Ngân sách nhỏ giọt, nâng chất lượng đại học cách nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các chuyên gia chia sẻ gợi ý giúp cơ sở giáo dục đại học tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh ngân sách đầu tư của Nhà nước còn eo hẹp.

Giờ thực hành của sinh viên Trường đại học Đại Nam. Ảnh: Thế Đại
Giờ thực hành của sinh viên Trường đại học Đại Nam. Ảnh: Thế Đại

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến: Thay đổi tư duy xã hội hóa giáo dục đại học

Tuy nhiên, hiện trạng phát triển ICT đang đứng trước nhiều thách thức; bước tiến chậm, không như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng là chúng ta chưa khai thác tốt nguồn lực hợp tác, bao gồm: Đại học - doanh nghiệp theo phương thức PPP và đại học - đại học trong hội nhập khu vực, quốc tế. Đây là lĩnh vực giàu tiềm năng về chia sẻ, cung cấp nguồn lực công nghệ trong bối cảnh giáo dục đại học ngày càng được các bên liên quan nhận thức là lợi ích chung, cần được phát triển trên tinh thần đề cao sự hợp tác thay vì cạnh tranh.

Theo Tuyên bố về chuyển đổi giáo dục được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục (Transforming Education Summit) do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chủ trì tháng 9/2022 tại New York, giáo dục đại học Việt Nam đã trên hành trình chuyển đổi 10 năm. Dù có bước tiến đáng kể, nhưng mục tiêu đến năm 2030 về “một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời” còn đối diện với nhiều thách thức. Cũng như nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển, thách thức hàng đầu là về chính sách và tài chính. Nhìn từ góc độ này, xin được đưa ra hai khuyến nghị:

Trước hết, do giáo dục đại học là lợi ích công, Nhà nước cần thực thi chính sách đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư phát triển, tăng ngân sách giáo dục đại học, chí ít bảo đảm tối thiểu 0,5% GDP giai đoạn 2021 - 2030 như đã được đề xuất trong dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030. Có thể coi đây là điều kiện mang tính tiên quyết để giáo dục đại học thực hiện được những chuyển đổi mong muốn, góp phần tích cực và hiệu quả vào việc đưa nước ta trở thành nước thu nhập trung bình cao năm 2030.

Tiếp đó, do giáo dục đại học mang lợi ích chung, cần hoàn thiện ở cả cấp hệ thống, trường, các chính sách và giải pháp xã hội hóa để huy động sự đóng góp hiệu quả của xã hội, cộng đồng quốc tế bổ sung nguồn lực cần thiết để chuyển đổi giáo dục đại học sang hệ thống mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, phục vụ học tập suốt đời. Bên cạnh đóng góp tài chính đã được quan tâm huy động thời gian qua, cần mở rộng những đóng góp về nguồn lực mở, bao gồm: Ý tưởng, chính sách, công nghệ.

Thứ nhất, ngày nay, khi thông tin gia tăng theo hàm số mũ và tri thức nhân loại tăng gấp đôi từng ngày thì nguồn lực ý tưởng sẽ rất dồi dào, quan trọng. Vì thế đã hình thành, phát triển một phương thức khai thác nguồn lực ý tưởng này, đó là crowdsourcing (tạm dịch là tìm kiếm nguồn lực từ đám đông). Thay vì cách truyền thống là huy động trí tuệ vốn chỉ giới hạn trong đơn vị, thì chuyển sang huy động trí tuệ rộng lớn bên ngoài thông qua mạng Internet.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.

Trong giáo dục đại học, crowdsourcing cũng được sử dụng qua các cách thức, như: Crowdlearning (giúp cải thiện thành tích học tập của sinh viên bằng cách sử dụng các sáng kiến tập thể để nâng cao kỹ năng của từng sinh viên), crowdteaching (tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy thông qua trao đổi và chia sẻ tài liệu giảng dạy, nghiên cứu), crowd wisdom và crowd creation (phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo, phá hủy cái cũ, tạo dựng các vườn ươm doanh nghiệp). Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, vận dụng, phát triển crowdsourcing trong giáo dục, góp phần giải quyết bài toán làm thế nào chi phí thấp mà đạt hiệu quả cao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, huy động sự đóng góp của xã hội trong xây dựng, triển khai chính sách vốn là thành phần quan trọng của chủ trương xã hội hóa, nhưng thời gian qua chưa được coi trọng; nay cần phát huy để góp phần tháo gỡ các thách thức về chính sách. Về phương diện này, cơ sở giáo dục đại học, mà đại diện là Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, có vị thế, lợi thế thực hiện tốt hơn cả. Không chỉ giám sát, đánh giá tổ chức thực hiện chính sách; mà còn đề xuất, khuyến nghị để khắc phục tình trạng chậm trễ trong phản ứng chính sách hiện nay.

Thứ ba về nguồn lực công nghệ, đây là nguồn lực chủ đạo trong phát triển giáo dục đại học trên thế giới hơn thập kỷ nay. Chúng ta cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn lực này và phát triển chính sách về ICT trong giáo dục. Những bất cập trong khai thác các nguồn lực nêu trên khiến cho các cơ sở giáo dục đại học công lập vẫn chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí do khó thực hiện đa dạng hóa các nguồn thu khác. Rất cần quan tâm đến tiếp cận theo hướng khai thác các nguồn lực nêu trên để nâng cao hiệu quả - chi phí, qua đó giảm chi phí đơn vị.

PGS.TS Lê Khánh Tuấn, Trường ĐH Sài Gòn: Hoàn thiện chính sách, cơ chế

PGS.TS Lê Khánh Tuấn.

PGS.TS Lê Khánh Tuấn.

Để thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều nghị định theo hướng tạo điều kiện để bảo đảm quyền tự chủ ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo quyền trong thực hiện thu để cân đối chi đang còn bất cập, khiến các trường đại học gặp nhiều khó khăn. Nhằm khắc phục bất cập đó, đề nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách hỗ trợ ngân sách, cơ chế đảm bảo nguồn thu để bù đắp đủ chi phí đào tạo theo hướng:

Thứ nhất, tính đủ chi phí đào tạo/sinh viên/năm học (chí phí này khác nhau ở từng ngành học) và xem đây là giá dịch vụ phải đảm bảo để trường đại học hoạt động bình thường. Thực hiện thu chi phí đào tạo đối với đối tượng được hưởng lợi khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, gồm: Nhà nước, người học (sinh viên), người sử dụng lao động, cộng đồng dân cư. Các đối tượng này phải chịu trách nhiệm chi trả một phần chi phí đào tạo tương ứng với sự hưởng lợi. Trường đại học cũng có trách nhiệm tạo thêm nguồn thu để bù đắp phần còn lại.

Thứ hai, thực hiện nghĩa vụ nộp trả chi phí đào tạo. Theo đó Nhà nước hỗ trợ ngân sách cho trường đại học theo số người học (xác định theo chỉ tiêu tuyển sinh đúng quy định), không phân biệt người học được hỗ trợ đang học ở trường công hay tư. Để thực hiện phương án này, trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo tính toán theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT, cơ quan quản lý xác định mức bình quân để hỗ trợ cơ sở đào tạo theo số người học mà họ đã tuyển sinh đúng quy định. Thực hiện giải pháp này cần điều chỉnh, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước nhằm tạo kênh cấp phát, hỗ trợ đến các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Sinh viên Trường đại học Đại Nam thực hành máy tính. Ảnh: Thế Đại

Sinh viên Trường đại học Đại Nam thực hành máy tính. Ảnh: Thế Đại

Người sử dụng lao động: Quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu trong phối hợp, chia sẻ chi phí đào tạo với trường học. Có thể học hỏi kinh nghiệm các nước để thể chế hóa thành các quy định của pháp luật. Chẳng hạn, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu chịu trách nhiệm tiếp nhận sinh viên đến kiến tập/thực tập, bố trí sinh viên vào vị trí tạm thời nhưng làm việc và đánh giá thật, chi trả sinh hoạt phí cho họ. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có liên quan đến sử dụng lao động phải đảm nhận một khâu của quá trình đào tạo; chia sẻ tài nguyên, thiết bị kỹ thuật dưới hình thức dùng chung với nhà trường...

Trường đại học: Nhà nước tạo lập cơ chế, môi trường cởi mở để cơ sở giáo dục thực hiện các dịch vụ: Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, xã hội có thu khác nhằm bù đắp một phần chi phí. Hiện nay, nguồn thu từ hoạt động này còn rất thấp. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ để thực hiện tốt giải pháp này.

Cộng đồng dân cư: Sau khi thu từ Nhà nước, người học, người sử dụng lao động và tự bổ sung của trường đại học, phần chi phí còn lại thu từ cộng đồng dân cư bằng cách tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp (hội khuyến học, hội cựu giáo chức…), các đoàn thể chính trị, xã hội để vận động các quỹ khuyến học, khuyến tài. Phải xem đây là trách nhiệm đóng góp của cộng đồng xã hội cho chi phí đào tạo, không đơn thuần là từ thiện, hảo tâm.

PGS.TS Lê Thị Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thực hành pháp luật (CLD): Tối ưu hóa chi phí bằng nguồn lực công nghệ

PGS.TS Lê Thị Châu.

PGS.TS Lê Thị Châu.

Trong bối cảnh hiện nay, ứng dụng hiệu quả các nguồn lực công nghệ có thể giúp cơ sở đào tạo đại học tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa công tác quản lý, điều hành và bảo đảm chất lượng đào tạo. Một số nguồn lực công nghệ đang ứng dụng tại các cơ sở giáo dục đại học như: Vạn vật kết nối; điện toán đám mây; xây dựng mô hình mô phỏng bằng các ứng dụng. Tuy nhiên, hiện nay ứng dụng các nguồn lực trên còn hạn chế, bất cập. Theo đó, kỹ năng sử dụng CNTT ở một bộ phận giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là giảng viên lớn tuổi. Còn nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa chú trọng phát triển các nguồn lực công nghệ để hỗ trợ sinh viên; vẫn áp dụng phương thức truyền thống “thầy đọc trò chép”; công tác quản lý hành chính phần lớn vẫn thực hiện một cách “cơ học”, nặng giấy tờ. Chưa có cơ sở dữ liệu chung cho toàn trường nên sự phối hợp giữa các phòng ban gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, do chưa tận dụng được các nguồn lực công nghệ nên thiếu thống nhất trong quản lý đào tạo...

Để nâng cao khả năng ứng dụng nguồn lực công nghệ cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ, cần xây dựng hành lang pháp lý nhằm thể chế hóa nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm 2021 - 2030 và đổi mới trong phương pháp, tư duy dạy học tích cực để làm chủ công nghệ. Từ đó, giúp người học biết học gì, học thế nào để đạt được mục đích học tập. Người dạy cũng cần thay đổi phương pháp từ truyền thống sang hình thức giảng dạy khác phù hợp hơn, như dạy học nêu vấn đề, thảo luận nhóm, seminar, báo cáo - thảo luận, học lý thuyết kết hợp liên hệ thực tiễn... Để ứng dụng tốt công nghệ, giảng viên phải có năng lực quản lý tài nguyên mạng, khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ phục vụ dạy học.

Với người học, cần chủ động ứng dụng các nguồn lực công nghệ để thích nghi với môi trường giáo dục đại học mới, năng động, sáng tạo; cá nhân hóa được kế hoạch học tập của mình. Một số ứng dụng để lên kế hoạch, quản lý thời gian như Microsoft To Do, Due, Timely, Trello… có thể giúp người học dễ dàng thực hiện việc này.

Với cơ sở giáo dục đại học, phải công khai chương trình, kế hoạch đào tạo trên các trang ứng dụng quản lý của cơ sở. Từ đó, thể hiện công bằng, minh bạch quá trình đào tạo, quản lý đào tạo, tránh sai lầm đáng tiếc. Đổi mới trong giảng dạy các môn học về công nghệ, đặc biệt là Tin học; bổ sung thêm kiến thức về ứng dụng, công cụ mới hỗ trợ người học không chỉ trên giảng đường, mà còn cả công việc khi ra trường. Mở thêm lớp đào tạo về các công cụ hỗ trợ nghiên cứu khoa học nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học cho giảng viên, người học.

Các cơ sở giáo dục đại học cần xác định chiến lược dài hạn và ngắn hạn trong ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với bối cảnh tự chủ của từng cơ sở. Có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong từng bộ môn, ứng dụng, thí điểm từng bước hoạt động dạy học hiện đại, từ đó rút kinh nghiệm để mở rộng đổi mới phương pháp dạy học ở bộ môn tiếp theo trong toàn trường. Hoạt động này nên tiến hành theo từng bước, tránh nóng vội, chủ quan. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ, ứng dụng CNTT cho giảng viên cũng là việc làm cấp thiết. Ngoài ra, cơ sở đào tạo cần đầu tư trang thiết bị, phương tiện dạy học hiện đại, wifi mạnh đủ cho giảng viên, sinh viên tham gia kết nối, học tập trên Internet dễ dàng hơn.

Với người học (sinh viên): Thay đổi cơ chế học phí, vừa hướng tới bù đắp chi phí đào tạo, vừa giải quyết các chính sách xã hội của Nhà nước. Để thực hiện giải pháp này, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí đào tạo hiện hành cần điều chỉnh, sửa đổi theo cách tiếp cận mới: Tính toán mức học phí nhìn nhận từ chi phí đào tạo; yếu tố mức sống được giải quyết bằng chính sách bù trừ của Nhà nước (vùng có mức sống thấp thu học phí thấp, Nhà nước tăng hỗ trợ từ ngân sách để bù đắp).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.