Triển lãm được khai mạc vào sáng nay (31/8) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).
Danh họa cổ vũ “xoá mù”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục. Ngày 15/9/1945, trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác động viên học sinh cả nước ra sức học tập, để “non sông và dân tộc Việt Nam được vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Các tác phẩm nghệ thuật trong triển lãm “Truyền thống hiếu học” đã khắc họa chân thực, sinh động giai đoạn lịch sử này như: Lớp trung học đầu tiên (Diệp Minh Châu), Lớp học bình dân làng Bền (Trần Văn Cẩn), Bủ Đường biết đọc (Tô Ngọc Vân), Đi học bình dân (Lê Công Thành)…
Chiến tranh tàn khốc không ngăn cản được sự nghiệp giáo dục phát triển. Mặc dù trường học phải sơ tán, thậm chí học dưới hầm, nhưng việc học luôn được quan tâm và triển khai rộng khắp.
Các tác phẩm: Lớp học miền núi (Hoàng Đạo Khánh), Lớp 5 dưới lòng đất (Ngô Tôn Đệ), Lớp học bổ túc ở Tây Nguyên (Nguyễn Thế Vinh), Giờ học văn hóa nữ du kích Củ Chi (Đào Hữu Phước), Giúp đỡ bạn (cõng bạn đi học) (Đào Văn Can), Đi học đêm (Nguyễn Thế Minh)… đã thể hiện rất rõ tinh thần học tập hăng say giữa bủa vây mưa bom bão đạn.
Khi đất nước hòa bình, thống nhất, học tập được mở rộng, không chỉ là việc học chữ trên ghế nhà trường, mà còn là sự trao đổi kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp, trao truyền tri thức, kỹ năng của thế hệ trước và sau… Tất cả được thể hiện sinh động qua bút pháp của các thế hệ họa sĩ Việt.
Ban tổ chức đã lựa chọn 50 tác phẩm của 44 tác giả được sáng tác từ những năm sau 1945 cho đến gần đây. Các bức hoạ được thể hiện đa dạng trên các chất liệu: Sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, màu nước, gỗ, thạch cao, gang. Trong số đó, nhiều tác phẩm lần đầu tiên được giới thiệu ra mắt với công chúng.
Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, triển lãm “Truyền thống hiếu học” được tổ chức nhằm tôn vinh tinh thần dân tộc. Đồng thời khơi dậy niềm tự hào, động viên thế hệ trẻ tiếp nối cha ông không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Lớp Trung học đầu tiên - Diệp Minh Châu, chất liệu chì vẽ năm 1948. |
Cảm hứng từ tinh thần học tập
Triển lãm 'Truyền thống hiếu học' mở cửa từ ngày 31/8 đến hết ngày 11/9/2022. Trong thời gian triển lãm sẽ diễn ra chương trình tọa đàm, giao lưu với Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Hải Yến (con gái học giả, nhà báo Nguyễn Tường Phượng - chủ bút tạp chí Tri Tân) xoay quanh chủ đề hội hoạ và giáo dục.
Ngoài một số bức tranh khá mới của một số hoạ sĩ hiện đại, đa số tác phẩm trong triển lãm “Truyền thống hiếu học” do các danh hoạ thời kỳ Đông Dương thể hiện. Trong số đó phải kể đến Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Diệp Minh Châu… Các tác phẩm như một thước phim quay chậm, đưa người xem quay trở về thời kỳ lịch sử đáng nhớ của dân tộc.
Phong trào bình dân học vụ với mục tiêu diệt giặc dốt và chống nạn mù chữ... do Bác Hồ phát động là những bước đi đầu tiên. Định hướng của Chính phủ lâm thời Việt Nam cho việc tiếp nối truyền thống học tập, không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, vùng miền – trở thành một phong trào chưa từng có, mở ra một thời kỳ mới trong việc học tập và chiếm lĩnh tri thức.
Triển lãm văn hóa cuối năm 1945 tại nhà Khai Trí Tiến Ðức, giới mỹ thuật tham gia đầy sôi nổi. Bác Hồ căn dặn giới hoạ sĩ: “Các chú vẽ nhiều thiếu nữ khỏa thân và vẽ nhiều hoa cũng đẹp, nhưng đẹp trên cao, sao các chú không vẽ cái đẹp dưới đất, chung quanh ta...”. Câu nói ấy gây một chuyển biến lớn về nhận thức trong giới mỹ thuật.
Triển lãm mỹ thuật 8/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội được coi là Triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất, đã nêu bật chủ đề về con người và cuộc sống mới: Công tác bình dân học vụ, chống giặc đói giặc dốt… với sự tham gia của đông đảo giới hoạ sĩ đương thời – đã bắt đầu gắn bó theo tinh thần “nghệ thuật vị nhân sinh”.
Nhiều họa sĩ yêu nước trong thời kỳ ấy tích cực tham gia Văn hóa cứu quốc. Những bức tranh cổ động ra đời, với chủ đề chống ngoại xâm, đề cao tinh thần dân tộc, vẽ lớp học xoá mù chữ… nhằm khích lệ sự cố gắng của mọi tầng lớp nhân dân.
Diệp Minh Châu là một trong những hoạ sĩ hăng hái nhất trong phong trào yêu nước và sát cánh theo từng bước đi của nhân dân. Cây cọ vẽ của ông lại có dịp ghi lại những cảnh lao động, sản xuất, bố phòng, hành quân như: Phong cảnh Đồng Tháp Mười, Lớp học bình dân trong lán ven rừng, Qua rừng Lá, Du kích qua làng, Chiến sĩ rẽ lau…
Trong những ký họa vẽ trên trận địa còn vương khói súng, đáng chú nhất là bức “Chiến sĩ Lê Hồng Sơn hy sinh lúc xung phong” - được ông vẽ bằng chính máu của người chiến sĩ ấy. Đặc biệt, tác phẩm “Bác Hồ và 3 cháu nhi đồng Bắc - Trung - Nam”, được ông vẽ bằng chính những giọt máu của mình.
Sát cánh cùng phong trào bình dân học vụ và cho đến sau này, giới mỹ thuật luôn lấy cảm hứng sáng tạo từ giáo dục, về những người thầy và những kỳ tích chinh phục con chữ. Giáo dục và đào tạo trở thành một chủ đề lớn trong hoạt động sáng tác và thực hành nghệ thuật không chỉ với các hoạ sĩ - mà còn với mọi lĩnh vực nghệ thuật, như: Điêu khắc, sân khấu, điện ảnh…