Tự chủ tuyển sinh: Cần làm gì khi “cờ đến tay”?

Tự chủ tuyển sinh: Cần làm gì khi “cờ đến tay”?

Cơ hội khẳng định thương hiệu

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), lâu nay, các trường vẫn được tự chủ trong tuyển sinh, vì thế việc chuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia sang Kỳ thi tốt nghiệp THPT không ảnh hưởng nhiều đến công tác này, có chăng chỉ là thay đổi yếu tố kỹ thuật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực gần một năm nay, và tới đây (1/7), Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, cơ sở giáo dục đại học càng cần thực hiện quyền tự chủ của mình. Đó không chỉ là tự chủ về tài chính, tổ chức nhân sự, mà quan trọng là vấn đề liên quan đến đào tạo, trong đó có công tác tuyển sinh.

Theo đó, các trường được lựa chọn phương thức tuyển sinh, có thể sử dụng thông qua việc xét học bạ, tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, hoặc sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT… Vì thế, đây không chỉ là cơ hội để cơ sở GD phát huy quyền tự chủ, mà là dịp để khẳng định mình và phải có chiến lược phát triển phù hợp.

“Về mặt tâm lý, nhiều người sẽ e ngại vì có thể xuất hiện cách thức tuyển mới, khác với thói quen. Tuy nhiên, khi các trường đã tự chủ, việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của họ và phải có trách nhiệm giải trình với xã hội, người học” - đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, đồng thời trao đổi: Các trường phải làm quen với cơ chế tự chủ, có thể năm đầu tiên vẫn còn bỡ ngỡ, nhưng sang năm sau có bước chuẩn bị chu đáo và lộ trình sớm trong tuyển sinh. Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, vấn đề cần quan tâm là tăng cường kiểm định để bảo đảm chất lượng trong quá trình đào tạo và quy chuẩn đầu ra của sinh viên.

“Việc chuyển đổi Kỳ thi THPT quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT mặc dù hơi đột ngột, nhưng trường ĐH phải chủ động thích ứng, điều chỉnh phương án tuyển sinh phù hợp, bởi nguồn tuyển và tổng chỉ tiêu tuyển sinh không thay đổi nhiều so với năm trước. Sau khi có kết quả tuyển sinh 2020, mỗi trường tự đánh giá được phương án tuyển sinh riêng của mình và rút kinh nghiệm cho năm tiếp theo” - PGS.TS Trần Quang Bảo trao đổi.

PGS.TS Trần Quang Bảo – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định Kỳ thi THPT quốc gia chuyển thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường chủ động lên phương án xét tuyển và điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh năm 2020. PGS.TS Trần Quang Bảo tin tưởng, với sự chuẩn bị chu đáo và rút kinh nghiệm qua từng năm của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra nghiêm túc, khách quan, đánh giá đúng năng lực của thí sinh.

Theo PGS.TS Trần Quang Bảo, việc giao quyền tự chủ cho trường ĐH, trong đó có tự chủ về tuyển sinh là xu thế tất yếu. Các trường cơ bản có lộ trình để hướng tới tự chủ, phấn đấu đạt mức tự chủ cao nhất, trong thời gian ngắn nhất. Tùy đặc thù của mỗi trường mà lộ trình này có thể dài ngắn, khác nhau. 

Không tuyển sinh kiểu “lấp đầy”

PGS.TS Trần Quang Bảo cho rằng: Việc sử dụng phương án xét tuyển khác nhau chỉ là điều chỉnh mang tính ngắn hạn. Nếu một trường đại học đã khẳng định được thương hiệu và uy tín xã hội thông qua chất lượng đào tạo, áp dụng phương án tuyển sinh nào cũng sẽ thu hút được nguồn thí sinh có chất lượng.

Cho rằng, đây là thời điểm để cơ sở giáo dục đại học phát huy quyền tự chủ của mình trong tuyển sinh, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) nhận định: Về cơ bản phương án tuyển sinh của nhà trường vẫn giữ ổn định như năm trước. Năm nay, thay vì sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, Trường ĐH Duy Tân sẽ sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Đối với ngành đặc thù, nhà trường có thể bổ sung phương án khác, tuy nhiên đó là câu chuyện của năm 2021.

Theo TS Võ Thanh Hải, chúng ta có hành lang pháp lý là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Nghị định 99 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”; nay Kỳ thi THPT quốc gia chuyển thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì vậy không có lý do gì để các trường không phát huy quyền tự chủ của mình. Thậm chí, đây là cơ hội để khẳng định mình trong công tác tuyển sinh. 

“Tuy nhiên, tôi mong rằng, cơ sở GD sẽ không vì thế mà tuyển sinh “bất chấp” để lấp đầy quy mô số lượng. Tuyển sinh là một khâu, quan trọng nhất là quá trình đào tạo, điều kiện bảo đảm chất lượng để sinh viên ra trường được xã hội chấp nhận” - TS Võ Thanh Hải nhấn mạnh, đồng thời khuyến nghị: Để giảm tỷ lệ thí sinh ảo, cần phải liên minh với nhau để tuyển sinh.

Chuyển Kỳ thi THPT quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT là thời điểm và động lực để các trường đại học phát huy quyền tự chủ, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu không kịp thời đổi mới sẽ bị tụt hậu và ngày càng khó khăn. - PGS.TS Trần Quang Bảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.