Truyện ngắn: Tranh vẽ của người thương binh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - BTC vừa thông cáo báo chí họa sĩ N.Q.K. xin rút khỏi danh sách nhận giải thưởng Nhà nước cho họa sĩ có những cống hiến với nghệ thuật nước nhà.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Dư luận, đặc biệt là những người sành nghệ thuật lại xôn xao. Họ biết đến Khánh (mà anh đề ở góc mỗi bức họa là N.Q.K - một cách bí ẩn) bởi họa sĩ này đã giành giải Nhất trong cuộc thi Vẽ chân dung người lính.

Cuộc thi quy tụ hàng chục họa sĩ có tiếng trong nước, chỉ riêng Khánh là vô danh. Bởi Khánh không thích mở phòng vẽ, chỉ đi đây đi đó, gặp gì thì vẽ nấy. Một người bạn đã động viên mãi, mất mấy chầu café Khánh mới chịu gửi tranh đi dự thi. Khánh nổi tiếng từ đó.

“Lý do gì N.Q.K. tự động rút tên khỏi danh sách?”.

Đó câu hỏi chung của phóng viên báo chí, những người yêu nghệ thuật thích ngắm tranh Khánh và chấp nhận bỏ số tiền lớn để có được tranh của anh. Nhất là những người đã từng ra trận.

Khánh không nói lý do. Chỉ phủ nhận những tin đồn bị chèn ép trong giới hội họa. Khánh nghĩ đơn giản là nét vẽ của mình đã không còn phù hợp nữa. Nói đúng hơn là óc sáng tạo của anh đã giảm dần. Cả đời anh chỉ vẽ được chiến tranh và người lính. Mọi đề tài khác đi vào tranh anh đều trở thành vô vị, nhạt nhòa. Giải thưởng nên dành cho những người trẻ. Họ có thể vẽ được nhiều thứ, với những nguồn cảm hứng mới lạ, những đề tài mới mẻ, chính họ cũng đang không ngừng cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.

* * *

Tôi đến triển lãm trễ mất mười lăm phút. Sau kẹt xe và đi dưới cái nắng đổ lửa cuối cùng tôi cũng bước chân vào phòng triển lãm trong trạng thái mồ hôi nhễ nhại. Xuất trình thẻ nhà báo với cậu bảo vệ, một thanh niên mặt non choẹt nhưng cố tỏ ra là “ngầu” cho đúng với tính chất của nghề, cậu bảo tôi vào triển lãm nhanh, muộn mất.

Một lúc sau, tôi lọt thỏm giữa không gian rộng đậm tính nghệ thuật, với những bức họa được treo có thứ tự trên bức tường nhũ vàng, xếp ngăn nắp trên giá đỡ chất thành hình trôn ốc để khách tham quan, những người yêu nghệ thuật có thể thưởng thức trọn vẹn và không diễn ra cảnh xô bồ chen chúc.

Sau khi đi qua một lượt, chụp được một vài bức họa không đề chữ Cấm chụp ảnh (vì chụp ảnh có thể làm hỏng màu sắc hoặc cấu trúc tranh), tôi dừng lại trước một bức tranh đề tên Chiến tranh không phải trò đùa.

Nấn ná. Lia mắt chầm chậm từng đường nét, từng mảng màu bị xô lệch chắc không phải do nhà họa sĩ vô tình làm lệch nét cọ. Tôi cảm giác tim mình co thắt, tưởng như có ai đó bóp lại rồi buông ra.

Tôi đăm đăm nhìn mặc cho cảm xúc ấy cứ len lỏi vào từng nơ-ron thần kinh. Một kẻ đã từng đối đầu trực diện với lửa đạn có sợ gì trước một bức họa ám ảnh.

Chiến tranh không phải trò đùa! Thật! Khói lửa chiến tranh đã làm phép thử cho tôi, để rồi tôi chiến thắng. Tôi kiêu hãnh trong giờ phút nhận huân chương. Tôi hào hứng kể cho đám con cháu nghe hồi đó ông cầm súng như thế nào, vết thương này - tôi chỉ trỏ - ông có từ trận đánh nào, hạ được bao nhiêu tên địch. “Oanh liệt lắm!” - Tôi vỗ đùi, hứng chí và rồi tự dưng nước mắt tôi lại rơi.

*

- Chúng ta chiến thắng, đất nước trọn niềm vui, nhưng bản thân của chúng ta có được niềm vui trọn vẹn hay không?

Khánh đã hỏi Tuấn như vậy sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Tuấn nhìn Khánh sững sờ. Vết sẹo chia khuôn mặt Khánh thành hai miền, một bên sạm đen do dính bom napan, bên còn lại tuy lành lặn nhưng da đã đổi màu, ửng đỏ. Một bên mắt của Khánh bị bỏng nặng, may được cứu chữa kịp thời và chuyển lên tuyến trên nên anh vẫn còn nhìn thấy đường, song vẫn mờ hơn mắt còn lại. Nước mắt Khánh chảy ra theo rãnh sẹo.

Khánh đã mất ngủ suốt một thời gian dài. Đêm nào anh cũng mơ, rồi trở thành kẻ mộng du đi lang thang ngoài đường. Đám choai choai đi chơi về muộn thấy bóng người gầy gò, cao cao, mặc bộ đồ lính, đi vô hồn, thì hét toáng rồi chạy thụt mạng.

Từ đó, Khánh không đi lang thang nữa. Anh cố kiểm soát bản thân, dù điều đó không hề dễ dàng chút nào. Kiểm soát ý thức đã khó, kiểm soát vô thức lại càng khó hơn.

Khánh đóng cửa nhốt mình trong căn nhà nhỏ chật chội, tối om chỉ có độc một chiếc đèn con loe hoe. Trong mơ, Khánh thấy mình chạy tránh bom napan, tay Khánh làm động tác bắn súng, miệng Khánh hét toáng, cổ họng khản đặc. Khánh tung khỏi chăn nhảy xuống gầm giường nằm co ro. Rồi Khánh thấy vợ anh bồng con chạy sòng sọc giữa cánh đồng. Rồi vợ anh ngã xuống đám mạ non mới cấy sau một làn đạn…

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Tất cả những hình ảnh đó bám riết lấy Khánh. Gần mười năm ròng.

- Cậu nên đến bác sĩ tâm lý. Ám ảnh và mất ngủ kiểu này sức nào chịu nổi? - Tuấn khuyên.

- Vô ích thôi. Chiến tranh nó đã ăn vào máu tôi rồi. Làm gì mà đào thải ra được hết.

- Hay đi đâu đó cho khuây?

- Cả đất nước này có chỗ nào sạch dấu vết chiến tranh?

Tuấn ngớ người. Hình như sau bao nhiêu năm trôi qua mà bóng dáng của chiến tranh vẫn còn lởn vởn. Những năm tháng đau thương và khói lửa ấy có thể lùi xa vào quá khứ, nhưng vết tích của nó thì không thể xóa mờ. Những nghĩa trang liệt sỹ. Những người mẹ chẳng bao giờ muốn nhận danh hiệu “mẹ Việt Nam anh hùng”, bởi danh hiệu đó được đánh đổi bằng xương máu của chồng, của con, của nỗi đau dằng dặc không thể nào nguôi ngoai...

Tuấn tự hỏi: Còn bao nhiêu người bước ra từ cuộc chiến với tâm hồn vỡ vụn, mang ám ảnh sâu đậm như Khánh? Chính Tuấn cũng như thế. May mắn hơn Khánh là Tuấn còn một gia đình. Còn Khánh đơn độc một mình sống giữa lòng đô thị ở miền Nam.

Khánh quyết định rời đô thị, sống rày đây mai đó. Anh vẫn thích mặc bộ đồ lính năm xưa, vai đeo ba lô, đầu đội mũ cối. Anh trở thành kẻ lạc lõng trên chính những miền đất anh đi qua.

Chừng ấy năm, Tuấn không gặp lại Khánh một lần nào nữa.

*

Bức họa Chiến tranh không phải trò đùa không ghi rõ tên người vẽ, chỉ lác nhác ba ký hiệu chữ cái: N.Q.K. Nhưng hình ảnh trên bức tranh đã đủ để tôi bồi hồi trong tim và nước mắt chảy ra tự lúc nào không rõ.

Tranh được vẽ theo trường phái abcd gì tôi không rõ, nhưng những hình ảnh được xếp chồng lên nhau, mỗi nét vẽ gợi ra một khung cảnh, một con người, một thân phận,… mà tôi đã từng bắt gặp đâu đó, hoặc nghe loáng thoáng từ ai đó suốt những tháng năm cầm súng chiến đấu.

Một khuôn mặt được phân tách thành hai nửa. Một nửa đầy sẹo, với đôi mắt ánh lên những tia đau thương pha lẫn căm thù. Trong mắt có lửa. Và lửa cháy rực phía dưới bức tranh đốt trụi những ngôi nhà, những trái tim hồng, những cái nắm tay, những mái tóc chảy dài xuân xanh, một khuôn mặt đàn bà méo mó, một người mẹ bồng con chạy sâu vào trong tranh để lại trên khung ảnh là bờ lưng xám xịt… Phía còn lại của khuôn mặt là bóng dáng người lính mặc áo màu xanh, vai đeo ba lô, độc hành.

Tranh minh họa: ITN.

Tranh minh họa: ITN.

Đó là những gì tôi quan sát được. Tỉ mỉ. Như cách mà nhà họa sĩ rê nét cọ, phối cảnh, đắp màu.

Đó không phải là tranh. Mà là sự nối tiếp giữa chiến tranh và hòa bình. Là những cuộc đời. Là những cô đơn, đau xót.

Tôi không chụp bức họa dù không ai đề lên đó chữ Cấm chụp ảnh. Bằng tấm thẻ nhà báo làm việc ở tòa soạn Quân đội Nhân dân, tạm gọi là quyền lực, tôi đến trực tiếp phòng quản lý tranh ảnh trong triển lãm để dò hỏi về nhà họa sĩ N.Q.K.

Cô trưởng phòng quản lý trạc ngoài ba mươi, tóc búi gọn sau gáy mời tôi ly trà Thái Nguyên vừa pha. Tôi nhấp ngụm nước trà cho phải phép nhưng chẳng nhận ra vị ngon của trà. Nó đắng quá! Dĩ nhiên là tôi nghĩ vậy chứ không nói ra. Lòng bồn chồn.

- Họa sĩ đó không muốn người khác biết đến mình, không muốn nhận giải thưởng, không nhận trả lời phỏng vấn từ bất kỳ phóng viên, tòa soạn nào.

Tôi không quá ngạc nhiên, bởi cách anh đề tên ở góc tranh bằng ký hiệu chữ nghĩa cũng đủ biết.

- Tôi biết. Cô làm việc đúng với lương tâm của mình. Tôi cũng đoán hờ N.Q.K. là ai. Một người bạn, đồng đội tôi trong chiến tranh. Một người lính đã mất tất cả sau khi bước ra từ cuộc chiến.

- Đúng như vậy - Cô gái khẳng định - Họa sĩ không nói, nhưng tôi đủ biết, nhất là qua những bức họa.

- Chiến tranh, đau thương đã ăn sâu vào tiềm thức của Khánh rồi!

Tôi nói vậy. Căn phòng bỗng dưng ngột ngạt hẳn.

Biết việc cung cấp thông tin về họa sĩ là điều khó khăn đối với cô gái làm nhiệm vụ quản lý tranh ảnh, nghệ thuật, tôi đứng dậy chào bằng động tác chào quen thuộc trong quân đội rồi bước ra ngoài.

- Này ông, đợi tôi!

Cô gái vội vã chạy theo sau khi tôi vừa bước ra khỏi cửa phòng quản lý. Cô dúi vào tay tôi tờ giấy ghi bằng nét chữ nguệch ngoạc, chắc cô sợ tôi sẽ đi mất.

- Đây là địa chỉ của ông Khánh. Nhà báo hãy đến đây tìm. Tôi biết điều này là thất hứa với ông Khánh, nhưng tôi tin họa sĩ sẽ tha thứ cho tôi…

*

Phố dài xao xác.

Tuấn bước dưới con đường có lá me bay, rẽ vào một con hẻm, cuối hẻm là dãy nhà cấp bốn (hay cấp năm, cấp sáu… Tuấn không rõ, nhưng nó tồi tàn lắm). Nhà số 30/4, đường X. Căn nhà đóng cửa. Để ý thấy không có khóa ngoài, Tuấn biết có người ở trong nhà, anh đưa tay gõ cửa.

- Ai đó - Vọng ra một tiếng hỏi từ trong nhà.

- Một người đồng đội cũ. Một người đã từng kề vai sát cánh với anh trong chiến đấu. Một kẻ đã lạc mất bạn mình mấy mươi năm, giờ mới tìm được. Chiến tranh không phải trò đùa, phải không Khánh?

Cánh cửa mở ra, cót két. Tay Khánh run run. Mặt Khánh đỏ ửng. Mỗi lần xúc động mặt của anh lại đỏ. Khoảnh khắc đó, cả nhà báo lẫn nhà họa sĩ đều thấy mắt mình ươn ướt.

Khánh lùa mớ họa cụ còn lấm lem màu sang một bên, lấy giẻ lau sơ qua rồi mời nhà báo ngồi. Anh cũng ngồi. Trà không quá thơm nhưng đủ làm cổ họng Tuấn mềm mại, dễ chịu. Họ hỏi nhau về công việc, cuộc sống.

Khánh nói đùa: “Chắc là trời định. Tôi trốn ở đâu cũng không thoát được anh”. Tuấn cười. Thật ra thì Khánh không trốn Tuấn, anh chỉ chạy trốn những ám ảnh của chiến tranh. Mà ám ảnh nó đâu bám lấy xác thịt, nó chỉ bám lấy đời sống vô thức của mỗi người. Có trốn đằng trời cũng không được.

Thế mới nói: Chiến tranh không phải trò đùa!

*

- Đi du lịch không, Khánh? - Tôi hỏi, câu hỏi mang tính đề nghị.

- Đi đâu bây giờ?

- Nha Trang, Đà Lạt, hoặc ra Hà Nội, hoặc lên Tây Bắc… đi đâu cũng được, miễn thấy lòng khuây khỏa.

Khánh ngạc nhiên.

- Ở đâu mà không có vết tích chiến tranh hả ông bạn?

Tôi cười vang. Tiếng cười giòn rụm. Hệt như những lúc chiến đấu mỏi mệt lại ngả dài ra thảm cỏ, bờ sông, chân đồi, rồi cười cho hả hê, cho sảng khoái. Mặc đạn bom.

- Không có nơi nào là không có vết tích của chiến tranh. Vậy thôi mình trốn làm gì? Chi bằng đối mặt với nó. Đã không là một ký ức đẹp thì sẽ là một ký ức đau thương. Đẹp hay đau thương thì cũng là một phần ký ức. Giờ đất nước mình đã thanh bình. Mọi thứ đã qua rồi. Đừng sống với quá khứ nữa, ông bạn.

Khánh ngồi lặng. Tay Khánh vân vê bức họa vẽ hình người lính mặc áo xanh, trên bầu trời xanh là đàn bồ câu trắng.

Trong trí óc của Tuấn cũng rập rờn những cánh chim bồ câu trắng.

Họ nghĩ về những chuyến đi xa…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ