Truyện ngắn Mợ Út

GD&TĐ - Ngồi trước di ảnh của con, mợ trở nên vô hồn, rũ rượi, héo mòn. Thương vợ, cậu an ủi và nhẹ nhàng dìu mợ vô nghỉ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

- Ráng đi con, chút nữa là hết à! Mợ Út vừa an ủi vừa xoa bóp thân thể nó.

Nhưng thằng Nghiêm không cảm giác được điều đó nữa vì thân thể của nó giờ đã lạnh ngắt và dần cứng đơ hết rồi. Nó nhìn mợ, từng giọt nước mắt cứ chảy dài trên má nhưng không nói được điều gì. Nó cố há to miệng nhưng cũng vô ích.

Gương mặt nó bắt đầu trắng dần, lạnh toát. Hai mắt hướng về mợ mà chẳng kịp nhắm lại. Từ cổ mợ, hai tay nó nới lỏng dần rồi rơi xuống. Nhìn thấy con không còn sự sống, mợ thốt lên trong đau khổ, những giọt nước mắt thay nhau chảy dài trên má, mợ lịm dần trên cánh tay cậu.

Tiếng chuông chùa cũng bắt đầu ngân vang báo thức như thường lệ nhưng hôm nay có gì đó khác lạ vô thường, âm thanh kéo dài hơn bao giờ hết. 5 giờ, trời ửng hồng đằng Đông, nhà nhà đã sáng đèn chuẩn bị cho một ngày mới với những công việc mới. Nhưng có ai đâu biết rằng, gia đình cậu mợ vừa trải qua một đêm đầy đau khổ, mất mát.

Sau hai tiếng đồng hồ, mợ Út dần tỉnh lại nhưng nỗi buồn mất con lại làm mợ đau thêm. Mợ tự trách mình sao không cứu sống được con. Mợ dằn vặt tâm can và trách đời đối xử bạc với mợ. Trách người không có lòng thương, nỡ nhẫn tâm gián tiếp cướp đi một sinh mạng thơ ngây, bé bỏng.

Con nằm đấy, mợ ngồi đây, gần nhau trong gang tấc nhưng vô cùng xa cách. Mợ chỉ trích ông trời tại sao tạo ra cơ sự như vầy? Để cho mợ và nó chỉ gặp nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi rồi hai người lại phải cách xa, âm dương cách biệt.

Ngồi trước di ảnh của con, mợ trở nên vô hồn, rũ rượi, héo mòn. Thương vợ, cậu an ủi và nhẹ nhàng dìu mợ vô nghỉ.

Sau đám tang, cuộc sống trở lại bình thường nhưng mợ vẫn còn khắc khoải, nhớ thương con. Mợ đau lòng cho những kẻ “ăn mật trả gừng”, “ăn mít bỏ sơ, ăn cá bỏ lờ”.

Nhớ khi mợ Út về làm dâu, ông bà ngoại rất thương yêu bởi mợ vừa đẹp nết đẹp người, vừa biết yêu thương, quan tâm chăm sóc gia đình, đặc biệt là luôn hiếu thảo với ông bà ngoại.

Không chỉ thế, đối với hàng xóm láng giềng, mợ chưa bao giờ làm mất lòng ai. Trong xóm có việc gì cần thì mợ không bao giờ lưỡng lự từ chối, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ họ. Đôi lúc, thấy họ tội nghiệp, mượn tiền không ai cho, mợ đành bán cả đôi khuyên tai lấy tiền cho họ mượn.

Vì cái tính hay thương người nên mợ luôn được mọi người quý mến. Vậy mà hôm nay, thằng Nghiêm – con trai của mợ bị bệnh, không có tiền chở đi bệnh viện, mợ đành đi vay đi mượn, năn nỉ van cầu nhưng họ chẳng đoái hoài gì đến, còn xua như đuổi tà. Vì thế, con của mợ không qua khỏi.

Nghĩ đến đó, mợ càng đau lòng hơn. Hằng ngày, ngồi trên tấm phản trước sân nhà, dưới tán cây xoài, ở cánh đồng xa xa, mợ luôn nhìn về hướng đó như đang trông chờ điều gì, không ai biết được.

*****

- Nhanh, nhanh ông ơi, mau đưa tôi ra chợ để kịp mua ít đồ về giỗ nó!

- Từ từ bà ơi, chợ còn đó nó có đi đâu đâu mà bà sốt sắng quá vậy?

Hôm nay là ngày giỗ đầu của thằng Nghiêm, mợ tranh thủ dậy sớm ra chợ mua những món đồ còn tươi về để nấu mâm cơm cúng con.

Mợ nhớ rất kĩ khi thằng Nghiêm còn sống, nó rất thích món cá phi sốt cà chua, thêm ớt cay cay vào nó càng thích chí hơn. Vì thế đã làm cho mợ càng sốt sắng hơn để ra chợ sớm tìm mua những con cá phi vừa to vừa tươi, ít cà chua để làm mâm cơm cúng nó.

Ngoài món khoái khẩu đó, thằng Nghiêm còn thích xem truyện tranh Doraemon, vì vậy mợ cũng tranh thủ ghé ngang cửa hàng truyện mua cho nó.

Trên bàn thờ của con, mợ bày đủ thứ, toàn những món nó thích. Nhìn di ảnh thằng Nghiêm, mợ lại khóc và cảm thấy xót thương con nhiều. Khói hương lan tỏa khắp nơi, nhè nhẹ bay tạo nên không gian huyền ảo, cùng với hương hoa cúc dìu dịu len lỏi làm cho niềm cảm xúc của mợ thêm sâu lắng, dâng trào. Và rồi...

***

- Má ơi... má.... má mau khỏe lại đi? Hu hu. Nó vừa gọi vừa khóc.

- Thôi con, mau nín đi, chút nữa là má khỏe à! Má có bị sao đâu. Ba đang mua thuốc về cho má, khi có thuốc má uống vào là hết bệnh ngay thôi! Mợ vừa an ủi vừa dỗ dành.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Một lát sau, mợ khỏe lại. Thằng Nghiêm thấy thế nó mừng lắm. Nó chạy nhảy hết chỗ này rồi đến chỗ khác, vừa chạy vừa hát lí nhí gì đó không nghe rõ. Bỗng dưng, nó chạy lại ôm mợ và thủ thỉ:

- Sau này, Nghiêm lớn lên, Nghiêm sẽ làm bác sĩ chữa bệnh cho má, chỉ một mình má thôi.

Nghe con nói vậy, mợ Út cười hạnh phúc và bảo:

- Vậy, Nghiêm phải cố gắng học, học thật giỏi để khi lớn lên làm bác sĩ chữa bệnh cho má nha!

- Dạ. Nó cười lên thật tươi và vòng tay ra sau lưng ôm mợ thật chặt hình như không muốn cho mợ đi đâu hết.

Một tuần sau đó, mợ đã hết bệnh, sức khỏe cũng dần hồi phục tốt, ngồi trước hiên nhà, thấy trời nắng gắt lại khô khan, mợ lo cây xoài sẽ bị khô héo nên nhanh tay lấy thùng múc nước tưới vào gốc.

Cách đây một năm, cây xoài này đích thân mợ và thằng Nghiêm dùng cuốc đào hố để trồng vào. Sân nhà tuy không rộng lắm nhưng đủ để trồng được cây xoài. Sau khi trồng, hằng ngày, nó rất chăm chỉ chăm sóc cho cây. Cứ mỗi buổi chiều, nó cùng mợ tưới nước, nhổ cỏ xung quanh gốc. Đứng bên cạnh cây xoài, nó thầm thì bên tai mợ rằng:

- Má ơi, từ đây Nghiêm sẽ nghe lời má nhiều hơn, ngoan ngoãn ăn nhanh chóng lớn để sau này trở thành người lớn, khỏe mạnh che chở cho má giống như cây xoài này nè. Nó có nhiều cành, vươn cao lên cho nhiều bóng mát che mát cho má và Nghiêm như hôm nay vậy.

Lời nói của Nghiêm vừa rồi đã làm cho mợ càng thêm xúc động và thương yêu nó nhiều hơn, mới có tám tuổi thôi sao mà nó biết suy nghĩ nói ra những lời nói với mợ như vầy.

Nắng dịu dần, không còn gắt như hồi nãy nữa, trời cũng bắt đầu có gió, những làn gió nhẹ nhàng, lướt thướt khẽ chạm vào ngọn cỏ trên cánh đồng tạo nên những làn sóng cỏ gợn đều tăm tắp. Thằng Nghiêm đang thích thú chơi đùa ngoài kia. Nó nhảy lên nhào xuống trên đồng cỏ. Chốc chốc, nó lại giơ giơ cánh tay lên như muốn mời gọi ai đó. Nhìn thấy con vô tư vui đùa, lòng mợ cảm xúc vô bờ.

Hôm nay là ngày bế giảng năm học, nó được nhà trường tặng giấy khen nên mừng lắm. Vừa về đến trước sân, nó bỏ tay cậu ra liền chạy một mạch vô nhà, cầm tấm giấy khen khoe với mợ:

- Má, Nghiêm được giấy khen nè. Má vui không?

Thấy thằng bé vui, mợ cũng mừng theo, giơ tay lên sờ sờ vào đầu nó. Thấy vậy, nó khoái chí cười lên thật to rồi chạy loanh quanh ngôi nhà, miệng thì hát lí nhí chẳng ai nghe được gì. Một hồi lâu, nó dừng lại, đi đến trước mặt mợ, hỏi:

- Má ơi, biển có đẹp không? Bữa nào má chở Nghiêm đi xem biển nha?

Khi còn học, nó có nghe cô giáo giảng bài về biển: Biển rất đẹp, rất rộng, nước lại trong xanh, sóng vỗ rì rào vào bãi cát trắng. Và biển có thể tạo ra muối cho chúng ta ăn hằng ngày. Đến biển, chúng ta có thể thấy nhiều thuyền bè tấp nập qua lại...

Nghe cô giáo giảng tới đấy, nó lập tức muốn đi xem biển liền nhưng nghĩ lại nó còn đang học. Sau bài giảng đó, thằng Nghiêm luôn khát khao đứng trước biển, xem biển có giống như trong lời giảng của cô giáo không. Và hôm nay, nhân kỳ nghỉ Hè, và được giấy khen nữa nên nó mới luôn miệng hỏi mợ điều đó.

Một đứa trẻ thật thơ ngây với bao điều mong ước bình dị, đẹp đẽ, nhỏ nhoi. Cảm nhận được điều đó, cậu mợ liền hứa với nó ngay.

- Ngày mai, gia đình chúng ta đi luôn, được không?

Nghe được câu nói của mợ, nó vui mừng khôn xiết, giống như mọi khi, nó chạy lòng vòng ngôi nhà, miệng vẫn cứ hát nhưng lần này tiếng hát nghe rất rõ: “Ba là cây nến vàng/ Mẹ là cây nến xanh/Con là cây nến hồng/Ba ngọn nến lung linh/Thắp sáng một gia đình”.

Vừa xuống xe, nó chạy ào ra biển, dang hai cánh tay ra, mặt ngước lên trời, hít thật sâu và thở ra thật dài. Có lẽ lúc này là lúc nó thả hồn theo biển.

Mặt trời đã nhô cao, tỏa ra ánh sáng thật chói chang. Dưới ánh sáng đó, trông mặt biển như một tấm gương pha lê, lóng lánh. Những đợt sóng cứ dồn dập đánh vào làm cho mảnh gương ấy vỡ ra rồi lại hợp lại. Cùng với đó, là thứ âm thanh nhịp nhàng, đều đặn, rì rào của sóng biển.

Gió biển thổi vào làm cho nó cảm thấy mát mẻ và thoải mái hơn nhiều. Nó nhận thấy rằng: Biển thật đẹp, thật rộng lớn, mênh mông và bao la cho dù nó có nheo mắt đến đâu cũng chẳng nhìn thấy được bến bờ bên kia. Nó tiến lại gần cậu mợ định nói điều gì đó nhưng không biết có một con sóng từ xa đang tiến về phía nó, ập vào làm tung tóe những bọt trắng xóa, ướt cả áo quần.

Thấy có vẻ thích thú lắm, nó liền nắm tay cậu mợ kéo xuống biển cùng tắm, cùng vui đùa với sóng.

Trời bắt đầu tối dần, mặt biển cũng phẳng lặng, im lìm, không một gợn sóng. Bãi biển càng trở nên trống vắng hơn. Mặt trời lấp ló sau hàng dương rồi cũng từ từ khuất dạng.

Đứng bên cạnh cậu mợ, nó thấy từng đoàn thuyền đánh cá nối tiếp nhau tiến về nơi xa của biển. Những ánh đèn màu bắt đầu sáng lên và nhấp nháy tạo nên khung cảnh lung linh, diệu kỳ. Mắt hướng ra biển, nó thầm ước nó sẽ trở thành con thuyền lớn sẽ đưa cậu mợ đi khắp thế gian nhưng điều ước này chỉ mình nó biết.

*****

- Nè bà, tự nãy giờ tôi thấy bà thẫn thờ, suy tư lắm! Đốt có một nén hương thôi sao mà lâu quá vậy? Mau tranh thủ ra phía sau coi chừng bếp núc, tôi qua nhà ông bà ngoại có chút việc! Cậu lấy nón vội vàng bước ra.

Giờ đây, ngôi nhà này chỉ còn lại một mình mợ Út, ngó trước ngó sau, tất cả đều trống vắng, quạnh quẽ, không một bóng người.

Không gian yên ắng hơn bao giờ hết. Việc bếp núc đã xong, mợ lại ra ngồi trên tấm phản trước sân nhà, dưới tán cây xoài, hướng mắt về nơi cánh đồng cỏ phía trước.

Bầu trời thật trong xanh, không có một áng mây nào che phủ, đôi lúc có những cánh én chao nghiêng, bay lên lượn xuống. Gió hiu hiu thổi nhẹ chạm khẽ vào nhánh xoài làm cho chiếc chồi non mới mọc rơi xuống tự bao giờ, ngay trước mặt mợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.