Tại buổi giao lưu, thầy Đỗ Thái Đăng đã kể rất nhiều câu chuyện về lòng biết ơn, khơi dậy kỹ năng sống, sự tự tin, niềm đam mê học tập, yêu lao động cho các em học sinh.
Bằng giọng kể truyền cảm, thầy Thái Đăng đã đưa các em học sinh vào những câu chuyện đầy ý nghĩa và xúc động, giúp các em hiểu rõ hơn về ý nghĩa và chủ đề của buổi giao lưu kĩ năng sống.
Thầy Đỗ Thái Đăng đã kể rất nhiều câu chuyện về Lòng biết ơn: câu chuyện về người con bỏ nhà ra đi để rồi lại trở về bên vòng tay mẹ, câu chuyện cây táo sai trĩu quả cuối cùng chỉ còn trơ lại cái gốc. Tất cả đều ẩn chứa những bài học làm người sâu sắc.
Qua những câu chuyện đầy cảm xúc của thầy, các em học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên thật sự xúc động. Đã có những giọt nước mắt rơi, nhưng thầy Đăng đã nói rằng: "Giọt nước mắt thể hiện cho sự trưởng thành".
Những giây phút tĩnh lặng và đầy xúc động dần trôi, các em được mời bày tỏ và chia sẻ cảm xúc của mình trong những giây phút ngắn ngủi và đầy ý nghĩa vừa qua.
Tiếp tục với những hoạt động của buổi nói chuyện, các em học sinh có cơ hội được chia sẻ câu chuyện của mình, những băn khoăn, lo lắng của bạn thân, vì sao các em lại thiếu tự tin về giá trị của bản thân, vì sao lại ham mê game và điện thoại dẫn đến lười học....
Nhiều em cũng chia sẻ mình có thói quen hay bỏ cuộc trước khó khăn, thiếu động lực, tư duy tiêu cực, thiếu định hướng, nóng nảy, chưa làm chủ được cảm xúc nên đôi khi làm bố mẹ phiền lòng.
Tại buổi giao lưu, các em học sinh không hề ngần ngại bày tỏ tình cảm, đặt ra những câu hỏi mà mình còn thắc mắc. Các em cũng mạnh dạn chia sẻ về điều khiến mình tự hào nhất về cha mẹ của mình, những điều mà bản thân em thấy họ là người tuyệt vời nhất.
Buổi nói chuyện còn có sự tham gia của các phụ huynh lớp 8A1. Là cha mẹ, ai cũng mong con mình tài giỏi, ai cũng mong con mình trưởng thành và có một cuộc sống hạnh phúc, nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách giáo dục con sao cho phù hợp.
Việc các bậc phụ huynh thấu hiểu chính mình, thấu hiểu con cái, đặt mình vào vị trí của con, làm bạn cùng con và tìm ra một phương pháp giáo dục con phù hợp nhất là những băn khoăn của phần lớn cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con.
Nói chuyện với các phụ huynh, TS Đỗ Thái Đăng đã chia sẻ về một số kiến thức, kĩ năng giúp cha mẹ có thể đồng hành trong chặng đường phát triển của con.
Nguyên nhân khiến các em có hành vi này là do đặc điểm phát triển sinh lý lứa tuổi và do hoàn cảnh gia đình tác động. Những đứa trẻ cá biệt ở lớp là những đứa trẻ cô đơn nhất, do bố mẹ ly hôn, bố mẹ thường xuyên cãi nhau, bố mẹ không quan tâm dẫn đến hành động quậy phá thường thấy ở các em.
Ở lứa tuổi này các em chưa phát triển hoàn thiện, mọi thứ đang mong muốn được làm theo ước muốn và sở thích của mình mà thường chưa biết đúng sai, chưa quan tâm đến hành vi vủa mình ảnh hưởng đến bản thân và người khác như thế nào?
Theo TS Đỗ Thái Đăng, học sinh chính là “Quả” và nhân chính là “Thầy cô” và “Cha mẹ” chính vì vậy thực tế song song với việc giáo dục học sinh thì thầy cô và cha mẹ cũng cần cập nhật các phương pháp mới để đón đầu tương lai với một môi trường năng động hơn, cởi mở hơn, thách thức hơn nhưng cũng có cơ hội nhiều hơn.
Xu hướng ngành giáo dục đang hướng đến đó chính là học sinh hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc và ngôi trường hạnh phúc. Thầy cô là người cha người mẹ thứ 2, lớp học là ngôi nhà thứ hai của các con và trường học chính là gia đình lớn của các con. Đối với thầy cô thì nhà trường chính là ngôi nhà thứ 2, tập thể nhà trường chính là những người anh chị em trong một gia đình yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ và cùng nhau phấn đấu.
TS cũng nhấn mạnh, có ba trụ cột quan trọng dẫn đến thành công của con là: tự con, nhà trường và gia đình. Do đó quan điểm “Trăm sự nhờ thầy, nhờ cô” là điều không phù hợp. Bố mẹ nào dành nhiều thời gian cho con thì đó sẽ là đứa trẻ hạnh phúc, có định hướng đúng cho tương lai và sẽ trở thành người có ích, thành đạt. Trong sự thành công của con không thể thiếu những lời nói tích cực từ phía cha mẹ. Những lời khen và những lời động viên của cha mẹ là những “cú hích” giúp con cảm thấy tự tin vào khả năng của mình, từ đó con tự tin thể hiện mình và thành công là điều không xa vời.
Qua buổi chia sẻ của TS Đỗ Thái Đăng, nhiều bố mẹ có mặt tại hội trường đã xúc động chia sẻ họ nhận ra mình chưa thực sự dành nhiều thời gian cho con, chưa thực sự quan tâm tới tâm lí của con, chưa dùng những ngôn ngữ tích cực để khích lệ, động viên con, chưa biết cách đặt câu hỏi để đặt mình vào vị trí của con, thấu hiểu con, để giúp con nhận thức, tự chịu trách nhiệm và tự đưa ra giải pháp.
Cuối buổi ngoại khoá, cô giáo Hoài Thu - giáo viên chủ nhiệm lớp 8A1 gửi lời cảm ơn đến thầy Đỗ Thái Đăng và những lời chia sẻ của thầy Đỗ Thái Đăng thực sự làm lay động trái tim các em học sinh và phụ huynh ngồi bên dưới.
Cuối buổi ngoại khóa, nhiều học sinh đã lên chụp ảnh lưu niệm và nói lời cảm ơn đến thầy Đỗ Thái Đăng. Các em đều bày tỏ mong muốn thầy Đăng sẽ trở lại trường với những câu chuyện và bài học bổ ích của thầy.
Chương trình giao lưu kĩ năng sống đã và đang là một hoạt động ngoại khóa thường niên của học sinh lớp 8A1 trường THCS Ngô Sĩ Liên.