Truyện ngắn 'Ngày Hè cũ'

GD&TĐ - Cái quê nghèo của tôi có con sông chảy dài tận ra xa, bên vệ cỏ, thấy đám trẻ rong ruổi thả diều.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Tôi thích mùa Hè, nhưng có lẽ tôi sẽ thích hơn nếu như có ai đó, cùng ăn kem lúc trưa nóng, có ai đó cùng tôi đi dưới mưa.

Quãng ngày còn bé, chiều nào cũng thấy một cậu bé lon ton đi chiếc xe đạp màu xanh, dọc theo con đường hai bên dựng vách lên hàng lũy cây cao lớn.

Ai đi qua làng quê, ghé thăm ngôi trường nhỏ ấy cũng sẽ thấy một lớp học treo kín những bức tranh. Có bức vẽ chì đường nét nhìn y như người thực, có bức vẽ màu quệt lên vài đường mà hài hòa kì lạ.

Cậu bé ấy có đôi tay tài hoa như thế. Cứ nghe những lời khen ngợi, cậu lại càng vẽ, thêm lời khen, lại càng vẽ, đẹp là thế, nhưng cái gì lặp lại quá nhiều cũng sinh nhàm. Bạn bè không ai còn thích những bức họa ấy nữa, nhìn lại trông chúng ngày càng đơn điệu và vô vị hơn.

Chỉ duy có một cô bé vẫn luôn đến trông ngóng các bức của cậu bé “khoe mẽ”, nó phủ kín mặt bàn, như một triển lãm thu nhỏ để trưng ra cho những con người tò mò bu đến mà dòm. Hôm ấy, chỉ thấy mỗi Nhỏ khen lấy khen để.

Cậu bé buồn bực nói:

- Cho đấy – Tay cầm cả cuốn sổ vẽ di thẳng đến tay của Nhỏ.

- Ơ, thật sao… Nhưng Thử ơi…

Ngắt lời Nhỏ, cậu đáp vội:

- Ừ, ừ, cầm đi, cầm hết đi!

Cậu bé không nhìn Nhỏ lấy một lần, những bức tranh ấy giờ không còn là niềm vui nữa. Không có Nhỏ, cậu bé đã “tống” nó vào sọt rác cho khuất con mắt từ lâu rồi.

Cũng vì thế mà mùa Hè năm ấy, mặc sức Mặt trời tỏa ánh nắng, mặc cả đám mây trôi lềnh bềnh, không còn ai thấy một đứa bé ngồi ngắm nghía hàng cây, tay đưa bút chì ngang tầm mắt đo dài rộng cảnh vật nữa.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Những con người có thiên hướng nghệ thuật xuất chúng ấy đều đồng thời mang trong mình những suy nghĩ lạ thường, có thể nhiều định kiến trong mỗi chúng ta không thể đồng cảm được các con người đấy, cái khác biệt làm chúng ta khó chịu và xa cách như là nó đang đi ngược lại với hướng xã hội vận hành. Vậy hãy để nó lắng dần, mùa Hè nắng và nóng, rất khó chịu, uất ức làm ta thấy biếng ăn. Nhưng hãy lắng nghe mùa Hè, có cơn gió mát thổi nhè nhẹ, có vài cây kem lạnh tụi bạn cùng ăn và lắng nghe đến từng giọt nặng của cơn mưa rào xối xả.

Từng mùa, lần lần đến và đi. Lại thêm một cái Hạ nữa.

Lần ấy, Nhỏ tới tìm cậu bé. Nhỏ đội chiếc mũ vành tròn đan nứa, tóc bó túm qua hai bên, mặc chiếc váy có thắt nơ hồng sau đai lưng, đi trên chiếc xe dịu màu mà nhỏ nhắn. Cả mình cả xe, bon bon đi qua con đường rợp bóng phủ xanh.

Nghe tiếng gạt chân chống, cậu bé giật mình nhảy dựng ra. Thấy Nhỏ. Nhỏ nói:

- A, Thử. Chào Thử!

Cô bé nhỏ nhắn vội đi vào. Thử ngạc nhiên:

- Nhỏ đến việc gì thế?

- Ùm, hôm nay Thử có thời gian rảnh không? - Nhỏ loay hoay mở chiếc túi vải trên vai mình, đằng ấy nào tập vẽ, nào bút chì, nào những cục gôm và cả hai cuốn truyện tranh chìa ra cho Thử - Cậu dạy cho mình vẽ nha Thử!

Thử gãi đầu.

- Vẽ à, thôi thôi, tớ bận lắm. Cả tớ không biết đâu, tớ không còn vẽ nữa, tớ chẳng có gì dạy Nhỏ đâu…

- Thật sao.

- Ừ, thật đấy, tớ bỏ lâu lắm rồi.

- Không đâu, tranh Thử đẹp lắm, bây giờ tớ vẫn còn giữ cơ mà.

- Thôi, hôm nay không được đâu, tớ bận nữa.

- Không sao, Nhỏ đợi được mà.

- Ờ, ờ thế cậu cứ đợi đi. Tớ vào ngủ đây.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Thử quay mặt bỏ đi vào phòng, không buồn nhìn Nhỏ lấy thêm một lần. Mặc Nhỏ đừng ngây ra ngoài hiên nhà.

Ngồi trong căn phòng, Thử hí hụi đọc truyện tranh, hết đọc lại lăn ra nằm dài trên giường. Thầm cầu mong Nhỏ về đi, cậu mới ngồi xem tivi cho thỏa thích được, cứ lì mãi đây thì phiền lắm. Chẳng biết đằng ấy đứng ngồi thế nào, nghe sao mà lặng tiếng thế cơ chứ!

Ngủ được lúc, Thử khát quá mới bèn ra lấy nước. Thấy Nhỏ vẫn ngồi ở sofa, tập tranh cùng những cuốn truyện gọn gàng bày lên mặt bàn, Nhỏ lí nhí nhìn ra ngoài sân vườn, thỉnh thoảng xoay qua cái cốc, cầm lên lại đặt xuống. Thấy Thử đi đến. Nhỏ nói:

- Cậu chán tớ đến thế à?

Thử dừng lại, Nhỏ vẫn nhìn cậu, sững một lúc thì mới đáp lời:

- À, ờ, thực ra tớ vẫn còn một số bức, lúc buồn tớ hay đem ra vẽ. - Vào đây, tớ cho xem!

- Thật hả? – Nhỏ mừng quýnh lên.

- Thật đấy. Theo tớ.

Nhỏ đi theo Thử. Thấy Thử hì hụi tìm kiếm trên cái giá chất chồng đủ thứ sách vở, phía dưới cùng của cái chồng ấy có một tập tranh dày đã cũ, Thử cất đấy từ rất lâu rồi, vừa phủi vừa giũ ra một tràng bụi mới đưa cho Nhỏ.

- Ôi, bụi quá! Nhìn giống như đồ cổ ấy - Nhỏ cười cười nói mà đón lấy tập tranh.

- Thì tập ấy, tớ cất đấy cũng gần một năm rồi.

- Ôi, cái bìa ngoài cũng đẹp thế, tớ chưa thấy cuốn sổ vẽ nào dày thế này đấy!

- Đấy, tranh cũ của tớ đấy, cậu xem qua đi.

Không để Nhỏ kịp nói, Thử tiếp lời:

- Thôi, tớ phải đi rồi. Nhỏ ngồi đấy xem đi, khi nào về thì nhớ đóng cửa cho Thử.

Nói rồi Thử quay mặt bỏ đi, nhanh tay nhặt chiếc “chiến hữu” của mình vụt biến mất. Thử không muốn ngồi xuống với đằng ấy, Thử ghét tranh ảnh lắm, càng ghét những đứa con gái nữa. Thử đi vì không chịu nổi có đứa con gái trong nhà mình.

Cậu bé đạp xe quay đi quay lại trên con đường có hàng cây phủ xanh mát. Cậu định lòng vòng thế một lúc, để đến khi Nhỏ thấy chán thì cậu mới về.

Nhỏ ngồi ngẩn ngơ một mình trong căn phòng lộng gió, trên tay là tập tranh của Thử. Bức tranh được vẽ bằng bút bi, mà từng đường nét mềm mại uyển chuyển như nhìn những áng mây được cơn gió tạo nét, cái tài của Thử ở đó! Tranh nào cũng được họa bởi chiếc bút sắt, bút bi, thứ đồ quen thuộc của mỗi học sinh ấy mà lại có một đường nét không hề gây sắc nhọn, mượt mà đến đượm buồn. Cảnh vật vẽ ra nhìn lặng lẽ và cô đơn lắm.

Cái đơn độc ấy của Thử, Thử đã xin gửi gắm trong những bức tranh, xin mỗi bức hãy gói giữ lại hết nỗi buồn.

Chiều đã muộn. Bầu trời đã ngả tím pha chút hồng. Tiếng đài phát thanh đã vang từ thuở nào. Thử lúc này mới dắt con xe ì ạch vào sân, gạt mạnh chân chống xuống một nhát, đến bên hiên nhà cậu dựa vai ngóng lên một góc trời. Lặng lẽ thế. Bên trong ngôi nhà tối và vắng bóng người, chiếc ghế vẫn lệch y nguyên, tiếng ve cũng không còn xào xạc nữa. Thử mở chiếc tivi lên và vặn to âm lượng như thường. Thử để cho nó phát cả đêm như thế, kể cả lúc tắm, lúc loay hoay nấu nướng rồi ăn tạm miếng cơm.

Bước chân vào phòng, mà lạ thay. Cái bàn sao lại sạch sẽ thế, sách vở xếp gọn một bên, cái cốc cậu uống dở không còn thấy nữa, hộp sữa vứt trong góc ngách cũng đâu không còn, chiếc ghế được đặt sát vào bàn. Chăn gối vuông vắn ngăn nắp, kể cả chiếc áo mà cậu treo lộn xộn giờ phẳng phiu, đẹp mắt, cây thước gỗ được dựng lên còn tinh tế mà đặt bên giá sách.

Thử kéo ghế ngồi, trên bàn còn đặt hai cuốn truyện tranh của Nhỏ và tập tranh ngày Hè cũ. Chính giữa thì đính một tờ giấy nhớ, với lời nhắn của Nhỏ “Tặng Thử nhé, hai cuốn truyện tranh này mình thích nhất đấy, Thử nhớ giữ gìn cẩn thận nhé mà những bức tranh của Thử đẹp mê ấy”.

Cậu nhìn đăm đăm vào bức thư mà cay cay khóe mắt, nước mắt từ lúc nào đã đọng trên hàng mi, cậu nhớ ngày còn gia đình, ngôi nhà này thật gọn gàng biết bao, cậu phải quen với cái cô độc từ lúc ấy, cậu chọn một mình, cậu xù chiếc lông nhím bao quanh mình với tất thảy mọi người để ngăn không tổn thương nào chạm đến lòng mình nữa. Cậu lặng người, đôi tay run run, hơi thở hắt mạnh theo từng nhịp mà bật khóc lên không thành tiếng. Cậu quàng tay ôm thu mình trong một góc.

Vào những lúc trên mình đầy tổn thương, những vết thương, vết sẹo bao bọc bởi sự cô đơn, như trái bóng da trầy xước gặp phải cơn mưa dài khiến nó không thể khô ráo để lành lặn lại được. Vào lúc ấy, lúc khó khăn dồn dập, cậu lặng thinh nghĩ về một ngày Hè cũ. Một lời nhắn, một cơn gió năm nào cũng đủ để làm ai tủi lên mà bật khóc. Có trưởng thành đến đâu, chịu đựng giỏi như thế nào, cũng không kìm được mà nức nở, nước mắt như tự biết đường để đi.

Nhỏ như một cơn gió nhẹ mùa Hè vậy. Đến khẽ, len lỏi mà thổi nhè nhẹ giữa cái nắng gắt của một ngày Hè cũ đã xa…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.