(GD&TĐ) - Trong vài năm trở lại đây, bạo lực học đường đã trở thành tâm điểm chú ý không chỉ của ngành Giáo dục mà của toàn xã hội. Để tìm giải pháp cho vấn đề này, cần phải hiểu được nguyên nhân khiến nhiều học sinh thích sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Thị Như Trang - Giảng viên khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV(ĐHQG Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
Thưa tiến sĩ, tại sao chị lại lựa chọn nghiên cứu về bạo lực học đường (BLHĐ), mà cụ thể hơn là BLHĐ trong học sinh THPT tại Hà Nội?
TS Nguyễn Thị Như Trang |
Tôi đến với đề tài này khá tình cờ. Năm 2006, một người quen biết của tôi có con trai đang học lớp 11 tại một trường nằm trong tốp khá của Hà Nội, tham gia vào một vụ đánh nhau giữa học sinh trong trường, và bị hai học sinh khác dùng tông chém khá nặng. Khi nghe tin, tôi hốt hoảng đến thăm.
Trái với sự lo lắng và bất ngờ của tôi, phản ứng của cháu, của bố mẹ cháu và bạn bè cháu trước chuyện này lại hết sức bình thường như thể cháu đi đường không may bị ngã.
Và câu chuyện cũng được dàn xếp nhẹ nhàng: không tòa án, không công an, không bản án kỷ luật nào. Từ đó, tôi bắt đầu băn khoăn: Câu chuyện trên chỉ là một hiện tượng cá biệt mà tôi tình cờ biết đến; hay việc sử dụng bạo lực đã thành chuyện bình thường trong giới học sinh, tới mức những người trong cuộc có một tâm thế sẵn sàng chấp nhận chuyện đó?
Đến năm 2007, khi một clip quay cảnh nữ sinh bị đánh trong khi các bạn khác thản nhiên đứng xem được tung lên mạng, thì tôi quyết định tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra.
Tôi có một cảm giác như thế này: Trước đây, người ta thường cho rằng BLHĐ đơn giản chỉ là chuyện học sinh gây gổ đánh lộn nhau trong trường học, thời nào cũng có và ở đâu cũng có. Nhưng vài năm trở lại đây, vấn đề có vẻ ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Với tư cách một nhà nghiên cứu, chị có chia sẻ cảm giác này không?
Khảo sát của tôi cho thấy, việc sử dụng bạo lực của học sinh rất phức tạp, chứ không đơn thuần là tức lên thì đánh. Bản thân bạo lực có ý nghĩa nhiều hơn là việc xả cơn tức giận hay trả thù. Bạo lực đôi khi với các em là cách thức để bảo vệ công lý, hoặc để khẳng định vị trí xã hội, xác định “ta là ai trong xã hội này”. Bạo lực đôi khi như một cách để “kiểm chứng” một mối quan hệ, hay là một cách để thể hiện quyền và trách nhiệm của thành viên trong nhóm... Phương thức sử dụng bạo lực cũng rất linh hoạt và phức tạp.
Ví dụ, chúng ta thường nghĩ rằng việc sử dụng bạo lực là do người sử dụng quyết định (tôi đánh anh là vì tôi muốn đánh anh cho bõ ghét). Song thực ra không đơn giản như vậy. Rất nhiều trường hợp sử dụng bạo lực ở thế bị động (tôi đánh anh không phải vì tôi muốn đánh anh, mà vì tình thế đòi hỏi tôi phải đánh anh). Học sinh thường nhìn nhau mà hành xử. Cái việc nhìn nhau này khiến cho việc sử dụng bạo lực nhiều khi không hoàn toàn do ý muốn chủ quan của người sử dụng.
Hồn nhiên tuổi học trò |
Chị có bao giờ so sánh thế hệ mình với thế hệ học sinh hiện nay về vấn đề BLHĐ không?
Có chứ, và cũng một phần xuất phát từ chính những so sánh như vậy mà tôi quyết định tiến hành nghiên cứu này. Theo ký ức của tôi, thời kỳ phổ thông là những năm tháng rất vui vẻ và thân ái. Do đó, một trong những câu hỏi mà tôi rất muốn trả lời là: Liệu BLHĐ ở Hà Nội những năm gần đây có khuynh hướng gia tăng mức độ phổ biến và nghiêm trọng, hay thực ra trước nay nó vẫn vậy?
Trả lời được câu hỏi này sẽ ra được nhiều vấn đề thú vị khác. Nếu BLHĐ ở Hà Nội trong những năm gần đây thực sự gia tăng về mức độ phổ biến và nghiêm trọng, thì lúc đó chúng ta sẽ đối mặt với các vấn đề về biến đổi xã hội tại Việt Nam sau Đổi mới. Còn nếu BLHĐ ở Hà Nội từ trước tới nay vẫn cao như vậy, thì lúc đó chúng ta lại cần tìm hiểu về mặt văn hóa. Đáng tiếc, chúng ta thiếu dữ liệu khảo sát xã hội học về tỉ lệ học sinh THPT tại Hà Nội sử dụng bạo lực cách đây 10 năm, hay 20 năm để so sánh.
Bạo lực học đường rõ ràng cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội để giải quyết, đồng thời là vấn đề đòi hỏi nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Giải pháp cụ thể, trước mắt mà chị đưa ra cho vấn đề này là gì?
Tôi cho rằng mặc dù gia đình có tác động rất mạnh tới việc học sinh có bị sa vào con đường bạo lực mãn tính hay không, nhưng giải pháp cụ thể - trước mắt như chị nói thì không thể dựa vào gia đình. Theo ý kiến cá nhân tôi, các chính sách hay chương trình can thiệp để hạn chế BLHĐ nên tập trung triển khai ở nhà trường.
Ngoài ra, mỗi trường THPT nên có một nhân viên công tác xã hội học đường nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề ngoài học tập của học sinh. Hiện tại, giáo viên chủ nhiệm lớp đang phải kiêm nhiệm công việc này. Tôi không nói rằng họ làm không tốt.
Thực tế, giáo viên chủ nhiệm là người nắm được khá rõ tình hình của học sinh, và có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp cận và xử lý các vấn đề của học sinh. Nhưng để hỗ trợ giải quyết các vấn đề thuộc về quan hệ xã hội (quan hệ bạn bè, quan hệ gia đình, quan hệ thầy trò, quan hệ tình cảm...) của học sinh THPT, nhất là trong bối cảnh các vấn đề này đang nảy sinh ngày một nhiều hơn và phức tạp hơn, thì vẫn cần đến những nhân viên được đào tạo chuyên biệt, và chỉ chuyên tâm làm công việc này.
Xin cảm ơn chị!
Bản thân bạo lực có ý nghĩa nhiều hơn là việc xả cơn tức giận hay trả thù. Bạo lực đôi khi với các em là cách thức để bảo vệ công lý, hoặc để khẳng định vị trí xã hội, xác định “ta là ai trong xã hội này”. Bạo lực đôi khi như một cách để “kiểm chứng” một mối quan hệ, hay là một cách để thể hiện quyền và trách nhiệm của thành viên trong nhóm... Phương thức sử dụng bạo lực cũng rất linh hoạt và phức tạp. |
Diệu Linh (Thực hiện)