Truyện ngắn: Nặng lòng với bản làng

GD&TĐ - Một giờ khuya, Thanh đang mơ màng trong giấc ngủ vì một ngày vật lộn vất vả ở trường. Sau bão, mọi thứ ngổn ngang và lộn xộn.

Truyện ngắn: Nặng lòng với bản làng

Một giờ khuya, Thanh đang mơ màng trong giấc ngủ vì một ngày vật lộn vất vả ở trường. Sau bão, mọi thứ ngổn ngang và lộn xộn. Chưa bao giờ, trái tim cô bị bóp nghẹt, cảm giác tưng tức ở ngực cứ thường xuyên dâng lên.

Bàn tay cào đất, dọn bùn những hôm vừa qua bây giờ đã phồng rộp lên, đến việc cầm phấn thôi cũng thấy đau nhói. Bao lần nhìn khung cảnh hoang tàn này, cô đều rớt nước mắt. Nhưng nhìn lũ nhỏ lít nhít kia, đứa không còn cha, đứa không còn mẹ, ngơ ngác như những con chim non lạc đàn, cô không đành lòng buông tay.

Tiếng lầm rầm ngày một rõ hơn, Thanh bừng tỉnh, cô thấy người ướt đẫm mồ hôi. Như phản xạ tự nhiên, cô đưa tay quờ quạng hai bên giường. Không thấy bà ngoại đâu, cô hoảng hốt, bật dậy như lò xo, xỏ đôi dép xuống nền gạch lạnh, chạy xuống phòng khách. Tiếng bà vọng lại đều đều:

- Nào, các con nghe cô đọc mẫu nhé, A, Á, Ớ, Bờ... rồi, bây giờ cô mời bạn Tú, đọc bài lại cho cô nào....

Thanh nhẹ nhàng bước đi, cô bỏ dép ra khỏi chân. Hơi lạnh từ gạch đã khiến bàn chân cô quéo lại, những ngón chân khẽ đan vào nhau. Sợ bà giật mình, Thanh đứng xa xa nhìn. Tay bà đang di di trên bức tường, ngón tay cụm lại, giống như đang cầm viên phấn. Bà cứ thế đưa đi, đưa lại, mắt nhìn xuống phía màn đêm u tối của căn phòng, dường như bà đang nghĩ đây là lớp học và lũ học trò nhỏ đang ngồi dưới đó.

Bất giác Thanh ứa nước mắt, thương người bà tảo tần của mình. Bà đã nghỉ hưu được gần hai mươi năm, hai mươi năm ấy có lẽ kí ức về ngôi trường, bảng đen, phấn trắng luôn hiện hữu trong tâm khảm.

Để đến cả giấc mơ, cơn mộng mị ban đêm cũng kéo bà về với những năm tháng còn trên bục giảng. Cái dáng lòng khòng đến đau lòng ấy, một thời từng là cô giáo bản, trắng trẻo, xinh đẹp, giọng nói như chim sơn ca gọi mùa Xuân về bản.

Thanh từng là cô học trò nhỏ của bà, ngồi ngay ngắn, nghiêm túc trên ghế nhà trường để nghe bà giảng bài. Và cũng đã từng bị “cô giáo bà” cho ăn thước kẻ vào tay vì tội con gái con lứa mà viết chữ xấu. Bao năm rồi, cô đã trở thành cô giáo bản, đeo đuổi ước mơ kiếm tìm con chữ cho những em nhỏ nơi bản làng này.

Thanh khẽ khàng bước đến bên bộ bàn ghế tiếp khách, ngồi lặng lẽ quan sát bà. Dường như bà không biết đến sự xuất hiện của cô cháu, vẫn say sưa với những câu ê a. Giọng bà trầm ấm và đều, cứ thế lướt qua. Thanh lại đóng vai trò là một cô học sinh nhỏ bé ngày nào, ngồi chăm chú nghe bà giảng bài.

Có lẽ, sau cú sốc ngập trường, ngập lớp và nỗi đau chôn vùi phía dưới lớp bùn sâu kia, đã làm bà ngoại không khỏi xót xa, nghĩ về quãng thời gian ngồi trên bục giảng. Bây giờ, những ngày tháng mười một lại ùa về, nhắc nhở người giáo viên về một ngày đặc biệt của mỗi nhà giáo, ngày 20 tháng 11. Thanh biết, năm nay để trụ lại trường, chăm lo cho các con có bữa ăn giấc ngủ thôi là điều đã quá khó khăn, chứ chưa nói đến những điều kiện khác.

Thanh nhớ một khoảng không bao la trước mặt ngày nào, đồng lúa bậc thang vàng rực, chờ tay người gặt, những em bé người Dao tung tăng trong đám hoa tam giác mạch. Cơn gió lành lạnh thổi qua những đôi má hồng hây hây.

Mùa về trên rẻo cao bao yêu thương. Năm học mới bắt đầu với nhiều hứa hẹn. Mặc dù trước đó cô và một số đồng nghiệp cũng phải vào bản vận động những em học sinh bỏ học để tiếp tục hành trình mới.

Bây giờ, nhìn lớp bùn nhão nhoẹt và màu đỏ của vùng đất sạt lở, bao nhiêu nỗi lo âu thường trực trong tâm hồn người giáo viên trẻ. Biết bao lần, giấc mơ đến trường của lũ nhỏ vùng núi bị chặn lại bởi những tác động khách quan và chủ quan. Ngay cả cô, người giáo viên tình nguyện ở lại bản vì lũ trẻ bây giờ cũng thấy nhiều mông lung, diệu vợi.

Hôm nay, đứng giữa mênh mông đất trời vùng núi, cô mới nhận thấy sức mạnh của con người thật nhỏ bé, không thể nào trụ nổi với cơn hung dữ của mẹ thiên nhiên. Bây giờ những ngày ở lớp ngoài việc dạy kiến thức trong sách giáo khoa, cô còn nghiên cứu những bài giảng về bảo vệ môi trường, thiên nhiên và chính cuộc sống hiện tại của các con.

* * *

- Bà ơi, hay con đưa bà về phố với bố mẹ con, trên điểm trường này đã có con với một số giáo viên. Con sợ một mình con sẽ không xoay xở nổi với nhiều thay đổi ở đây? – Thanh đã nói như thế với bà ngoại khi vật lộn với những vất vả sau bão và công tác giảng dạy. Sau buổi tối chứng kiến bà mộng du, Thanh rất sợ, một ngày nào đó, bà không tỉnh táo rồi làm việc gì khác nguy hiểm hơn.

Bà cười hiền hậu, nét cười của cô giáo năm nào:

- Sao lại bỏ lũ nhỏ mà về dưới xuôi được con. Lúc này là lúc cần thiết nhất để giúp đỡ chúng nó. Bà đang tính sẽ mở lớp buổi tối ở nhà mình, ban ngày đứa nào không đi học được thì buổi tối học. Nhà mình sẽ là nơi để lũ nhỏ có thể học tập thoải mái. Bà vẫn còn sức khỏe, vẫn còn giảng dạy được, bà sẽ ở đây giúp con cho đến khi mọi thứ ở đây ổn định.

Thanh nhìn bà đầy ái ngại, cô biết nếu có nói thêm bao nhiêu đi nữa thì bà vẫn sẽ không đồng ý về dưới xuôi.

* * *

- Cô ơi, chắc con sẽ phải nghỉ học thôi, bố con mất rồi, mẹ con cũng đã bị vùi trong đống đổ nát ấy, nhà con giờ chỉ còn mỗi mình con và ông nội. Ông con già rồi, chẳng làm gì được nữa, con phải nghỉ học để đi làm, chăm lo cho ông.

Trong bóng chiều hoàng hôn tím thẫm, dáng thằng bé lớp năm, gầy còm, ốm yếu sau bao ngày thiếu ăn, đứng ở cửa nhà giáo vụ nói với Thanh những điều ruột gan. Mặc dù trong mắt nó, khao khát đến trường vẫn còn rất mãnh liệt. Đôi mắt tinh anh, trong veo ấy đậu trên những cuốn sách ở thư viện, ngập ngừng không muốn rời đi. Cô ôm thằng nhỏ vào lòng thì thầm:

- Chắc phía nhà trường sẽ có phương án, con cứ yên tâm đi học. Cô không muốn các con lỡ dở việc học, sau này tương lai các con sẽ khổ đấy!

Thằng bé òa khóc:

- Nhưng cô ơi, nhà con mất sạch rồi, ông con ốm yếu, không có con, ông cũng sẽ không chịu nổi.

Thanh cứ đứng như thế, tần ngần. Hai cô trò ôm nhau trong một chiều mùa Đông ảm đạm. Cái lạnh đầu Đông vùng núi thấm vào da thịt của hai cô trò. Nước mắt chảy dài trên gò má, nóng hổi.

* * *

- Năm nay trường mình sẽ không tổ chức lễ kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Toàn bộ số tiền quyên góp được từ các nhà hảo tâm, trường sẽ trích ra hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng đợt bão lũ vừa qua. Đồng thời hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cho các giáo viên còn ở lại trường.

Thầy nghĩ năm nay sẽ rất lạnh, thời tiết vẫn còn thay đổi khắc nghiệt, các cô giáo, thầy giáo trường mình kiên trì và phải đón nhận điều đó. Số kinh phí còn lại, chúng ta phải tiết kiệm để chuẩn bị cho mùa lạnh này, mua áo ấm cho các con, chuẩn bị đồ ăn, thức uống hỗ trợ các con khi cần thiết.

Thầy hiệu trưởng vừa nói, ánh mắt thầy rưng rưng. Những giáo viên ngồi ở dưới không khỏi xúc động. Bây giờ đối với họ, ngày kỉ niệm nghề giáo không còn quan trọng nữa vì công việc trước mắt vẫn là ổn định cuộc sống, công việc học tập cho các con. Thậm chí thầy cô giáo còn là những người thay cha, mẹ của lũ trò nhỏ để tâm sự, an ủi chúng vượt qua những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời.

* * *

Buổi họp giao ban đầu tháng bắt đầu khi các thầy cô cho học sinh nghỉ học vào thứ Bảy. Mọi người thảo luận rôm rả về phương án giữ giáo viên ở lại trường. Một số giáo viên bày tỏ sự nuối tiếc nhưng lí do nhà có con nhỏ, công việc và phải chăm bố mẹ ở quê nên muốn xin rút khỏi điểm trường. Thầy hiệu trưởng ra sức níu kéo. Đang bàn luận sôi nổi, chợt cánh cửa phòng họp bật tung, bà ngoại Thanh từ đâu xuất hiện, giọng bà trầm ấm:

- Mọi người có thể cho cô giáo già này xin mấy phút, trình bày phương án cũng như mong muốn hỗ trợ điểm trường mình trong thời gian tới.

Thầy hiệu trưởng quá bất ngờ. Anh bối rối, chạy đến bên cô giáo của mình, người cô đã từng dìu dắt anh từ thời anh học cấp một, cho đến khi anh tốt nghiệp, ra trường và về công tác tại đây. Anh đưa bàn tay ra, đỡ lấy cô, mời cô ngồi vào bàn họp luôn cùng các giáo viên.

Thanh đứng như trời trồng nhìn bà ngoại, mắt cô rưng rưng. Sáng nay trước lúc tới trường, cô đã cẩn thận dặn bà ở nhà, trưa nay tan làm cô sẽ ghé chợ, mua cho bà vài món ăn bà thích. Nhưng bây giờ... trước mắt cô là bà ngoại, bà đang dõng dạc từng lời, từng câu, sự tận tụy cho lớp nhỏ. Cả hội đồng nhà trường nhìn cô giáo, đầy sự ngạc nhiên, thấu cảm và khâm phục.

Cô giáo vừa dứt lời, cả hội đồng nhà trường vỗ tay râm ran. Cô Huệ - người đang có ý định xin về xuôi bỗng đứng lên bối rối:

- Em xin lỗi cô giáo và nhà trường mình, em xin rút lại lời nói, em sẽ ở lại cùng cô và trường mình tiếp tục hỗ trợ các em tiếp bước học hành.

Cả hội đồng nhà trường vỗ tay râm ran. Đâu đó, có mấy cô giáo len lén lau nước mắt. Thanh trìu mến nhìn bà ngoại. Chưa bao giờ cô thấy bà đẹp và minh mẫn đến thế.

* * *

Dọc quãng đường trở về nhà, bà ôm eo Thanh thật chặt, thủ thỉ:

- Trưa nay cháu gái nấu gì cho bà ăn nào? Sắp tới bà sẽ đi dạy với cháu đấy!

- Cháu sẵn sàng phục vụ bà những món bà thích cô giáo của cháu ạ! Nhưng cháu có một thắc mắc, là tối hôm đó, bà có nhớ...?

Bà ngoại cười hí hửng:

- Bà giả bộ đấy, để con biết là bà nhớ trường, nhớ lớp và muốn hỗ trợ các con biết nhường nào. Bà không khỏe sao bà kham nổi?

Hai bà cháu cười râm ran. Lũ nhóc đi bộ hai bên đường đang dọn cây, cúi đầu chào cô, chào bà.

Ngày Nhà giáo năm nay, Thanh thấy ấm áp biết bao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người tuy tuổi còn trẻ nhưng đã suy giảm ham muốn tình dục. Ảnh minh họa: L.N

Phái mạnh cũng có lúc 'yếu'

GD&TĐ - Sức khỏe sinh lý từ lâu đã được coi là biểu tượng làm nên bản lĩnh và sự tự tin của phái mạnh.