Con lợn trong văn hóa người Dao

GD&TĐ - Lợn không chỉ được chọn là một trong 12 con giáp, mà đối với nhiều dân tộc thiểu số, lợn được ví như một vị thần, là cầu nối giữa con người với các vị thần khác. Đặc biệt đối với người Dao, lợn được xem là ông Ỉn.

Theo quan niệm của dân gian con lợn là vật đem lại rất nhiều may mắn và sung sướng. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Theo quan niệm của dân gian con lợn là vật đem lại rất nhiều may mắn và sung sướng. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Theo chia sẻ của TS Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng, sự tích ông Ỉn của người Dao bắt nguồn từ một chàng trai nhà rất nghèo đi rừng tự dưng thấy có một con lợn nái đau đẻ mà không đẻ được, chàng trai đã đưa con lợn đó về nuôi. Khi đưa về nuôi thì con lợn đã đẻ được cả đàn lợn khỏe mạnh. Để trả ơn chàng trai, con lợn nái đã bày cho chàng trai tìm cuốn sách thiêng để đọc. Khi anh đọc cuốn sách đó anh trở thành người rất giỏi nhờ có tinh khí của con lợn. Để nhớ ơn đến con lợn, hàng năm anh luôn dâng lễ để cúng.

Đối với người Dao, nghi lễ cúng lợn của người Dao rất đặc biệt, những con lợn được dâng lên cúng là con lợn đực. Bởi người ta quan niệm ông tổ sinh ra người Dao là Bàn Vương - Bàn Vương là con Long Khuyển (con chó hóa rồng có nhiều màu sắc), khi người Dao gặp khó khăn thì Bàn Vương luôn xuất hiện cứu.

Trong một đợt di cư, người Dao đi qua đường biển gặp sóng to gió lớn. Thuyền bè sắp đắm, các dòng họ người Dao chắp tay cúng lạy Bàn Vương, mong Bàn Vương giúp cho thoát qua khỏi hoạn nạn và đoàn người thoát chết. Từ đấy, khi người Dao nuôi lợn nái mà tự dưng chỉ đẻ được 2 con lợn đực, người ta coi là điềm báo Bàn Vương đến đòi lễ.

Từ đó, để thể hiện lòng thành của mình, người ta nuôi hai con lợn đực đó trong chế độ đặc biệt. Khi mà lợn xấp xỉ 1 tạ phải đưa đi nuôi riêng, cho ăn những món ăn riêng, trong đó có những vị rau làm cho ruột lợn sạch. Ví dụ như ăn thân cây chuối, thậm chí có những nơi là cho ăn các loại cây có vị thuốc.

Theo như phong tục, nghi thức cúng lợn của người Dao thường vào cuối tháng 10 âm lịch. Nghi thức bắt lợn cũng rất đặc biệt, người Dao thả 2 con lợn vào khu vườn của mình, sau đó các chàng trai giả vờ đi săn lợn. Có nơi người ta sẽ săn bằng cách thả lưới, có nơi người ta thả rọ sẵn rồi lợn bị dồn chạy vào đó và bắt kiểu như bắt lợn rừng.

Khi mổ lợn dâng lên Bàn Vương thì phải hát ca ngợi Bàn Vương và vai trò của con Lợn.

Đặc biệt, trong nghi thức cúng lợn, những người trưởng thành không được hát mà phải là các chàng trai chưa lấy vợ, cô gái chưa lấy chồng. Hát nhằm diễn tả lại cuộc sống của người Dao và trong không khí linh thiêng ấy, người Dao quan niệm rằng con Lợn đã hoàn thành sứ mệnh đưa dâng lên với Bàn Vương” - ông Sơn cho biết thêm.

Theo ông Sơn, bài hát mà người Dao hát khi dâng lợn lên Bàn Vương là Tam thập lục đoạn (36 đọan trường ca), thực ra đó là sử thi nổi tiếng của người Dao. Nó kể về sự tích của con lợn, cuộc sống, cội nguồn của bà con người Dao và những chuyến vượt biển của người Dao….

Không chỉ người Dao xem lợn như vật linh thiêng mà người Mông cũng được xem vật rất quan trọng. Theo TS Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng: Đối với người Mông khi chuẩn bị đón tết người ta phải quét sạch chuồng lợn và chổi dùng quét chuồng lợn thường được dùng lá trúc sau khi quét sạch người ta gián tấm giấy đỏ nhằm từ tà.

Khi cho lợn ăn đầu năm người ta cho lợn ăn bánh giầy, bánh giầy ngày xưa người ta làm bằng hạt kê sau này thì người ta sau này cho ăn ít ngô hoặc cho bánh giầy bằng gạo nếp.

 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ