Cậu bé gãi gãi đầu, chưa biết mở lời từ đâu, Đóa hỏi:
- Dũng đợi cô lâu chưa? Trời lạnh mà sao em mặc phong phanh thế? Vào nhà với cô đã rồi mình nói chuyện.
Dũng vội xua tay:
- Cô cho em xin phép về luôn kẻo tối, mẹ em lại mong. Nhà có cây cam sai quả, mẹ bảo em đem cho cô một chút. Hồi chiều, em định gửi ở trường nhưng lại ngại với các bạn.
Đóa vừa kịp gửi lời cảm ơn thì Dũng đã đạp xe đi mất hút. Ngọn gió luồn ngược vào ngõ nhỏ khiến mắt cô rưng rưng. Ngày mới chủ nhiệm lớp Bảy, Dũng thường xuyên “đội sổ”.
Mấy lần gọi lên bảng nhắc lại nội dung bài cũ, cậu đứng lì như tượng đá mặc bạn bè chê cười. Giáo viên dạy môn Tiếng Anh cũng lắc đầu: Với sức học như thế này, không khéo năm nay, Dũng phải ở lại lớp. Gần hết học kỳ một mà gia đình em chưa đóng một khoản thu nào.
Một buổi sáng, Dũng đi học muộn đúng tiết Đóa dạy, mới ngồi chưa ấm chỗ, cậu đã gục đầu xuống bàn ngủ mệt. Đóa tiến lại gần, thấy đôi tay chai sạn của Dũng buông thõng, đường gân nổi xanh lét, hai vai gầy trông thật thương.
Không vội trách mắng học trò, chiều hôm ấy, Đóa bám theo sau cậu về nhà. Con đường ven sông mấp mô bụi đỏ quẩn từng đợt theo lượt bánh xe qua dẫn đến một căn nhà xây đã nứt cả mảng tường ẩn mình sau tán cây ăn quả. Khắp sân lỉnh kỉnh phế liệu.
Dũng bỏ chiếc xe đạp cũ bên hiên, cùng mẹ chất những tấm bìa nhựa lên chiếc xe cải tiến. Đóa hỏi chuyện những người xung quanh mới biết Dũng với mẹ vừa được người bà con cho ở nhờ căn nhà này. Bố mẹ cậu chia tay nên tâm lý của em càng thêm chán nản.
Hai mẹ con ngạc nhiên khi thấy cô giáo đến thăm bất ngờ. Qua đôi ba câu chuyện, Đóa nhìn vào mắt Dũng, hình như đôi mắt ấy đang van vỉ cô đừng nói chuyện học hành cho mẹ cậu nghe.
Đóa bảo với phụ huynh học sinh của mình: “Ở trường, Dũng rất ngoan. Chỉ có điều, em muốn xin ý kiến chị, cho cậu ấy sang nhà em học thêm tiếng Anh. Ngoại ngữ là môn khá đặc biệt, nên thay vì bắt các em học thuộc từ mới, mỗi tiết học em đều cho tiếp cận kiến thức thông qua những clip ngắn, nghe nhạc... để ghi nhớ dễ dàng hơn.
Chị yên tâm, em biết hoàn cảnh của gia đình mình rồi”, và quay sang nói với Dũng: “Cô kèm Dũng học từ đầu đấy, Dũng nhé, học phát âm, từ vựng. Em thương mẹ thì cố gắng lên”.
Khi mẹ lúi cúi nấu cơm dưới bếp, Dũng rụt rè:
- Em cảm ơn cô đã giữ kín chuyện em ngủ say trong giờ và những bài văn bị điểm kém. Khi học bài, em có cảm giác bị “bỏ rơi” trong tiết học, tiếng Anh thì nhàm chán.
Đóa trải lòng:
- Bằng tuổi của em bây giờ, cô có ước mơ sau này mình sẽ là cô giáo. Hồi đó, cô không có tiền, đến bữa cơm còn lo không biết mình được chia đầy hay vơi. Những ngày đi chăn trâu ở sau “lò dạy thêm”, cô đã lấy gạch kê lên cho cao bằng cửa sổ để “học mót” con chữ của bạn bè đồng trang lứa.
Môn Tiếng Anh thì, thời gian ở trên lớp quá ít để thực hành kỹ năng nói, đọc hay giao tiếp; ở nhà, bố mẹ lại không biết một chữ để kèm cặp cho con, chính vì thế, em e ngại cũng đúng.
Đóa không biết có phải sau cuộc trò chuyện ở nhà Dũng đã làm thay đổi thái độ học tập của cậu bé được nhận xét là “lì lợm” và “bướng bỉnh”. Suốt giờ ra chơi, cậu ôm sách đi tìm Đóa để gửi đáp án mỗi ngày một câu hỏi.
Tuần nào cũng đều đặn ba buổi, Dũng đạp xe đến nhà cô giáo chủ nhiệm học miễn phí môn Tiếng Anh. Mưa dầm thấm lâu, khối lượng kiến thức bị hổng được lấp đầy bằng nghị lực của cậu học trò và nhiệt tình dìu dắt của cô giáo.
Những năm học sau đó, Dũng không bị lưu ban mà còn trở thành học sinh có học lực khá. Cậu năng động trong các hoạt động đoàn thể do nhà trường tổ chức, là thành viên trong đội tuyển bóng rổ.
* * *
Ít người biết, đằng sau cô gái chỉn chu, xinh đẹp, luôn nở nụ cười trên môi là cô Đóa mồ côi mẹ khi vừa lên năm tuổi. Mẹ đi đột ngột sau một trận trúng cảm. Nỗi đau chưa nguôi, ba năm sau, bố cô mất do tai nạn lao động. Cậu mợ đón ba chị em về quê chăm sóc.
Nhà nghèo, con cháu đông, con đường đến trường của cô gái gặp muôn vàn trắc trở. Buổi sáng đi học, chiều về đi chăn đàn trâu lội hết đồng gần đến đồng xa. Môn Toán, Lý, Hóa thì Đóa tranh thủ làm bài tập về nhà trên lớp, môn học thuộc lòng buộc phải vắt vẻo lưng trâu vì tối về còn cùng cậu mợ ngồi phân loại chè sao.
Có những đêm ngồi bên lò chè, nghe chương trình dạy tiếng Anh phát ra từ chiếc radio nhỏ của cậu, Đóa lấy than củi viết vội lên nền đất những phát âm của từ vựng vừa lạ lẫm vừa đam mê. Năm nào, Đóa cũng được học bổng rồi thi học sinh giỏi quốc gia, có giấy gọi tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm, chuyên ngành Văn - Sử.
Ra trường, bạn bè khuyên nên xin vào doanh nghiệp để có lương tháng cao hơn nhưng cô từ chối, quyết ký tên làm giáo viên dạy hợp đồng. Cô muốn mình trở thành người dẫn đường, định hướng, truyền cảm hứng cho học sinh nuôi dưỡng ước mơ nên đã dành nhiều thời gian để tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp và hiệu quả.
Ngay đến môn Lịch sử, học sinh thấy hứng thú khi được xem các thước phim tài liệu ngắn về chiến tranh, thành quả xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Sau khi thi đỗ biên chế, chủ nhiệm được nhiều lớp, kinh tế ổn định, Đóa lại nghĩ đến môn Tiếng Anh nên một lần nữa cô thử sức mình, miệt mài chinh phục môn này... Suốt hai năm, cô vừa đi dạy vừa học thêm chuyên ngành Tiếng Anh tại Viện Đại học Mở.
Cầm tấm bằng loại giỏi trên tay, ngoài giờ lên lớp, cô vững tin kéo thế giới bao la về với học sinh mình chủ nhiệm mà không nhận một đồng thù lao nào. Con đường học vấn như những ngọn núi, xuống dốc rồi trèo đèo, hết đỉnh cao này đến tầm nhìn mới, càng đi càng thấy cuộc sống chúng ta tươi đẹp hơn.
Đóa vẫn tin vào đôi mắt tinh anh của nhiều học trò nhỏ đang chất chứa một nỗi buồn mà người lớn cần phải tìm hiểu thật kỹ càng. Hồi Đóa đi học, bạn Mã Đại Dương ngồi cùng bàn cũng giống Dũng bây giờ, thường xuyên ngủ suốt tiết cô giáo giảng nhưng khi có bài kiểm tra, cậu ta không đợi Đóa làm xong đã giật lấy bài làm để cắm đầu cắm cổ chép cho kịp lúc trống giục nộp bài.
Đóa thấy không công bằng một tí nào. Người lười học đừng mơ lấy điểm cao chứ đừng nói lại còn bắt nạt bạn. Cô giáo biết chuyện đã tách Đóa ngồi sang bàn khác. Từ đó, Mã Đại Dương không được nhìn bài, sau vài tháng thì bỏ học hẳn.
Một buổi chiều mưa lâm thâm, trời rét căm căm, Đóa tan học, đạp xe ngang qua chợ mua giúp mợ túi bóng để đong chè cân cho khách. Dọc lối bày hàng rau thưa thớt, dáng cao lênh khênh của Dương lạc lõng giữa những người đàn bà to béo, mặt mày dữ tợn đang gào lên như thể dương oai:
- À, mày gọi bố mày ra đây, tao đã đặt hòn gạch giữ chỗ mà mày còn lấn sang đất này để bán. Mẹ mày không cho đôi mắt à?
Nhiều người già can không được, câu chửi rủa mỗi lúc một thậm tệ. Dương chỉ biết nhắc câu “dừng lại đi” rồi bật khóc tức tưởi. Trong tiếng xì xào của những người bán rau, Đóa mới hay tin Dương vừa mất mẹ. Mấy hôm nay, bố bạn bị ốm không đi bán rau được.
Mẹ Dương mất vì bệnh tim. Nếu nhà bạn có đủ tiền thì đã tiến hành được ca mổ. Nay, người ta xúc phạm đến mẹ làm khơi dậy nỗi đau chưa lành miệng trong lòng Dương. Can đảm không biết từ đâu đến, dù chân còn run lập cập nhưng Đóa đến trước mặt người đàn bà đang trề môi văng tục, bảo:
- Mẹ bạn cháu vừa mất nhé. Cô làm ơn thôi đi. Ngày mưa gió, bạn ấy bán hết rau còn về chăm bố ốm. Cô có mắt thì mua giùm bạn ấy số rau này để trả chỗ cho cô bày thêm ạ.
Bà ta há hốc miệng nhìn Đóa từ đầu đến chân rồi với vẻ đanh đá hồi nãy, từng lời chua loét rít qua kẽ răng:
- A, ở đâu ra cái con ranh con này? Mày có tin tao táng cho mày phát đòn gánh này không mà xía vào chuyện của tao?
Đóa nhìn sang chiếc đòn gánh gác lên sọt rau của mụ nghĩ bụng nó mà phang lên người thì xương thịt mình cũng ê ẩm. May mắn thay, những người đi chợ thấy ồn ã đứng lại xem đã phân trần, cứu Đóa ra khỏi chuyện rắc rối và bàn nhau mua hết số rau của Dương bán.
Hai người bạn nhìn nhau không nói gì. Trời cuối Đông nhanh tối, Đóa vội vã đạp xe về mà quên mất ghé mua túi bóng về cho mợ. Đêm đó, mợ chỉ nói vài câu chứ không đánh đòn Đóa nhưng Mã Đại Dương thì không bao giờ còn đi học nữa.
Cuộc sống này không dễ tìm thấy sự công bằng, nhiều người hoàn cảnh éo le lại chịu muôn nỗi thiệt thòi chồng chất. Đóa đã khổ rồi, Dương lại cơ cực hơn. Đóa tự trách mình vì luôn nghĩ xấu về bạn. Cho đến khi đã trở thành cô giáo, Đóa vẫn thường lấy chuyện ngày xưa làm bài học cho mình.
Mấy hôm nay, anh giận Đóa. Chuyện xoay quanh việc cô sắp xếp lại chỗ ở của mình nhường phòng cho hai bạn sinh viên người nước ngoài đến dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh. Giận hơn vì Đóa không chịu theo anh về thành phố làm bà chủ một chuỗi nhà hàng hải sản.
Đóa cũng muốn có điều kiện kinh tế để lo cho em trai đang học đại học nhưng nghĩ đến công việc lạ lẫm phải từ bỏ niềm yêu thích, cô ngổn ngang trong lòng, ngồi phân loại chè sao giúp mợ mà nhầm lẫn đống nọ sang đống kia. Câu chuyện được đem lên bàn cân đong đếm. Mợ ngừng tay nhìn cháu gái hồi lâu, bảo:
- Con về thành phố vẫn có thể dạy ở trung tâm. Cơ hội thường chỉ đến một lần, nơi nào con cảm thấy hạnh phúc thì gắn bó. Mợ khuyên như thế, còn tương lai của bản thân, con tự quyết định.
Ở nơi hạnh phúc ư? Đó là nhà hàng sang trọng đầy xe ô tô đỗ sau mỗi sự kiện với tiếng chạm ly chúc tụng nhau dưới sự chứng kiến của dàn nhân viên chuyên nghiệp hay lớp học trở nên yên lặng với câu hỏi gợi mở.
Nơi các chị em tranh thủ ngày nghỉ í ới gọi nhau dậy từ sớm đi lên đồi hái chè kẻo trưa về ngã nắng hay căn hộ lắp điều hòa mát rượi, cửa kính trong suốt vẻn vẹn gần một trăm mét vuông nhưng thường đối mặt với cô đơn giữa phố thị đèn hoa? Đóa cảm thấy mình may mắn được trải nghiệm cả hai miền đất hứa.
* * *
Dũng cũng dần hòa nhã với bạn bè. Cậu cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc về mẹ. Bài tập giao tiếp tiếng Anh được em thể hiện trôi chảy trước toàn trường được thầy cô lưu lại làm tấm gương vượt khó học tập cho các học sinh noi theo. Thỉnh thoảng, Dũng vẫn sang nhà cô Đóa mượn sách song ngữ. Cậu cũng biết, cô trích đồng lương ít ỏi góp thêm vào phần học phí khi mẹ cậu nằm viện cả tháng trời.
- Gặp khó khăn, chúng ta cố gắng thêm một tí nữa thôi, càng quyết tâm thì đích đến sẽ ở ngay trước mắt, em à. Cũng như khi mình muốn leo lên đỉnh núi ấy, lên đến lưng chừng đã thở ra đằng tai, hai đầu gối chùn xuống mỏi nhừ chực ngồi bệt xuống nghỉ. Nhưng nếu chúng ta không đi nữa, đâu biết đỉnh núi lại gần đến như thế.
Đóa hay liên hệ đến cuộc sống mỗi khi giảng bài cho học trò hoặc ngồi hỏi han về cuộc sống thường ngày. Tối nay, trông những trái cam tươi đặt trên bàn, Đóa biết mình đang xây được một nơi hạnh phúc từ những điều giản đơn.