Cả chị Tũn nữa. Con muốn chơi với hai người – Minh Anh thủ thỉ vào tai mẹ khi mẹ đang tất bật dọn dẹp đồ đạc, chuẩn bị trở lại cơ quan làm việc sau một tuần nghỉ phép cho cu cậu về ở chơi với ông bà nội và mấy đứa cháu ở quê.
Mẹ Minh Anh khẽ gật đầu. Cái gật đầu mông lung tựa như đang suy nghĩ về một điều gì đó rất xa xôi. Có lẽ, chị đang bận suy tính về dự án mới của công ty hay việc hai đứa cháu bên nội sẽ tá túc nhà mình trong mấy ngày nghỉ. Mặc dù ba mẹ chúng đã ngăn cản, bảo rằng ở dưới thành phố không phải như ở quê, cứ chạy ra ngõ là có thể chơi được.
Chú với mợ cũng bận bịu công việc cơ quan, không thể đưa đón một sớm một chiều đi chơi chỗ này chỗ nọ được. Nhưng nói là nói thế, bằng một giọng háo hức của Minh Anh, những đứa trẻ ở quê mắt tròn, mắt dẹt háo hức về một phố thị đông đúc, có nhiều trò chơi, nhiều món ngon và hàng tá thứ lạ lẫm.
Như bao đứa trẻ khác, chúng cũng nôn nao được một lần xuống thành phố để “trải nghiệm” xem có đúng như lời đồn hay không. Cộng thêm lời động viên của ông bà nội, “ôi dào, mấy khi chúng nó được quấn quýt bên nhau. Thôi thì anh chị cứ đưa các cháu về dưới đó mấy hôm, chưa đi thì chưa biết, tới nơi ngột ngạt khói bụi rồi đòi về ngay ấy mà”.
Ba Minh Anh động viên hai mẹ con:
- Đúng rồi, có anh chị xuống chơi, Minh Anh nhà mình đỡ phải đi gửi ở trường, lại có bạn chơi cùng thì còn gì bằng.
Ba đã không nhìn vào ánh mắt đang rối bời của mẹ. Rõ ràng chị muốn một câu từ chối khéo, nhưng anh còn vun thêm vào. Chị cảm thấy chưng hửng. Giữa bao nhiêu anh em bên nội, không lẽ chị phải thẳng thừng luôn. Rằng ở thành phố rất ngột ngạt và bận rộn. Ngày nào cũng sẽ ngập đầu trong công việc và chăm lo cho con cái đôi khi cũng là một điều khó.
Hơn nữa, nói là anh em nhưng chúng đều là những đứa trẻ lớp Năm, lớp Ba, làm sao có thể chăm sóc lẫn nhau trong một căn chung cư chật chội kia. Chưa kể các thứ đồ dùng trong nhà chưa hẳn chúng đã thạo cách sử dụng từng món một. Chỉ vậy thôi đã khiến tâm trạng chị bị chùng xuống, như một hòn đá đè nặng mà chỉ chờ cơ hội sẽ bung thẳng ra, bật vào người đối diện.
* * *
Chuyến xe xuống thành phố đầy rộn ràng. Trên xe có ba đứa trẻ luôn mồm ríu rít với nhau. Ba Minh Anh cũng chào ông bà nội rồi lái xe về thành phố trong tâm trạng phấn chấn. Chỉ có chị đang gồng mình lên để chịu đựng. Xe vừa ra khỏi lũy tre làng, giọng chị nhỏ nhẹ nhưng đầy hằn học, chĩa vào những đứa trẻ đang vui vẻ kia:
- Các cháu sẽ định ở thành phố mấy ngày, để thím còn biết đường sắp xếp công việc và chuyện học của Minh Anh?
Tiếng nô đùa chợt ngừng hẳn. Ba Minh Anh khựng lại, giọng anh nhẹ nhàng:
- Kìa em, để các cháu được thỏa thích vui chơi. Chúng nó thích xuống bao nhiêu ngày thì xuống, chơi bao lâu thì chơi. Sao em lại phải hỏi một câu như thế?
Giọng Minh Anh càng hồ hởi:
- Đúng rồi mẹ ơi, các anh chị ấy có thể chơi bao lâu cũng được, hết đợt nghỉ thì lại về quê đi học ạ!
- Nhưng em còn công việc, liệu anh có nghỉ việc để chăm lũ trẻ được hay không? Hay vẫn là em, một mình từ sáng đến tối, đưa đón con đi học, sắp xếp mọi việc và chu toàn gia đình. Bây giờ thêm hai đứa nhỏ nữa, chúng ta sẽ phân chia nhau như thế nào để thuận tiện. Hay anh nghĩ thả chúng trong căn chung cư chật hẹp để chúng chơi mọi thứ ở đó, rồi chúng tự nấu, tự ăn và tự túc tất cả mọi thứ?
Giọng của mẹ Minh Anh đã khiến sự háo hức của hai đứa trẻ đột ngột bị dừng lại. Hình như chúng cảm nhận được chuyến đi thành phố này chúng không được hoan nghênh. Hai anh em nép vào nhau, chúng nhìn Minh Anh bằng ánh mắt ngờ vực. Bao nhiêu háo hức đón chờ ở thành phố bỗng dưng tan biến. Minh Anh cũng cảm giác mẹ không vui. Cậu khẽ lay lay vai mẹ, giọng biết lỗi:
- Mẹ, mẹ làm sao vậy ạ? Có phải... chuyện con năn nỉ để anh Thao và chị Tũn xuống nhà mình chơi khiến mẹ không vui?
Không có tiếng trả lời. Tất cả chìm vào không gian im lặng, xe vẫn rù rì chạy trên con đường nhựa. Thỉnh thoảng phía trước có ánh đèn pha của xe ngược chiều, rọi thẳng vào mặt những đứa trẻ. Rồi mọi thứ lại trở về vị trí cũ.
* * *
Thành phố đón cả gia đình Minh Anh bằng một cơn mưa tầm tã. Chiếc xe di chuyển chầm chậm, tìm hầm gửi để vào đúng vị trí. Những đứa trẻ quấn quýt bên nhau, chúng vội vàng xách hành lí cho chú và thím. Anh Thao còn đòi cõng Minh Anh qua những vũng nước xập xình kia. Nhìn ánh mắt tội nghiệp và câu nói ngây thơ của đứa cháu khiến mẹ Minh Anh hơi chững lại:
- Em ở thành phố chắc không quen bì bõm dưới nước bẩn này đâu, anh có thể cõng em được.
Minh Anh chối đây đẩy:
- Không ạ, không ạ, em thích lội nước mát với anh chị và ba mẹ ạ.
Sau khi để ba cho xe vào chỗ đậu, cả nhà dắt díu nhau lên cầu thang máy. Hai đứa nhỏ vẫn một mực đòi vác ba lô và những thứ đồ lỉnh kỉnh mang theo từ quê. Bước chân ríu rít khi thấy khung cảnh xa hoa của thành phố. Chúng len lén ánh nhìn qua màn mưa, tủm tỉm cười đầy thú vị. Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng được cảm nhận như thế nào là thành phố.
* * *
Ngày đầu tiên trong căn chung cư nhỏ, hai đứa nhỏ dậy từ sáng sớm. Chúng vội vàng đánh răng, rửa mặt và chạy ra phụ thím nấu đồ ăn sáng. Thằng anh cắt cà chua, đứa em soạn đồ ra mâm, hỏi thím những việc chúng có thể giúp được. Lúc này, Minh Anh đang say giấc nồng và mơ về những con đường thôn quê, mơ được cưỡi trên lưng trâu, ríu ran cũng lũ bạn nơi chốn đồng quê bình yên.
Ngày đầu tiên của ba đứa trẻ, chúng được thím dặn kĩ càng từ những thứ nhỏ nhặt trong nhà. Việc lau dọn nhà cửa, vệ sinh, bật tắt các thiết bị điện tử trong phòng ngủ và ngoài phòng khách, thời gian được xem tivi, iPad, và thời gian học của ba đứa.
Dường như không yên tâm lắm, chị còn cẩn thận viết ra những tờ giấy nhớ, dán lên tường và các vật dụng, kèm theo số điện thoại của mình, dặn lũ trẻ nếu có việc gì khẩn cấp thì cầm điện thoại và điện ngay lập tức. Ở trong nhà cũng không được mở cửa cho bất kì ai vào.
Lũ trẻ vâng dạ rối rít. Nhưng trong giờ làm việc, mẹ Minh Anh lâu lâu lại mở điện thoại, check camera ở nhà xem tình hình của ba đứa trẻ. Khi thấy chúng vẫn chơi với nhau hòa bình và an toàn, chị lại cặm cụi vào tệp hồ sơ dầy cộm trước mặt.
Ngày thứ nhất đã trôi qua bình yên như thế. Bữa tối cả nhà quây quần bên nhau, ăn cơm và nghe lũ trẻ háo hức kể về một ngày vừa qua. Nhìn ánh mắt háo hức của mỗi đứa, mẹ của Minh Anh cũng đã phần nào yên tâm. Hai đứa nhỏ từ quê lên nhưng chúng rất ngoan và tự lập. Một ngày ở nhà, chúng tự động rửa đống bát đĩa của gia đình, phơi quần áo và còn biết lấy nước tưới cây ngoài ban công cho chú và thím.
* * *
Đến ngày thứ bảy, khi mọi thứ đã bắt đầu đi vào quỹ đạo. Sáng sớm, mẹ Minh Anh yên tâm ra khỏi nhà đi làm và giao lại công việc cho ba đứa trẻ.
Nhưng đến tầm mười giờ, khi chị đang thao thao bất tuyệt về một dự án mới với sếp thì điện thoại rung lên bần bật. Đầu dây bên kia hiện lên số của con trai. Chị vội vàng xin phép ra ngoài để nghe máy. Có tiếng của Minh Anh, giọng vừa gấp gáp, vừa mếu:
- Mẹ ơi cứu tụi con, có mấy cô chú này đòi đánh tụi con... hu hu.
Nghe tiếng bất ổn của con trong máy, chị vội vàng bỏ dở công việc, xin phép sếp để chạy về nhà. Trước mặt chị, ba đứa trẻ tội nghiệp đang đứng khoanh tay chịu trận, mặc cho những người xung quanh xì xầm to nhỏ. Chị ào tới, cố giữ giọng bình tĩnh để nói chuyện:
- Xin mọi người khoan vội, em có thể hỏi chuyện các cháu.
Mẹ Minh Anh ôm con vào lòng, trấn an tinh thần cho ba anh em rồi từ tốn hỏi chuyện. Trong tiếng nấc nghẹn ngào của Minh Anh, ánh mắt đầy sợ hãi của hai đứa trẻ, chúng tường thuật sự việc cho mẹ.
Chẳng là sáng nay, khi mẹ chúng đi làm, ba anh em cũng đang vui chơi như mọi khi thì nghe có tiếng em bé khóc rất to. Khoảng chừng một phút sau tiếng khóc vẫn gay gắt và dường như xa hơn một chút. Đoán sự việc gì đó chẳng lành, ba anh em đánh liều mở cửa chạy ra.
Minh Anh nhanh trí nhận ra em bé hàng xóm, đang bị hai người lạ mặt gạ gẫm và đòi bế đi. Thấy tình huống khẩn cấp, cậu la lên rồi cùng hai anh chị giằng co với kẻ xấu. Khi chúng thấy động bỏ chạy, người nhà hàng xóm mới ra tới.
Họ nghĩ rằng Thao và Tũn là người lạ, nghe theo kẻ xấu dụ dỗ bắt cóc trẻ em nên cứ thế ào tới mắng xối xả, mặc cho ba anh em cố đứng thanh minh nhưng không được. Tự nhiên đang từ người cứu nạn trở thành kẻ xấu, ba đứa trẻ hoảng hốt khóc nức nở. Minh Anh sợ hãi vội chạy vào nhà tìm điện thoại gọi mẹ về.
Nghe ba đứa trẻ thổn thức trong tiếng nấc, nhà hàng xóm bẽn lẽn xấu hổ vì đã không cảm ơn lũ nhóc được một câu lại còn trách oan chúng. Họ bảo thấy hai đứa trẻ đen đen, lại lạ lẫm, nên chưa kịp nghĩ gì, chỉ nghĩ là người lạ vì họ chưa gặp chúng ở khu này bao giờ. Sợ con bị làm sao, trong cơn hoảng loạn họ mới cáu lên như thế.
Mẹ Minh Anh buông thõng người, thở dài nhẹ nhõm. Chị ôm những đứa trẻ vào lòng, vỗ về các con và dẫn chúng về nhà. Tất nhiên là buổi tối hôm đó, cả nhà vui vẻ, lũ nhóc được hàng xóm mang quà sang tặng và xin lỗi chân thành. Chúng cũng được ba mẹ cho đi công viên chơi, ăn những món mà chúng thích.
Giờ này, khi đồng hồ đã điểm mười một giờ, lũ trẻ ngoan ngoãn nằm ngủ say sưa, mẹ Minh Anh trìu mến nhìn chúng. Có lẽ chị đã sai khi phải khó chịu với những đứa trẻ từ quê lên phố, chúng thật đáng thương và cần sự yêu thương của chị hơn biết bao… Từ ngày mai, thành phố này sẽ đẹp hơn lên nhiều trong mắt chúng…