Từ bài thuốc tắm của người Dao: Bóc tách thành sản phẩm hỗ trợ sức khỏe

GD&TĐ - Từ một bài thuốc tắm dân gian của người dao, các nhà nghiên cứu Trường Đại học Dược Hà Nội đã hiện đại hóa thành những sản phẩm tiện dụng chữa các bệnh ngoài da, phục hồi sau sinh, giảm đau nhức xương khớp.

Người phụ nữ Dao đi lấy lá thuốc và nấu thành hỗn hợp nước tắm tốt cho sức khỏe.
Người phụ nữ Dao đi lấy lá thuốc và nấu thành hỗn hợp nước tắm tốt cho sức khỏe.

Chọn thành phần tối ưu trong 200 thảo dược

Dù có nhiều tác dụng tốt song nếu giữ nguyên phương pháp đun lá truyền thống, bài thuốc tắm người Dao sẽ chỉ dừng lại ở những dịch vụ tại chỗ hoặc những gói thuốc lá khô bán nhỏ lẻ chứ khó có thể phổ biến rộng rãi như những sản phẩm tắm gội hiện đại. Đây chính là lí do khiến các nhà nghiên cứu Trường ĐH Dược Hà Nội bắt đầu hành trình hiện đại hóa bài thuốc tắm của người Dao trong gần 15 năm qua.

Bài toán đầu tiên đặt ra cho nhóm nghiên cứu là phải chọn ra những loài quan trọng nhất trong khoảng 200 loài thảo dược khác nhau bởi việc sử dụng tất cả các loại thảo dược trên sẽ rất tốn kém, phức tạp và không khả thi trong sản xuất.

“Thông qua việc khảo sát thực địa các thầy lang người Dao ở các vùng khác nhau, chúng tôi chọn lọc ra khoảng 20 loài được dùng nhiều nhất, có độ tin cậy cao nhất”, PGS.TS Trần Văn Ơn, nguyên trưởng bộ môn Thực vật, Trường ĐH Dược Hà Nội, đồng thời là nguyên Chủ tịch Công ty Dược Khoa cho biết.

Khác với bài thuốc cổ truyền sử dụng trực tiếp các loại lá thảo dược, sản phẩm được hiện đại hóa chỉ cần một số hoạt chất cần thiết trong các loài cây này. Điểm thách thức của việc “chỉ cần một vài hoạt chất” lớn hơn người ta tưởng bởi mỗi loài thảo dược lại chứa nhiều hoạt chất với các tác dụng khác nhau. Và với những công cụ và những phương pháp tách chiết hiện đại, cuối cùng nhóm đã chọn lọc và phân lập được những tinh chất quý báu ở những loại cây dược thảo đó.

PGS.TS Trần Văn Ơn chia sẻ, sau khi chọn lọc và phân lập được những tinh chất quý báu, để đưa các hoạt chất của bài thuốc ra đến thị trường bền vững, các nhà nghiên cứu phải đảm bảo tách chiết được hàm lượng lớn hoạt chất có độ tinh khiết cao, đảm bảo giá thành sản phẩm ở mức chấp nhận được nhưng vẫn phải đảm bảo giữ được mùi hương tự nhiên của các loại thảo dược.

Đó là một trong những khó khăn bởi các hoạt chất từ thảo dược thường chứa nhiều tạp chất như tinh bột, nhựa cây... ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả và thời gian sử dụng của sản phẩm.

Nhờ nghiên cứu trong thời gian dài, các nhà khoa học đã “nắm được bí mật cây nào có tác dụng gì, thành phần gì rất rõ” và xử lý dần dần các vấn đề phát sinh. Bỏ nhiều công sức nhưng kết quả thu được thật đáng giá.

“Chúng tôi cũng tìm ra cách chiết xuất được hoạt chất tương đối tinh khiết, đồng thời cất được mùi thơm và tinh dầu. Từ đó tìm ra công thức phối trộn các thành phần sao cho vừa phát huy tác dụng, vừa giữ mùi thơm bền vững và bảo quản được lâu dài, bằng cách tạo môi trường tối ưu và có các thành phần buộc phải “hy sinh”.

Chẳng hạn như trong một số sản phẩm thường chứa vitamin C, E đóng vai trò “bảo vệ”, thường dễ bị oxy hóa và hỏng trước dược chất”, PGS.TS Trần Văn Ơn giải thích.

Nhiều dược sĩ, thạc sĩ nghiên cứu thành phần bài thuốc tắm

Với hướng đi này, nhóm nghiên cứu không chỉ tìm ra công thức tối ưu cho các sản phẩm hiện đại từ bài thuốc tắm cổ truyền của người Dao mà còn thu được một “sản phẩm” khác là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dược.

“Trong bài thuốc tắm có rất nhiều khía cạnh nghiên cứu, rất nhiều dược sĩ, thạc sĩ đã tốt nghiệp từ bài thuốc tắm này, chỉ cần nghiên cứu thành công một tác dụng thì cũng thành một đề tài cho các bạn ấy thực hiện rồi”, PGS.TS Trần Văn Ơn cho biết.

Để đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, PGS.TS Trần Văn Ơn kết hợp cùng Công ty DK Pharma để sản xuất. Ban đầu là dòng sản phẩm thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh và em bé.

Sau đó bài thuốc được cải tiến, nhóm vẫn giữ những thành phần cơ bản nhưng thay đổi một số loại tá dược phù hợp hơn. Kết hợp với công nghệ chiết xuất mới, sản phẩm ngày càng ổn định về chất lượng, trước kia thỉnh thoảng còn cặn lắng nhưng bây giờ gần như không có nữa.

Khi làm việc với các bệnh viện trong quá trình nghiên cứu bài thuốc tắm, các bác sĩ đã trao đổi về việc chế tạo dòng sản phẩm từ bài thuốc tắm người Dao dành cho bệnh nhân ở bên hồi sức tích cực, vì họ cũng cần sản phẩm có tác dụng diệt khuẩn tốt và mùi thơm tự nhiên. Nhóm nghiên cứu nhận thấy có thể làm được, vậy là tất cả bắt tay vào làm.

Đây cũng chính là nguồn gốc ra đời của sản phẩm xịt tắm thảo dược dành cho người bệnh liệt giường hoặc phải nằm tại chỗ của nhóm nghiên cứu. Yêu cầu dành cho sản phẩm này cao hơn nhiều so với các loại thuốc tắm thông thường, ví dụ như phải sạch khuẩn và khô nhanh.

“Chúng tôi vẫn dựa trên bài thuốc gốc, tuy nhiên phải bổ sung thêm các thành phần có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virus mạnh hơn để đáp ứng yêu cầu sử dụng trong bệnh viện.

Bởi vì các chất diệt khuẩn từ thảo dược cũng rất tốt nhưng phổ hẹp, chỉ diệt được một số loại cơ bản thôi, còn các loại vi khuẩn đặc biệt gây nhiễm trùng phòng mổ thì không diệt được. Một điều nữa là phải đảm bảo các tiêu chuẩn liên quan đến y tế”, PGS.TS Trần Văn Ơn cho biết. Sản phẩm cũng được chế tạo dưới dạng xịt để thuận tiện khi sử dụng.

Sản phẩm đảm bảo tác dụng vệ sinh và diệt khuẩn, có mùi thơm tự nhiên, khử được mùi khó chịu của bệnh viện. Ngoài đối tượng bệnh nhân, sản phẩm này cũng phù hợp với phụ nữ sau sinh, cơ thể còn yếu, chưa thể tắm theo cách thông thường, hoặc sử dụng khi đi du lịch, ở những nơi có nguồn nước khan hiếm hoặc ô nhiễm.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm để mở rộng phạm vi ứng dụng, nâng cao giá trị của bài thuốc y học cổ truyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...