Truyện ngắn: Sân ga còn lại một người

GD&TĐ - Nửa khuya, đoàn tàu dừng lại. Cô nhân viên trong nhà ga thông báo đây là ga cuối cùng của hành trình. Tôi đeo ba lô trên lưng thẫn thờ bước xuống.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Tàu hôm nay vắng. Khách đã xuống lác đác ở các ga khác trên hành trình để đến khi về ga cuối thì trên tàu thưa thớt người. Trong toa số 6 chỉ còn lại tôi, một gia đình vợ chồng con cái gồm bốn người, một đôi vợ chồng không già cũng chẳng trẻ. Sân ga im ắng như tờ.

Tôi bước xuống khỏi toa. Hai thanh ray đẫm sương lạnh lẽo…

*

Sân ga không đông đúc như mọi khi dù vừa tới kỳ nghỉ lễ. Có lẽ những người sung túc đã chọn cho mình phương tiện khác nhanh chóng, êm ái hơn so với một hành trình dài quá một ngày trời từ Nam chí Bắc. Trên tàu chỉ còn lại một số ít ỏi những người lao động cuộc sống bộn bề toan lo, hoặc những gã thích lang thang đó đây để trải nghiệm, hoặc những người đơn độc phiêu bồng để quên lãng một niềm đau nào trong quá khứ. Tôi - có lẽ là sự tổng hoà của những kiểu người nói trên.

Một quyết định vội vã bỗng nảy ra trong đầu tôi lúc nửa đêm: Rời đi. Từ khi nộp lá đơn xin thôi việc tại cơ quan, trả lại căn nhà rộng rãi thoáng đãng đủ chỗ cho bốn, năm người để thuê căn phòng trọ chật chội trong con hẻm sâu hun hút; và từ khi em nói rằng em đã hết yêu tôi… là tôi biết mình trở thành kẻ tay trắng. Thành phố đã từng cưu mang tôi bây giờ trở nên ngột ngạt đến khó thở. Tôi như con chim vô phương vô định, chẳng biết sẽ bay về đâu, về quê lại càng không thể vì ở đó tôi chẳng còn lấy một người thân yêu để nhận mặt là họ hàng ruột rà máu mủ.

Thế là tôi xách ba lô lên và đi. Hồi còn sống, mẹ tôi thường hay nói: “Bất kể lúc nào con thấy mệt mỏi quá thì cứ đi. Đất nước mình rộng lớn và xinh đẹp. Thiên nhiên sẽ xoa dịu và chữa lành vết thương lòng của con”. Lời mẹ văng vẳng bên tai tôi. Hình ảnh mẹ hiện về chập chờn trong tiềm thức.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Ánh đèn sân ga nhạt nhoà. Tàu về - tàu đi. Ánh đèn pha cùng tiếng động cơ vang thét xé màn đêm lao về những miền đất xa xôi của Tổ quốc. Tôi ngồi nhìn đoàn tàu đi qua, chợt thấy mình giống cô bé Liên trong câu chuyện “Hai đứa trẻ” mà thời phổ thông tôi được học. Tôi thích tác phẩm đó vô cùng. Cũng từ câu chuyện dung dị mà xúc động ấy, tôi bắt đầu thích ngắm nhìn những đoàn tàu mỗi lần dừng xe cho tàu đi qua trong chiều thành phố rộn rã.

Bây giờ, trời cũng đang là đêm, thoảng có chuyến tàu về sân ga và cảnh người tiễn đưa nhau bịn rịn. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi nhìn ra xa xa, bỗng thấy hình bóng mẹ đứng ở đoàn tàu phía bên kia đang đỗ lại. Tôi chạy ra. Bác bảo vệ cộc cằn nhìn tôi: “Đi đâu đấy, tàu sắp về, đừng ra sân ga. Nguy hiểm!”. Tôi đứng khựng lại. Bóng mẹ cũng biến tan. Tim tôi đau, chẳng khác gì ngày mẹ đi vĩnh viễn.

Trong sân ga lúc này chỉ còn tôi chẳng biết đi về đâu, chỉ đơn giản thấy mệt quá thì xuống ga. Đối diện tôi - ở dãy ghế bên kia - là hai vị khách, tôi đoán là hai vợ chồng vì thấy họ ngồi san sát và khoác tay vào nhau. Tôi nhìn họ và họ đã bắt gặp cái nhìn của tôi, người phụ nữ khẽ gật đầu, cười mỉm thay lời chào. Tôi mở lời:

- Chị đợi tàu hay đợi người thân ra đón?

Chị niềm nở:

- Đợi xe để vào trong thành phố. Bọn chị đi du lịch. Cậu em cũng vậy à?

Tôi gật đầu, dù thực tế đây không phải là chuyến đi du lịch bằng một tâm hồn khoáng đạt.

Tôi nhìn người phụ nữ, nhìn cái cách mà chị chăm sóc cho người chồng của mình khiến tôi ngưỡng mộ. Chị không đẹp, nói đúng hơn là rất xấu xí về ngoại hình. Có lẽ ông trời không ban cho chị chút nhan sắc nào mà thay vào đó là khuôn mặt trơ xương với đôi gò má đầy tàn hương, đôi mắt chị rủ xuống một nét buồn khắc khổ. Chị gầy sọp, da ngâm đen - nước da của người lao động trong phân xưởng với cái nóng hầm hập nhuộm thành màu.

Chị nhìn người chồng bằng đôi mắt trìu mến, hỏi xem chồng có mệt hay không rồi ngả đầu vào bờ vai chồng. Anh cũng đáp lại bằng cách hôn nhẹ lên mái đầu của vợ. Tôi ngoảnh mặt đi, sợ chị ngại. Nhưng có vẻ chị là kiểu người thẳng thắn chứ không màu mè, chị nhìn tôi và hỏi:

- Còn cậu em sao chưa đi mà còn ngồi ở ga? Người quen chưa đến đón à?

Tôi lắc đầu:

- Không ạ! Em chưa biết đi đâu nữa.

- Trời, cái cậu này - Chị nhíu mày - Đi du lịch mà sao mơ hồ dữ vậy?

- Thú thật, em không phải một du khách, chị ạ! Em đi chỉ để tìm một nơi nào đó yên ổn cho chính mình.

Chị nhìn tôi thật lâu. Với tuổi đời và sự trải nghiệm của chị, có lẽ chị đã hiểu thấu tận những gì tôi đang trải qua. Có lẽ trong một đoạn nào đó của cuộc đời chị cũng từng trải qua nhiều biến cố như tôi trong thời điểm hiện tại. Tôi đoán vậy, bởi nhìn chị, tôi thấy cái vẻ khắc khổ toát ra. Như không thể kìm được lòng mình, như muốn vực dậy tinh thần của một người xa lạ bằng tất cả vốn sống của chị, chị nói với tôi:

- Chị hiểu rồi! Em ạ, cuộc sống luôn đặt ra cho mình những thách thức, đôi lúc khiến mình muốn dừng lại, buông bỏ. Nhưng em hãy tin chị đi, bằng cách sống tử tế và nỗ lực, chúng mình đều vượt qua được tất cả, bản lĩnh đi tiếp hành trình của mình.

Tôi gật đầu thay lời cảm ơn, vì thật tâm tôi rất biết ơn chị.

Một tiếng còi tàu vừa vang lên, nhà ga thông báo sắp sửa có đoàn tàu vào ga để đón - tiễn khách. Chồng chị ngóng nhìn qua khung cửa. Chị hỏi khẽ:

- Anh muốn ngắm tàu à? - Rồi chị liếc mắt về phía tôi, cười lành.

- Nhà chị thích ngắm tàu lắm. Thế đấy, lớn rồi mà cứ như con nít.

Rồi chị đứng dậy trước, dìu anh ra chỗ cửa số 02 nhìn đoàn tàu đang đỗ trên đường sắt số 02 ngoài sân ga. Lúc bấy giờ tôi sững sờ chết lặng khi trông thấy chồng chị bị liệt hết một bên chân, bên còn lại không đủ sức chống đỡ cơ thể, đành phải nhờ sự trợ giúp của chị. Chị đang dìu anh ra khung cửa nhìn về phía sân ga loà nhoà trong bóng đêm. Anh đi khập khững. Chị nhẹ nhàng dắt dìu, chị chỉ trỏ, nói cười. Niềm hạnh phúc ngập tràn trong màu mắt của chị.

Tự dưng tôi xúc động vô cùng. Khi chị quay lại, tôi hỏi:

- Chị ơi, chân anh nhà bị sao vậy?

Anh đáp thay chị:

- Anh bị tai nạn giao thông, một bên chân bị mất cảm giác, cử động không được nữa. Cũng may có chị vẫn luôn tận tuỵ chăm sóc, yêu thương anh vô điều kiện.

Nói xong, anh nhìn chị bằng đôi mắt đầy tình yêu thương và sự tri ân sâu sắc. Anh với tay vén mấy sợi tóc loà xoà trước trán chị sang vành tai. Tôi tự nghĩ, chị - một người phụ nữ xấu xí nhưng không thể không kiếm nổi một tấm chồng khác cho mình, một người chồng có đôi chân vững chắc hơn để bảo vệ chị chứ không phải để chị bảo vệ ngược lại như anh. Anh tiếp lời:

- Hồi còn đi được, anh cũng đi cùng khắp, bỏ chị ở nhà một mình. Vợ chồng anh hiếm muộn, em ạ! Giá mà anh với chị có với nhau đứa con chắc anh cũng đỡ xót xa hơn. Giờ thì anh đi xa hết được rồi, chỉ còn quanh quẩn bên chị mà thôi!

Chị ngồi nghe ngóng hai anh em trò chuyện, chen vào:

- Thì giờ anh là “tài sản” riêng của chị rồi! Anh với chị sẽ không xa nhau nữa, phải không anh?

Chị tựa vào vai anh, dù có ra sao đi nữa thì anh vẫn là điểm tựa vững chắc nhất trong cuộc đời của chị…

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Nghe câu chuyện của hai người trong nhà ga, tôi chợt nhớ đến em. Ngày đó, tôi cưới em về, cũng trầu cau đàng hoàng và những ước thề sẽ cho em một mái nhà hạnh phúc. Và rồi mọi chuyện đổi thay. Tôi mải mê chạy theo công việc, đến khi trở về nhà thì trời đã tối mịt, cơm canh đã nguội lạnh cả rồi, còn em thì ngủ gật trên sofa đợi tôi mà quên cả ăn uống.

Thế rồi tôi nổi cáu với em, vẫn là những lời cáu kỉnh như mọi ngày: “Anh đi làm chứ có đi chơi đâu?”, “Đừng gọi nữa, anh bận họp, chiều anh về!”… Hay mỗi khi tôi đi công tác, em cứ gọi hoài, dặn tôi ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ. Tôi bực mình vì cảm giác mình đang bị em quản lý. Tôi gắt: “Trời ơi, anh đâu phải con nít. Em có thôi cái trò quản lý anh như trẻ con đó hay chưa?”. Em im lặng. Tôi lạnh lùng cúp máy.

Và cứ thế, những chuyến đi cứ kéo tôi ngày một xa em hơn.

Và cứ thế, em cũng không còn gọi điện quan tâm tôi như ngày trước nữa. Một buổi chiều tôi giật mình vì nhận ra em lạnh lùng như nước đá, tôi hỏi em:

- My, dạo này em sao vậy, cứ xa cách anh dần.

Em cười:

- Có gì đâu, anh! Em vẫn là vợ của anh thôi!

Tôi khó chịu trong lòng vì câu trả lời không rõ nghĩa của em.

Một chiều khác, tôi trở về và bất ngờ nhìn thấy tờ đơn ly hôn được đặt trên bàn làm việc. Em đã ký rồi, chỉ đợi tôi đặt bút vào. Đồ đạc em đã thu xếp, còn em đã rời đi, không lâu sau đó, em cho người đến đem đồ đạc về nhà mẹ ở tận ngoại ô xa xôi. Tôi gọi cho em. Em bắt máy:

- My, em đi đâu vậy? Về với anh đi em!

Em lặng im chốc lát rồi nói với tôi, giọng em vẫn dịu dàng và trầm ấm như xưa, chỉ có điều lòng em đã thay đổi:

- Anh à! Em yêu anh, là thật! Anh yêu em, cũng là thật! Tình cảm của em bao tháng năm vẫn không thay đổi. Nhưng em thấy rằng chúng mình đã khác xưa quá nhiều. Sự khác biệt nào cũng có cái lợi và cái hại của nó. Làm cho mình khác xưa không khó, nhưng để mình trở lại như xưa, thì thật sự rất khó, Huy à!

Em cúp máy. Tôi đã hiểu lời em…

Tôi lại thấy hận chính mình, giận những lần đi xa bỏ em cô quạnh trong căn nhà có mảnh vườn rộng phía sau, bỏ em trong căn phòng lẽ ra có tôi nằm ôm em mỗi khi đêm buông ngoài cửa sổ. Tôi giận mình vì đã tham công tiếc việc mà quát tháo em, trong khi em vẫn một lòng sắt son. Tìm đâu được một người như My: Yêu thương, vun vén, thứ tha, hy sinh chịu đựng vì tôi.

Lòng tôi bỗng lạnh như sân ga đêm khuya lắc. Đoàn tàu cũng đã lặng lẽ rời sân, bỏ lại sau lưng sự tịch mịch vô cùng. Như em đã rời khỏi tôi để tôi phải chênh vênh giữa cuộc đời lắm giông nhiều gió này.

*

- Về với cô ấy đi em! Hãy tìm lại cô ấy đi em! Người phụ nữ nào cũng cần cho mình một điểm tựa, huống hồ My vẫn yêu em như ngày đầu. Chị tin My sẽ nguôi ngoai và tha thứ. Đàn bà bọn chị - cái giàu có nhất chính là sự tha thứ!

Tôi nhìn chị, nhìn anh, nhìn ánh mắt của những người xa lạ nhưng đong đầy yêu thương ấm áp. Em sẽ đợi tôi về. Em sẽ tha thứ cho tôi. Như chị đã thứ tha cho chồng vì thời trẻ anh cũng từng đi như tôi đến nơi này, nơi nọ, bỏ chị giữa trăm chiều đơn côi, trăm chiều cô quạnh. Anh nói với tôi:

- Tìm được người thương mình và sẵn sàng hy sinh vì mình không dễ đâu em. Hãy trân trọng! Đừng tham công tiếc việc. Mình không giàu có cũng được, không biệt thự, xe sang cũng được, nhưng mình cần có một người phụ nữ đồng hành đến cuối đất cùng trời.

Anh nhìn chị rồi nở nụ cười yêu thương. Chị chào tôi rồi dìu anh ra khỏi nhà ga vì xe đã đến đón. Trước khi đi, chị dặn với lại:

- Nhớ lời chị, nghe em! Chị tin em sẽ hạnh phúc như anh và chị.

Tôi vẫy tay chào chị. Bóng đôi vợ chồng ấy xa dần.

Sân ga còn lại mỗi mình tôi. Tôi ngồi ngẫm ngợi. Tôi đã biết mình phải làm gì sau khi trở về thành phố, sau khi đã rũ bỏ hình ảnh của một người thanh niên sẵn sàng ưu tiên mọi thứ, trừ người mình yêu thương. “My ơi, đợi anh! Anh sẽ mang em trở về mái ấm gia đình. Vì anh cần em!” - Tôi nghĩ vậy.

Còn bây giờ, tôi quảy ba lô và rời khỏi nhà ga. Vào thành phố. Phố đêm đẹp lắm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ