Nó cố rướn cái cổ họng bé tý, lấy hơi, cất cao tiếng “lảnh lót” của mình để cô bé hàng xóm nghe thấy. Giờ này chắc Liên đang lúi húi trong bếp, chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả nhà. Du thong thả hơn, nó chỉ việc ngồi trên đống củi, nheo nheo đôi mắt một mí, nhìn ngó khắp nơi.
Bữa nay má rảnh, má biểu thôi, để cơm chiều má nấu cho. Nhà có hai má con, bắc lon gạo, thả vài quả trứng gà vào trong. Rồi ra vườn, ngắt mớ rau tập tàng, hái vài quả cà, miếng lá lốt, thế là xong nồi canh.
Cơm chín tới, má lấy đũa cả gắp trứng bỏ vào chén nước sôi nguội, để lớp vỏ bong ra, một chốc chỉ việc bóc, bỏ vào chén nước mắm, cắt vài lát ớt mỏng. Vậy là hai má con có món mặn buổi chiều.
Tánh má đơn giản, mấy nay Du sống với má, nó cũng hiểu bà sống tiết kiệm, đơn giản và hiền lành, nên mỗi khi má nói điều gì đó, nó đều im lặng lắng nghe. Một phần nó muốn má không phải bận tâm nhiều về sự trưởng thành, lớn lên của nó. Phần nữa nó muốn được bù đắp công dưỡng dục bao lâu nay má dành cho nó.
Thỉnh thoảng, trong cơn mưa chiều nặng hạt xóm Chồi, nó thường chui vào trong lòng má, thủ thỉ những điều ở trường, ở lớp. Hệt như lúc nó còn bé xíu, lúc nào cũng muốn vòng tay má ôm nó, truyền hơi ấm ấy để nó có thêm động lực vượt qua những tháng ngày gian nan phía trước.
Mỗi lần nhìn cái dáng nhỏ bé, lưng hơi cúi của má, không hiểu sao ngực nó lại nhói đau. Cảm giác xưa kia ùa về trong tâm khảm của nó.
Nó nhớ đó là một chiều đầu Đông ảm đạm, khi nó đang say ngủ thì một bàn tay to bè, nắm lấy cổ nó, tiếng nói rít qua kẽ răng:
- Dậy, đi theo tao!
Tiếng nói như ra lệnh. Du chưa kịp tỉnh ngủ đã bị lôi xềnh xệch ra phía sau nhà. Ở đó, có một chiếc Honda cũ chờ sẵn. Ông ba dượng của nó nhẹ nhàng nhấc bổng lên xe, ra hiệu cho thằng lái xe phía trước nhấn ga chạy. Chiếc xe nhả khói, vút nhanh trong bóng chiều đổ. Vạt nắng cuối cùng, đậu trên khóe mắt của Du.
Nó cố gào nhưng bàn tay to khỏe của ông ba dượng đã bóp nghẹt lấy nó. Nước mắt nó cứ trào ra liên tục. Đầu nó ngắc ngoải. Mồ hôi ướt rượt, chảy xuống chiếc áo cũ. Nó muốn mở miệng gọi tiếng “má”, nhưng chiếc xe đã mất hút sau ngôi nhà ngói ba gian cũ kĩ.
Giờ đó, má nó cũng chưa đi làm về. Nó chỉ muốn nhìn má lần cuối, để thấy gương mặt khắc khổ ấy, in hằn trong tâm trí, sau này tìm về, nó còn có thể nhận ra. Nhưng hình như cuộc bắt bớ, chạy trốn này đã nằm trong kế hoạch, dự tính của ông ba dượng. Và má nó chỉ là người tuân thủ theo mà không dám hé răng nửa lời.
Buổi tối hôm trước, khi má lên giăng mùng cho ba anh em, nó cảm giác má đang khóc. Giọt nước mắt rơi xuống đúng miệng của Du, nó nghe vị mằn mặn. Nó tính chồm dậy, hỏi xem má có chuyện gì. Nhưng nó chưa kịp hỏi, ông ba dượng đã tằng hắng:
- Lẹ lên còn xuống bếp có công chuyện ngày mai, định ngủ ở đó luôn hay sao vậy?
Du nhắm mắt, giả vờ như mình đã ngủ. Nó không thể hình dung chuyện gì sẽ xảy ra đối với cuộc đời của nó. Cho đến khi, nó bị chụp đầu và lôi đi không thương tiếc.
* * *
Du gọi má Liễu là má hai. Ngày bị quẳng lại ở nhà má Liễu, nó chỉ mới năm tuổi, cái tuổi dở dở, ương ương, nửa biết nửa không. Nó nhớ hình ảnh má Liễu chạy như sấp ngửa ra sân đón nó vào nhà.
Trong khi nó đang hoảng loạn, cố vùng ra khỏi cánh tay lực lưỡng của ông ba dượng nhưng không được. Một tuần dài, đêm nào nó cũng khóc, đòi má Liễu đưa nó về với má, với hai em và ngôi nhà thân yêu của nó. Nhưng má Liễu chỉ im lặng, kéo nó vào lòng, vỗ về, mua những thức ăn ngon để nó nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Má biểu:
- Nay con tới đây rồi, má con mình bầu bạn với nhau, đói no cùng chịu. Má sẽ chăm sóc con chu đáo, không để con khổ ngày nào đâu.
Du khóc như mưa, nó ôm chân má Liễu, van xin, kêu má đưa nó về lại nhà cũ. Bây giờ nhà chỉ còn hai em nhỏ, thêm má nó quần quật làm việc ngày đêm, nó sợ không có ai trông em, nó sợ đòn roi của ông ba dượng sẽ quằn lên tấm thân nhỏ bé của má nó, riết má nó chịu không nổi.
Nhìn thằng bé năm tuổi, hiểu chuyện đến đáng thương, má Liễu chỉ biết ôm nó vào lòng, thổn thức cùng. Má nửa muốn đưa trả lại nó về nhà, nửa lại muốn níu giữ nó lại. Biết đâu thời gian sẽ làm nó nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, gắn kết cuộc sống với má.
Hơn nữa, má tiếc năm mươi triệu tiền gom góp mấy chục năm, má đã đưa hết cho ông ba dượng. Bây giờ trả Du về nhà, khác nào bao công sức của má thành công cốc.
* * *
Tiếng Liên, cô bé hàng xóm nói vọng qua, khiến Du giật mình:
- Ê Du, chiều nay mày không đi học thêm môn Toán nhà thầy Khanh hả?
Du lắc lư cái đầu, nhìn Liên, nheo mắt, tỏ vẻ am hiểu:
- Tao mà phải học thêm, học nếm gì mầy, má tao giỏi Toán lắm à nghen, tối nào mà má chẳng dạy cho tao học. Mày không thấy ở lớp, môn Toán tao toàn điểm chín điểm mười đó sao?
Du lấy cái dáng vẻ tự tin, nhảy phóc xuống khỏi đống củi khô. Nó nhìn Liên với ánh nhìn khinh bỉ. Liên ức trong người, con bé lườm Du muốn cháy hàng mi, nó bước vào nhà, không quên nói một câu đau nhói:
- Cái thứ con nuôi, bày đặt.
Mắt Du ám khói. Nó lầm lũi bước vào nhà. Tiếng má Liễu nhẹ nhàng:
- Vô ăn cơm con ơi, má nấu chín rồi nè!
Du vâng dạ lí nhí trong miệng. Lúc này, nó đang cảm giác bị tổn thương vì lời nói của nhỏ Liên hồi nãy. Nó bê cái mặt bí xị vào mâm cơm. Suốt buổi, nó không nói với má tiếng nào. Thấy thái độ của Du khác lạ, má hỏi dò:
- Con sao thế, có ai lại chọc con à?
Du ngước lên, nước mắt nó nhòe nhoẹt:
- Sao tụi nó cứ trêu con là con nuôi của má hoài vậy?
Má sượng trân. Nhìn Du đầy ái ngại. Má buông đũa, đôi mắt xa xăm, nhìn ra phía con đường mòn. Má bảo, trước nay con vẫn luôn biết con về ở với má trong hoàn cảnh nào, má luôn yêu thương, coi con là một phần không thể thiếu của cuộc đời má.
Má vẫn hứa, một ngày con học hành thành tài, má sẽ đưa con về với má ruột của con. Để má con nhận nhau. Má không có ý định cấm cản con đâu. Nhưng bây giờ con còn nhỏ, con cũng chưa hiểu hết mọi chuyện. Khi con lớn hơn một chút, má sẽ kể hết tất cả cho con nghe. Tổ tông của con, má đâu có cản đường con tìm về.
Du nhìn ánh mắt buồn rười rượi của má, tự nhiên nó thấy mình có lỗi. Không dưng hai má con đang vui vẻ, chỉ vì một câu bông đùa của nhỏ Liên thôi, nó đã vào nhà dằn vặt má rồi.
Nhìn dáng nhỏ bé của má, nó thương vô ngần. Dầu gì má là người thương nó vô điều kiện, nuôi nó bao ngày, công má nó trả bao giờ mới hết.
* * *
Thỉnh thoảng Du ngồi nghĩ miên man về cuộc bắt bớ ngày hôm đó. Nó cảm giác như một bộ phim hành động, li kì và hấp dẫn. Và nó là nhân vật chính, bị hốt đi trong gang tấc. Nhớ về những tháng ngày quanh quẩn bên ngôi nhà ngói cũ kĩ, sáng mở mắt ra đã phải lon ton theo má đi xuống sông lấy lục bình về đan giỏ.
Bàn tay nhỏ xíu của nó, quấn cọng lục bình còn không chặt. Nhưng từ ngày má rước ông dượng về nhà, má đẻ thêm xòn xòn hai em. Thời gian làm việc không có, chỉ quanh quẩn với hai đứa trẻ. Lúc hai em nhỉnh hơn một chút, má thả cho Du trông, rồi đi làm thuê, làm mướn, kiếm cơm cho ba anh em nhà Du.
Thương má tảo tần, mặc dù mới hơn năm tuổi, Du đã biết bắc nồi cơm lên bếp, chờ sôi, khuấy đều và lấy viên gạch đè lên để nồi cơm không đẩy cái nắp rớt ra, má đi làm về đã có nồi cơm sẵn, chỉ việc nấu thêm đồ ăn là xong. Hai thằng em của Du ngó vậy mà ngoan, quanh quẩn bên anh hai suốt ngày.
Má biểu tới tuổi đi học má cho Du lên trường, hai em sẽ đi gửi nhà trẻ, để cho Du được cái chữ. Nhưng vòng luẩn quẩn nối dài, ông ba dượng dăm bữa nửa tháng lại kéo cơn, làm cho mấy má con Du một trận tanh bành.
Trong cơn say, ông hay rủa má Du, chê bai đủ kiểu. Ánh mắt sắc lẹm của ông ta nhìn vào Du như muốn nuốt tươi. Ổng hay bảo “mày là thứ con không cha, tao chả phải cha của mày, nên lúc nào nhìn thấy bóng dáng mày trong căn nhà này là tao thấy ứa gan”.
Những lời ông ba dượng nói, khiến Du đau lòng. Nó nép sau bụi chuối, khóc không ngừng. Và chuyện gì đến cũng đã đến, buổi chiều định mệnh ấy đã kéo Du đi, cho đến tận bây giờ, nó không thể nhớ nổi đường về nhà.
Má Liễu đã có một thỏa thuận ngầm với ba dượng nó từ trước, nhưng mãi cho đến bây giờ, Du vẫn không hề biết chuyện đó. Nó mang ơn má Liễu, vì những ngày tháng bơ vơ của cuộc đời đứa trẻ tội nghiệp, má luôn bao dung, chở che cho nó. Chưa bao giờ nó bị má rầy mình. Những bữa cơm giản dị của hai má con khiến Du cảm thấy yên tâm. Ở đây, ngôi nhà này là tổ ấm thứ hai của nó.
* * *
- Má ơi, con được điểm mười nè má! Má coi nè!
Du chạy băng băng qua cánh đồng, nhảy qua hàng rào tre, ôm cuốn tập điểm mười chạy vội về khoe với má. Má đang lúi húi ngoài vườn, nhổ mấy cây cỏ, nghe tiếng Du háo hức, bà ngưng tay, nhìn theo tiếng la inh ỏi của Du. Nụ cười hiền hậu nở trên môi má. Chưa bao giờ Du thấy má đẹp đến vậy.
Nó nhảy lại qua bờ rào, chẳng thèm đi đường cổng. Lí la lí lắc. Tay không ngừng ngọ nguậy trong túi quần. Qua nay, nó đã gom được mấy chục nghìn, ra đầu ngõ, mua cho má bó bông dù chẳng vào ngày lễ nào cả.
Trong vườn, má nhìn theo bóng Du, cảm giác ấm áp đến lạ...