TS Lê Thái Hưng (ĐHQG Hà Nội): Tạo hứng thú thay vì áp lực điểm số

TS Lê Thái Hưng (ĐHQG Hà Nội): Tạo hứng thú thay vì áp lực điểm số

Đây là cách làm không mới (đã áp dụng với HS tiểu học) nhưng theo TS Lê Thái Hưng - Chủ nhiệm Khoa Quản trị chất lượng, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), đổi cách đánh giá là cần thiết, để cùng với chương trình, điều chỉnh phương pháp dạy của thầy cô, HS cảm thấy hứng thú trong quá trình học tập, học vì nhu cầu bản thân chứ không phải áp lực điểm số.

Thay đổi đồng bộ

- Ông nhận định thế nào về quy định kiểm tra, đánh giá ở trường trung học hiện nay?

- Thông tư 58 ban hành tháng 12/2011, được thực hiện để đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT với hai lĩnh vực chính là hạnh kiểm, học lực có những điểm tích cực, được nhiều GV, chuyên gia giáo dục ghi nhận so với những quy định trước đó (quyết định số 40 năm 2006, Thông tư 51 năm 2008).

Theo đó, kết quả học tập của người học đã được so sánh với yêu cầu cần đạt được về kiến thức, kỹ năng của từng môn học; Đa dạng hóa hình thức đánh giá, loại bài kiểm tra, chú ý tới đặc thù của các môn học âm nhạc, mĩ thuật, thể dục, công dân; Kết hợp kết quả học tập định tính và kết quả học tập định lượng; Nhấn mạnh vai trò năng lực quản lý, chỉ đạo của cán bộ quản lý, năng lực triển khai của giáo viên đối với việc đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng bộc lộ hạn chế cần được cải thiện để có thể thực hiện được đầy đủ chức năng, ý nghĩa của hoạt động kiểm tra đánh giá. Chức năng phản hồi nhằm mục đích cải tiến hoạt động dạy, tạo động lực cho người học còn bị xem nhẹ; nặng về kiểm tra kiến thức không bảo đảm tính toàn diện. Đâu đó vẫn còn tư tưởng nặng về thành tích. Quá tập trung vào các hoạt động đánh giá tổng kết mà xem nhẹ các hoạt động đánh giá quá trình. Người học chưa được tham gia nhiều vào quá trình đánh giá mà mới chỉ là đối tượng bị đánh giá…

- Theo ông, việc kiểm tra, đánh giá (với chương trình hiện hành) cần thay đổi như thế nào để có thể tiệm cận được với Chương trình giáo dục phổ thông mới?

- Điểm khác biệt chủ đạo của Chương trình giáo dục phổ thông mới là hướng tới hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Do vậy, bên cạnh việc khắc phục những tồn tại của hoạt động hiện hành, cần có những thay đổi căn bản mục đích, nội dung và phương pháp đánh giá người học.

Trước hết, đổi mới mục đích đánh giá: Thay vì chỉ tập trung vào đánh giá kết quả học tập, tổng kết để phân loại và đưa ra phán xét cuối cùng về người học, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động đánh giá quá trình, hoạt động tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau hướng tới mục đích quan trọng nhất là vì sự tiến bộ và thành công của người học.

Thực hiện điều này cũng đồng nghĩa với việc quy định về đánh giá, xếp loại người học phải thay đổi để tăng cường trọng số của đánh giá quá trình, bổ sung quy định về phản hồi kết quả nhằm giúp học sinh nâng cao chất lượng học tập… kéo theo sự thay đổi về các loại hình, thời điểm kiểm tra đánh giá.

Tiếp theo là đổi mới nội dung và phương pháp đánh giá: Thay vì chỉ đánh giá nặng về kiến thức, kĩ năng, hoặc thái độ đơn lẻ, sang đánh giá các năng lực (năng lực chung và năng lực chuyên biệt) và phẩm chất mà Chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành. Như vậy, thay vì chỉ lấy căn cứ chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ như trong chương trình hiện hành, quy định mới cần phải nhấn mạnh tới căn cứ là các năng lực của học sinh.

Việc thay đổi mục đích và nội dung đánh giá dẫn tới tất yếu phải cập nhật các hình thức và phương pháp đánh giá. Bên cạnh cách đánh giá truyền thống qua bài kiểm tra/thi viết, cần thực hiện một cách nghiêm túc hơn bài thực hành, bổ sung bài đánh giá trình diễn để có thể đánh giá được năng lực của học sinh ở cả ba giai đoạn quan trọng: Hiểu biết, thực hành, phát triển… thông qua sản phẩm hoạt động, quá trình hoạt động và khả năng thuyết trình. Trong đó, quá trình hoạt động là cơ hội tốt để đánh giá cũng như phát triển các năng lực chung của người học (giao tiếp, làm việc nhóm…). Vì vậy, quy định mới cần bổ sung một trọng số cần thiết cho hoạt động đánh giá này.

Đề cao năng lực nhà giáo

TS Lê Thái Hưng (ĐHQG Hà Nội): Tạo hứng thú thay vì áp lực điểm số ảnh 1
TS Lê Thái Hưng.

- Bộ GD&ĐT công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 58, nội dung dự thảo đã đáp ứng được yêu cầu ông nêu ở trên?

- Như đã nói, việc thay đổi quy định về kiểm tra đánh giá chỉ được thực hiện hiệu quả khi có sự đồng bộ. Do vậy, việc sửa đổi Thông tư 58 vẫn phải căn cứ trên chương trình hiện hành, là giai đoạn chuyển giao, chuẩn bị thực hiện chương trình mới. Tôi cho rằng, việc Bộ GD&ĐT thực hiện điều chỉnh Thông tư 58 ở thời điểm này hoàn toàn đúng đắn, vừa có tính cải tiến những hạn chế của quy định hiện tại với chương trình hiện hành, đồng thời tạo sự thay đổi trong nhận thức và hành động của giáo viên hướng tới thực hiện Chương trình mới.

Một số điểm mới đáng ghi nhận như: Bổ sung một hình thức vào đánh giá thường xuyên và định kì (thuyết trình, viết ngắn, sản phẩm học tập…) với yêu cầu có hướng dẫn cụ thể, thông báo công khai trước khi thực hiện sẽ góp phần nâng cao tính toàn diện và quy chuẩn của hoạt động đánh giá. Đồng thời có chú ý tới việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm tra đánh giá.

Thay đổi một số điểm liên quan đến số đầu điểm đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì theo hướng giảm số đầu điểm nhưng không giới hạn số lần đánh giá với đánh giá thường xuyên. Quy định cụ thể về thời gian thực hiện bài đánh giá định kì trên cơ sở thời lượng trong chương trình. Với môn học đặc thù yêu cầu có nhận xét cụ thể về thái độ hành vi, biểu hiện của người học. Dự thảo sửa đổi cũng quan tâm đến vai trò của môn Ngoại ngữ với xếp loại học lực, thống nhất các vấn đề liên quan đến đánh giá học sinh khuyết tật. Một số điều chỉnh trong thuật ngữ thể hiện tinh thần đánh giá để tạo động lực phát triển cho người học…

Những điểm thay đổi trên thể hiện sự chuyển đổi hoạt động đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện phẩm chất và năng lực; tăng cường vai trò quan trọng là cung cấp thông tin phản hồi của đánh giá quá trình (đánh giá thường xuyên) thông qua nhận xét cụ thể về người học thông qua hành vi. Trên cơ sở vẫn bảo đảm tính công khai, minh bạch của hoạt động đánh giá làm cơ sở tạo động lực cho người học…

Để thực hiện được điểm mới trong hoạt động đánh giá theo hướng tiếp cận hình thành và phát triển năng lực học sinh, cần có sự đồng bộ trong triển khai chương trình, hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá. Trong đó năng lực giáo viên đóng vai trò rất quan trọng.  

Tuy nhiên điều đáng để bàn ở đây là hiện thực hoá những nội dung đổi mới trong kiểm tra đánh giá học sinh cần sự thay đổi thói quen cũng như trang bị thêm cho giáo viên các kĩ năng đánh giá cần thiết, đặc biệt là việc kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, hoạt động đánh giá qua sản phẩm hoạt động của học sinh, thiết kế bài kiểm tra có bối cảnh/ tình huống… Một bộ phận giáo viên chưa có thói quen thực hiện những nhận xét và phản hồi về tiến bộ của học sinh một cách thường xuyên mà chỉ tập chung vào chấm điểm. Về ứng dụng CNTT, hiện có nhiều ứng dụng về kiểm tra đánh giá trên các thiết bị thông minh rất tiện lợi và hữu dụng (Menti, Kahoot, Quizz, Plicker…) nhưng đòi hỏi điều kiện về thiết bị của người học cũng như năng lực của giáo viên.

- Ông có góp ý gì để đánh giá học sinh phù hợp thực tế và thực chất?

-Tôi cho rằng, những điểm mới trong thông tư sửa đổi phù hợp với chương trình hiện hành. Tuy nhiên, để có thể thực hiện một các triệt để triết lí đánh giá hình thành và phát triển năng lực phẩm chất của học sinh, cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ví dụ, cần có trọng số cụ thể cho hoạt động đánh giá thông quan sản phẩm cùng với hướng dẫn cụ thể để có thể thiết kế công cụ và cách thức triển khai hoạt động đánh giá; có quy định cụ thể về thời lượng dành cho việc phản hồi sự tiến bộ của người học, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả các tiết trả bài kiểm tra...

Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể để đánh giá các năng lực cần đạt được công bố trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình các môn học: Thang đánh giá năng lực chung và chuyên biệt, các công cụ đánh giá… Có quy định về việc người học được tham gia vào hoạt động đánh giá. Bên cạnh những yêu cầu cụ thể với giáo viên, nhà quản lý, văn bản quy định về đánh giá và xếp loại học sinh cũng cần có những hướng dẫn về nền tảng công nghệ có thể hỗ trợ giáo viên thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái thăm và chúc mừng ngành GD-ĐT nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Yên Bái vượt khó

GD&TĐ - Còn nhiều trở ngại do điều kiện kinh tế, thiên tai nhưng ngành GD-ĐT Yên Bái vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.