Thiếu chủ động tự chủ từ trường đại học

GD&TĐ - Sự mất cân đối và thiếu tính bền vững trong nguồn thu cho thấy nhiều trường đại học bị động khi thực hiện tự chủ.

Trạm Robot và gói phần mềm mô phỏng Robot Studio tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng do Công ty TNHH ABB Việt Nam tài trợ. Ảnh: NTCC
Trạm Robot và gói phần mềm mô phỏng Robot Studio tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng do Công ty TNHH ABB Việt Nam tài trợ. Ảnh: NTCC

Thậm chí có đơn vị chậm chạp trong thực hiện lộ trình tự chủ để tiếp tục hưởng “bầu sữa mẹ” từ ngân sách Nhà nước.

Chậm dịch chuyển

Nhiều năm qua, dù Trường ĐH Quảng Nam tập trung cho công tác tuyển sinh nhưng kết quả đạt thấp so với chỉ tiêu được giao. Năm 2022, trường tuyển sinh đại học chỉ được 513/1.011 chỉ tiêu, năm 2021 là 530/1.106 chỉ tiêu. Theo thông báo kết luận buổi làm việc của ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam sau buổi làm việc với Ban Giám hiệu và Hội đồng Trường ĐH Quản Nam thì lộ trình thực hiện tự chủ đại học còn chậm, chất lượng đội ngũ, nhất là đội ngũ có trình độ tiến sĩ chưa đạt mục tiêu đề ra…

Tự chủ đại học được xem như chủ trương lớn, nhiều triển vọng giúp đổi mới quản trị đại học theo hướng năng động, hiệu quả theo xu thế thế giới. Chủ trương của Bộ GD&ĐT là tất cả các trường ĐH sẽ thực hiện tự chủ theo lộ trình; cơ quan quản lý Nhà nước cùng đồng hành với các trường thực hiện tự chủ và cấp kinh phí theo nhiệm vụ và chất lượng đào tạo, không phân biệt công lập hay tư thục.

Năm 2017, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên của ĐH Đà Nẵng triển khai thí điểm tự chủ. Theo lộ trình xây dựng thời điểm đó, năm 2018, Trường ĐH Bách khoa và ĐH Ngoại ngữ sẽ tiến hành tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục đại học còn lại thực hiện tự chủ trong năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ĐH Đà Nẵng mới chỉ có thêm Trường ĐH Bách khoa và Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt - Anh thực hiện tự chủ chi thường xuyên.

Theo nhận xét của PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương tại hội nghị về giáo dục đại học thì “các trường tự chủ đều tập trung tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, thực hiện kiểm định trường chương trình. Tự chủ làm nâng cao ý thức “cạnh tranh”, tăng “trách nhiệm” của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ quản lý tại các trường”.

Phân tích về điều này, PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết: “Tự chủ về nguồn kinh phí đặt ra bài toán lựa chọn mô hình phát triển theo quy mô với chi phí, học phí thấp hay theo chất lượng với chi phí, học phí cao. Tự chủ học thuật đòi hỏi các trường phải lựa chọn các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường; lựa chọn phát triển đa ngành, lĩnh vực hay phát triển tập trung chuyên sâu.

Tự chủ về tổ chức đặt ra bài toán thu hút và đào tạo nhân tài trong bối cảnh cơ chế chính sách còn cứng nhắc, tâm lý ngại thay đổi, va chạm và văn hóa “trình tự trước sau” dẫn đến sức ỳ lớn. Tự chủ về nghiên cứu khoa học đặt ra bài toán về từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu hay chú trọng đến công bố sản phẩm đầu ra của nghiên cứu”.

Cùng với thực hiện tự chủ đại học, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã tăng quy mô tuyển sinh các chương trình tiên tiến, đào tạo chất lượng cao và liên kết với nước ngoài, đào tạo bằng tiếng Anh. PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Nhà trường chủ trương đẩy mạnh các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và chương trình liên kết với nước ngoài”.

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Đại học Lincoln (New Zealand) ký kết hợp tác đầu tư. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Đại học Lincoln (New Zealand) ký kết hợp tác đầu tư. Ảnh: NTCC

Gỡ nút thắt để tự chủ hấp dẫn

Theo chủ trương của ĐH Đà Nẵng, các trường thành viên chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ hoàn toàn đều tạm dừng tuyển sinh đào tạo chất lượng cao theo đúng tinh thần của thông tư số 17. Theo đó, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng sẽ tạm dừng tuyển sinh 6 chương trình đào tạo chất lượng cao.

PGS.TS Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho biết, việc dừng tuyển sinh các chương trình đào tạo chất lượng cao cũng đồng nghĩa nguồn thu từ học phí của nhà trường sẽ sụt giảm đáng kể.

Các chương trình đào tạo chất lượng cao của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng có mức học phí cao gấp 2,5 lần so với chương trình đại trà. Đi kèm đó là các điều kiện về giảng viên, giáo trình, số giờ học với giảng viên nước ngoài… cũng có nhiều khác biệt so với chương trình đại trà. Đơn cử như với chương trình chất lượng cao, giảng viên đứng lớp phải có trình độ tiến sĩ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, hiện các trường ĐH tự chủ vẫn còn nhiều ràng buộc về mặt cơ chế. Mức độ tự chủ hiện nay chưa đảm bảo mà còn chịu nhiều ràng buộc về thông tư, nghị định…. Chẳng hạn như, trường muốn mời chuyên gia từ doanh nghiệp vào giảng dạy một số nội dung trong chương trình đào tạo.

Thế nhưng, dù là trường tự chủ hay chưa tự chủ thì đều phải tuân thủ quy định về thỉnh giảng là phải có chứng chỉ sư phạm… Tuy nhiên không phải chuyên gia nào cũng đáp ứng yêu cầu này. Và trường đại học dù thực hiện tự chủ cũng không thể “xé rào”. Muốn mở một ngành học mới, các trường tự chủ đều phải thực hiện trình tự quy trình như một trường chưa tự chủ.

Một chuyên gia giáo dục đã nhận xét, các trường đại học dù thực hiện tự chủ thì việc thu học phí cũng bị khống chế bởi các văn bản quy định có liên quan. Đây là thử thách của tất cả các cơ sở giáo dục đại học đang thực hiện tự chủ đại học và cũng lý giải tại sao nhiều cơ sở giáo dục ĐH vẫn ngần ngại tiến tới tự chủ ĐH. Như hai năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gần như các trường đại học công lập đều không thực hiện tăng học phí và vẫn thực hiện hỗ trợ 10% học bổng cho sinh viên.

Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh cho rằng, để thực hiện trách nhiệm xã hội của một cơ sở giáo dục đại học, các trường thực hiện tự chủ sẽ gặp khó khăn khi hỗ trợ cho sinh viên thuộc đối tượng hộ nghèo.

“Nhà nước sẽ thực hiện cấp bù học phí cho những sinh viên thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên, mức cấp bù này thực hiện theo quy định chung và thấp hơn rất nhiều so với mức học phí của các trường tự chủ xây dựng. Và khoản chênh lệch này, Nhà nước cho phép các trường thu từ sinh viên. Thế nhưng, gần như các trường đều không thu khoản chênh lệch này mà sẽ tự bù vào để trách nhiệm xã hội được thực hiện một cách trọn vẹn”.

“Tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư mà sẽ thay đổi cách đầu tư. Thay vì cấp tiền trả lương giảng viên thì dùng tiền đó để cấp học bổng cho sinh viên thuộc các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn với mức hỗ trợ cao hơn; hoặc Nhà nước tiếp tục đầu tư tăng nguồn cho nghiên cứu khoa học...”, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.