Truyền thông đồng hành, ủng hộ phụ nữ trong bầu cử đại biểu Quốc hội

GD&TĐ - Sáng nay (25/2), Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”.

Tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”
Tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - dự và phát biểu chỉ đạo.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc: Quá trình phát triển của đất nước, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn mục tiêu bình đẳng giới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung và trong hệ thống các cơ quan dân cử nói riêng.

Một ví dụ cụ thể, kết quả bầu cử đại hội Đảng các cấp cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả 4 cấp của nhiệm kỳ 2015 - 2020 đều đạt cao hơn so nhiệm kỳ trước.

Về sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội tham gia khóa I đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII. Tuy vậy tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở từng nhiệm kỳ có tăng nhưng chưa thật bền vững.

“Nhìn chung tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa. Việt Nam cần có những bước đi vững chắc hơn và phải có những giải pháp đột phá, mãnh mẽ hơn nữa để thực hiện mục tiêu đạt 35% trở lên nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của nhiệm kỳ 2016-2021 như Nghị quyết số 11 đặt ra” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.

Thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị nói chung và trong hệ thống các cơ quan dân cử nói riêng. Các đại biểu cũng chỉ ra những thách thức trong việc nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia trong hệ thống các cơ quan dân cử nói riêng.

Phát biểu chỉ đạo, bà Trương Thị Mai khẳng định tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là một trong mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất vì phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số.

Tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan dân cử sẽ đảm bảo cho việc tham gia quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách về bảo vệ quyền con người, về văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và môi trường...

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định cần phải có ít nhất 30% đại diện trong bộ máy nhà nước.

Theo bà Trương Thị Mai, Việt Nam là một quốc gia đã xây dựng được nền tảng để đảm bảo quyền cho phụ nữ tham gia chính trị, tuy nhiên, nhìn vào biểu đồ tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ cho thấy Việt Nam cần có những bước đi vững chắc hơn và phải có những giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ 2016-2021.

"Sự hạn chế của phụ nữ trong tham gia vào các cơ quan dân cử không hẳn do không đủ năng lực mà còn do các yếu tố thuộc về nhận thức giới và các yếu tố khách quan khác.

Trong quá trình khắc phục các hạn chế này, các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, thúc đẩy tích cực sự ủng hộ phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực chính trị.

Mong rằng các cơ quan truyền thông sẽ làm tốt vai trò đồng hành, ủng hộ sự tham gia của phụ nữ trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tới đây bằng những tuyên truyền cụ thể thiết thực.

Đó là các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; các quy định của Luật bầu cử quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong đó có quy định có ít nhất 35% phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân...

Về phía Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, cần định hướng và có những giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, nhất là các ứng cử viên tham gia lần đầu" - bà Trương Thị Mai đề nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.