Từ 2020 không bắt buộc phải… thưởng Tết

GD&TĐ - Lương, thưởng cuối năm là vấn đề đang được quan tâm của người lao động, các chính sách mới tới đây sẽ giúp cho mức lương được cải thiện. Về thưởng Tết, sẽ có đơn vị thưởng cho nhân viên hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng có đơn vị chỉ có thể thưởng Tết bằng lời… chúc mừng năm mới.  

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ai được tăng lương vào năm 2020

Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng là cơ sở thấp nhất để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, đủ thời giờ làm việc trong tháng và hoàn thành định mức phải bảo đảm:

Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất. Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Như vậy, không phải tất cả người lao động đều được tăng lương. Chỉ những người lao động thuộc các trường hợp nêu trên, đang có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định này mới được tăng lương từ ngày 1/1/2020.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc tăng lương tối thiểu vùng không chỉ tăng mức thu nhập cơ bản cho người lao động để bảo đảm cuộc sống hàng ngày mà còn tác động lớn đến chi phí đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.

Tương tự với khu vực doanh nghiệp, bắt đầu từ 1/7/2020, mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Hằng năm, mức lương cơ sở đều tăng, tuy nhiên đây là mức tăng lương cơ sở lớn nhất, kể từ năm 2013 đến nay. Mức lương cơ sở tại khu vực nhân viên Nhà nước không chỉ là căn cứ để tăng thu nhập mà còn là căn cứ để tính mức đóng hưởng của nhiều chế độ khác.

Cùng với việc tăng mức lương cơ sở các khoản tiền khác của cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng theo tương ứng như: Lương, một số khoản phụ cấp; Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng; Trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng...

Chênh lệch mức thưởng Tết

Từ năm 2021, theo Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động còn có thể thưởng cho người lao động bằng các hình thức khác ngoài hình thức thưởng tiền như: Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, phiếu mua hàng, ôtô, xe máy, chuyến du lịch…

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, theo Khoản 2, Điều 12 Luật Cán bộ công chức 2008 về quyền của cán bộ, công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương thì cán bộ, công chức được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Khoản 3, Điều 12 của Luật Viên chức 2010 cũng quy định viên chức được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì tất cả các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp đều không bắt buộc phải thưởng Tết cho nhân viên của mình. Việc thưởng Tết do đơn vị tự quyết định dựa trên nguồn kinh phí, doanh thu và năng suất lao động của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Mặc dù không có quy định về thưởng Tết, tuy nhiên, cuối năm là thời điểm để đánh giá kết quả làm việc của cả đơn vị cũng như kết quả làm việc của từng cá nhân trong năm. Kết quả này được sử dụng làm căn cứ cho việc thưởng cuối năm. Do đó, sẽ có sự chênh lệch về mức thưởng giữa các cá nhân trong một đơn vị và chênh lệch giữa các đơn vị khác nhau.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, mức thưởng Tết năm 2019 bình quân cả nước tương đương 6,3 triệu đồng/người, tăng hơn 11,4% so với Tết 2018. Chưa có báo cáo cụ thể về mức thưởng Tết năm 2020, nhưng dự kiến mức thưởng Tết bình quân năm nay tăng khoảng 10%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Đường đến thành công

GD&TĐ - Dưới cái nắng như thiêu đốt mặt đất, đôi vợ chồng trẻ mới cưới Zhou Quan và Meng Lu rời khỏi vùng núi hẻo lánh của huyện Hội Ninh, tỉnh Cam Túc.