Truyện ngắn: Mẹ ơi! Tại sao?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mỗi lần giọng nói non nớt của Bình vang lên ngây thơ, lòng chị thắt lại, đau đớn xót xa cho đứa con thơ tội nghiệp bị tật nguyền từ nhỏ.

Truyện ngắn: Mẹ ơi! Tại sao?

“Mẹ ơi! Sao chân con không giống như mọi người vậy mẹ?”

“Mẹ ơi! Sao con không thể chạy nhảy như bạn bè vậy mẹ?”

Mỗi lần giọng nói non nớt của Bình vang lên ngây thơ, lòng chị thắt lại, đau đớn xót xa cho đứa con thơ tội nghiệp bị tật nguyền từ nhỏ.

* * *

Chị kết hôn khi tuổi vừa tròn mười sáu trăng tròn, anh đi bộ đội, chị ở nhà trông ngóng sớm chiều, khẩn nguyện thắp hương với tổ tiên cho anh được bình an. Ngày chồng chị trở về, cả gia đình hạnh phúc niềm vui sum họp. Hòa bình có mấy gia đình được đón chồng, đón con trở về lành lặn bình an đâu.

“Tui nghe nói bọn lính Mỹ cho máy bay phun cái chất gì đó xuống chỗ vị trí mình đóng quân nhiều lắm, phải không mình?”

“Ừ, nó như làn sương buổi sớm mai dày đặc lắm mình ạ".

“Rồi mình với đồng đội có bị ảnh hưởng gì không?”

“Chúng tôi đều khỏe, chỉ mỗi cây cối rụng hết lá, trơ trọi thân cây, mấy động vật nhỏ chết rải rác khắp nơi, nhìn hoang tàn đau xót lắm”.

Cả chị và anh đều không biết tác hại quái ác của chất kịch độc đó như thế nào, mọi người không ai biết đó là gì. Anh về được mấy tháng, sức khỏe đột nhiên yếu dần.

Mỗi đêm tối, anh trằn trọc mãi không thể chợp mắt, ngực nặng như đá đè, thỉnh thoảng trở mình ho khan mấy tiếng. Chị lo lắng tìm thầy bốc thuốc, từ thuốc nam đến thuốc bắc trong nhà lúc nào cũng thoang thoảng mùi vị của thuốc.

Gió sương đêm bao trùm căn nhà nhỏ, anh mệt mỏi, mạng sống đếm từng ngày là lúc chị phát hiện mình mang thai. Từ việc nhà đến việc đồng áng, một mình chị lo trong ngoài, vất vả cực nhọc chị không than vãn.

Mỗi đêm đứng trước bàn thờ ông bà, chị xoa bụng thắp hương nhủ thầm. Khấn ông trời cho anh được khỏi bệnh, chị không muốn con vừa chào đời đã mồ côi cha.

“Mình kệ tui, mình đừng lo cho tui nữa. Anh chín cũng mất thì tui cũng không còn sống được bao lâu”.

Anh lấy tay che miệng ho khan, cơn ho kéo dài như không có điểm dừng. Mắt chị đỏ hoe vòng tay vỗ lưng cho anh. Khi cơn ho dịu lại, mặt anh không còn chút khí sắc, đôi mắt mơ màng, ngực phập phồng hơi thở nặng nhọc.

Anh Chín là đồng đội cùng trở về, lành lặn như anh. Anh ấy phát bệnh ho trước anh một tháng, chị vợ cũng chạy khắp làng khắp ngõ, ai chỉ thuốc thang gì chị cũng cố gắng tầm về lo cho anh. Thế mà cuối cùng anh cũng không thể qua khỏi, anh vừa mất cách đây một tuần, để lại vợ trẻ con thơ và mẹ già khóc thương.

Không ai tìm ra nguyên do căn bệnh cho đến khi từng người lính trở về từ vùng Mỹ phun thuốc hóa học lần lượt đổ bệnh rồi ngã xuống. Người thân đau xé lòng, xé gan…

Một đêm gió giông. Mưa lớn kéo dài. Trong căn nhà lụp xụp có vài chỗ nước mưa chen qua khe hở nhỏ trên mái lá nhỏ xuống nền kêu lộp bộp. Chị đau đớn nhìn anh quằn quại trong cơn ho, cơn ho vừa dứt anh mệt mỏi giọng đứt quãng:

“Chắc tui không ở lại với mình được nữa rồi. Tui buồn vì không được nhìn mặt con. Tui cũng xin lỗi mình nhiều vì chẳng thể cùng mình chăm lo cho con khôn lớn. Mình hãy đặt tên cho con là Bình. Tui mong con bình an khôn lớn, bình yên sống hạnh phúc”.

Anh trút hơi thở cuối cùng trong tiếng khóc thê lương của chị.

* * *

Gần đến ngày sinh, chị mệt nhọc hơn nhưng cũng cố gắng làm những việc lặt vặt trong nhà. Những lúc trái gió trở trời chị lại đứng trước bàn thờ anh, thắp nén nhang rồi thì thầm to nhỏ mong anh phù hộ chị sinh nở bình an. Một hôm, chị đang quét lá ngoài sân thì chị Ba hàng xóm hớt hải chạy vào nhà báo tin. Chị Ba bảo:

“Chị Lan vừa hạ sinh một bé gái mà thương lắm thím ạ. Mẹ tròn nhưng con không vuông. Đứa nhỏ sinh ra có phần đầu to như quả dừa khô, tay chân bé tẹo nhăn nheo như que củi khô, chị Chín và mọi người bàng hoàng khóc hết nước mắt”.

Người ta bàn tán xôn xao về đứa con của chị Lan mới sinh, người ta đồn chị ăn ở thất đức làm chuyện trái luân thường đạo lý nên ông trời trừng phạt sinh ra quái thai chứ người ta nào có biết đứa nhỏ bị ảnh hưởng từ người cha đã mất. Chồng chị Lan cũng là bộ đội trở về từ vùng Mỹ phun thuốc hóa học.

Chị tìm đến nhà chị Lan, nhìn đứa nhỏ chị cũng giật mình hoảng sợ nhưng quay sang thấy chị Lan nước mắt ngắn dài, mắt sưng húp chị lại thương xót rồi lặng lẽ nhìn bụng của mình, trong lòng dâng lên nỗi lo lắng bất an.

Chị Lan trải lòng với chị về đứa nhỏ, mỗi lúc nhìn con không lành lặn chị lại không cầm được nước mắt, tự trách mình không cho con được cơ thể lành lặn như bao đứa trẻ khác.

Chồng không còn, con lại không lành lặn nhiều lúc chị muốn tìm đến cái chết nhưng rồi nghĩ lại bỏ lại đứa con tật nguyền không người chăm lo, chị lại cố gắng ôm nỗi đau mà sống, tiếp mặc kệ lời thiên hạ dèm pha. Chị động viên chị Lan cũng như tự trấn an bản thân có lẽ đứa trẻ trong bụng chị sẽ không sao.

* * *

Ngày chị hạ sinh Bình là một ngày trời nắng trong xanh, thời tiết trong lành, chị đau đớn dùng hết sức để sinh ra đứa trẻ, tiếng khóc của đứa trẻ vừa vang lên chị không dám mừng vui mà vội vàng hỏi bà mụ.

“Đứa trẻ thế nào? Con tôi thế nào?”

Có lẽ đây không phải là ca sinh nở đầu tiên bà mụ gặp phải tình huống đứa trẻ không bình thường cho nên bà không sợ hãi hét toáng lên, chỉ thở dài rồi chậm rãi an ủi.

“Mắt mũi miệng của bé đều bình thường, là một đứa trẻ bầu bĩnh đáng yêu chỉ là…”.

Chị đang định thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng tảng đá trong lòng đã được bỏ xuống nào ngờ bà mụ lại ngập ngừng làm lòng chị nóng như lửa đốt.

“Chỉ là thế nào cô nói đi ạ, có phải con tôi không có chân không có tay không?”

Những đứa trẻ mới sinh gần đây gặp phải dị tật lạ thường. Mỗi lần chị nghe đến đều hoảng sợ và lo lắng thêm, rõ ràng cha mẹ đều bình thường nhưng đứa trẻ lại khác biệt đến đáng sợ.

Bà mụ không biết trả lời thế nào để giảm bớt nỗi đau lòng cho chị vì vậy bà nhẹ nhàng ôm lấy đứa bé còn đỏ hỏn đưa đến trước mặt chị, để tự chị nhìn ngắm đứa con của mình.

Chị run rẩy đưa tay bế lấy đứa trẻ rồi dường như chết lặng, lòng ngực nặng trĩu, đứa trẻ có gương mặt bình thường không dị tật nhưng đôi chân bé tí lạ thường, gấp ngược không thể kéo thẳng. Chị bật khóc nức nở.

Chị khóc thương cho số phận của đứa con bé bỏng của mình rồi sẽ như thế nào? Chị khóc tự trách bản thân vì đã không thể cho con được cơ thể bình thường. Bất cứ người mẹ nào khi mang thai đều ao ước đứa con mình sinh ra xinh xắn đáng yêu như thiên thần. Chẳng có nỗi đau đớn nào bằng nỗi đau nhìn con dị tật mà chẳng thể làm được gì thay đổi cho con.

Dù con không có cơ thể trọn vẹn nhưng chị vẫn đặt tên là Bình theo ý nguyện của người chồng đã khuất. Chị cũng mong muốn con được bình an sống hết đời với chị. Chị nghe người lớn tuổi bảo rằng, những đứa trẻ sinh ra đã dị tật sẽ không thể sống được đến tuổi trưởng thành. Chị cũng như chị Lan mỗi ngày đều sống trong đau buồn và lo lắng mỗi khi ôm lấy con vào lòng.

* * *

Bình càng lớn càng xinh xắn đáng yêu. Cô bé thông minh và hoạt bát nhưng mỗi lần nhìn bạn bè chạy nhảy tung tăng, Bình nhìn lại đôi chân chẳng thể di chuyển của mình rồi khóc òa.

Chị đau lòng ôm lấy con an ủi dỗ dành. Mỗi đêm nhìn con ngủ ngoan trên giường rồi nhẹ nhàng đưa tay chạm vào đôi chân không lành lặn của con chị lại rơi nước mắt.

Ngày con còn thơ bé, chưa thể cảm nhận được sự khác thường của cơ thể so với bạn bè cùng trang lứa, con vẫn hồn nhiên ngồi chơi cùng bạn bè. Chị ước gì lúc nào con cũng hồn nhiên như vậy.

Chị không buông xuôi bỏ cuộc. Dù biết là rất khó có thể chữa được dị tật bẩm sinh này nhưng chị vẫn chạy đôn chạy đáo cùng làng khắp ngõ tìm thuốc cho con uống, chỉ mong có một ngày con có thể đứng lên và chạy nhảy, khung cảnh mà mỗi đêm chị đều mơ rồi giật mình tỉnh giấc khóc lặng giữa đêm.

Những năm đó không ai biết nguyên nhân những đứa trẻ có cha mẹ lành lặn nhưng bị dị tật là do đâu? Mãi đến sau này chị mới biết nguyên nhân Bình dị tật là do ảnh hưởng của chất độc da cam, chồng chị chết cũng vì nhiễm chất độc này vào người.

Không chỉ có Bình, ngoài kia còn có rất nhiều đứa trẻ khác chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, dù có những đứa trẻ mang dị tật khác nhau, nhưng chúng đều là nỗi đau lòng của tất cả mọi người khi nhìn thấy. Và là vết thương lòng của người làm cha, làm mẹ khi không thể cho con được cơ thể bình thường.

“Mẹ ơi! Hôm nay cô giáo và các bạn ở lớp khen con hát hay đó mẹ, Tết Trung thu sắp tới con còn được biểu diễn văn nghệ trước tất cả các bạn nữa ạ”.

Bình vui vẻ hớn hở kể cho chị nghe về các bạn ở lớp rồi cất giọng hát. Chị len lén lau nước mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc khi nhìn con ngày càng khôn lớn và vui vẻ với cuộc sống thường ngày không còn ủ rũ buồn tủi vì đôi chân tật nguyền.

Chị thầm cảm ơn chính quyền địa phương các ban ngành đã giúp đỡ mẹ con chị hòa nhập với cộng đồng. Nếu không được mọi người giúp đỡ thì mẹ con chị sẽ không có được những ngày tháng vui vẻ hạnh phúc như hiện tại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ