Tranh thờ: Nét văn hóa độc đáo của người Dao

GD&TĐ - Người Dao tại Cao Bằng có phong tục tập quán rất đa dạng, trong đó mỗi gia đình phải có một bộ tranh thờ riêng được vẽ thủ công trên giấy dó hay giấy bản.

Bộ tranh thờ được vẽ rất cầu kì và đặc sắc. Người thợ vẽ cũng phải là một bậc thầy am hiểu về văn hóa người Dao. Tuy nhiên, vì đòi hỏi rất cao nên rất ít nghệ nhân có thể theo nghề và đứng trước nguy cơ bị mai một.

Nghề cha truyền con nối

Mỗi bức tranh đều có nội dung khác nhau. Ảnh: TG.
Mỗi bức tranh đều có nội dung khác nhau. Ảnh: TG.

Cũng giống như các dân tộc khác, người Dao thờ cúng tổ tiên, tuy nhiên điều đặc biệt ở đây chính là bộ tranh thờ được vẽ chi tiết rất linh thiêng. Cụ Đặng Văn Tôn và con trai là ông Đặng Phụ Quyền nhà ở chợ Táp Ná (xã Thanh Long, huyện Hà Quảng, Cao Bằng) là gia đình có tiếng từ xưa về vẽ tranh thờ truyền thống của người Dao.

Cụ Tôn giờ đã nặng tai và không còn khỏe như trước nên giờ đây việc vẽ tranh truyền lại cho con trai là ông Đặng Phụ Quyền. Cụ Tôn kể: “Tôi biết vẽ tranh từ khi mười lăm tuổi do cha ông truyền lại. Từ khi biết vẽ, nó trở thành nghề kiếm tiền nuôi cả gia đình. Có người từng mang gạo đến xin học nhưng về sau không theo được vì khó quá”. 

Ông Quyền là người duy nhất được truyền nghề từ cha mình. Khách của ông khá đông, chủ yếu là các thầy Tào (thầy cúng - thực hành tín ngưỡng của đồng bào dân tộc vùng cao phía Bắc) trong vùng.

“Mỗi gia đình người dao sẽ có nguyện vọng vẽ bức tranh thờ khác nhau. Tựu trung, một bộ tranh đầy đủ có giá từ 12 - 15 triệu đồng. Đó là số tiền lớn nên chỉ những gia đình khá giả hay là của nhà thầy làm Tào thì mới có điều kiện mua để hành lễ thôi”, ông Quyền cho biết. 

Tài hoa trong từng nét vẽ

Bức tranh có nét vẽ phức tạp nhất vì có đến hơn 70 khuôn mặt.
Bức tranh có nét vẽ phức tạp nhất vì có đến hơn 70 khuôn mặt.

Cũng theo ông Quyền, để có thể tạo nên bộ tranh đặc sắc như vậy, nguyên liệu chính là giấy dó. Xưa kia người ta ghép các mảnh giấy dó lại bằng cơm nếp với bì trâu thái nhỏ, trộn đều tạo hỗn hợp chất làm dính.

Còn ngày nay, giấy dó hay giấy bản được bán phổ biến ở chợ nên không mất thời gian tự làm nữa. 

Tranh thờ có nhiều tông màu và kích cỡ khác nhau, có những cái dài tới ba mét dành để thầy Tào làm lễ. Trong tranh vẽ nội dung khá thú vị, những vị thần quan trọng, uy nghiêm, có quyền cao sẽ được vẽ to ở vị trí trang trọng, còn những vị quan nhỏ hơn sẽ được vẽ theo thứ tự phù hợp.

Có những bức vẽ miêu tả trên 70 khuôn mặt các vị quan nên khá phức tạp và kỳ công. Công đoạn vẽ khai nhãn rất quan trọng, khi đó bức tranh mới có giá trị.

Sau khi phác họa, phải chín tháng sau mới được tô màu, những vị thần được vẽ trong tranh được cho là sẽ bảo vệ người dân khỏi những điều không lành trong đời sống.

Điều đó chứng tỏ người Dao từ xa xưa đã luôn cầu mong những điều tốt đẹp đến với con người và gửi gắm đến thần linh qua những bức tranh thờ.

Điều đặc biệt là chính vì sự linh thiêng đó nên người đặt vẽ tranh cũng phải mất thời gian khá dài mới nhận được sản phẩm. Vì sau khi bức tranh hoàn thiện, khách hàng phải đợi ngày lành tháng tốt để đón tranh về, ngoài ra còn phải làm lễ. 

Linh thiêng trong mỗi bức tranh

Những bức tranh do ông Đặng Phụ Quyền vẽ đều rất công phu, tỉ mỉ.
Những bức tranh do ông Đặng Phụ Quyền vẽ đều rất công phu, tỉ mỉ.

Một bộ tranh để hoàn thành sẽ mất khoảng hai tháng, gồm mười ba bức khác nhau, mỗi bức sẽ có vị thần riêng, ý nghĩa riêng. Ông Quyền cho biết, do mỗi vùng miền, do truyền thống cũng như thầy Tào nơi đó nên bộ tranh có đôi chút khác nhau chứ không giống nhau hoàn toàn.

Đối với người vẽ cũng như học vẽ tranh thờ người Dao luôn phải có những quy tắc đặc biệt. Người nghệ nhân luôn phải giữ thân thể sạch sẽ trước khi vẽ tranh.

Có nghĩa là không được làm việc xấu, không được gần gũi người khác giới, sát sinh hay đánh chửi nhau. Qua mỗi bức tranh thờ cho ta thấy sự linh thiêng cũng như bản sắc văn hóa của người Dao được truyền lại vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống. 

Hiện nay, do đặc trưng là nghề thủ công truyền thống nhưng rất tâm linh và khó học nên rất ít người theo nghề, thậm chí có nguy cơ bị mai một. Số người biết vẽ tranh thờ của người Dao như cha con cụ Đặng Văn Tôn cũng không còn nhiều nữa.

Với tín ngưỡng tâm linh tốt đẹp của người Dao, mong muốn cuộc sống hòa thuận, con người được khỏe mạnh đã có từ lâu đời. Hơn hết các cơ quan hữu quan cần có phương hướng bảo tồn để giá trị văn hóa của người Dao đỏ được bảo tồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ