Tuy nhiên, cùng với đó các trường đã triển khai nhiều biện pháp để giữ chân sinh viên và mở rộng nguồn thu.
Tăng học phí - xu hướng chung
Khi học phổ thông, anh Miguel Agyei, sống tại bang Illinois, Mỹ, đã lo lắng làm thế nào để trả học phí đại học. Nam sinh từng muốn đến bang khác học nhưng chi phí quá đắt đỏ nên đành chọn Đại học Bradley gần nhà. Dù vậy, Miguel vẫn chật vật trả học phí.
Không chỉ tranh thủ làm thêm vào dịp hè, Miguel phải vừa học vừa làm và cân đối thời gian. Dù vậy, anh vẫn không đủ tiền mua sách giáo khoa, thậm chí phải nhờ một nhóm từ thiện hỗ trợ tiền thuê nhà.
Hiện đang gánh khoản nợ sinh viên lên đến 25.000 USD (khoảng 587 triệu đồng Việt Nam), Miguel bộc bạch: “Tôi cảm thấy cực kỳ căng thẳng. Tôi tập thể thao, đi học, làm thêm 5 - 6 tiếng, rồi lại làm bài tập về nhà, đi ngủ, thức dậy và lặp lại những công việc đó mỗi ngày”.
Nghiên cứu của CNBC chỉ ra học phí đại học tại Mỹ tăng liên tục trong nhiều năm qua. Từ năm 1991 đến 2022, học phí trung bình đã tăng gấp đôi từ mức 4 nghìn USD lên hơn 10 nghìn USD đối với các trường công lập. Trong các trường tư thục, học phí tăng từ trên 19 nghìn USD lên hơn 38 nghìn USD.
Tính đến giữa năm 2022, khoảng 44 triệu người Mỹ nợ giáo dục lên đến hơn 1,7 nghìn tỷ USD. Ước tính, mỗi người phải trả nợ học phí lên đến trên 37 nghìn USD. Nhiều người đã kết hôn, sinh con vẫn phải oằn lưng trả nợ học phí.
Thực trạng trên, cộng với lạm phát, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến ngày càng nhiều thanh niên Mỹ bỏ học đại học. Đơn cử, trong năm học 2021 - 2022, hơn 20 triệu thanh niên Mỹ học đại học, giảm khoảng 4 triệu người so với 10 năm trước.
So với nhiều quốc gia sở hữu nền giáo dục tân tiến khác, học đại học ở Mỹ vô cùng đắt đỏ. Tuy nhiên, việc các trường đại học Mỹ tự chủ không đồng nghĩa với việc tăng học phí.
Việc học phí tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó lý do lớn nhất là học phí của sinh viên được sử dụng để chi trả cho các hoạt động giáo dục như trả lương cho giảng viên, nhân viên đại học. Đáng chú ý, Mỹ chi một khoản tiền lớn cho nhân viên không giảng dạy như thủ thư, chuyên viên tâm lý... Dù không trực tiếp giảng dạy nhưng họ là những người góp phần giúp bộ máy nhà trường hoạt động trơn tru và góp phần thu hút, duy trì và chăm lo cho sinh viên.
Chính vì thế, khi số lượng sinh viên giảm, nguồn ngân sách của các trường đại học cũng bị ảnh hưởng. Chưa kể ở nhiều trường công lập, hỗ trợ của chính phủ dựa trên số lượng sinh viên tuyển sinh hàng năm. Nếu số lượng sinh viên nhiều, kinh phí hỗ trợ tương đương và ngược lại. Vì thế, các trường cần giải quyết bài toán thiếu sinh viên.
Vấn đề của Mỹ cũng là câu chuyện đang diễn ra tại Hàn Quốc. Những năm gần đây, các trường đại học Hàn Quốc đã tranh luận về việc tăng học phí đại học. Mới đây, đầu năm 2023, một số cơ sở giáo dục nước này thông báo tăng học phí, đánh dấu bước khởi đầu của chiến lược xoay trục ngành nhằm loại bỏ chính sách đóng băng học phí đã áp dụng 14 năm.
Học phí các trường đại học Hàn Quốc đã đóng băng từ năm 2009. Năm 2011, Đạo luật Giáo dục Đại học sửa đổi cho phép các trường đại học tăng học phí gấp 1,5 lần tốc độ tăng giá tiêu dùng trong 3 năm trước đó.
Để kiểm soát việc tăng học phí, chính phủ quy định các trường tăng học phí sẽ không được nhận tài trợ của chính phủ theo Chương trình Học bổng Quốc gia.
Mức tài trợ tỷ lệ thuận với số lượng tuyển sinh hàng năm của các trường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi tỷ lệ sinh quốc gia giảm, ngày càng nhiều trường đại học không tuyển đủ chỉ tiêu đặt ra. Vì vậy, mức trợ cấp chính phủ dành cho họ giảm sút. Tăng học phí giúp các trường nâng cao khả năng tài chính.
Học phí đại học Mỹ để chi trả cho các hoạt động giáo dục. |
Tìm cách giữ chân sinh viên
Việc tăng học phí đại học là xu hướng chung của nhiều quốc gia, nhất là sau dịch Covid-19 và lạm phát tăng vọt. Song song với việc tăng học phí, các trường đại học vẫn nỗ lực giữ chân sinh viên vì dù có nhiều nguồn thu khác nhau, trọng tâm của các trường đại học vẫn là giáo dục và đào tạo. Họ sẽ không thể làm tốt vai trò này nếu không có sinh viên.
Hiện nay, để thu hút sinh viên trong nước, nhiều trường tại Mỹ triển khai các phương án hỗ trợ như trao học bổng và mở rộng gói hỗ trợ sinh viên được trích từ ngân sách nhà trường; thu hút sinh viên giàu; cải thiện cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo...
Đơn cử, thành phố Salem, bang Massachusetts trao nhiều suất học bổng cho những sinh viên có nguy cơ bỏ học vì gánh nặng tài chính. Các trường đại học tổ chức chương trình hỗ trợ như bữa ăn giảm giá, nhà trọ giá rẻ hay đẩy mạnh hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho sinh viên... Tổng thống Joe Biden cũng cân nhắc kế hoạch xoá nợ sinh viên cho người dân Mỹ dù quyết định này vấp phải tranh cãi.
Ngoài ra, các trường cũng tích cực thu hút sinh viên quốc tế - nguồn lực dồi dào và tiềm năng. Thực tế, sinh viên quốc tế đóng góp lớn cho nguồn kinh phí của các trường đại học và nền kinh tế Mỹ. Đơn cử, năm học 2021 - 2022, sinh viên quốc tế đóng góp khoảng 33,8 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ.
Còn tại Hàn Quốc, sau dịch Coivd-19, nước này đã công bố kế hoạch “Du học Hàn Quốc 3.0” nhằm thu hút sinh viên quốc tế, nhất là tại các trường đại học địa phương. Ở những tỉnh dân số thấp như tỉnh Bắc Gyeongsang, chính quyền thậm chí cho phép sinh viên quốc tế mang theo gia đình đến Hàn Quốc và tạo cơ hội việc làm cho người thân của họ. Điều này góp phần nâng số lượng sinh viên quốc tế ở Hàn Quốc lên mức cao kỷ lục gần 167 nghìn người, trong đó sinh viên người Việt Nam đông thứ 2, sau Trung Quốc.
Hay Australia tăng giờ làm thêm cho sinh viên quốc tế từ 40 lên 48 giờ/2 tuần. Điều này không chỉ thu hút sinh viên nước ngoài mà còn giữ chân họ ở lại làm việc, nâng cao vị thế của các trường đại học trên trường quốc tế và giải quyết tình trạng khủng hoảng nhân lực.
Ngoài giữ chân sinh viên, các trường đại học cũng tìm cách mở rộng nguồn thu để không áp lực từ việc thu học phí. Trong đó, các trường ở Vương quốc Anh kêu gọi chính phủ gia tăng tài trợ cho các trường đại học, ngay cả các trường tư thục. Hàn Quốc phát triển quỹ trường học được huy động từ các khoản đóng góp của cựu sinh viên, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.
Nguồn thu của các trường tự chủ Mỹ đến từ nhiều nguồn khác nhau như học phí, ngân sách hỗ trợ của bang/chính phủ, tài trợ tư nhân, cổ phiếu, đầu tư... Đáng chú ý, ngay cả trong các trường tự chủ, chính quyền liên bang hoặc chính phủ vẫn hỗ trợ ngân sách để giúp các trường tăng chất lượng. Tương tự, tại Australia hay Trung Quốc, khi tự chủ đại học, các trường vẫn được chính quyền bang và chính phủ hỗ trợ tài chính. Việc đa dạng nguồn thu đã và đang giúp các trường phát huy thế mạnh của mình.