Đề thi Lịch sử: Thêm một lần lớp trẻ hiểu sức mạnh của nhân dân

GD&TĐ - Đề thi môn Lịch sử khối C kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay được nhiều thầy cô giáo nhận xét là lạ, hay, khơi dậy tinh thần cách mạng của dân tộc và gắn với thực tiễn khách quan sinh động.

Đề thi Lịch sử: Thêm một lần lớp trẻ hiểu sức mạnh của nhân dân

Cô Lê Thị Thanh Lâm – Giáo viên Trường THPT Mỹ Đức A (Hà Nội): Đề thi bám sát chương trình kiến thức đã học.

Đề thi năm nay khá hay, có tính tích hợp cao, bám sát chương trình sách giáo khoa và bao quát các kiến thức lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.

Đề thi cũng bám sát với tình hình thời sự của đất nước. Đặc biệt với cách ra đề mở như năm nay, thí sinh không phải nhớ đến từng chi tiết các số liệu cụ thể mà đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp, liên hệ thực tiễn và khả năng tư duy logic. Cách ra đề như thế vậy khắc phục được tình trạng học sinh học vẹt, học tủ, học máy móc và sử dụng phao thi.

Trong 4 câu hỏi thì câu số 1 là hay nhất. Ở câu này, yêu cầu thí sinh vừa phải nắm được kiến thức lịch sử Cách mạng Việt Nam, vừa phải liên hệ thực tiễn khách quan.

Cái hay ở chỗ là thí sinh phải nói lên suy nghĩ của bản thân về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thêm một lần nữa, thí sinh lại hiểu hơn về sức mạnh của nhân dân “dễ trăm lần không dân cũng chịu; khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Từ đó thể hiện vai trò trách nhiệm của bản thân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều đặc biệt ấn tượng ở đề thi năm nay đó là dù không hề nói đến biển đảo, quê hương nhưng ở câu thứ nhất, trong bối cảnh đất nước hiện nay với sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào lãnh hải của nước ta, thí sinh có thể liên hệ trực tiếp với sự kiện này để thể hiện vào bài thi của mình.

Trong đó, đó nêu bật vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo từ đó liên hệ với bản thân và thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của đất nước.

Với đề thi năm nay, học sinh khá cũng có thể đạt được 7 điểm và học sinh giỏi có thể đạt được 8 - 9 điểm.

Cô Hoàng Thị Mai Phương – GV Trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hoá): Đề thi không xa rời thực tiễn

Theo tôi đề thi năm nay đã bám sát chương trình sách giáo khoa và không hề xa rời thực tiễn. Mỗi một câu hỏi đều chứa đựng tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc, đòi hỏi thí sinh phải tinh tế, nhạy cảm và có những liên hệ với bản thân và với thực tiễn khách quan sinh động.

Tôi khá ấn tượng với câu số 1 và câu số 4. Ở hai câu này có tính tích hợp hợp cao, đòi hỏi thí sinh phải tư duy, am hiểu kiến thức xã hội và cập nhật tình hình thời sự của đất nước. Nhất là ở câu hỏi số 4 đòi hỏi thí sinh phải nắm vững cả kiến thức lịch sử Việt Nam và kiến thức lịch sử thế giói.

Ở đây có sự kết hợp hài hoà giữa hai phần lịch sử. Nó không hề tách rời nhau mà có mối liên hệ mật thiết. Ngoài ra, thí sinh có thể nói lên suy nghĩ của mình, trách nhiệm của tuổi trẻ để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình và an ninh khu vực Đông Nam Á.

Tôi cho rằng đây là hai câu để thí sinh có thể gỡ điểm.

Thầy Bùi Thanh Tư – GV Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Đắk R"lấp- Đắk Nông): Đề thi chạm đúng tâm tư của giáo viên

Đề thi môn Lịch sử khối C năm nay đã chạm đúng tâm tư, nguyện vọng của giáo viên chúng tôi. Đó là cách ra đề mở, bám sát với thực tiễn, không yêu cầu học sinh nhớ từng con số, từng chi tiết cụ thể mà cần phải có những kiến thức hiểu biết sâu rộng cập nhật thông tin toàn diện.

Đề thi đã nằm trọn kiến thức đã học trong lớp 12 và rải đều từ đầu đến cuối chương trình. Đề thi cũng không quá khó, phù hợp với trình độ của học sinh dân tộc miền núi.

Đặc biệt, đề thi đã khơi dậy sức mạnh tinh thần đoàn kết dân tộc. Câu hỏi số 4 không chỉ đơn thuần là sức mạnh đoàn kết trong nước mà cần đặc biệt chú trọng đến đoàn kết quốc tế nhằm bảo vệ hoà bình, an ninh ổn định trong nước và khu vực.

Đây cũng là câu đòi hỏi thí sinh cần có kiến thức sâu rộng và biết liên hệ với bản thân gắn với tình hình thời sự trong nước và khu vực.

Thầy Đặng Thanh Toán, giảng viên khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Đề thi đánh tan tư tưởng mang tài liệu vào phòng thi

Đề thi Lịch sử năm nay rất hay, ấn tượng. Đề thi không đi vào phân tích sự kiện mà yêu cầu nên tầm vóc sự kiện. Với yêu cầu này, thí sinh muốn làm tốt phải có kỹ năng tổng hợp. Do đó, việc mang tài liệu vào phòng thi không còn ý nghĩa.

Tuy đề vẫn có câu đòi hỏi thí sinh phải thể hiện kiến thức nhưng phần lớn đòi hỏi tư duy độc lập trong cách làm bài. Với đề thi này, học sinh khá có thể đạt điểm cao.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ