Tự chủ đại học gắn liền với trách nhiệm

GD&TĐ - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học đề cập khá rõ về tự chủ đại học. Tuy nhiên theo PGS.TS Trần Quốc Toản – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, hiện nay có những nhận thức không đầy đủ và sai lầm khi thiên về “đòi quyền tự chủ” cho nhà trường trong quan hệ với Nhà nước và xã hội, nhưng lại vẫn muốn và giữ cơ chế quản lý - quản trị trong trường theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trước đây. 

Tự chủ đại học gắn liền với trách nhiệm

Phải có chế định đồng bộ

PGS Trần Quốc Toản phân tích: Trong cơ chế tự chủ đại học, có những nội dung là quyền tự chủ đương nhiên của một trường đại học, có nội dung là quyền tự chủ có điều kiện (nghĩa là quyền tự chủ đó phụ thuộc vào loại trường, điều kiện và trình độ phát triển cụ thể của trường… khi trường có đủ các điều kiện đó, đồng thời phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển của Nhà nước).

Chẳng hạn, nhà trường có toàn quyền tự chủ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo theo các quy định hiện hành; nhưng việc mở ngành mới hay tăng số lượng tuyển sinh về một ngành nào đó không chỉ căn cứ vào điều kiện của trường, mà còn phải căn cứ vào nhu cầu của xã hội và quy hoạch đào tạo của nhà nước đối với cả nước trong từng giai đoạn. Hay vấn đề tự chủ phát triển học thuật (nước ngoài gọi là tự do học thuật) cũng có những phạm vi khác nhau giữa các trường (chương trình) đào tạo theo hướng hàn lâm và các trường (chương trình) đào tạo theo hướng ứng dụng - thực hành.

“Đối với các trường, chương trình đào tạo theo hướng hàn lâm sẽ có không gian tự do học thuật rộng hơn, còn đối với các trường, chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng – thực hành, không gian tự do học thuật còn được “chế định” và điều chỉnh một cách khách quan bởi “chuẩn” trình độ nhân lực – trình độ ngành nghề theo quy định của Nhà nước, nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ để có những quy định phù hợp”- PGS Trần Quốc Toản trao đổi.

Cũng theo PGS Trần Quốc Toản, cần nhận thức rõ là khi thực hiện cơ chế tự chủ, dù ở cấp độ nào thì vấn đề quan trọng là phải chế định đồng bộ, hợp lý và hiệu quả giữa các nội dung về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của các chủ thể liên quan, nhất là giữa nhà trường với các chủ thể bên ngoài (kể cả Nhà nước) với tư cách một đơn vị tự chủ; đồng thời nhà trường, về phía nội bộ, phải chế định đồng bộ, hợp lý và hiệu quả về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích giữa các đơn vị và tất cả những người lao động trong trường gắn với kết quả và chất lượng hoạt động.

Hội đồng trường có cần thiết?

PGS Trần Quốc Toản đặt vấn đề, khi nhà trường được trao thẩm quyền và mức tự chủ lớn, thì vấn đề tất yếu đặt ra là cơ chế nào và ai kiểm soát “thực thi quyền lực” và giám sát kết quả - chất lượng hoạt động của nhà trường? Do tính chất đặc thù của hệ thống giáo dục đại học, cơ chế đó chính là đổi mới quản lý Nhà nước và sự tham gia giám sát của xã hội, gắn với chế định rõ trách nhiệm giải trình của các trường. Khi đó trách nhiệm giải trình là một chế định pháp lý quan trọng để kiểm soát thực thi quyền lực và giám sát hoạt động của nhà trường.

Trách nhiệm giải trình của một trường đại học phải được thể hiện ở cả ba nội dung tự chủ đó là: Thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ chuyên môn; tổ chức biên chế và nhân sự và về tài chính. Trách nhiệm giải trình của một cơ sở giáo dục đại học có thể được hiểu khái quát là: Trách nhiệm về tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của nhà trường về các nội dung tự chủ đối với cả “bên trong” và “bên ngoài”; trách nhiệm về kết quả, hiệu quả, chất lượng các hoạt động và sản phẩm, dịch vụ do nhà trường cung cấp; trách nhiệm tuân thủ các quy định của Nhà nước và quy chế hoạt động của trường cả về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức - biên chế - nhân sự và về công tác tài chính.

Điều đó nói lên là, không nên đồng nhất và nhầm lẫn khái niệm “Trách nhiệm giải trình” với khái niệm “tự chịu trách nhiệm” của trường đại học. PGS.TS Trần Quốc Toản lý giải: Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình là hai mặt thể hiện của cùng một thực thể cơ chế tự chủ đại học.

Nêu vấn đề về việc tại sao việc thực hiện cơ chế tự chủ - trách nhiệm giải trình của trường đại học lại gắn liền với sự ra đời của Hội đồng trường (HĐT), PGS.TS Trần Quốc Toản chia sẻ: Nếu như điều này ở các nước phát triển, nền giáo dục vận hành trong điều kiện kinh tế thị trường, thì tự chủ đại học gắn với HĐT như là sự đương nhiên; thì ở nước ta, mặc dù HĐT đã được chế định trong Luật giáo dục đại học, nhưng trên thực tế mới có rất ít trường đại học có HĐT, hơn nữa hoạt động của các HĐT hiện nay đang bộc lộ những bất cập, hiệu lực và hiệu quả chưa cao.

“Ở đây có vấn đề về nhận thức, có vấn đề về quy định pháp lý còn có những nội dung chưa phù hợp và đồng bộ, có vấn đề về tổ chức thực hiện... Thậm chí có không ít ý kiến cho rằng HĐT là không cần thiết, vì nó có những nhiệm vụ trùng lắp và cản trở việc thực thi nhiệm vụ của Ban giám hiệu (Hiệu trưởng - BGH). Tại sao lại như vậy? Cần phải làm rõ bản chất của vấn đề này” – PGS Trần Quốc Toản nêu vấn đề.

PGS Trần Quốc Toản cũng thẳng thắn cho rằng, chính sự ràng buộc về lợi ích, trách nhiệm giữa các chủ thể bên ngoài và bên trong liên quan đến định hướng, đầu tư phát triển của nhà trường cũng như mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng – thương hiệu của trường, rồi cơ chế phân bổ lợi ích giữa các chủ thể và thành viên… đòi hỏi phải có HĐT thay mặt cho các bên có lợi ích liên quan, thay mặt cho xã hội và đại diện cho lợi ích công, để định hướng và giám sát hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành nhà trường, đảm bảo cho trường phát triển với sự hài hòa lợi ích giữa các chủ thể và xã hội.

Bản thân Ban giám hiệu của trường với chức năng và địa vị pháp lý của mình không thể có đủ thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến lợi ích và quyền của các chủ thể khác.

“Không thể có cơ chế tự chủ đại học có hiệu quả nếu chỉ nhấn mạnh một mặt nào đó và không được chế định đồng bộ với mặt kia. Bởi vì tự chủ của nhà trường phải được gắn với yêu cầu thực hiện được tốt trách nhiệm xã hội”.  PGS.TS Trần Quốc Toản

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ