Đền thờ Lê Văn Hưu sẽ là nơi giáo dục truyền thống hiếu học

GD&TĐ - Sáng 21/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp UBND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) tổ chức Lễ khánh thành và dâng hương tại đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung), nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của ông.

Lễ cắt băng khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa).
Lễ cắt băng khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa).

Buổi lễ khánh thành được tổ chức long trọng và thành kính trước những công lao, đóng góp to lớn của Bảng nhãn Lê Văn Hưu với nền Sử học nước nhà.

Tới dự buổi lễ có ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; ông Đào Xuân Yên – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND huyện Thiệu Hóa cùng đông đảo người dân địa phương.

Thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Thế Anh – Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa đã phát biểu, gửi lời cảm ơn tới các đại biểu về dự lễ khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu, tại xã Thiệu Trung.

Lãnh đạo Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch và lãnh tỉnh Thanh Hóa dâng hương tại Đền thờ Lê Văn Hưu.

Lãnh đạo Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch và lãnh tỉnh Thanh Hóa dâng hương tại Đền thờ Lê Văn Hưu.

Theo ông Nguyễn Thế Anh, ngày 26/12/2018, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa).

Trên cơ sở đó, ngày 11/3/2019 UBND huyện Thiệu Hoá đã ra Quyết định Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu. Công trình cấp Quốc gia có quy mô gồm 9 hạng mục, với tổng mức đầu tư hơn 29 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách của tỉnh là 10 tỷ đồng.

Công trình đã triển khai thực hiện các hạng mục, gồm: Đền thờ chính, nội thất đồ thờ, tường thờ, cổng tứ trụ, nhà từ đền, nhà bia, cổng sang chùa, am hóa vàng, giếng ngọc, ao đền, bình phong, bãi đỗ xe, khuôn viên…

Ông Nguyễn Thế Anh – Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa báo cáo tại Lễ khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu.

Ông Nguyễn Thế Anh – Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa báo cáo tại Lễ khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu.

Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa nhấn mạnh, công trình được hoàn thành vượt kế hoạch. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành. Cùng với đó là sự đồng hành, phối hợp của chính quyền và nhân dân địa phương.

Ông Nguyễn Thế Anh tin rằng, Đền thờ Lê Văn Hưu sẽ là điểm đến linh thiêng của người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, đền thờ sẽ trở thành nơi giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước, ý chí tinh thần vượt khó của ông, cha ta.

Đồng thời, lan tỏa tinh thần đoàn kết, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên cũng như công lao của nhà sử học Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam.

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu lại buổi lễ kỷ niệm.

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu lại buổi lễ kỷ niệm.

Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch cùng chính quyền địa phương đã cắt băng khánh thành đền thờ, dâng hương tưởng nhớ đến công lao của Bảng nhãn Lê Văn Hưu.

Sau lễ cắt băng khánh thành, UBND huyện Thiệu Hóa đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc nhân Kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu. Chương trình đã tái hiện sinh động những mốc son hào hùng của lịch sử dân tộc cũng như thân thế và sự nghiệp của nhà sử học Lê Văn Hưu.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Đầu Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ niềm tự hào, biết ơn trước những công lao, đóng góp to lớn của của Bảng nhãn Lê Văn Hưu đối với lịch sử, văn hóa, giáo dục của nước Việt Nam ở thế kỳ 13-14.

Buổi lễ kỷ niệm thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham dự.

Buổi lễ kỷ niệm thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham dự.

Ông Tùng nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu có ý nghĩa quan trọng, không chỉ với Thanh Hóa mà còn cả nước. Từ truyền thống học hành khoa cử, đội ngũ trí thức của Thanh Hóa ngày nay đã tăng cả về số lượng, chất lượng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị, tấm gương nhà sử học Lê Văn Hưu cần được tuyên truyền rộng rãi. Thông qua đó khơi dậy niềm tự hào, tỉnh Thanh và cả nước ngày càng có thêm nhiều bậc hiền tài.

Bà Lê Thị Thông (69 tuổi, xã Thiệu Trung) bày tỏ niềm vinh dự, tự hào trước công lao, đón góp to lớn của Bảng nhãn Lê Văn Hưu. Từ tấm gương của ông, bà Thông luôn giáo dục con cháu noi gương theo truyền thống tốt đẹp, hướng về quê hương, cội nguồn.

Gia đình bà Thông là một trong những gia đình có truyền thống hiếu học ở địa phương, cả 4 người con của bà đều tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định.

Nhà sử học Lê Văn Hưu (sinh năm 1230), ở làng Phủ Lý (nay thuộc xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng có tư chất thông minh, học giỏi. Ở khoa thi năm Đinh Mùi (1247), đời vua Trần Thái Tông, ông đỗ Bảng nhãn, sau đó được bổ nhiệm ra làm quan.

Một trong những đóng góp to lớn của ông đó chính là đặt nền móng cho Quốc sử dân tộc, với bộ “Đại Việt sử ký”, gồm 30 quyển, biên soạn từ thời Triệu Vũ Đế (207 trước công nguyên đến đời Lý Chiêu Hoàng (1244).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.