Truyện ngắn: Ông giáo… 'gàn'!

GD&TĐ - Ông giáo năm nay đã gần tám mươi tuổi. Vợ mất sớm, ông sống cùng Hiền, con trai cả trong căn biệt thự ở trung tâm thành phố.

Truyện ngắn: Ông giáo… 'gàn'!

Ông tên là Thảo, nhưng ở cái phố này, người ta vẫn kính trọng gọi là “ông giáo”. Nghe đâu, trước khi nghỉ hưu, ông dạy môn Toán tại một trường cấp ba. Vào dịp hai mươi tháng mười một hằng năm, vẫn có một vài tốp học sinh tóc đã muối tiêu đến thăm và tặng hoa cho ông.

Cả năm người con trai của ông, đứa nào cũng thành đạt, nhưng Hiền thì thành đạt nhất. Nghe nói, Hiền là Tổng Giám đốc một công ty lớn. Chả gì mà giàu thế, nhà vừa to, vừa đẹp lại có tới hai cái ô tô bóng loáng trong ga-ra...

Có những người con như vậy, chắc chắn, ông giáo phải là người bố rất sung sướng và hạnh phúc, ít ra về mặt vật chất! Điều đó là chắc chắn, vì chỉ cần ông giáo đưa ra yêu cầu gì, các con ông liền đáp ứng ngay.

Sáng nào cũng vậy, ông giáo Thảo dắt chiếc xe đạp do cậu út chế riêng cho ông đi tập thể dục ở vườn hoa thành phố. Chiếc xe đạp ba bánh, có cả mái che nắng, che mưa.

Ông giáo thuê thợ gắn thêm cái giá to bằng inox để đựng đồ lặt vặt. Sở dĩ cậu út chế cho ông chiếc xe đạp ba bánh là phòng khi xảy ra va quệt giao thông, người già lóng ngóng, mất thăng bằng mà vẫn không bị lật. Ông giáo đã lớn tuổi, lại bị tai biến nhẹ một lần nên các con ông lo xa như thế cũng phải!

Một ngày, ông giáo Thảo đi thể dục hai buổi, sáng và chiều. Trừ những hôm mưa to gió lớn, các con ông không cho đi, còn đâu thì đều đặn như vậy.

***

Sáng nay, một người trong phố đi làm bảo vệ đêm về sà vào quán nước đầu phố cho biết: Chính anh tận mắt chứng kiến ông giáo Thảo đang tha thẩn nhặt phế liệu trong đống rác trên một tuyến phố nhỏ cách nhà chừng hai cây số. Sợ nhìn nhầm, người này còn bí mật đi theo. Sau khi chất đầy phế liệu trên chiếc xe đạp ba bánh, ông giáo chở đến một tụ điểm thu mua đồng nát để bán...

Ông giáo mà phải đi nhặt rác bán? Thật khó tin! Các con ông giàu có như vậy mà lại để ông túng thiếu hay sao?... Một người khác sực nhớ ra điều gì thêm vào: Thôi đúng rồi! Có lần, tôi bắt gặp ông giáo đứng nói chuyện với một phụ nữ làm nghề mại dâm, quen mặt ở khu vườn hoa. Hay là vợ ông ý chết lâu ngày sinh ra đổ đốn...?

Chuyện đến tai Hiền, làm anh xấu hổ như muốn chui xuống đất. Mẹ mất, cả năm anh em dồn tình thương cho bố. Cách đây ít tháng, Hiền còn tìm cho bố người giúp việc nhưng ông cụ nhất định không chịu. Ông nói, ông đã quen sống dân dã, không muốn nhờ vả, phụ thuộc vào ai.

Thời trẻ, ông xốc vác, chịu thương chịu khó, ngoài giờ đi dạy ở trường, về nhà, ông không nề hà việc gì để kiếm thêm tiền nuôi năm anh em ăn học. Nay anh em Hiền muốn báo đáp, nhưng ông sống đơn giản, không có nhu cầu gì lớn nên cũng chẳng biết làm thế nào để bố được hưởng thụ, sung sướng hơn.

Vừa nhìn thấy ông giáo về tới nhà, Hiền chạy ra cửa đón và hỏi:

- Hàng xóm người ta bảo bố đi nhặt rác bán. Nhưng con không tin. Chúng con có để bố thiếu thốn đâu mà bố làm vậy, phải không?

- Đi nhặt rác thì đã sao nào! Tôi kiếm tiền bằng sức lao động của tôi thì chẳng việc gì phải xấu hổ cả.

- Nhưng bố cần tiền để làm gì? Bố nói, chúng con sẽ đưa tiền cho bố...

Ông giáo im lặng không trả lời Hiền. Ông lặng lẽ đi vào buồng vệ sinh để rửa tay chân rồi lên phòng nghỉ.

Ngay lập tức, Hiền cầm điện thoại triệu tập 4 người em đến để “họp khẩn”.

- Bố lẩm cẩm, gàn dở rồi, đi nhặt rác kiếm tiền thì khác gì bôi tro trát trấu lên anh em mình, phải làm gì để bố dừng lại. Nếu không, anh em mình không còn mặt mũi nào nhìn hàng xóm nữa. Người anh cả mở đầu cuộc họp.

- Việc này phải tìm hiểu cho chính xác, kẻo lại nghi oan cho bố. Cậu hai góp ý.

Để thận trọng, anh Hiền giao cho cậu út xác minh lại thông tin. Ngay hôm sau, cậu út xin cơ quan nghỉ một ngày để theo dõi bố. Đúng như những gì hàng xóm mách, ông giáo có đi nhặt rác. Nhưng đáng xấu hổ hơn, số tiền bán phế liệu, chiều về ông đưa hết cho một người phụ nữ trẻ làm nghề mại dâm ở khu vực vườn hoa thành phố.

Đến nước này thì phải có thái độ kiên quyết với bố. Cậu út đưa ra hai phương án. Một là tịch thu chiếc xe đạp ba bánh - phương tiện đi lại của ông giáo. Hai là thuê lưu manh dằn mặt người phụ nữ mà bố cho tiền; bắt cô gái đó đi nơi khác làm ăn và không được liên hệ với ông giáo nữa.

Sau một phút suy nghĩ, anh Hiền quyết định áp dụng cả hai cách mà cậu út nêu ra.

***

Đã mấy tháng nay, ông giáo Thảo không ra khỏi nhà. Trông ông có vẻ buồn bã. Các con ông nhiều lần đặt vấn đề đưa ông đi du lịch đó đây để thay đổi không khí, nhưng ông không chịu. Cậu út phải xuống thang, mang trả lại bố chiếc xe đạp ba bánh, nhưng ông cũng chẳng đi đâu, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Với một người tính khí không chịu ngồi yên như ông giáo Thảo, việc ở nhà là điều không bình thường.

Sáng hôm đó, anh Hiền thấy ông giáo Thảo vào nhà vệ sinh mãi không ra. Linh tính chuyện chẳng lành, anh quyết định đẩy cửa thì phát hiện ông giáo đã nằm sõng soài dưới nền nhà. Ông được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi...

Đám tang ông giáo Thảo được tổ chức hoành tráng, dòng người đến viếng rất đông, không ai để ý đến một phụ nữ trẻ dắt theo đứa con nhỏ nheo nhóc cứ thập thò ở cửa nhà tang lễ thành phố.

***

... Mới đó mà đã một năm. Hôm nay là ngày giỗ đầu của ông giáo Thảo. Câu chuyện ông giáo đi nhặt phế liệu lấy tiền cho người phụ nữ làm nghề mại dâm không còn ai nhắc đến nữa. Nhưng với các con ông giáo Thảo, đó là một câu chuyện không vui, vì ít nhiều, nó cũng làm ảnh hưởng đến hình ảnh người bố mà các con, cháu ông luôn tôn kính.

Tiệc giỗ đang được bầy biện lên bàn, thì có tiếng chuông. Con anh Hiền chạy ra mở cửa và mang vào một phong thư do bưu điện chuyển đến. Anh Hiền liếc tên người gửi - một người không quen biết. Anh thận trọng bóc phong thư ra đọc:

“Kính gửi các con cụ giáo Thảo. Tôi chính là người phụ nữ xấu xa, đáng nguyền rủa mà các vị đã xua đuổi mấy năm về trước. Tôi cũng là người đã nhận những đồng tiền do cụ giáo đi nhặt nhạnh phế liệu đưa cho. Tôi xin lỗi và rất buồn, vì tôi mà làm mọi người hiểu sai về cụ. Đó là lý do tôi viết lá thư này để thanh minh cho cụ và cũng là nén tâm nhang thắp trước ban thờ cụ để tạ ơn...”.

Bức thư dài tới ba tờ giấy, viết kín hai mặt, anh Hiền phải đọc mãi mới hết.

***

... Đi tập thể dục ở công viên thành phố, ông giáo Thảo thấy một người phụ nữ trẻ làm nghề mại dâm mang theo đứa con nhỏ chừng ba, bốn tuổi đứng chờ khách ở đây. Mỗi lần có khách, người phụ nữ này lại bế đứa bé tới gửi bà bán hàng nước ở vỉa hè gần đó để “đi khách”.

Đứa bé rất ngoan, nhìn nó, ông giáo Thảo động lòng trắc ẩn. Chỉ vài tuổi nữa, đứa bé sẽ ý thức được công việc mẹ nó làm. Ông day dứt, sợ đứa bé sẽ mang theo mặc cảm nhơ nhớp về mẹ suốt đời.

Ông gặp và khuyên cô gái đưa bé đi nhà trẻ, nhưng cô gái nói không có tiền. Đó là lý do vì sao ông giáo Thảo đi nhặt phế liệu để thêm thắt vào đồng lương hưu đưa hết cho cô gái đó, giúp cô ta có tiền gửi con vào nhà trẻ. Ông cũng không muốn xin tiền con, vì nghĩ đây là quyết định của cá nhân ông.

Về phía cô gái bán dâm, sau khi bị các con ông giáo Thảo thuê người xua đuổi, cô nghĩ đây cũng là lúc để cô tìm một công việc lao động chân chính, vì tương lai của con nhỏ và cũng vì muốn đáp lại tấm lòng nhân ái của ông giáo đối với mẹ con cô.

Đọc xong bức thư, năm anh em Hiền không ai bảo ai quỳ rạp trước di ảnh của ông giáo, nước mắt tuôn trào. Trong lòng họ đều tự trách mình, là con cái mà chưa hiểu hết tấm lòng của bố!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ