Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT – chia sẻ điều này tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sáng nay (17/7).
Về tự chủ đại học, nhận định các trao đổi tại hội nghị toát lên một ý là tăng tự chủ gắn với thay đổi quản lý của Bộ GD&ĐT và quản trị của nhà trường. Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, vế thứ nhất về tăng cường quản lý, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường quản lý nhà nước, tập trung xây dựng cơ bản về thanh tra, kiểm tra…
Về tăng cường quản trị nhà trường, theo ông Nguyễn Huy Bằng, tự chủ không chỉ là giảm can thiệp trực tiếp về chuyên môn của trường mà còn tăng quản trị nhà trường và phân cấp đến các khoa/bộ môn. Gắn với đó là phải ban hành hệ thống văn bản rất đầy đủ, trước hết là văn bản, quy chế tổ chức hoạt động mới cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Luật Giáo dục đại học có quy định trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường trong tổ chức hoạt động thanh tra nội bộ. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của cơ sở giáo dục ĐH, trường trung cấp chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Bằng cũng cho rằng, thực tế có nhiều việc không cần chờ thanh tra Bộ mà chính bản thân trường cũng có thể phát hiện ra để sửa chữa, điều chỉnh.
Về quản trị nhà trường, ông Nguyễn Hữu Bằng nhấn mạnh thêm: Thực tế vừa qua, bên cạnh các trường nghiêm túc thực hiện đúng quy định, vẫn có không ít trường thiếu sót, sai phạm. Ví dụ: các văn bản nội bộ nhiều nhưng chưa cập nhật văn bản mới, nên chính sách, chế độ thực hiện không đúng. Việc xây dựng đội ngũ chưa bảo đảm về số lượng, cơ cấu, đặc biệt cơ cấu theo ngành; có những ngành mở ra nhưng không duy trì được chất lượng đội ngũ. Việc liên kết đào tạo không phép, sai đối tượng, sai địa chỉ…
“Thực hiện Nghị quyết 63 của Quốc hội, vừa qua Bộ GD&ĐT đã rà soát, xử lý bước đầu và sẽ tiếp tục xem xét xử lý cụ thể” – ông Nguyễn Huy Bằng cho hay.
Theo ông Nguyễn Huy Bằng, các vi phạm trên tác động tiêu cực đến chất lượng, các trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có nhiều mức độ chịu trách nhiệm. Hiện Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 158 về xử phạt hành chính theo hướng nâng mức phạt. Nhưng phạt tiền chỉ là một hình thức theo nghị định xử phạt hành chính. Bên cạnh phạt tiền còn có mục khắc phục hậu quả, cái này hết sức khó khăn.
Đặc biệt, trước kia theo thông tư 07, thông tư 22, những trường bị vi phạm, xử lý thì bị chế tài 3 năm không được mở ngành, không được liên kết, nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã nâng lên thành 5 năm, tức là tính nghiêm túc cao hơn nhiều.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội |
Về tuyển sinh, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, về cơ bản càng ngày càng lành mạnh hơn, tốt hơn, đạt yêu cầu của xã hội, của từng trường, dù còn những trường khó khăn trong tuyển sinh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Bằng cũng chỉ ra một số thiếu sót, sai phạm như: Đề án không rõ ràng, xét tuyển không đúng đề án, có trường đưa chỉ tiêu cao mà không đúng năng lực thực tế…
Trên tinh thần đó, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đề nghị, để thực hiện cả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và tuyển sinh, cần tập trung rà soát hệ thống các văn bản, củng cố hệ thống quy định của mình theo đúng thông tư 51 của Bộ GD&ĐT. Tất cả phải theo khung chung là quy chế, thông tư, nghị định.
Ông Nguyễn Huy Bằng đề nghị các trường quán triệt công văn 2969/BGDĐT-TTr của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thanh tra, kiểm tra tuyển sinh ĐH; tuyển sinh cao đẳng và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019 để xây dựng kế hoạch, quyết định thanh tra. Hoạt động thanh tra này độc lập với bộ phận thanh tra chung của trường.
“Hiệu trưởng nếu quan tâm, thực hiện đúng quy định này thì tự trường đã loại được khá nhiều lỗi chuyên môn, có thể do chủ quan, khách quan dẫn đến sai sót. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra để thanh tra sát sao, kịp thời, trong quá trình làm sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm túc” – ông Nguyễn Huy Bằng cho hay.