Đầu tư cho giáo dục Đại học vẫn khiêm tốn

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, đầu tư cho giáo dục đại học vẫn ở mức khiêm tốn.

Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Việc này ít nhiều ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Chi cho giáo dục đại học thấp

Theo TS Trịnh Hữu Tuấn, giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực phát triển kinh tế, xã hội và là tiến trình lập thân, lập nghiệp của thanh niên, sinh viên Việt Nam. Đây là nền tảng để hướng tới nền kinh tế tri thức nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.

Số liệu thống kê được Bộ Tài chính đưa ra năm 2020, ngân sách chi cho giáo dục đại học chưa đến 17 nghìn tỷ, chiếm 0,27% GDP. Tuy nhiên, con số thực chi chưa được 12 nghìn tỷ, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

TS Trịnh Hữu Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Đông Đô chia sẻ, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, mức chi ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học chiếm khoảng 22% ngân sách chi cho giáo dục của các nước trên thế giới. Con số này chiếm 27% ở Úc, Áo: 32%; Canada: 36%, Đan Mạch: 31%, Phần Lan: 27%, Na Uy: 27%, Anh: 26%, Mỹ: 28% và Singapore: 35%.

Nhìn nhận, các trường công lập đang từng bước tự chủ, PGS.TS Bùi Thế Đồi - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp cho rằng, trước hết tự chủ về tài chính và dần hướng tới tự chủ toàn bộ. Câu chuyện đặt ra là, từ nay đến lúc tự chủ hoàn toàn vẫn cần Nhà nước tiếp tục quan tâm và định hướng để có lộ trình phù hợp. Qua đó, giúp các trường công lập không có sự thay đổi quá đột ngột, gây xáo trộn; đặc biệt có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn bộ hệ thống giáo dục.

Cho rằng, việc chi cho giáo dục từ ngân sách Nhà nước như hiện nay cũng khiến các nhà trường gặp khó khăn; PGS.TS Bùi Thế Đồi cho biết, Trường ĐH Lâm nghiệp là cơ sở giáo dục đại học công lập đang cùng hợp tác, kêu gọi các đối tác và doanh nghiệp để tìm ra giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật. “Tuy nhiên, đây là giải pháp trước mắt, về lâu dài thì chắc chắn câu chuyện này còn nhiều định hướng chung cho phù hợp với toàn xã hội...”, PGS.TS Bùi Thế Đồi nói.

Nhắc lại Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh nhấn mạnh, Nghị quyết khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển và được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chi ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu gồm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Theo bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, các khoản chi trong khoản mục chi thường xuyên cho ngành Giáo dục nên được coi là chi cho phát triển, từ đó có chiến lược đầu tư, phân bổ hợp lý. Qua đó, thực hiện việc phát triển ngành Giáo dục, đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học trúng mục tiêu và đúng định hướng đề ra.

Sinh viên Trường ĐH Đông Đô trong giờ học. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Đông Đô trong giờ học. Ảnh: NTCC

Tăng dần tỷ trọng

Phát biểu tại tọa đàm “Giáo dục đại học: Thách thức và cơ hội”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến, đầu tư tài chính cho giáo dục đại học đang thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới là nguyên nhân tác động tới chất lượng đại học chưa như mong muốn.

Nếu so sánh, chúng ta sẽ thấy bất cập nằm ngay ở khâu đầu tư giáo dục đại học. Sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước không thỏa đáng, đúng tầm thì không thể hy vọng giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng. Nhưng ở đây chúng ta thực hiện tự chủ đại học, do đó phải trao cho các trường cơ chế tự chủ để thu hút thêm các nguồn lực từ xã hội, nâng đầu tư cho các trường, nhằm bù lại phần Nhà nước không lo được.

Theo Luật Giáo dục, đầu tư cho giáo dục nói chung hiện nay là 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ đạt từ 17 - 18%. Vì thế, nếu tăng hơn 20% sẽ khó khả thi trong những năm tới. Do vậy, trước mắt cố gắng bảo đảm 20% ngân sách chi cho giáo dục và tăng dần tỷ trọng cho giáo dục đại học theo yêu cầu đặt ra là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. “Muốn vậy, phải tính được cách phân bổ ngân sách hợp lý hay không và đang tồn tại ở các khâu nào, đây là bài toán khó?”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn nhận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội gợi mở, ngân sách dành cho giáo dục đại học đang ít thì phải tính tới đầu tư hiệu quả. Nếu phát triển hệ thống các trường tư thục chất lượng cao để thu hút đầu tư của xã hội và dòng tiền của người học chi trả thì chúng ta cứ giải quyết; còn ngân sách sẽ tập trung cho ngành đào tạo mà khối tư nhân không tham gia vào và những ngành mà Nhà nước cần. Đó là giải quyết vấn đề trước mắt, còn lâu dài phải tính đến tăng thêm đầu tư.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: NTCC

Trong bối cảnh ngân sách giáo dục đại học còn tương đối thấp so với các nước trên thế giới, TS Trịnh Hữu Tuấn cho rằng, hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực của cộng đồng, người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển giáo dục đại học.

TS Trịnh Hữu Tuấn viện dẫn, từ năm 1994, Đảng và Nhà nước đã khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào giáo dục đại học với sự ra đời của Trường ĐH Đông Đô. Tuy nhiên, khác với các nước phát triển: Anh, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, các trường tư thục được bình đẳng tiếp cận hỗ trợ ngân sách Nhà nước như các trường công lập, còn ở Việt Nam các trường tư thục phải tự chủ hoàn toàn kinh phí và không có khả năng tiếp cận với hỗ trợ của Nhà nước.

“Trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, đào tạo giảng viên, đổi mới chương trình đào tạo, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp để phát huy tối đa nguồn lực của ngân sách Nhà nước trên cơ sở huy động nguồn lực của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp cùng chung tay phát triển sự nghiệp giáo dục đại học ở Việt Nam”, TS Trịnh Hữu Tuấn bày tỏ.

Thực tế cho thấy, giáo dục đại học còn làm cầu nối giữa đào tạo với thực tiễn, hàn lâm với thực hành, khoa học với ứng dụng, người lao động và thị trường việc làm và sinh viên với doanh nghiệp. Từ những vấn đề nêu trên, theo Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Đông Đô, cần tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học để xứng đáng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng của xã hội.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ học thể chất. Ảnh: NTCC

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ học thể chất. Ảnh: NTCC

Cải tiến cơ chế

Ở góc nhìn khác, GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ chỉ ra, cần cải tiến cơ chế, nên chuyển cấp phát theo đơn, danh mục cấp trọn gói, tạo điều kiện để các trường công được tự chủ. Nếu chia theo từng bộ phận sẽ hạn chế các hoạt động về mặt tài chính của các trường. Điều quan trọng nhất vẫn là cơ chế để các trường có thể huy động được nguồn lực từ xã hội. Phải huy động nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo. Nói cách khác là sử dụng nguồn lực của các doanh nghiệp để đào tạo ra nguồn nhân lực theo nhu cầu của các doanh nghiệp theo hướng phi lợi nhuận.

Còn theo GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, ngay từ mục tiêu ban đầu, mỗi trường đã có kế hoạch cụ thể để đảm bảo có nguồn thu vận hành. Đơn cử như Trường ĐH Phenikaa, mặc dù mục tiêu dài hạn là phát triển thành trường đại học không vì lợi nhuận; tức là không lấy mục tiêu kinh doanh làm đầu song nhà trường cũng có lộ trình chặt chẽ.

Theo đó, trong chiến lược của nhà trường, việc cần làm là đa dạng hóa các nguồn thu. Như vậy, nguồn thu của nhà trường giờ đây không chỉ còn bài toán từ học phí mà phải thêm nguồn thu khác như: Tài trợ, hỗ trợ từ doanh nghiệp; hoạt động đổi mới sáng tạo; nghiên cứu phát triển khoa học ứng dụng… để đưa vào cuộc sống.

GS.TS Phạm Thành Huy cho hay, trong chiến lược phát triển, Trường ĐH Phenikaa đặt mục tiêu trở thành trường đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo. Khi đó, trường đại học không chỉ là đơn vị trung gian để tạo ra những giá trị cho cộng đồng mà còn tạo ra các giá trị mới cho cộng đồng thông qua sự hình thành, phát triển công nghệ…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ là đột phá chất lượng, mà nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ là sứ mệnh của giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT đã đưa vào đề xuất dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 mức chi cho giáo dục đại học từng bước bằng mức trung bình của khu vực về tỉ lệ GDP.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng, muốn nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước phải minh bạch hóa. Minh bạch tất cả khoản thu, chi của các cơ sở đại học trực thuộc các bộ ngành, địa phương thì mới tính được chi sao cho hiệu quả. Trên cơ sở đó Nhà nước thực hiện theo Luật.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ trực tiếp người học chuyển từ chi thường xuyên sang trực tiếp, đặt hàng và giao nhiệm vụ. Việc này cần mở rộng đối tượng, với cơ chế ưu đãi hơn. Đây là chính sách hiệu quả. Việc đầu tư đặt hàng phải theo cơ chế cạnh tranh, tập trung những ngành, trường tạo sức mạnh lan tỏa.

Đây là vấn đề đã được quy định trong Luật, quan trọng là triển khai thế nào cho hiệu quả. Tuy vậy, nếu được ghi vào văn bản cụ thể mức chi bao nhiêu % hàng năm thì có căn cứ, lộ trình tăng ngang bằng các nước trong khu vực từ nay đến 2030, sẽ là thuận lợi cho các bộ, ngành.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD&ĐT rất quan tâm đến kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ, vì hiện nay lực lượng nghiên cứu nằm trong các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu. Vấn đề là làm sao để kinh phí ấy bớt trung gian khi đưa về các trường. Lúc đó những trường có thế mạnh sẽ có nguồn lực phát triển nhanh hơn.

Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng, ngân sách, kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp và cần nâng cao hơn nữa. Để làm được điều này, cần cả Nhà nước, cộng đồng và hành lang pháp lý, cơ chế để giúp nhà trường huy động các nguồn lực khác nhau. Đồng thời, nhà trường có thể chủ động trong việc tạo ra những giá trị để tham gia trực tiếp vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ