Truyện ngắn: Chuyện của Mỵ

GD&TĐ - Đây không phải là lần đầu tiên Thùy Mỵ đặt chân đến thành phố nhỏ này.

Truyện ngắn: Chuyện của Mỵ

Nếu tính trong nhiều khoảng thời gian cộng lại thì ít nhất Mỵ cũng đã cư ngụ nơi này trên dưới bốn năm miệt mài trên giảng đường sư phạm.

Nhưng hôm nay, đứng trong phòng của nhà khách công đoàn tỉnh nhìn ra phía bên ngoài cửa sổ, lòng của Mỵ cứ nao nao. Bé Hân vẫn ngủ say sưa, vô tư không biết mẹ đang nghĩ gì, phần vì quá mệt sau một chuyến đi dài của hai mẹ con trên chiếc xe gắn máy đến nơi này.

Mỵ đang chờ một người, người mà Mỵ quen biết đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên hẹn hò với người ấy.

Sau gần hai năm ly hôn, đây cũng là lần đầu tiên hẹn gặp một người khác giới ngoài chồng và có quá nhiều câu hỏi được đặt ra trong đầu, “Mình sẽ hỏi câu gì, nói câu gì trước đây rồi còn phản ứng của người ấy...”.

Trời đã sang chiều. Nắng thu vàng rực chiếu nghiêng những tòa nhà phía bên kia đường, nắng chiếu thẳng góc xuống đường phố soi rọi những bụi bặm bay lên... Không như vùng núi quê nhà, yên ả, Mỵ thường hay ngắm nhìn nắng tung tăng, nhảy nhót trên từng chiếc lá vạt rừng phía sau nhà tạo thành những đốm sáng muôn hình, vạn dạng buông lơi xuống mặt đất.

Có phải do địa hình rừng núi mà nắng thường trải rộng trên từng vạt cỏ xanh, anh ánh sắc vàng quyến rũ và có cảm giác như nắng rủ hoa rừng tỏa hương thơm nồng nàn làm cho tâm hồn thêm thư thái. Đang miên man với những dòng suy nghĩ thì chuông điện thoại reo.

- Alô! Mỵ hả! Trường đây, anh đang dưới sảnh nhà khách nè!

Không biết luống cuống thế nào mà Mỵ quên cả việc chải chuốt khi đi xuống sảnh của nhà khách để gặp Trường. Bé Hân thức dậy và đòi theo mẹ.

Sau vài câu chào hỏi trong sự e ấp, Mỵ cũng nhận lời để chiều nay Trường chở hai mẹ con đi dạo quanh thành phố. Với dáng người dong dỏng cao, mái tóc dài chấm hơn vai và những cử chỉ dịu dàng của người phụ nữ quê, Mỵ chỉ đẹp hơn trong anh, vẻ đẹp của người phụ nữ đã có gia đình, chín chắn, đằm thắm.

* * *

- Mỵ à! Đi mua cho ba lít rượu.

Đôi ba ngày ông Tư Trung lại mời một vài người bạn trong xóm có cùng sở thích đến trước sân nhà, trải chiếc đệm bàn, bày biện một vài món nhâm nhi, hòa quyện vào nhau trong từng câu giọng cổ, cung bậc nghẹn ngào của điệu Nam ai.

“Tội ác của quân thù (-) Đã cướp xác con tôi (-) Lòng mẹ muối xát kim châm. Sôi sục nỗi hờn căm...”. Tiếng hát của ông Tư Trung như khơi dậy nỗi đau chung của người dân vùng Ba Chúc này. Sự tàn ác của quân xâm lược đã đi qua nhưng vẫn còn hiển hiện trong tâm trí của người dân nơi đây không thể nào nguôi như mới ngày nào và nó đã đi vào lòng người qua từng câu thơ, lời hát. Dẫu biết rằng quá khứ đau thương hãy cho nó đi qua nhưng ký ức về nó thì mỗi người dân nơi đây đều có những cách khắc ghi khác nhau, ông Tư Trung cũng không ngoại lệ.

Nhớ lại những ngày ấy khi giặc tràn sang biên giới đánh vào khu vực núi Tượng, Tư Trung gồng gánh vợ con chạy đi lánh nạn kịp thời, những người còn ở lại do nhiều lý do đã bị bọn Polpot tàn sát không tiếc thương, trong đó có gia đình của những người bạn thân, láng giềng của ông.

Sau khi giặc tan, Tư Trung trở lại quê thì ngay trước mắt ông là cảnh tượng nhà cửa tan hoang, xơ xác vì bom đạn, con người thưa thớt đau thương trên từng khuôn mặt, lầm lũi góp nhặt từng ngày những gì còn sót lại sau thảm họa ấy.

Cái nơi được coi là thanh bình yên ả, bây giờ sao u uất, trầm lắng đến lạ thường, đi đâu cũng mùi khói hương nghẹn ngào trong từng căn nhà, khu tập thể lan tỏa khắp vùng. Dù gia đình mình không gặp nạn nhưng Tư Trung vẫn cảm thấy mắt mình cay xè vì tiếc thương cho bà con, người thân gặp nạn.

Tư Trung làm lại từ đầu trên nền nhà cũ. Dựng lại căn nhà và ổn định nơi ăn, chỗ nghỉ cho vợ con xong còn lại một ít vốn liếng nhỏ nhoi, ông gầy lại nghề thợ bạc của mình. Người ta thường nói “Thầy thông, ký lục, bạc chục chẳng màng. Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay”.

Vàng đâu không thấy, chỉ thấy Tư Trung cái nghề mà ông đeo theo mấy chục năm qua cũng chỉ đủ nuôi vợ và đàn con vì không có vốn nên ông chỉ nhận làm cho chủ tiệm ăn tiền công. Những lúc thiếu hụt ông phải gắng sức làm đêm, có khi tới ba giờ sáng hàng xóm còn nghe tiếng cóc keng đập dũa, tiếng khì khè của đèn hàn.

Nhưng về tay nghề thì ở xứ này ông là bậc thầy, ngoài các món nữ trang phổ biến, ông còn có ngón nghề riêng nên làm ra những mẫu nữ trang độc đáo, đặc trưng của riêng ông. Có rất nhiều người học nghề của ông đã thành đạt, ăn nên làm ra khắp nơi trong tỉnh.

- Hôm nay chỉ có tôi và anh thôi nghen anh Tám! Anh đàn, tôi hát.

- Ừ! Vậy đi anh Tư, mình làm lai rai in ít thôi, uống nhiều quá sáng làm công việc oải lắm.

Bà Tư Trung cũng ngồi xuống cạnh bên chồng, hai tay khoanh tròn trên đầu gối mắt nhìn xa xăm ra con đường cuối xóm vắng hoe. Tiếng đàn kìm của ông Tám réo rắt chậm rãi như nhỏ từng giọt sầu vào không gian quanh đây.

Giọng ca của Tư Trung hòa điệu với giọt sầu lúc trầm lúc bổng nhưng rười rượi và mắc nghẹn lúc cao trào vừa đủ để thấm đậm nỗi buồn của xóm làng cũng như cuộc đời ông.

Kể từ ngày ông cho con Hiền, con Mỵ nghỉ học để ở nhà ông dạy nghề thợ bạc cho hai đứa, một phần là do gia đình túng thiếu, một phần là để lo cho thằng Hai ăn học tới nơi tới chốn nên ông đành phải quyết định như vậy. Từ đó, bà Tư lúc nào cũng nhìn ông buồn buồn nhưng không bao giờ trách ông một lời, vì bà biết gia cảnh của mình lúc này hơn ai hết.

Những lúc ngồi nhìn hai đứa con gái ngồi bên cạnh ba học nghề suốt ngày, đầu ngón tay chai cứng, tua tủa vết xước do bấm giũa, phồng rộp do khò lửa, mặt mày lấm lem do muội khói teng đồng, đầu tóc bù xù không được vén tém gọn gàng do sợ tay dính hóa chất bôi lên tóc, bà Tư nghẹn ngào nuốt vào lòng.

Ông Tư Trung thương nhất là con Mỵ, hiền ít nói, lễ phép và không bao giờ so đo thiệt hơn với các anh chị. Ngoài việc học nghề, con Mỵ còn tiếp bà Tư chăm bón mấy công đất rẫy, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, cơm nước cho ông Tư rất chu đáo.

Ông Tư Trung muốn lo cho nó nhiều lắm vì sợ nó thua kém, thiệt thòi với bạn cùng trang lứa, nhưng vì gia cảnh thiếu thốn ông đành phải để nó ở nhà tiếp việc nhà và học nghề nối nghiệp của ông.

Từ khi thằng Hai ra trường có việc làm ổn định, tích cóp cũng khá giả, tiếp tay với ông Tư Trung lo cho Mỵ đi học sư phạm mẫu giáo ở dưới tỉnh. Mỵ chăm chỉ học hành, tốt nghiệp ra trường đạt loại giỏi, rồi được tổ chức phân công dạy ở một trường mẫu giáo trong xã.

Ngày Mỵ lên xe hoa với người Mỵ yêu thương, ông, bà Tư ứa lệ nghẹn ngào hạnh phúc vì biết rằng con gái mình đã trưởng thành, có việc làm ổn định, có chỗ đàng hoàng cưới hỏi và cũng là nơi mà nó đã lựa chọn.

Thấm thoát đã mười năm chung sống với chồng hạnh phúc và có với nhau hai mặt con, một căn nhà ấm áp đầy tiếng nói cười của bọn trẻ. Những tưởng không có gì thay đổi với hạnh phúc đơn sơ của mình đang có trong tầm tay, nhưng rồi Hậu, chồng của Mỵ theo lời rủ rê của bạn bè tham gia vào các cuộc nhậu, chơi bời cờ bạc, bỏ bê việc cơ quan, lâm nợ lúc nào không hay.

Mỵ chạy vạy nhiều lần để kiếm tiền trả nợ cho chồng, mong rằng Hậu từ bỏ hết những chuyện lầm lỡ. Nhưng Hậu đã lún quá sâu và cứ lao vào như con thiêu thân. Đến khi các chủ nợ đến nhà gây áp lực làm tổn thương đến uy tín và sĩ diện với chòm xóm của một gia đình viên chức, Mỵ đành phải bán nhà trả nợ cho chồng và nộp đơn ra tòa ly dị.

Hơn nửa đời người, Mỵ như cụm khói ứa ra từ nếp nhà, chưa biết bay về đâu đã ngơ ngác tan hoang giữa chiều nhiều gió. Không một nơi bấu víu, thân phận Mỵ thì yếu đuối mong manh, hạnh phúc như sương ngỡ ngay trước mặt mà vươn tay hứng lấy rồi chới với, bước hẫng bước hụt.

Cứ ngỡ cuộc tình đầu mình chọn lấy sự yên thân là sẽ mãi mãi, nhưng xui rủi ập đến bất ngờ như mưa gió trái mùa của rừng núi, đột nhiên ập ngay trước cửa không một điềm báo trước. Hoảng sợ chất chồng, chạm đâu cũng thấy buồn, ngó đâu cũng thấy đổ vỡ chực chờ, bi quan.

Chuyện gia đình đổ vỡ chưa nguôi ngoai, một nỗi buồn nữa đến với Mỵ, ba đổ bệnh phải cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Cơn bệnh thập tử nhất sinh đã qua nhưng di chứng để lại đã buộc ba phải gắn liền cuộc sống với chiếc giường và xe lăn suốt đời. Lương tâm của Mỵ đã bị giằng xé suốt thời gian sau đó vì cho rằng do lo lắng cho mình quá nhiều nên ba đổ bệnh.

Má luôn túc trực bên ba, ngày nào cũng lau mình, thu dọn gọn gàng, giường bệnh thơm tho sạch sẽ, đút từng muỗng cháo do tự tay má nấu, ân cần, nhẹ nhàng để ba có thêm động lực vượt qua bệnh tật bằng sự chăm sóc tận tình của những người thân. Hình ảnh ấy càng làm cho Mỵ cảm thấy thẹn với lòng mình, ba má ăn ở với nhau đến khi sắp gần đất xa trời vẫn còn giữ được tình thương ấm áp của người già, chân tình gắn bó lúc xế chiều, còn mình đi quãng đường chưa được bao nhiêu mà đã đứt đoạn giữa chừng.

Anh Hai thì vừa đi làm vừa chạy vòng ngoài lo thuốc thang, đi chợ, cơm nước. Mỵ thương anh Hai lắm, đến từng tuổi này mà anh Hai vẫn chưa có gia đình riêng tư, vì thương hai đứa em gái, thương ba má nghèo túng nên anh dành nhiều thời gian, công sức lo lắng cho gia đình đến khi đã luống tuổi lúc nào không hay nên đành ở vậy.

Mỗi khi về thăm, Mỵ không dám đến gần giường bệnh vì khi ấy ánh mắt của ba luôn hướng về Mỵ và tuôn trào mà miệng không nói được lời nào.

Cứ tưởng khi được làm cha, làm mẹ, cảm thấu được nỗi thương xót khi cha mình đã ở tuổi xế chiều đang chống chọi với bệnh tật trên giường bệnh. Nhưng thật sự bây giờ Mỵ mới nghiệm ra một điều, là với cha mẹ, dù mình có đi mòn cả lối đời cũng không thể nào thấu hết những tình yêu thương mà cha mẹ đã dành cho con cái.

Cho nên, dù ở vị trí nào Mỵ cũng chỉ biết sống cho tốt, cho thật tốt, thế mà Mỵ vẫn cảm tưởng tình thương, sự hiếu thảo của mình cũng chỉ là gáo nước giữa đồng khô nắng cháy mà thôi. Những hình ảnh về người cha cần cù khó nhọc nuôi đàn con hiện lên trong đầu, mắt Mỵ đỏ ngầu hoen lệ, chứa chan.

* * *

Vợ của Trường là người ít học nhưng giỏi làm ăn kinh tế, quanh năm suốt tháng chỉ chăm bẵm vào việc kiếm tiền và cũng vì tiền mà hỗn xược với chồng, mẹ chồng, mất lòng dòng họ bên chồng, sống hẹp hòi, ích kỷ với mọi người xung quanh.

Trường dạy vợ không nên thân, nhiều lần cự cãi nhau tam bành rồi cơm ai nấy ăn, giường ai nấy ngủ, nhà ai nấy ở, lúc chín mùi vác đơn nhau ra tòa ly dị. Trường gặp được Mỵ ở một dịp tình cờ khi hai người ngồi chung bàn trong một lớp bồi dưỡng chính trị và dường như khi họ có chung hoàn cảnh, có chung một tâm sự thì họ lại tìm đến nhau như được sắp đặt từ lâu lắm.

Những câu chuyện xung quanh cuộc sống của mỗi người dần trở thành những quan niệm sống cho tương lai mà họ cần phải tránh để không vấp ngã và tình cảm đã đến với họ như một lẽ đương nhiên của hai con người từ lạ thành quen.

Băng ghế đá dưới gốc cây bằng lăng nhìn ra dòng sông nơi hai người thường hay hẹn hò mỗi chiều buông xuống, họ tâm sự với nhau về những điều trong cuộc sống hiện tại và tương lai, sự yêu thương, quan tâm chia sẻ, chăm sóc trong thời gian họ đến với nhau và đêm nay mọi tĩnh vật quanh đây chợt im ắng như đồng thanh với chỉ hai người, vầng trăng khuyết cũng khuất sau áng mây, ánh đèn nhà ai cũng không soi qua được tán cây bằng lăng cho bóng tối vừa đủ mờ ảo như ru đôi tình nhân. Họ trao nhau những nụ hôn và siết chặt vào nhau không muốn rời xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...