thí sinh ra khỏi phòng thi sớm nhất, em Bùi Thị Bích Thanh chia sẻ về đề thi Văn khối D: “Em rất bất ngờ với đề thi Văn năm nay. Đặc biệt là câu 5 điểm lại thuộc văn học nước ngoài. Hầu như, trong phần học và thi em không tập trung phần này. Kiến thức còn lại chủ yếu nhờ vào lúc ôn thi tốt nghiệp.”
Còn thí sinh Lê Thị Hồng Hạnh (Hiệp Đức) nói: “Đề thi năm nay môn nào, phần nào cũng bất ngờ. Năm nay ra những đề không nghĩ tới. Khi học và thi tập trung vào các tác phẩm kinh điển như Vợ chồng A Phủ, Đất nước nhưng lại không ngờ lại ra đề về sông Hương! Đề thi tổng hợp về quan điểm sống, em rất thích nhưng hầu như phải tự vận dụng thực tế để viết. Phần ôn tập chỉ là cơ sở”
Phần lớn các thí sinh dự thi ở các huyện lân cận TP Tam Kỳ nên sau khi kết thúc môn thi cuối cùng trong kỳ thi đợt 2, các thí sinh và phụ huynh lên xe máy trở về quê.
Còn thí sinh thi khối M thì về nghỉ tại các phòng trọ, nhà người quen, chùa Đạo Nguyên (Phan Châu Trinh) để chuẩn bị cho phần thi năng khiếu: Hát, kể chuyện, đọc thơ diễn ra vào chiều nay. (Thanh Minh)
Thí sinh ra sớm của môn Văn khối D tại Trường ĐH Quảng Nam |
TP HCM: Thí sinh không bất ngờ đề Văn theo hướng mở
Kết thúc 2 môn thi (Văn, Hóa) trong buổi thi cuối cùng sáng nay, nhiều GV và HS tại cụm thi TPHCM đánh giá đề thi Văn khối C và D rất hay và sâu sắc.
Thí sinh Phùng Quang Long - Thí sinh thi tại HĐ thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ của Trường ĐH Luật - cho biết: Đề Văn khối D năm hay ra theo hướng gợi mở. Chúng em đã được thầy cô ôn luyện, cho tập làm quen với dạng đề này rồi nên không quá bất ngờ.
Đề thi khối D theo em nếu xét kỹ là khó. Câu 2 nhìn vào ai cũng có thể thấy đây là một câu hỏi rất hay vì nó gần gũi với chính tuổi thanh niên của cúng em. Tuy nhiên để hoàn thành được câu hỏi này, em nghĩ cần phải có được vốn sống xã hội và kỹ năng tổng hợp sắc thì mới đạt điểm cao. Cá nhân em, đề thi hôm nay em chỉ có thể đạt điểm 6,5.
Nhận xét về đề thi Văn khối C sau giờ thi, em Nguyễn Phương Thanh - Thi tại HĐ thi Trường THCS Colette của ĐH Mở - cho rằng: Đề thi hay, ra theo hướng hoàn toàn mới, những câu hỏi ít nhiều đều liên hệ, gắn với thực tế cuộc sống, cũng như đòi hỏi vốn kiến thức cuộc sống của HS. Tuy nhiên, theo em để hoàn thành trọn vẹn toàn bộ 3 câu hỏi, HS cần phải có kỹ năng hành văn nhất định.
Trong buổi thi cuối cùng hôm nay, cụm thi TPHCM ghi nhận thêm 15 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ. Trong đó, Trường ĐH Cảnh Sát nhân dân đình chỉ 3 thí sinh mang tài liệu, 1 thí sinh sử dụng điện thoại trong phòng thi. Theo đó, tổng số thí sinh vi phạm quy chế vì mang tài liệu tại trường này trong đợt 2 là 24 thí sinh. (Anh Tú)
Trong phòng thi |
Hải Phòng: Thí sinh dự đoán đạt điểm cao môn Văn
Kết thúc môn thi Văn tại Trường Đại học Hải Phòng, đa số các thí sinh đều rời phòng thi với tâm trạng phấn khởi.
Thí sinh Nguyễn Phương Oanh, dự thi khối C vào ĐH HảiPhòng tỏ ra hào hứng và nhận định đề thi môn Văn năm nay theo hướng mở, tạo hứng thú cho thí sinh trong khi làm bài. Oanh rất thích thú với câu 3: "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình".
Đó là đoạn văn đã được học trong tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam Cao. Từ đoạn văn đó nêu lên suy nghĩ gì về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia.
Những bài viết về biển đảo, về lòng yêu nước Oanh và các bạn đã ôn luyện rất kĩ và có thể thả bút để viết. Tiếc là yêu cầu của đề bài chỉ cho phép đoạn văn dài 600 chữ.
"Em đã liên hệ đến thế hệ trẻ trong bài viết. Lứa tuổi học sinh phải biết tu thân, rèn luyện, học tập để trở thành người mạnh mẽ và có ích cho đất nước. Sức mạnh chân chính của mỗi con người là nền tảng để quốc gia tồn tại và dân giàu, nước mạnh. Với đề Văn như năm nay, em nghĩ nhiều thí sinh sẽ đạt điểm cao" - Oanh nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, tình hình trật tự tại khu vực trước các địa điểm thi luôn được đảm bảo trước và sau giờ thi. Mặc dù thời tiết oi nóng, nhiệt độ ngoài trời cao nhưng các lực lượng công an, sinh viên tình nguyện luôn túc trực, tư vấn cho thí sinh và kịp thời giải toả ách tắc giao thông.
Trong đợt 2 này, Trường ĐH Hải Phòng dành 1.200 chỗ ở miễn phí cho thí sinh và người nhà tại khu ký túc xá; Thành đoàn Hải Phòng vẫn duy trì chương trình phối hợp hỗ trợ cơm trưa cho thí sinh và người nhà tại điểm thi Trường THPT Trần Phú. Tại cổng các điểm thi luôn có các bàn hỗ trợ tư vấn, đặt nước uống miễn phí cho thí sinh.
Tại những điểm thi ghép khối, công tác phối kết hợp giữa các lực lượng được tăng cường chặt chẽ bởi sự phức tạp của các khâu bố trí phòng thi, vận chuyển đề thi và tổ chức coi, giao bài thi. Có những hội đồng thi, Ban tổ chức bố trí 3 khối khác nhau nên đòi hỏi sự nỗ lực cao của tập thể hội đồng để tránh nhầm lẫn.
Đợt thi này có các môn thi của khối thi năng khiếu. Trường ĐH Hải Phòng có 2 khối năng khiếu là M và T. Trong đó, môn thi năng khiếu của khối M là hát, đọc, kể chuyện; khối T là các môn thể dục. Để tạo điều kiện cho thí sinh, nhà trường đã bố trí cho thí sinh thi khối năng khiếu thi các môn văn hóa theo lịch chung của Bộ GD&ĐT, còn các môn năng khiếu sẽ tổ chức thi sau. (Việt Cường)
Theo số liệu của Hội đồng coi thi liên trường Cụm thi TP Quy Nhơn, sáng nay, do số thí sinh khối T nghỉ chờ thi môn năng khiếu nên tại 37 điểm thi của toàn cụm thi có 23.441 thí sinh đến dự thi, đạt tỷ lệ 82,3% so với số đăng ký. Riêng Trường ĐH Quy Nhơn có 9.598 thí sinh đến dự thi, đạt tỷ lệ 84,8%.
Về đề thi, thí sinh Phan Văn Diện (tỉnh Bình Định) - Dự thi tại ĐH Quy Nhơn - cho biết: “Đề thi trắc nghiệm môn Hóa học khối B có phần nhẹ và dễ hơn đề khối A đợt. Lý thuyết đều nằm trong sách giáo khoa, còn phần bài tập thì cũng không quá khó. Em làm được hơn 70%”.
Riêng đối với đề thi môn Ngữ Văn, thí sinh Lê Hoàng Nhật (TP Quy Nhơn) cùng nhiều thí sinh khác tỏ ra thích thú nhận xét: Đề Văn hay. Nếu chịu khó học bài, biết vận dụng vốn hiểu biết một chút thì các thí sinh đều có thể làm tốt bài thi.
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Anh - Chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường Cụm thi TP Quy Nhơn, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên nhìn chung kỳ thi tuyển sinh năm nay tại cụm thi liên trường TP Quy Nhơn diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Qua kiểm tra, Đoàn Thanh tra của Bộ GD&ĐT đánh giá kỳ thi tuyển sinh năm nay tại cụm thi liên trường TP. Quy Nhơn được tổ chức tốt nhất từ trước đến nay. (Xuân Nguyên)
Thí sinh tại cụm thi Quy Nhơn rời phòng thi sáng 10/7 |
Thanh Hóa: Không ôn tập kỹ, thí sinh tiếc nuối bài thi môn Ngữ văn
Kết thúc buổi thi, nhiều thí sinhdự thi môn Ngữ văn khối D1, C đã làm bài thi không tốt.
Em Phạm Thị Oanh - Thí sinh dự thi khối C - cho biết: Đề thi Ngữ văn năm nay khó, câu III 5 điểm về hình tượng sông Hương trong bút ký “Ai đặt tên cho dòng sông?” (Hoàng Phủ Ngọc Tường), em làm không tốt vì không ôn kỹ bài đấy.
Em Lê Thị Dung - Thí sinh dự thi khối D - cũng buồn bã vì không làm được môn Ngữ Văn. “Em chỉ làm được câu I và II, còn câu III 5 điểm về hình tượng Lor-ca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” (Thanh Thảo), em không làm được vì không ôn tập đến”- Dung nói.
Theo báo cáo nhanh của Phòng Đào tạo Trường ĐH Hồng Đức: Buổi thi sáng nay có 2.406 thí sinh dự thi/tổng 3.106 hồ sơ đăng ký dự thi. Riêng các thí sinh dự thi khối M sẽ tiếp tục dự thi môn năng khiếu vào ngày 11 và 12/7. Buổi thi sáng nay tại Trường ĐH Hồng Đức không có thí sinh, cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.
Được biết, trong đợt 2, Trường ĐH Hồng Đức đã huy động 365 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh. Có 260 sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác an ninh trật tự, hướng dẫn thí sinh đến phòng thi.
Sáng nay Thanh Hóa nắng nóng và oi bức, người nhà thí sinh vẫn túc trực bên ngoài điểm thi đợi con em.
Ông Lê Văn Thắng (Nông Cống, Thanh Hóa) cho biết: Con trai tôi dự thi khối D, hai môn thi trước cháu làm bài tốt, chỉ còn môn thi buổi hôm nay là kết thúc nên tôi rất lo lắng.
Nuôi con ăn học 12 năm đèn sách, tôi cũng như tất cả các bậc cha mẹ đều muốn cho con được đỗ đạt. Tâm trạng của người ngồi đợi ở ngoài cũng thấy lo lắng và căng thẳng.
Cô Lê Thị Cúc (Triệu Sơn, Thanh Hóa) cũng chia sẻ: Nhà cô ở vùng quê nghèo. Ngày trước, gia đình đông anh em, cô không có điều kiện được học tập. Bây giờ, cô muốn cố gắng để cho con được học tập thật tốt.
Trước ngày đưa con đi thi cô cũng lo lắng không ngủ được. Hôm nay, thi môn cuối nên thấy đỡ lo hơn vì hai môn thi trước em cũng làm được bài. Đợi em thi xong là hai mẹ con bắt xe bus về quê luôn vì ở nhà trọ cũng chật chội và nóng bức lắm. (Nguyễn Quỳnh)
Một số hình ảnh sau buổi thi sáng nay tại Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa):
Kết thúc 180 phút làm bài, nhiều thí sinh thi vào Học viện Cảnh sát nhận xét rất tích cực về đề thi Ngữ văn khối C năm nay.
“Cấu trúc đề thi Văn ĐH khối C khác với mọi năm nhưng không quá lạ lẫm vì có điểm tương đồng với đề thi Văn tốt nghiệp THPT năm nay” - Chia sẻ của thí sinh Đỗ Quốc Bảo (Trường THPT Lê Hồng Phong, Thái Nguyên).
Tận dụng gần hết thời gian làm bài, Bảo dồn tình cảm vào 7 trang viết và khá hài lòng về bài thi.Thí sinh này cho biết, cái lạ của đề Văn năm nay không chỉ đơn thuần về cấu trúc đề mà cả ở những nội dung kiến thức được đưa vào đề. Theo đó, câu 1 (2 điểm) đọc hiểu, đoạn thơ lấy từ tác phẩm “Đò Lèn” của tác giả Nguyễn Duy – đây là một bài đọc thêm.
Tương tự, câu II (3 điểm) trích đoạn trong tác phẩm “Đời thừa” (Nam Cao) lại là phần kiến thức nâng cao trong chương trình Ngữ văn lớp 11.
“Quen thuộc nhất là câu III (5 điểm), yêu cầu bình luận 2 ý kiến về hình tượng sông Hương. Dạng đề này đã xuất hiện trong đề Văn cả hai khối C và D năm trước” – thí sinh Đỗ Quốc Bảo cho biết.
Thí sinh Nguyễn Thị Đào – Học sinh Trường THPR Mai Sơn (Sơn La), thi vào Học viện cảnh sát nhân dân thì ấn tượng nhất với câu II (3 điểm) về nghị luận văn học.
Nội dung câu này như sau: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình”. Ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia (bài viết khoảng 600 từ).
Đào cho biết, không chỉ em là hầu hết các bạn khi làm câu này đều mở rộng, liên hệ tới vấn đề thời sự biển đảo, đến hành động của đất nước Trung Quốc hiện nay.
“Nội dung thời sự, yêu nước được đề cập rất khéo, không gây nhàm, yêu cầu đến sự nhạy bén của thí sinh. Em rất thích đề thi này” – Đào bày tỏ. (Hiếu Nguyễn)
Một số hình ảnh thí sinh kết thúc môn thi Văn tại Học viện Cảnh sát nhân dân:
Hoàng Quốc Minh – Trường THPT Trưng Vương (Hưng Yên) dự thi Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhận xét: Đề năm nay tuy hơi dài nhưng không khó. Em làm được hết cả 3 câu. Dự tính đạt khoảng 7 điểm.
Em thích nhất là câu thứ 2. Ở câu này đòi hỏi thí sinh phải liên hệ bản thân với thực tế khách quan. Đây cũng là dịp để chúng em nói lên suy nghĩ của bản thân về cái thiện, cái ác và sức mạnh chân chính của mỗi người. Lớn hơn là sức mạnh của dân tộc. Qua đây em cũng hiểu hơn ý nghĩa của cụm từ sức mạnh chân chính.
Còn thí sinh Lê Tuấn Vũ – Trường THPT Dương Xá (Hà Nội) - chia sẻ: Đề Văn năm nay được ra theo hướng mở giống như với kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Chúng em rất thích dạng đề thi này. Vừa được vận dụng kiến thức trên lớp, vừa được nói lên quan điểm, chính kiến của bản thân.
Với đề thi dạng mở như năm nay, cách làm, cách viết của chúng em không bị gò bó, dập khuôn mà sẽ là những bài văn phóng khoáng, đa dạng và sinh động động .
Còn thí sinh sinh Bùi Thanh Ngọc đến từ Thái Nguyên – Dự thi Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG HN) - bộc bạch: Đề thi là mang lại cho chúng em nhiều cảm hứng và chúng em cảm nhận được văn là đời, Văn học không hề xa rời thực tiễn.
Câu hỏi số 2 vừa mang tính triết lý sâu sắc nhưng vẫn mang đậm hơi thở cuộc sống. Ở câu hỏi này, em đã liên hệ với sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 để làm sáng tỏ ý của câu hỏi về sức mạnh chân chính.
Từ đó em cũng rút ra được bài học cho bản thân, tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước bằng con đường chân chính trên nguyên tắc hoà bình cùng phát triển. (Sỹ Điền)
9 giờ 15 phút, các thí sinh khối B Hà Nội hoàn thành bài thi môn Hóa. Đúng lúc này, Hà Nội có mưa lớn khiến sĩ tử phải nán lại phòng thi.
Rất may, trận mưa chỉ kéo dài khoảng 15 phút, sau đó trời lại nắng ráo, giúp đường về của thí sinh mát mẻ, dễ chịu hơn.
Nhận định về đề thi Hóa năm nay, thí sinh Lương Thị Dung - Học sinh Trường THPT Đồng Quan (Phú Xuyên - Hà Nội) dự thi tại Trường ĐHSP Hà Nội - cho biết: Đề khó hơn đề thi khối A đợt 1; các câu tính toán phức tạp hơn, phần lý thuyết cũng khó hơn.
Trong đề có một số câu kiến thức liên hệ thực tiễn, như câu hỏi về tác dụng của ozon trong bảo quản thực phẩm; điều chế axit photphoric trong công nghiệp… Em làm mã đề 683 và đầu hàng trước câu 31. Tuy nhiên, bài làm chắc đúng khoảng 80%, hy vọng sẽ được 8 điểm”.
Cùng nhận định, thí sinh Ứng Thị Thùy Linh - Học sinh Trường THPT Mỹ Đức A (Hà Nội) cũng chỉ làm được 80%, tuy nhiên những phần đã làm đều khá chắc.
Linh cho biết: Mặc dù kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình, chủ yếu lớp 12 và một số kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, so với đề thi khối A, đề này có vẻ dài hơn, khá nhiều bài tập và tính toán phức tạp hơn.
“Một số câu em chỉ tính được gần đến đáp án nhưng không thể ra kết quả cuối cùng” - Linh chia sẻ. (Hiếu Nguyễn)
Một số hình ảnh thí sinh chờ mưa sau buổi thi môn Hóa tại Trường ĐHSP Hà Nội:
Huế: Nhiều thí sinh không làm hết đề thi môn Hóa
Sau khi kết thúc môn Hóa khối B, rất ít thí sinh ra sớm như buổi thi Toán hôm qua. Theo nhận xét của các thí sinh, đề có tới 50 câu trắc nghiệm với những câu hỏi dài phải đọc kỹ mới có thể làm được.
Tại Hội đồng thi Trường THPT Hai Bà Trưng, thí sinh Trần Văn Hậu ở Nghệ An cho biết: Phần lý thuyết em ôn kỹ nên làm được. Riêng phần bài tập khó quá, nên em không chắc có đạt điểm cao”.
Còn em Trịnh Hải Bình ở Hội đồng thi Trường ĐHKH Huế cho biết: “Đề khó hơn thi khối A đợt trước, chắc sẽ ít bạn được điểm trên trung bình”. Em chọn những câu dễ làm trước, còn khoảng 7 câu thì đã hết giờ nên đành đánh tích hên xui.
Tại các Hội đồng thi Trường Đại học Y Dược, Trường ĐH Sư Phạm, Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), các thí sinh đều thích đề Văn bám sát chương trình, phù hợp, dễ kiểm điểm, đi vào trọng tâm.
Thí sinh Trần Thị Thanh Tâm (quê Quảng Bình), thi vào Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) chia sẻ: “Đa số các bạn đều vui vì làm được bài so với ngày hôm qua. Riêng em, nhiều khả năng sẽ được điểm ít nhất từ 7 trở lên”. (Thanh Huế)
Đà Nẵng: Đề thi có câu hỏi ứng dụng không có trong sách giáo khoa
Rời khỏi phòng thi, thí sinh Lê Thị Tâm (quê ở Đăklăk, dự thi vào trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng - HĐT trường THCS Trưng Vương) nhận xét: “Những câu khó của đề năm ngoái đều ở mức độ vừa phải, các bạn có học lực khá chỉ cần nắm vững kiến thức là có thể giải quyết được.
Thế nhưng, đề thi năm nay, những câu thuộc loại khó thì rất khó, học sinh khá chưa chắc đã làm được nếu không biết vận dụng tốt kiến thức. Em chỉ chắc chắn làm đúng khoảng 50%”.
Cùng nhận định với bạn, thí sinh Nguyễn Thị Phương Thảo (quê ở Đăklăk) cho biết: “Số lượng câu hỏi ở phần hóa vô cơ nhiều hơn hữu cơ; các câu hỏi ứng dụng của hóa vô cơ cũng tương đối khó vì có những phần trong sách giáo khoa không có.
Cụ thể: Sách giáo khoa chỉ nêu phần ứng dụng của ôzôn chứ không giải thích vì sao; thí sinh muốn làm được câu hỏi này thì phải biết vận dụng từ các đặc tính của ôzôn để giải thích”.
Phương Thảo cho biết, hầu hết những câu hỏi khó đều rơi vào phần bài tập. Theo như Thảo tự chấm điểm thì với bài thi môn Hóa, em chỉ được chừng khoảng 6 - 7 điểm.
Được biết, điểm tổng kết môn Hóa học lớp 12 của Nguyễn Thị Phương Thảo đạt 9.0
Kết thúc buổi thi môn Văn, rời phòng thi, thí sinh Phạm Thị Thùy Trâm (HĐT Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm, dự thi khối D ngành Sư phạm Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) - tiếc rẻ: “Em không ôn kỹ tác phẩm Đàn ghi ta của Lor - ca nên câu 3 làm không được tốt”.
Thùy Trâm nhận xét đề thi môn Văn khối D rất hay, để làm tốt được câu 2 và câu 3 đòi hỏi thí sinh ngoài khả năng cảm thụ văn học tốt, kỹ năng viết trôi chảy, diễn đạt tốt còn phải sâu sắc, có vốn sống phong phú.
“Bất ngờ, ngoài sức tượng tưởng” là nhận xét của thí sinh Trần Thị Hoài Thu (trú H. Tuyên Hóa, Quảng Bình) về đề thi môn Văn khối D.
Hoài Thu phân tích: “Đề thi thế này có muốn học tủ cũng không được. Đề lại yêu cầu thí sinh phải tích hợp cả kỹ năng nghị luận xã hội và nghị luận văn học nên không hề đơn giản. Câu 2 tuy không khó nhưng không phải bạn nào cũng làm đủ ý. So với đề thi môn Văn năm ngoái thì đề năm nay vừa hay vừa khó”.
Bất ngờ là tâm trạng chung của nhiều thí sinh dự thi khối C khi đề thi ra tác phẩm bút ký Ai đặt tên cho dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Thí sinh Lê Đỗ Hạnh Nhi, HĐT trường THCS Kim Đồng cho biết: “Thực ra bọn em chỉ chú trọng nhiều đến tác phẩm truyện ngắn và thơ chứ không ôn tập nhiều đến bút ký Ai đặt tên cho dòng sông”.
Với nhiều thí sinh học chương trình nâng cao thì tương đối thuận lợi khi làm câu 1. Đối với các bạn học chương trình chuẩn thì hơi khó khăn hơn một chút vì tác phẩm này nằm ở phần đọc thêm. Thế nhưng, vì đề thi có trích dẫn nên thí sinh không quá lúng túng khi phân tích”.
Khá hào hứng với câu hỏi 2, nhiều thí sinh đã liên hệ thực tế với tình hình thời sự trên biển Đông để đưa vào bài làm của mình.
Thí sinh Hoàng Thị Lan, quê Cẩm Xuyên, Hà Tỉnh, thi vào Sư phạm Văn – trường ĐH Sư Phạm Đà Nẵng cho biết: Thực ra, em thấy đề thi “lồng” rất khéo đến các vấn đề thời sự của đất nước. Em tin lòng yêu nước, sự đoàn kết của mỗi người dân Việt Nam sẽ là sức mạnh đánh tan mọi kẻ thù xâm lược.”
Các thí sinh ở phòng thi 291 - HĐT trường THPT Ngô Quyền lấy làm tiếc cho trường hợp thí sinh Nguyễn Xuân Dương. Làm bài thi môn Hóa được khoảng 1 tiếng đồng hồ thì thí sinh này đau bụng, bộ phận y tế đã cho uống thuốc nhưng không đỡ nên chuyển thí sinh đến bệnh viện.
Nguyễn Xuân Đương được chẩn đoán bị viêm đường ruột. Sau khi được cấp cứu tại bệnh viện, thí sinh này trở về lại điểm thi vừa đúng lúc thu bài.
Trong buổi thi cuối, ĐH Đà Nẵng có 1 trường hợp bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu (Phòng 92 Điểm thi ĐHBK - Khu H). Ngoài ra, có một trường hợp bị đình chỉ khác ở HĐT trường ĐH Kinh tế do sử dụng điện thoại. (Hà Nguyên)
Cụm thi Vinh: Đề thi có tính phân loại cao
Sau 90 phút làm bài thi môn Hóa, nhiều thí sinh ra về với gương mặt phấn khởi, nhẹ nhõm.
Châu Thị Mĩ Ngọc - Thí sinh dự thi vào Đại học Nông nghiệp Hà Nội - cho biết: Đề Hóa năm nay theo em là vừa sức, bám sát chương trình phổ thông, không đánh đố học sinh. Đề thi môn Hóa đòi hỏi thí sinh nắm chắc kiến thức và biết vận dụng vào thực tiễn.
Đề thi cũng có khoảng 10 câu hỏi khó dành cho học sinh khá giỏi, mang tính phân loại thí sinh. Với đề này thí sinh trung bình cũng làm được 5 - 6 điểm. Riêng em làm xong bài thi. Em hy vọng sẽ đạt điểm cao ở môn thi này.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Hoàng - Dự thi vào đại học y khoa Hà Nội - tiếc nuối chia sẻ: Đề Hóa năm nay cũng không khó lắm, nhưng vì vội vàng mất bình tĩnh nên em đã làm sai một số câu. Em chỉ làm được khoảng 60%. Nếu như bình tĩnh hơn, với lực học của mình em sẽ làm tốt với đề thi này khoảng 90%.
Còn theo thí sinh Sầm Văn Hiếu tại điểm thi trường THPT Phan Bội Châu, đề Hóa học năm nay hơi khó nhất phần vô cơ. Những học sinh có học lực trung bình khá để đạt mức điểm 5 - 6 cũng không phải dễ. Hiếu chỉ làm được khoảng 50% đề thi.
Kết thúc môn ngữ Văn, phần lớn thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm thế vui vẻ thoải mái vì đề thi vừa sức, gợi mở và mang nhiều cảm hứng.
Nguyễn Thị Trang - Thí sinh dự thi vào khối C Trường Đại học Vinh - nhận xét: Đề thi môn Ngữ Văn năm nay rất hay, đặt biệt là câu số 2, nói về về sức mạnh chân chính của một quốc gia. Câu này em đã liên hệ đến vấn đề Biển Đông, việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Với đề Văn năm nay, những thí sinh giỏi văn, đọc sách báo nhiều, có “chiều sâu” đẽ đạt điểm tối đa. Riêng em làm xong tất cả, đến khi ra về thấy vẫn còn niềm vui, hy vọng em sẽ đạt 9 điểm ở môn thi này.
Nguyễn Thị Thu Thảo - Thí sinh thi vào (khối D) ĐH Công nghiệp Hà Nội - chia sẻ: Em thích nhất câu 2, câu nghị luận xã hội đề cập đến vấn đề: Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Với câu này em cũng rút ra kinh nghiệm cho bản thân về cách sống.
Theo báo cáo của cụm thi Vinh, sáng nay có 12.449 thí sinh dự thi, đạt 69,18%. 2 thí sinh bị đình chỉ do mang ĐTDĐ, (thi vào Trường ĐH Nội vụ và ĐH Thương mại). (Tiến Dũng)
Rời khỏi trường thi, nhiều thí sinh ở cụm thi Cần Thơ thi khối B cho biết môn Hóa đề thi khá dài, nhiều câu khó. Lý thuyết ít và bài tập nhiều khiến các thí sinh phải chạy đua với thời gian.
Trong khi đó các em HS khá giỏi cho biết đề thi Hóa khối B khó hơn đề thi Hóa khối A vừa rồi. Đặc biệt có những câu bài tập nâng cao ở phần hóa học hữu cơ rất “khó nhằn”.
Vừa ra khỏi trường thi, em Trương Nhật Tân - Thi tại HĐT Trường Tiểu học Ngô Quyền - cho biết: “Đề Hóa khối B khó hơn đề Hóa khối A vừa rồi, đặc biệt có nhiều bài tập tính toán phải mất thời gian và thuộc dạng khó. Đề có 50 câu, không có phần riêng phần chung và phần bài tập nhiều hơn lý thuyết. Với từng ấy câu hỏi thì thời gian làm bài rất chật vật, một số bạn cùng phòng thi của em làm không kịp thời gian.
Em thấy khó nhất là phần các hợp chất hữu cơ, đây cũng là câu phân loại thí sinh…Vì nỗ lực thi vảo trường ĐH Khoa học tự nghiên, ĐHQG TP HCM nên em đã đầu tư rất nhiều cho môn Hóa, em “tự chấm” được khoảng 8 điểm”.
Tại HĐT khu 2 Trường ĐH Cần Thơ, em Nguyễn Mộng Linh cho biết: “Đề thi Hóa khối B có tính phân loại thí sinh, các bạn trung bình có thể đạt điểm 5, tuy nhiên để kiếm điểm cao môn Hóa không phải dễ. Em học khá môn Hóa nhưng làm được khoảng 6 điểm vì làm không kịp thời gian…”.
Sau khi hoàn thành bài làm môn Văn, thí sinh ở Cần Thơ rời trường thi với nhiều cảm xúc khác nhau. Nhiều em cho biết đề Văn vừa sức nhưng cũng có em cho biết khá bỡ ngỡ với đề Văn vì đề thi khá lạ…
Đặc biệt, đoạn trích bài thơ Đò Lèn nằm ở phần đọc thêm trong chương trình lớp 12 nên nhiều thí sinh không ôn tập kỹ. Để hoàn thành đề thi phải nắm vững và cần phân tích cũng như khả năng cảm nhận của mỗi em.
Ra khỏi phòng thi, nhiều em thi khối C chia sẻ đề thi năm nay ra theo hướng mở, không đặt nặng thí sinh phải học thuộc lòng như trước. Đặc biệt là thí sinh “kết” câu nghị luận xã hội: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên lợi ích của người khác mà phải là kẻ giúp đỡ kẻ yếu” nên nhiều em đã liên hệ ngay đến tình hình ở Biển Đông.
Tại HĐT Trường CĐ Cần Thơ, em Nguyễn Như Đang cho biết: “Em thi khối C nên đầu tư kỹ cho các môn, em thấy đề thi Văn hôm nay vừa sức. Đặc biệt là câu nghị luận xã hội em làm rất tốt và liên hệ chặt chẽ đến tình hình đang “nóng” ở Biển Đông. Các bạn cùng phòng thi cũng rất hào hứng với câu nghị luận này. Với sức học của em có thể đạt được điểm 6 môn Văn…”.
Em Trần Thị Bích Duyên cho biết: “Đề Văn năm nay có phần khó hơn và bất ngờ hơn so với năm trước, đặc biệt là ở câu số 1 cho đoạn trích bài thơ Đò Lèn trong phần đọc thêm. Tuy nhiên em rất thích câu hỏi nghị luận, đây là vấn đề nóng về chủ quyền biển đảo nên em liên hệ và hoàn thành tốt, em rất thích những đề thi ra theo hướng mở thế này”.
Theo thông tin từ HĐCT liên trường Cụm thi Cẩn Thơ, ở môn thi cuối vào sáng 10/7, số thí sinh dự thi đạt tỷ lệ 82,3%, vắng 6.889 thí sinh. Không có thí sinh vi phạm quy chế thi.
PGS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, Chủ tịch HĐCT liên trường cụm thi Cần Thơ - cho biết: “Trong đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, Cụm thi Cần Thơ có 3 thí sinh bị đình chỉ thi (trong đó có 1 trường hợp mang điện thoại di động vào phòng thi và 2 trường hợp mang tài liệu vào phòng thi). Ngoài ra còn có 5 thí sinh bị khiển trách do trao đổi bài trong phòng thi.
Kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014, cụm thi Cần Thơ đảm bảo an toàn tuyệt đối về đề thi cũng như tình hình an ninh trật tự trong và ngoài phòng thi…”. (Quốc Ngữ)
Thời tiết TPHCM tiếp tục là một ngày mát mẻ, rất thuận lợi cho các sĩ tử tới trường thi. Từ sáng sớm, các em đã có mặt tại các điểm thi để chuẩn bị cho buổi thi cuối.
Qua trao đổi, các em đều quyết tâm hoàn thành tốt môn thi sáng nay: Hóa (khối B), Ngữ Văn (C, D). Các thí sinh tỏ ra rất thoải mái, thậm chí có nhiều em đã lên kế hoạch “xả stress” sau một kỳ thi căng thẳng.
Thí sinh Huỳnh Bá (Thi vào ĐH Ngoại Thương TPHCM) chia sẻ: Từ đầu mùa World Cup tới giờ, ngoài thời gian học, còn lại em thư giãn, nghỉ ngơi chứ không thức đêm xem bóng đá. Thi xong vẫn còn trận đấu quan trọng nhất, em sẽ không bỏ qua!
Còn thí sinh Văn Anh (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TPHCM) cho biết: Thi môn này xong, ngày mai em sẽ cùng cả nhà về Hưng Yên để thăm ông bà ngoại. Em sẽ cố gắng làm bài tốt để chuyến đi thật vui vẻ.
Phía bên ngoài trường thi, vẫn như thường lệ, các phụ huynh người uống cà phê, người đọc báo, lướt web bằng điện thoại, rồi trò chuyện để chờ con.
Chị Mai Thị Vy (huyện Long Thành Đồng Nai) cho biết: Hai mẹ con chạy xe máy từ nhà lên TPHCM ừ ngày 8/7, ở lại nhà người quen 2 đêm, kết thúc môn cuối, hai mẹ con sẽ chạy xe về nhà luôn. “Cháu làm bài thi tốt nên hai mẹ con cũng phấn khởi lắm. Hi vọng cháu sẽ đậu”, chị Vy cho biết. (Phan Nga)
Một số hình ảnh ghi lại sáng nay tại một số điểm thi TPHCM:
Cần Thơ: Thời tiết chiều lòng thí sinh
Đêm 9/7 ở Cần Thơ có mưa trên diện rộng nên sáng nay thời tiết rất mát mẻ, thí sinh và phụ huynh đến trường thi rất thuận lợi. Tình hình giao thông ở các tuyến đường nội thành được thông suốt.
Theo ghi nhận của chúng tôi ở phía trước các HĐT đều chật cứng phụ huynh đứng đợi con em. Theo nhiều phụ huynh cho biết, dù nhà trọ ở gần trường nhưng họ không về nghỉ ngơi mà ở lại để ủng hộ tinh thần con em mình.
Do hôm nay là buổi thi cuối nên nhiều phụ huynh đã chuẩn bị sẵn hành lý trên xe máy, khi con thi xong là về quê luôn.
Ông Lê Văn Đức, chờ con ở HĐT khu 2 trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Qua hai môn thi con tôi nói làm bài được nên tôi yên tâm và ráng đợi con thi xong môn cuối, hy vọng sẽ làm bài tốt. Quê ở xa quá (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) nên thi xong thì cha con về ngay, hành lý đã chuẩn bị sẵn để lên xe…”.
Tại các HĐT, thí sinh cũng tranh thủ đến sớm vừa ăn sáng xong là ôn lại bài. Ngồi trước HĐT trường THCS Đoàn Thị Điểm, em Nguyễn Trung Hiếu cho biết: “Em thấy đề thi khối C năm nay có nhiều đổi mới và bám sát thực tiễn. Để làm được bài không đòi hỏi thí sinh phải thuộc lòng mà phải nắm được vấn đề và hiểu vấn đề. Qua hai môn thi em làm bài khá tốt, hy vọng môn thi cuối mọi việc sẽ tốt đẹp…”. (Quốc Ngữ)
Hà Nội: Thí sinh thoải mái trước buổi thi
Tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) trên phố Nguyễn Trãi, các thí sinh đến từ rất sớm để vào phòng thi. Hầu như không còn thí sinh đến muộn sau 6h30.
Thí sinh Nguyễn Kim Thúy (đến từ Hà Nam) - dự thi vào Khoa Công tác xã hội - cho biết: Em làm tốt hai môn Địa lý và Lịch sử hôm qua và hi vọng sẽ đạt điểm cao môn Văn vốn là sở trường này. Em mong đề thi sẽ lại có phần nhắc đến lòng yêu nước để em thể hiện những suy nghĩ của mình.
Do biết thông tin trên báo chí về các trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi, nhiều phụ huynh đã nhắc nhở kĩ lưỡng, hỏi đi hỏi lại xem thí sinh đã cất điện thoại đi chưa.
Kết thúc môn thi sáng nay, nhiều thí sinh đã sẵn sàng hành lý để chuẩn bị về quê. (Việt Cường)
Một số hình ảnh tại hội đồng thi Trường Đại học KHXH&NV:
Tại Hội đồng thi Học viện Quản lý Giáo dục, nhiều thí sinh đến điểm thi từ trước 6h tranh thủ ôn bài ngay tại trường thi.
Hội đồng thi Học viện Quản lý Giáo dục đợt 2 có hơn 900 thí sinh đăng ký dự thi ở 2 khối là C và D1. Tính đến chiều ngày 9/7 có 525 thí sinh có mặt dự thi. Nhà trường đã huy động 220 lượt cán bộ làm công tác giám thị, giám sát thi. Trong đó có 10 sinh viên năm cuối có đạo đức tốt và học lực khá, giỏi còn lại là cán bộ, công nhân viên trong trường.
Ngoài ra còn có 10 cán bộ, chiến sỹ công an bảo vệ khu vực bên trong và bên ngoài phòng thi. (Sỹ Điền)
Một số hình ảnh trước giờ thi tại Học viện Quản lý giáo dục:
Tại Hội đồng thi Trường ĐH Văn hóa (Hà Nội), 60 giờ 30 phút, hành lang các phòng thi ngập màu áo trắng của thí sinh đợi được gọi vào phòng thi. Những trình tự trước khi bước vào phòng thi ược tuân thủ nghiêm ngặt.
Năm nay, thứ tự môn thi có thay đổi; theo đó, môn Văn thay vì thường được thi đầu tiên lại chuyển thành môn cuối cùng.
Nói về môn thi này, thí sinh Thu Hường - dự thi vào Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết: Nếu như cách ra đề mở với môn Lịch sử và Địa lý với chúng em còn khá mới mẻ thì riêng môn Văn đã trở lên quen thuộc. Vì vậy, em cảm thấy khá thoải mái trước giờ thi.
Bên cạnh đó, đề Văn khá bất ngờ trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi khiến em dự đoán đề Văn thi ĐH cũng sẽ có những bất ngờ như vậy.
“Em đã chuẩn bị tinh thần trước cho việc này để tâm lý lúc nào cũng vững vàng, kể cả trước và sau khi đọc đề” - Hường cho biết.
Ngoài phòng thi, vẫn là hình ảnh màu xanh tình nguyện quen thuộc nhiệt tình chỉ dẫn thí sinh lên phòng thi; ổn định ngoài cổng trường góp phần tạo nên một kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
Đúng 7 giờ 15 phút, các thí sinh bắt đầu giờ làm bài; môn Hóa sẽ kết thúc lúc 8 giờ 45 phút; thời hết giờ thi môn Văn là 10 giờ 15 phút. (Hiếu Nguyễn)
Một số hình ảnh trước khi thí sinh chuẩn bị bước vào môn thi:
Đề thi môn Lịch sử, Địa lý với nội dung về biển đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước đặt trong tầm nhìn khu vực, khơi gợi lòng yêu nước của lớp trẻ..., không khuôn sáo, giáo điều, bắt ép học sinh học thuộc lòng số liệu được dư luận xã hội, các giáo viên đánh giá rất cao.
Hôm nay, đề thi môn Ngữ văn với thời gian làm bài 180 phút cũng được chờ đón với sự kỳ vọng về những đổi mới trong cách ra đề và nội dung gắn với thực tiễn sinh động, mang tính giáo dục thiết thực.
Tiếp nối những thành công của các ngày thi trước, sáng nay, trên cả nước, các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện,… đã và đang triển khai hoạt động tích cực, có hiệu quả, tham gia phân luồng giao thông; giúp đỡ, hướng dẫn và đưa thí sinh, phụ huynh thí sinh đến các điểm thi; phối hợp giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài các khu vực thi; hỗ trợ hàng ngàn chỗ trọ, suất ăn miễn phí.
Lịch thi môn thi cuối sáng nay như sau:
Ngày | Buổi | Môn thi | ||
Khối B | Khối C | Khối D | ||
Ngày 8/7/2014 | Sáng Từ 8g00 | Làm thủ tục dự thi, xử lý những sai sót trong đăng ký dự thi của thí sinh | ||
Ngày 9/7/2014 | Sáng | Toán | Địa | Toán |
Chiều | Sinh | Sử | Ngoại ngữ | |
Ngày 10/7/2014 | Sáng | Hóa | Ngữ văn | Ngữ văn |
Chiều | Dự trữ |