Ở một góc nhìn khác, từ thực tiễn hoạt động theo mô hình tự chủ của Trường ĐH Quốc tế (HCMIU) - ĐHQG TPHCM, TS Hồ Nhựt Quang - Phó Hiệu trưởng HCMIU cho rằng, tự chủ đại học đã giúp trường phát triển và tăng sức cạnh tranh.
*Từ khi tự chủ ĐH đến nay, nhà trường có những thay đổi, khởi sắc như thế nào, thưa ông?
- Từ năm 2008, HCMIU được ĐHQG TPHCM cho phép tự chủ tài chính. Cơ chế này đã giúp nhà trường khuyến khích được việc nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên toàn trường cũng như có thể chiêu mộ được các anh tài, các giảng viên, nghiên cứu viên giỏi được đào tạo/làm việc tại các nước phát triển về trường công tác. Từ đó, các thành tích của nhà trường tăng lên, danh tiếng cũng được củng cố, các đối tác uy tín của nhà trường cũng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc thu hút học sinh và phụ huynh lựa chọn trường để học cũng tăng lên rõ rệt. Từ việc tự chủ tài chính, nhà trường đẩy mạnh tư duy tự chủ và năng động trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Với mục tiêu trở thành trường đại học hàng đầu theo định hướng nghiên cứu tại Việt Nam, HCMIU luôn đẩy mạnh liên kết đào tạo và nghiên cứu ứng dụng với các trường đại học lớn trên thế giới, trung tâm nghiên cứu chuyên sâu cũng như hợp tác chuyển giao các dự án thực tế đến nhiều tỉnh thành, vùng miền trên cả nước...
* Theo ông, tự chủ tăng hay giảm sức cạnh tranh giữa các trường?
- Theo tôi, tự chủ sẽ giúp các trường chủ động hơn trong mọi vấn đề và tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động. Như vậy, các trường sẽ năng động hơn trong việc tạo ra sự cạnh tranh tích cực để có thể đưa chất lượng của trường mình tăng lên. Nhờ tự chủ mà HCMIU có những tính toán phù hợp. Hiện tại, 11 ngành đào tạo của HCMIU được cấp chứng chỉ kiểm định chất lượng AUN với số điểm cao nhất Việt Nam.
Trường cũng là cơ sở GDĐH thứ 3 tại Việt Nam đạt chuẩn AUN cấp cơ sở giáo dục (cấp trường) với kết quả sơ bộ được đánh giá cao. Song song đó, nghiên cứu khoa học là định hướng tiên quyết của nhà trường trong những năm qua và vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Những chính sách mở của trường trong năm qua thể hiện sự đề cao hoạt động sở hữu trí tuệ, thu hút nhân tài và hỗ trợ kinh phí cho các đề tài chất lượng. Cụ thể, nhà trường dành một phần kinh phí hoạt động thường xuyên để hỗ trợ cho giảng viên, trong đó các đề tài sẽ được cấp kinh phí ở mức tối đa 100 triệu đồng nếu kết quả của đề tài có khả năng công bố một bài trên tạp chí quốc tế xếp hạng Q2 thuộc danh mục SCImago.
* Một điều dễ nhận thấy ở các trường tự chủ là vấn đề học phí sẽ tăng cao để cân đối thu chi. Vậy người học sẽ được lợi gì, thưa ông?
- Khi các trường tự chủ, vấn đề học phí sẽ tăng theo để cân đối thu chi, đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, người học sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn. Giáo dục đại học cũng là dịch vụ, khi dịch vụ cải tiến, người mua dịch vụ sẽ được lợi. Sinh viên của HCMIU được học với các thầy cô giỏi, được thực hành, nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm với các thiết bị, máy móc hiện đại; việc học tập cũng dễ dàng hơn với các đầu sách tiếng Anh được nhập từ nước ngoài liên tục, nhanh chóng.
Cơ sở vật chất khác (như mạng Internet, các khu vực nghỉ ngơi…) phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khác của nhà trường cũng được nâng cấp phù hợp với yêu cầu ngày một cao của xã hội. Thậm chí như căng tin trường cũng không giống các trường khác, chúng tôi tổ chức một khu phức hợp gồm nhiều cửa hàng ăn uống với thực đơn đa dạng, giá cạnh tranh với nhau để có thể phục vụ nhu cầu ăn uống của cán bộ, giảng viên và sinh viên một cách tốt nhất.
Như vậy, người mua sẽ hài lòng với dịch vụ mà họ mua từ chúng tôi. Và dĩ nhiên, chúng tôi không hài lòng với cái đã và đang có mà sẽ cố gắng để nâng cấp chất lượng của nhà trường ngày một tốt hơn từ cơ chế tự chủ mà chúng tôi có.
* Xin cám ơn ông!