"Tự chọn" không có nghĩa là "khai tử"

GD&TĐ - Đưa Lịch sử trở thành môn tự chọn không có nghĩa là “khai tử” môn học này. Để học sinh hứng thú với môn học, nhiều  giáo viên Lịch sử đã thay đổi  phương pháp, tiếp cận công nghệ mới để đem lại giờ học hiệu quả.

Giờ học môn Lịch sử hứng thú của học sinh Trường THPT Triệu Sơn 4 (Triệu Sơn, Thanh Hóa).
Giờ học môn Lịch sử hứng thú của học sinh Trường THPT Triệu Sơn 4 (Triệu Sơn, Thanh Hóa).

Phải nắm kiến thức cơ bản

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã lý giải về việc đưa Lịch sử trở thành môn tự chọn từ năm học 2022-2023, ở bậc THPT. Theo Bộ GD&ĐT, cách bố trí như hiện nay, Lịch sử vẫn được dạy ở tất cả các trường THPT, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên (GV) Lịch sử hiện có.

Ngay sau lý giải của Bộ GD&ĐT, rất nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm đồng tình về việc đưa Lịch sử trở thành môn tự chọn. Bởi, cách bố trí này vừa tôn trọng sự lựa chọn của cá nhân học sinh (HS) vừa giúp các em có thêm thời gian tập trung vào sở trường và trải nghiệm thực tế…

Cô Lê Thị Ngân, GV dạy Lịch sử, Trường THPT Triệu Sơn 4 (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) vẫn có những băn khoăn. 

“Trong suốt những năm từ Tiểu học đến THCS, các em được trang bị kiến thức cơ bản về Lịch sử. Tuy nhiên, trên thực tế trước đây, khi nhận HS từ lớp 9 các em gần như không nắm được kiến thức cơ bản ngoại trừ HS giỏi môn Sử”, cô Ngân nói.

Nữ GV Trường THPT Triệu Sơn 4 cho rằng, Lịch sử là môn học khó vì liên quan tới nhiều sự kiện và số liệu, đòi hỏi một cách chính xác. Trong khi đó, nội dung trình bày trong sách giáo khoa từ trước đến nay lại chưa thực sự hấp dẫn, khiến số lượng HS yêu thích môn học này ngày càng ít đi.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Lê Xuân Phong, GV Lịch sử, Trường THPT Triệu Sơn 2 (Triệu Sơn, Thanh Hóa) cho biết, sẽ chờ kết quả thử nghiệm ở năm học 2022 - 2023.

Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) ôn tập môn Lịch sử.
Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) ôn tập môn Lịch sử.

“Một số ý kiến vẫn cho rằng, ở chương trình bậc THCS các em sẽ nắm hết kiến thức cơ bản của Lịch sử. Tuy nhiên, theo khảo sát nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy gần như 80% HS khi lên THPT không nắm chắc kiến thức Lịch sử, đây là thực tế”, thầy Phong nói.

Theo thầy Phong, Lịch sử là môn học rất quan trọng gắn liền với thực tiễn, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Không ngừng đổi mới phương pháp

“Nói đến Lịch sử, nhiều khi chưa học, chưa đọc nhưng nhiều HS vẫn bị ám ảnh bởi những số liệu khô khan, hoặc là cách truyền đạt theo lối mòn truyền thống dễ gây nhàm chán”, cô Lê Thị Ngân, GV Sử Trường THPT Triệu Sơn 4 chia sẻ.

Bởi vậy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ là chìa khóa giúp HS hứng thú với môn Lịch sử nhiều hơn. Theo cô Ngân, có nhiều phương pháp giảng dạy đem lại hiệu quả cho giờ dạy. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào đặc trưng từng bài, từng phần và từng giai đoạn lịch sử khác nhau.

Một trong những phương pháp được nữ GV sử dụng đó là "liên môn". Chẳng hạn, khi giảng bài 7: Những thành tựu văn hóa thời cận đại trong chương trình sách giáo khoa lớp 11, cô Ngân đã sử dụng kiến thức liên môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, âm nhạc và hội họa đã nhận được hiệu ứng vô cùng tích cực. HS không chỉ hứng thú với giờ học mà còn phát huy được tính chủ động và thúc đẩy khả năng tư duy, tìm tòi kiến thức.

“Mặc khác, phương pháp này còn có tác dụng trong việc giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức và góp phần hình thành nhân cách học trò”, cô Ngân chia sẻ.

Em Lê Thị Thu Hòa (đầu tiên từ phải qua), Trường THCS Hoằng Phụ giành giải Nhất môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2021-2022.
Em Lê Thị Thu Hòa (đầu tiên từ phải qua), Trường THCS Hoằng Phụ giành giải Nhất môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2021-2022.

Không ngừng đổi mới phương pháp cũng là cách làm của cô giáo Trịnh Thị Hạnh (GV Lịch sử, Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Ngoài những kiến thức giảng dạy trên lớp, cô Hạnh thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa thông qua các buổi tham quan di tích, bảo tàng và thư viện… nhằm giúp học trò có thêm những trải nghiệm thực tế thông qua hình thức quan sát trực tiếp.

“Thay vì kiểm tra bài cũ theo hình thức trả bài, chúng tôi thường giao các dạng bài tập cho HS, hoặc để các em tự phát biểu ra những suy nghĩ của mình từ những kiến thức đã được dạy.

Trong trường hợp lĩnh hội thêm kiến thức mới, trên cơ sở thực tiễn từ sách giáo khoa cũng như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng những phương pháp mới để mang tới cho các em giờ học hiệu quả”, cô Hạnh chia sẻ.

Giành giải Nhất môn Lịch sử lớp 9 tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2021-2022, em Lê Thị Thu Hòa, HS lớp 9B, Trường THCS Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm đưa Lịch sử trở thành môn tự chọn.

“Mặc dù chuyên các môn tự nhiên, song em vẫn sẽ lựa chọn thêm Lịch sử để tiếp nối mạch đam mê của mình khi vào THPT. Lý do là vì em vô cùng ấn tượng với những sự kiện lịch sử, đặc biệt là những trận đánh hào hùng của lớp lớp cha, ông trong quá khứ”, nữ sinh bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...
Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".