Truyện ngắn: Bức ảnh gia đình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mong ước của chị hai cũng là tâm nguyện của chúng tôi, chỉ cần trong bức ảnh này còn bảy người thì đó sẽ là bức ảnh gia đình chúng tôi.

Minh họa: ITN
Minh họa: ITN

“Hai ngày nữa em út trở về, vừa hay bảy người chúng ta đều ở đây, chúng ta sẽ đến chỗ chị cả chụp ảnh gia đình” - Chị hai đột nhiên nói, chị dừng một chút, nói tiếp: “Bảy người chúng ta đã mấy năm không chụp ảnh gia đình cùng nhau rồi, không phải là thiếu chị cả thì là thiếu em út, lần này mọi người đều trở về, tranh thủ chụp vài bức ảnh gia đình, nếu không lần sau sẽ chẳng biết đến bao giờ mới có mặt đầy đủ”.

Lòng tôi có chút xúc động, có chút buồn. Tôi quay đầu nhìn giá sách trong phòng khách. Trên giá sách là bức ảnh duy nhất của bảy người chúng tôi, được chụp cách đây 5 năm khi chị tôi về ăn Tết.

Đúng là chị em chúng tôi hiếm khi có cơ hội tụ tập cùng nhau và chụp ảnh gia đình, hoặc thiếu chị cả hoặc thiếu em út, hoặc cả hai đều có mặt thì chị tư và tôi đều xa nhà làm việc ở nơi khác. Tóm lại là chúng tôi gần như không có cơ hội tập hợp lại với nhau.

Dịp Tết năm năm trước, chị cả và em út về, bảy người chúng tôi lần đầu tiên tụ tập đông đủ. Chúng tôi nhanh chóng đến công viên phía sau khu dân cư để chụp ảnh. Tôi hay gọi bức ảnh này là bức ảnh của đại gia đình.

Nói đúng ra, gia đình chúng tôi không có một bức ảnh gia đình hoàn chỉnh. Tôi nghĩ, ảnh gia đình đúng nghĩa phải là một gia đình đầy đủ, có cha có mẹ, con cái và thậm chí là nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Nhà chúng tôi cũng có rất nhiều ảnh gia đình nhưng bức nào cũng thiếu người chứ không phải là tất cả.

Trong ký ức của tôi, lần đầu tiên chụp ảnh gia đình là khi tôi khoảng ba tuổi, lần đó ông nội lặn lội từ quê cách xa ngàn dặm đến thăm, cả gia đình đến studio chụp ảnh cùng ông, nhưng lần đó lại thiếu chị tư. Nhiều năm sau, tôi hỏi chị tư tại sao hôm đó chị lại vắng mặt, chị nói hôm đó ở trường có chuyện nên phải vội đến trường nên không thể tham gia buổi chụp hình.

Trước đây, máy ảnh là thứ xa xỉ đối với những gia đình bình dân, muốn chụp ảnh thì phải đến studio chụp. Hồi đó, thu nhập không cao, lại phải nuôi cả gia đình đông con, bố mẹ làm gì còn dư tiền để đi chụp ảnh ở studio? Trên con đường nơi nhà chúng tôi ở có một studio chụp ảnh duy nhất do nhà nước quản lý trong thành phố thời điểm đó.

Chiếc máy ảnh có kích thước lớn, vỏ ngoài là một hộp gỗ, người chụp ẩn đằng sau tấm vải đen của máy ảnh và hô lên “Một, hai, ba”, sau đó, dù biểu cảm của người được chụp có đẹp hay không cũng không quan trọng, mọi thứ đã xuất hiện trên ảnh.

Một số bức ảnh thời thơ ấu của tôi được chụp ở đó. Đó là thời khó khăn nhưng lại là thời điểm gia đình chúng tôi đầy đủ nhất mà không ai trong chúng tôi nghĩ đến việc đến studio chụp ảnh gia đình.

Mấy năm sau, chị cả và chị hai lần lượt kết hôn, chị tư vào đại học. Chị cả lấy chồng ở một thị trấn nhỏ cách đó trăm dặm, không về nhà nhiều, nhà chồng chị hai cũng cách đó không xa, cách nhà hai con đường.

Năm chị hai lấy chồng, gia đình tôi mua một chiếc máy ảnh cầm tay, có thể chụp bất cứ lúc nào mà không cần phải đến studio. Nhưng suy cho cùng thì chụp ảnh cũng không phải là “chủ đề chính” của cuộc sống gia đình, chụp ảnh nhiều nhất có lẽ là vào dịp Tết Nguyên đán, mua một cuộn phim và chụp ảnh gia đình cho phù hợp với khung cảnh. Lúc đó, không ai nghĩ đến việc chụp ảnh gia đình, bởi ai cũng cảm thấy thời gian còn dài và sẽ có rất nhiều cơ hội để làm điều đó.

Minh họa: ITN.

Minh họa: ITN.

Không ngờ, không lâu sau, cơn bạo bệnh bất ngờ đã cướp đi bố tôi. Điều này không phải chỉ là việc thiếu đi một người trong gia đình, mà còn để lại góc trống trong mỗi trái tim.

Tết Nguyên đán năm đó, chúng tôi không chụp ảnh. Ngôi nhà không có trụ cột chống đỡ sẽ dễ chìm trong cảnh khốn cùng. Sau bữa cơm đoàn viên, chị ba nói: “Bố ra đi rồi, nhưng gia đình chúng ta không thể sụp đổ”. Chúng tôi im lặng gật đầu. Mẹ tôi ngồi im không nói một lời, bà chưa bao giờ là người có ý kiến độc lập, trước đây bà nghe lời bố, bây giờ bà lại nghe lời con gái.

Năm đó, chị ba và chị năm đều xếp thứ nhất, thứ hai trong kỳ phỏng vấn và được nhận vào đơn vị nơi bố làm việc. Chị tư tốt nghiệp đại học và làm giáo viên một trường trung học cơ sở ở thị trấn. Cuộc sống gia đình dần dần thoát khỏi sự u ám. Trong những bức ảnh chụp trong dịp đầu năm mới, nụ cười của mọi người dần thể hiện niềm hạnh phúc từ tận đáy lòng.

Vài năm sau, chị tư xin nghỉ dạy, đến đặc khu hành chính cách nhà hàng nghìn km, trở thành công nhân viên chức nhà nước, chị hai cũng đi làm ở khách sạn trong một thị trấn nhỏ. Tôi vào đại học, ở nhà chỉ còn chị ba và chị năm, sống với mẹ.

Một năm trước khi tôi tốt nghiệp đại học, căn bệnh hiểm nghèo cũng cướp đi mẹ tôi. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đi làm ở nơi khác và bắt đầu sống tự lập. Chúng tôi có bảy chị em, bảy người sống ở năm nơi khác nhau, kể cả những ngày nghỉ lễ cũng khó có thể gặp nhau. Mỗi lần muốn chụp ảnh gia đình, không vắng chị cả thì vắng chị hai.

Vì muốn ghép những người trong ảnh lại với nhau, chị thứ năm đã học cách photoshop để ghép những người vắng vào ảnh, nhưng chị ấy luôn cảm thấy bức ảnh kỳ lạ, không chân thực. Phải đến Tết Nguyên đán cách đây 5 năm, bảy chị em từ nhiều nơi về tụ tập ở nhà chị ba, chúng tôi mới chụp ảnh gia đình lần đầu tiên đầy đủ.

Minh họa: ITN.

Minh họa: ITN.

Hai năm trước, chị cả bị xuất huyết não suýt không qua khỏi, bác sĩ thông báo với chúng tôi, tình hình chị nguy kịch, hy vọng rất ít. Nhưng chỉ cần còn một tia hy vọng, chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi kìm nước mắt, ký vào giấy đồng ý phẫu thuật.

Chúng tôi đã tìm được bác sĩ giỏi nhất ở địa phương và thực hiện nhiều ca phẫu thuật cho chị cả. Cuối cùng, hy vọng cũng được đền đáp, chị ấy đã thoát khỏi bàn tay tử thần. Sau khi xuất viện, chị cả chuyển từ thị trấn về sống cùng gia đình ở thành phố.

Chị hai và chị ba đã nghỉ hưu về nhà nên thường đến đảm nhận trách nhiệm chính chăm sóc chị cả. Họ nấu ăn và tắm rửa cho chị cả, giúp chị tập phục hồi chức năng, trò chuyện và cười đùa với chị để chị bớt buồn chán, giống như cách chị chăm sóc chúng tôi lúc còn nhỏ.

Mặc dù có hộ lý riêng nhưng chị cả vẫn chỉ tin tưởng các chị. Mỗi lần chị hai và chị ba đến thăm, chị cả luôn mỉm cười, đến lúc họ rời đi, chị lại cảm thấy trống rỗng trong lòng. Khi được hộ lý chăm sóc, chị cả khó có thể nói hay đi lại. Nhưng bây giờ lại khác, chỉ mất chưa đầy hai năm, chị ấy có thể nói chậm, cười nhẹ và đi chậm vài trăm mét.

Ngay cả bác sĩ cũng phải thốt lên: “Gia đình chị thực sự rất tuyệt vời”. Tôi nghĩ không phải do chúng tôi tuyệt vời, mà là vì chúng tôi biết mình đã mất đi rất nhiều người thân và không muốn mất đi người thân một lần nào nữa, chỉ cần có một chút khả năng, một tia hy vọng, chúng tôi sẽ làm mọi cách để cứu chị cả. Chỉ cần người còn thì mọi chuyện đều sẽ ổn. Chúng tôi hiểu điều này hơn bất cứ ai khác.

Trong dịp Tết năm nay, chúng tôi lại tụ tập tại nhà chị ba. Nhà chị ba giống như một căn cứ, chúng tôi đều là những con chim di cư, mỗi dịp Tết đến Xuân về lại bay về căn cứ để tụ tập. Hai ngày sau, em út cũng đã trở về.

“Chúng ta đến chỗ chị cả chụp ảnh đi!” - Chị hai vui vẻ nói. Sáu người chúng tôi xuống lầu đến nhà chị cả, chị hai gọi tên chị cả, một lúc sau chị cả vui vẻ đáp lại. “Chúng em đến chụp ảnh cùng chị!”, chị hai hét lên. “Đến rồi đây!”, chị cả trả lời.

Chị tư lên lầu, đỡ chị cả xuống. Chị ấy mặc chiếc áo khoác mới toanh, màu đỏ tươi làm nổi bật khuôn mặt hồng hào, giống như một bông hoa mận đỏ - chị cả thực sự là bông hoa mận đỏ. Chị sinh ra trong khó khăn, lớn lên trong thời kỳ hỗn loạn, từ nhỏ, chị đã bắt đầu chia sẻ gánh nặng tài chính với bố mẹ, đến tuổi trung niên thì bị mất việc, chồng mất vì bạo bệnh.

Chị phải làm nhiều công việc, làm việc chăm chỉ để nuôi sống cả gia đình với đôi vai gầy yếu ớt, giờ đây lại sống trong cảnh bệnh tật. Chị cả thật giống như bông hoa mận đỏ nở kiêu hãnh ngay cả trong thời tiết lạnh giá nhất, dù thời gian có khó khăn đến mấy, chị cũng sẽ cố gắng hết sức để vượt qua.

Chị hai vừa nhìn thấy liền ôm chặt chị cả, nói vui: “Này, chị mặc áo còn đỏ hơn chúng em! Nhất định năm này chị sẽ là người đỏ nhất, may mắn nhất!”. Chị cả đáp: “Chúng ta đều sẽ đỏ, cả nhà chúng ta cũng sẽ hạnh phúc”.

Chị năm lấy máy ảnh ra, nhìn xung quanh để chọn cảnh, chúng tôi mỉm cười quây quần bên chị cả, chỉ cười không nói. Khung cảnh này thật đẹp! “Đến đây, mọi người đến đây nào, chỗ này chụp ảnh rất đẹp”. Chị năm gọi mọi người ra vườn hoa trong góc khu dân cư, chị ấy đã tìm được góc đẹp, dựng máy ảnh và chờ đợi.

Chúng tôi đứng xếp hàng trước vườn hoa theo thứ tự, chị năm bấm máy, chạy về hàng và hét lên “Một, hai, ba, cười lên!”. Tôi chỉ có thể nghe thấy tiếng màn trập của máy ảnh và tiếng chụp liên tiếp nhiều lần. Chị năm tháo máy ảnh ra cho chúng tôi xem. “Tấm này đẹp đấy”. “Tấm này em cười đến nỗi không nhìn thấy Mặt trời đâu nữa rồi”. “Chị còn chưa kịp chuẩn bị này”.

“Đổi phông nền chụp thêm vài bức nữa nào”... Mọi người vừa xem ảnh vừa bình luận: Chị tươi quá, em cười, nhắm mắt lại, không biết mình đang nghĩ gì, mọi người ríu ra ríu rít giống như ngày xưa chúng tôi cùng nhau trò chuyện. Khoảnh khắc đó, tôi thậm chí còn hơi ngơ ngẩn, như thể quá khứ đã quay trở lại, ấm áp như ngày hôm qua và mắt tôi thực sự có chút ươn ướt.

Hôm đó, chúng tôi chụp rất nhiều ảnh gia đình, bức ảnh nào cũng mỉm cười rạng rỡ, ngay cả chị cả cũng cười như đứa trẻ vô tư. Thời gian là bác sĩ, liều thuốc chữa lành tốt nhất.

Dù có khó khăn đến đâu, vết thương có đau đớn đến mấy thì mọi người cũng sẽ vượt qua và tổn thương sẽ lành lại theo thời gian. Với chúng tôi, dù gia đình có ít người hơn, dù bảy chị em có cách xa nhau nhưng chỉ cần trái tim chúng tôi vẫn hướng về nhau thì gia đình chúng tôi sẽ không bao giờ bị chia cắt.

Trên đường về nhà chị ba, chị hai đột nhiên nói: “Chúng ta càng ngày càng già đi rồi. Từ nay bảy người chúng ta năm nào cũng sẽ cùng nhau chụp ảnh gia đình nhé!”.

Mong ước của chị hai cũng là tâm nguyện của chúng tôi, chỉ cần trong bức ảnh này còn bảy người thì đó sẽ là bức ảnh gia đình chúng tôi, chúng tôi vẫn sẽ là một gia đình đầy đủ, hoàn chỉnh.

Hạ An (Dịch từ tiếng Trung)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đấu thầu vàng tiếp tục "ế" trong phiên hôm qua (8/5). Ảnh minh họa

Thế khó của thị trường vàng

GD&TĐ - Phiên đấu thầu vàng miếng thứ 5 đã diễn ra vào sáng hôm qua (8/5) tiếp tục "ế" thêm tới 13.400 lượng vàng. Vì sao vẫn phải tổ chức đấu thầu?
Nghỉ hè là khoảng thời gian để học sinh thư giãn, tham gia chương trình vui chơi, giải trí, rèn luyện năng khiếu… Ảnh: ITN

Nở rộ dịch vụ bán trú hè

GD&TĐ - Trong khi ngành GD-ĐT đang nỗ lực giảm tải, trả lại cho học sinh kỳ nghỉ hè đúng nghĩa trọn vẹn 3 tháng thì nhiều phụ huynh xem kỳ nghỉ hè là học kỳ 3.